Thứ Bảy, 16 tháng 9, 2017

MÙA GIEO HẠT truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - BÁO THỜI NAY SỐ: 804 NGÀY 28 THÁNG 9 NĂM 2017




Mặt trời lên cách đỉnh núi Mẹ Bồng Con đến sáu sải tay, thế mà đỉnh chư(1) Pal vẫn quyến luyến với những đám mây trắng chưa chịu rời nhau. Trên triền núi, màu xanh thẳm của rừng già trải dài đến hết cả tầm mắt. Thỉnh thoảng có những cây đại thụ cao vút lên, vượt qua tán lá rừng khoe thân trắng như một dấu sắc nổi bật trên nền xanh. Tiếng bầy chim cu gáy đối đáp nhau hòa thành bản nhạc rừng được đệm bằng những tiếng hú ngân dài của bầy Voọc từ lưng chừng núi vọng xuống làm buổi sáng đẹp hơn lên.
Đã ba buổi chiều liên tiếp trời đổ những cơn mưa đầu mùa ầm ầm như có hàng trăm con voi cùng chạy. Bầu trời đêm đen kịt bị rạch bằng những chớp lửa sáng lòe kèm theo đó là sấm nổ ầm ầm, làm H’Lê Na sợ quá phải níu chặt ami(2) không dám ngồi một mình học bài. Hôm nay chủ nhật, ama(3) mượn thêm mấy nhà cùng buôn lên rẫy gieo hạt. Rẫy tuy rộng, nhưng dốc, thỉnh thoảng có các hòn đá lớn nhô lên và những gốc cây to chưa bị mục nên phải dùng cây chọc lỗ tra hạt. Người lớn dàn hàng ngang, đàn ông đi trước hai tay cầm hai chiếc cây to bằng cổ tay trẻ em, dài một sải, đầu vót nhọn   để thọc xuống đất tạo thành lỗ. Cái khó của người chọc lỗ, các lỗ phải đều nhau và thẳng hàng, hai tay nhịp nhàng tạo các lỗ sâu  độ hai đốt ngón tay, không sâu quá, cây khó mọc; cũng không nông quá dễ bị kiến, và lũ chim đến ăn trộm hạt. Phụ nữ đi sau lấy bắp trong gùi bỏ xuống lỗ rồi dùng chân lấp lại. Tay và chân của người gieo hạt phải đều nhau: tay gieo mỗi lỗ hai hạt, cách xa nhau một chút, gieo xong bàn chân gạt ngang chân lấp đất lại luôn. Nhìn mọi người làm, H’Lê Na có cảm tưởng mọi người đang biễu diễn vũ điệu Tây Nguyên chứ không phải công việc lao động thường ngày.
Lũ trẻ nhỏ chưa biết đi được các ami địu trước ngực vì sau lưng mắc gùi đựng hạt. Bọn trẻ lớn hơn một chút được theo người lớn ra rẫy có nhiều việc phải làm, như giữ em nhỏ hơn mình, hái nấm, nhặt củi... Trời mới mưa, nấm đua nhau đội đất chui lên; có những loại tròn như ngón chân cái, màu đất không có thân; có loại lại xòe tán giống chiếc ô nhỏ màu trắng như viên phấn viết bảng, trông rất đẹp. Trên thân các gốc cây mục, “tai cây” mọc ra từng chùm lớn màu nâu đen… sản vật của Yang rừng tặng; H’Lê Na cùng các bạn đi hái về để trưa nấu canh mọi người cùng ăn.
Thường ngày, “tai cây” tách ra từng cái; còn cây nấm tròn ami rửa sạch, bổ đôi kho với thịt gà, thịt heo ngon lắm. Loại nấm hình như cái ô, rửa sạch, xé nhỏ bỏ vào nấu canh với lá cây chùm ngây rừng mọc ven suối, ngon tuyệt; buổi trưa húp một chén canh thôi, mọi mỏi mệt hình như theo mồ hôi tan đi cả. Mấy đứa con trai thích leo trèo đảm nhận việc hái rau và kiếm thêm các loại quả chín trong rừng về ăn; còn con gái đi hái nấm, kiếm củi để người lớn chuẩn bị buổi trưa. Mỗi người một việc cứ thế mà làm.
-         H’Lê Na!
-         Gì thế?
Nghe tiếng Y Kô gọi, H’Lê Na đang mải cúi hái nấm, giật mình trả lời rồi đứng lên nhìn. Y Kô đến từ lúc nào, hai tay chắp sau lưng, mắt như cười nhưng mồm cố mím lại ra vẻ nghiêm túc. Thấy khuôn mặt của Y Kô có vẻ khác thường, H’Lê Na cảnh giác vì đã bị nhiều “vố” đau của người bạn học cùng lớp ở cạnh nhà. Có lần, mới sáng ra, “hắn” chạy qua bảo: “Có cái này hay lắm, chia đôi nè; xòe tay ra và nhắm mắt lại, đúng rồi, cầm lấy!” “Hắn” đặt một vật nho nhỏ, âm ấm vào tay, H’Lê Na xòe bàn tay nhìn rồi thét lên khi thấy một con chuột con đỏ hỏn; còn hắn thì cười như bắt được thú lớn, chạy biến. Lại có lần “Hắn” qua nhà, hai túi quần căng phồng, mồm nhai quả dâu da rừng thơm phức, nhìn thấy đã trào nước miếng; H’Lê Na xin một quả, “hắn” vênh mặt lên bảo: Đưa tay đây! rồi đặt một con sâu đen to đùng gói trong lá cây vào tay… những việc “hắn” làm như thế, nhiều lắm nên phải cảnh giác không lại bị lừa.
-         Xòe tay ra, cho này.
-         Định giở trò à?
-         Không dối đâu, đưa tay đây.
Nhìn khuôn mặt “hắn” có vẻ tin được, H’Lê Na xòe tay ra, “hắn” đặt một chùm quả vải rừng đỏ tươi dấu sau lưng vào tay rồi nói:
-         Có cái này hay lắm, xem không?
-         Cái gì thế?
-         Đi theo rồi biết.
Tò mò, H’Lê Na theo Y Kô đi về phía cuối rẫy. Đến bên một lùm cây mọc trên đống mối cao ngang đầu người có một đống đất chắc mới được đào lên, xếp cẩn thận thành một vùng rộng. Những viên đất to bằng đầu đũa, tròn như hòn bi, trông rất đẹp mắt xếp lại với nhau. H’Lê Na ngạc nhiên hỏi:
-         Ở đâu ra những viên đất đẹp thế?
-         Có nghe tiếng gì không?
-         Hình như là tiếng ong thì phải.
-         Nhìn phía dưới cái lá vàng kia kìa, thấy cái hang tròn tròn không?
-         A, thấy rồi, có hai con ong bự, mắt nâu đang bò quanh miệng hang.
-         Đúng rồi, biết ong gì đấy không?
-         Không!
-         Ong chằn đấy.
-         Ối!
Nghe Y Kô nói, H’Lê Na giật mình. Từ lâu, khi ngồi bên bếp lửa nướng bắp và nghe kể chuyện, có lần nhắc đến loài ong đất mà người Kinh còn gọi ong chần hoặc ong chằn, thân to như ngón tay út, mắt nâu, mình màu đen có khoanh nâu đậm vòng ngang eo bụng. Loại ong này kinh khủng lắm, khi gặp phải tránh xa, không trêu chúng được. Trong buôn có nhà buổi tối không thấy con trâu đực đầu đàn về chuồng; sáng hôm sau đi tìm khi lên bìa rẫy thấy ong bay như vỡ tổ, lại gần chỉ thấy cái sọ trâu và còn bộ xương; một bầy ong đất đông đúc đang gặm nốt những miếng thịt còn dính vào xương mang đi. Nhìn kỹ mới biết con trâu không may dẫm vào tổ ong đất, thụt chân sau xuống nên bị bầy ong đốt chết rồi xẻ thịt ăn luôn. Chỉ một đêm thôi, thịt da bị ăn hết nhẵn. Có lẽ vì sự tàn độc đến ghe gớm ấy mà người ta gọi nó là ong chằn giống như chằn tinh.
Y Kô giơ tay nắm áo H’Lê Na giật nhẹ, nói nhỏ:
-         Ta đứng xa và không đụng đến tổ nó, nó không làm gì đâu.
H’Lê Na căng mắt quan sát cửa hang, thỉnh thoảng có con ong từ trong tổ bay vút lên cao; lại có con ong từ trên trời dùng chân túm một con sâu màu xanh lét bay về cửa hang, giơ hai chiếc râu dài mọc trên đầu màu nâu đen chạm vào râu của con ong bên cửa hang trước khi bò vào trong. Cái nghi thức của loài ong này thật lạ và hình như là điều bắt buộc phải chạm râu chào nhau trước khi vào hang thì phải, nhìn thấy cũng hay hay. Y Kô nói nhỏ:
-                     Để lũ ong này sống ở đây nguy hiểm lắm, ta kiếm ít cỏ khô chất xung quanh, ăn cơm trưa xong lại châm lửa đốt đuổi chúng đi.
-         Nhưng những con trên trời bay về thấy tổ bị đốt, nó trả thù thì làm sao?
-                     Bó cỏ lại từng bó nhỏ, chặt cây le dài đẩy từ từ từng bó lại gần cửa hang lũ ong sao biết được. Khi chất đầy cỏ xung quanh xong, châm lửa bén vào thì… chạy đi thật nhanh, lo gì.
-         Sợ lắm, không trêu chúng được đâu.
-         Nhát thế, về trước đi.
H’Lê Na về lều chuẩn bị bữa trưa với mọi người, Y Kô ở lại một mình vơ cỏ, lá khô thực hiện ý định của mình.
*
**
Sau bữa cơm trưa có thêm những quả dâu da và vải rừng chín mọng ăn thêm, mọi người vui vẻ trò chuyện, quên cả cái nắng oi bức báo hiệu sắp có cơn mưa chiều. Y Kô và mấy đứa con trai rủ đi cùng, H’Lê Na lắc đầu:
-         Sợ lắm!
-         Đúng là… con gái, nhát như thỏ rừng.
Y Kô bỉu môi, ra vẻ coi thường định bước đi, Ama(3) đang nói chuyện với mấy người quay đầu lại nói:
-         Giữa trưa định đi đâu?
-         Y Kô định đi đốt tổ ong đất phía cuối rẫy đấy.
-         Không được đâu!
-         Sao vậy ạ?
Y Kô ngạc nhiên hỏi lại, ama H’Lê Na nghiêm mặt nói:
-                     Ban ngày đốt tổ, những con ong đang đi kiếm ăn kéo về thì không chỉ các cháu mà tất cả mọi người ở đây đều bị chúng tấn công, phải bỏ rẫy mà chạy đấy. Ong đất  là loài ăn thịt, có tổ ong gần rẫy, các loại sâu bọ sẽ bị ong bắt hết không sợ bị sâu phá hoại, cây cho nhiều quả; vì thế phải bảo vệ tổ ong chứ sao lại phá đi. 
Nghe ama nói, cả bọn cứ trợn tròn mắt ra nhìn vì bất ngờ; ama cười nói thêm:
-         Nghỉ trưa rồi chiều xuống suối bắt cá và hái ít rau mang về làm cơm chiều.
Cả bọn dạ ran, kéo nhau chạy xuống suối. Xa xa tiếng hú gọi nhau của bầy voọc vọng đến làm không gian như bớt đi nóng nực.
Mùa thu 2016
Chú tích:
1.     Chư: núi – tiếng Ê đê;
2.     Ami: má – tiếng Ê đê;
3.     Ama: ba – tiếng Ê đê.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI