Thứ Hai, 11 tháng 9, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 300 - THÁNG 8 NĂM 2017 tác giả HÀ QUẢNG




TIỂU THUYẾT “CÕI HỒNG” CỦA BÙI MINH VŨ

  
Bùi Minh Vũ sinh ra và lớn lên ở một làng quê thuộc vùng biển xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, nhưng từ năm 1982, anh đến định cư lập nghiệp và sinh sống tại thành phố Buôn Ma Thuột. Anh là nhà thơ, nhà sưu tầm truyện cố M’nông, nhà biên khảo văn hóa dân gian Tây Nguyên… Bùi Minh Vũ đã ra mắt bạn đọc 14 tác phẩm và sắp in 2 tác phẩm nữa. Vừa rồi anh rẽ lối “sang ngang” thử nghiệm vào thể loại tiểu thuyết và cuốn tiểu thuyết “Cõi hồng” của anh do Nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam ấn hành vào tháng 5. 2017.
Tiểu thuyết “Cõi hồng” có 3 chương, gồm 132 trang. Trong tác phẩm này, anh lấy mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió để làm không gian nghệ thuật. Vì vậy, chúng ta bắt gặp hình ảnh Tây Nguyên trong “Cõi hồng” của Bùi Minh Vũ vào mùa khô “Tây Nguyên bước vào mùa khô. Nước cạn kiệt. Cái nóng râm ran không oi bức như Sài Gòn nhưng hanh heo không kém Quảng Trị…” (trang 36). Bùi Minh Vũ đi nhiều, biết nhiều nên anh có sự so sánh cái nóng của Tây Nguyên với Sài Gòn, với Quảng trị thật thú vị như vậy.
Trong tác phẩm “Cõi hồng”, Bùi Minh Vũ đưa hàng chục nhân vật vào trong tác phẩm, có những kẻ là côn đồ du côn, đến những anh cán bộ tham quyền nhũng nhiễu hách dịch; là những thanh niên, thanh nữ đương thời thích xăm hình vào những nơi có độ nhạy cảm và những người lính sau khi rời quân ngũ không tìm được việc làm ổn định cho cuộc sống đời thường… Những lễ hội của đồng bào các dân tộc Êđê, M’nông ở Đắk Lắk cũng được anh đưa vào trong tác phẩm này.
Chính vì vậy, khi đọc tiểu thuyết “Cõi hồng” của Bùi Minh Vũ, ta cảm thấy như đang sống ở vùng đất Tây Nguyên và biết được nhiều nét sinh hoạt của người dân; đặc biệt là các phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc, được Bùi Minh Vũ thể hiện thật sâu sắc trong mùa lễ hội.
Từ một không gian rộng lớn, Bùi Minh Vũ đưa người đọc đến thành phố Buôn Ma Thuột, nơi anh và gia đình đang sinh sống học tập và làm việc. Thành phố hiện lên trong ngòi bút của tác giả thật thơ mộng: “Buôn Ma Thuột vào đêm, không khí trong lành như thủy tinh xanh. Các quán cà phê đông khách, người ra vào dập dìu. Tôi ghé vào quán cà phê Dubai, nơi tôi và Hưng uống ly cà phê đêm trăng cuối. Từ đây nhìn ra ngoài đường phố Hai Bà Trưng sang trọng với vô số xe ô tô đắt tiền. Đánh bóng cho cung đường này là nhiều khách sạn hạng sang…” (trang 41). Đọc những câu văn như vậy trong “Cõi hồng” của Bùi Minh Vũ chúng ta mới thấy anh sống rất sâu và trân trọng yêu thương đối với thành phố Buôn Ma Thuột thân yêu này.
Trong không gian nghệ thuật đó, tác giả để cho các nhân vật của mình hoạt động một cách thoải mái tự nhiên. Các nhân vật, Bùi Minh Vũ đưa vào trong “Cõi hồng” đều có cá tính, có hoàn cảnh và số phận riêng. Chúng ta có thể bắt gặp các nhân vật ấy hàng ngày trong cuộc sống hiện nay: nơi làm việc, trên đường phố, trong công viên, tại nhà hàng, ở khách sạn, hay các quán cóc cạnh vỉa hè… Người đọc sẽ cảm nhận  riêng về các nhân vật này được Bùi Minh Vũ đưa vào trong tác phẩm của mình tùy theo suy nghĩ và mức độ tiếp nhận của mỗi người.
Trong hệ thống nhân vật ấy, chúng ta bắt gặp Thân và Hưng. Đây là hai nhân vật để lại ấn tượng nhiều nhất trong lòng người đọc và đấy cũng chính là hai nhân vật xuyên suốt theo chiều dài của tác phẩm. Hưng là sinh viên mới ra trường, Hưng mơ ước được đứng trên bục giảng làm cô giáo để truyền thụ kiến thức cho các em học sinh, nhưng ước mơ đấy của Hưng chưa có điều kiện thực hiện được. Hưng phải đi làm gia sư kiếm tiền để sinh sống trang trải hằng ngày cho bản thân và gia đình, đột nhiên Hưng trở thành đối tượng hưởng thụ cho tên côn đồ bợm trợn.
Vì vậy mở đầu tác phẩm người đọc cảm thấy lạnh toát mồ hôi khi đọc hai câu văn của tác giả nói về cái chết của Hưng “Gần nhà hàng T&T sang trọng trên đường Nguyễn Khuyến, nơi tập trung những người có tiền đến để thưởng ngoạn du hí, có một cô gái ra đi đêm qua. Đó là em” (trang 1). Về thế giới bên kia nhưng giấc mơ của Hưng vẫn cháy bỏng, may đâu Hưng gặp được một ông già chỉ hướng để Hưng có điều kiện thực hiện giấc mơ làm cô giáo của mình nơi cõi âm.
Câu chuyện tưởng chừng kết thúc ở đấy, nhưng tác giả Bùi Minh Vũ tiếp tục cho người đọc thấy được hình ảnh của Hưng qua giấc mơ, nối tiếp giấc mơ một cách lờ mờ trong tâm trí của Thân. Thân là người yêu của Hưng. Thân từng là người lính vào sinh ra tử đầy dũng khí nhưng Thân phải “bó tay”, bất lực trước cuộc sống thực tại, bất lực trước công việc được sắp  xếp một cách vô cảm; chàng đành buông xuôi trước những cuộc tranh giành quyền lợi, chán chường trước những cảnh ăn hối lộ, những kẻ nịnh trên nạt dưới; công chức, viên chức có những kẻ làm những việc bất lương.
Trong cuộc sống như vậy Thân đành đánh rơi công việc đời thường khi nào mà chàng không hề hay biết. Nhưng trong tâm trí của Thân lúc này, hình bóng của Hưng vẫn in đậm, hình bóng ấy cứ vẩn vơ chìm sâu vào giấc ngủ, in sâu vào nỗi nhớ của Thân, làm cho tâm trí của Thân  miên man vất vơ, vất vưởng như điên như dại.
Từng câu văn, từng trang chữ mà Bùi Minh Vũ gửi gắm trong tác phẩm “Cõi hồng” là tiếng gọi của trái tim chân thành mong ước cuộc sống được bình yên, những kẻ gian ác phải bị pháp luật trừng trị, những kẻ hiền lành chất phác sẽ được hạnh phúc; và giấc mơ bình dị nhất của con người phải đạt được. Xã hội công bằng văn minh, mọi người thấy được niềm vui trong cuộc sống, mọi người có được việc làm ổn định. Người người được hạnh phúc, nhà nhà được yên vui.
Trong tác phẩm “Cõi hồng” Bùi Minh Vũ tạo những nét nhòe của không gian, thời gian nghệ thuật và tính cách nhân vật cứ xen ngang, xuất hiện chập chùng gợi cảm giác cho người đọc muốn tìm một hình bóng cuối cùng đích thực mà tác giả muốn gửi gắm trong tác phẩm. Bên cạnh đấy chúng ta thấy hàng chục nhân vật mà Bùi Minh Vũ đưa vào trong tác phẩm có hoàn cảnh nghiệt ngã để từ đó tác giả thể hiện tính cách của nhân vật; ý thức của nhân vật vươn lên trong cuộc sống. Điều đặc biệt là người đọc cảm nhận chất thơ trong trang văn “Cõi hồng” của Bùi Minh Vũ. Có lẽ Bùi Minh Vũ là nhà thơ khi chuyển sang viết văn xuôi chất thơ vẫn còn đọng lại và theo sát anh từ đầu đến cuối tác phẩm. Chính điều ấy đã tạo cho người đọc có cái cảm giác nhẹ nhàng khi tiếp nhận “Cõi hồng”.
Tác phẩm “Cõi hồng” của Bùi Minh Vũ đã ra đời, bạn đọc tiếp nhận rộng rãi. Đủ thành phần, đủ lứa tuổi và trình độ của mỗi người cũng khác nhau. Người tiếp nhận mặt này, người tiếp nhận mặt kia. Có người khen mặt này, có người chê mặt kia nhưng đối với tôi, tác phẩm “Cõi hồng” của Bùi Minh Vũ là một tác phẩm đáng trân trọng; chúng ta nên tiếp nhận “Cõi hồng” với niềm cảm thông chia sẻ của một nhà thơ bước đầu thể nghiệm trên tác phẩm văn xuôi, của một thể loại không hề dễ dãi và người viết phải dày công tìm tòi khám phá, đầy đủ bút lực, phải có kiến thức tinh thông và vốn sống phong phú.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI