Thứ Ba, 26 tháng 9, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 301 - THÁNG 9 NĂM 2017 tác giả TRÚC HOÀI

Bạn đọc đã từng biết tác giả Trúc Hoài với tiểu thuyết Từ Sông Krông Bông (Giải A Chư Yang Sin lần thứ 2), với vốn kiến thức dồi dào và sức sáng tạo không ngừng nghỉ, năm nay, tác giả tiếp tục trình làng tiểu thuyết Số phận gia đình. Tác phẩm tiếp tục viết về đề tài chiến tranh cách mạng, thể hiện quá trình đấu tranh gian khổ và đầy mưu lược, dũng cảm của quân và dân Tây Nguyên trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Tạp chí Chư Yang Sin hân hạnh giới thiệu đến bạn đọc một trích đoạn của tác phẩm này.



SỐ PHẬN GIA ĐÌNH
(trích)


 II.
 Ở mảng rừng già chạy dọc theo Quốc lộ 21, cách Buôn Ma Thuột trên dưới hai mươi cây số, quanh năm đội công tác đều lận đận với việc tìm chỗ đóng quân. Bao nhiêu trường hợp đáng tiếc đã xảy ra cũng xuất phát từ việc tìm kiếm này, nên bây giờ đội đã có kinh nghiệm nhiều hơn.
Lúc nào cũng phải chốt tại một nơi có nước. Trong rừng già vùng này thường chỉ có suối nhỏ. Ở cách nước vài chục bước, hay vài chục mét, cả trăm mét, đều tùy nơi mà ứng phó. Muốn có nước ăn uống, phải xé rừng cả trăm mét thì bất tiện quá. Mà đây lại là trường hợp thường gặp vào mùa khô. Qua năm tháng chiến tranh, bọn thám báo, biệt kích cũng trở nên khôn ranh, quỷ quyệt hơn nhiều. Vào mùa khô, khi hành quân thăm dò địa điểm đóng quân của các đội công tác có quy mô số lượng nhỏ hay các đơn vị chủ lực, chúng đều men theo các con suối có nước hoặc men theo các bờ sông; lúc ngược, lúc xuôi dòng, khó lường được. Một người tắm giặt trên suối đều phải tính trước tình huống nguy hiểm có thể bất chợt ập tới.
Thứ đến, đội công tác cũng phải chốt tại một nơi mà từ đó khi xuất quân, đến xẩm tối mới vượt qua được vùng rẫy trống bát ngát để đến chừng sáu giờ rưỡi hay bảy giờ tối vô tới địa bàn công tác. Tới địa bàn sớm hơn không được bởi khi còn ban ngày ban mặt thì không thể vượt qua rẫy trống, còn nếu đến muộn hơn thì chưa làm việc được bao nhiêu với các đối tượng đã định trước thì đã nửa đêm gà gáy, bất tiện vô cùng, muốn hay không cũng phải lui quân vượt khỏi rẫy trống trước khi trời sáng.
Cứ vài tháng phải thay đổi chỗ đóng quân, không ai bảo đảm chắc chắn là  chỗ ở này bọn thám báo đã hay chưa mò tới, chúng có gài mìn đâu đó tại các lối mòn hay chôn lựu đạn trong tro bếp hay không? Biết đâu, vào nửa đêm, pháo 105,155 ly cấp tập nã đạn tới? Biết đâu, lúc mờ sáng, hai chiếc AD6 lao đến đạp bom?
Thượng sách hơn cả là xem chừng vài ba tháng, đến chốt nơi khác. Lần này, đội công tác vùng ven của thị ủy Buôn Ma Thuột có mật danh là BĐ4 bất ngờ phải chuyển chỗ đóng quân lại bởi một lý do hoàn toàn khác. Ba bốn chiếc xe reo khai thác gỗ đã mở đường đi cách chỗ đội đang ở chỉ chừng vài chục mét.
Lần này đội bám trụ trong địa bàn hai ngày liên tục để mở một khóa tuyên truyền cho nhóm thanh niên ba người từ Buôn Ma Thuột ra. Một đồng chí huyện ủy viên được cử xuống giảng bài. Anh chị em trong đội làm nhiệm vụ cảnh giới, bảo vệ. Ăn ngủ, học hành đều diễn ra dưới tán lá cà phê um tùm, muỗi nhiều như trấu. Mở lớp học trong lô cà phê rộng mười mấy hecta, thì bọn thám báo cũng khó mà dòm ngó được. Nếu có động tĩnh gì thì dân liền lên ám hiệu bằng cách chửi chó, la mèo gì đó. Đến gần sáng đội mới rời khỏi địa bàn, do phải tránh rẫy trống, xuyên đường rừng mà đi, nên đến trưa mới về tới nơi, đành kiếm chỗ khác.
Sau khi bật khỏi nội thị vào đầu năm 1969, Bảng được trưởng ban an ninh tỉnh xin ý kiến của Bí thư tỉnh ủy và Bí thư Thị ủy, nhất trí phương án chuyển anh đến đội công tác BĐ4, giữ trách nhiệm đội phó, chuyên theo dõi các mối cơ sở đặc thù của tuyến an ninh. Đội trưởng đội công tác đặc biệt này là một đồng chí Thường vụ Thị ủy. Đội BĐ4 trước có bảy người, hy sinh hai, nay còn năm người, trong đó có một nữ. Giờ thì họ đi rất chậm trong rừng, nét mặt ai cũng trở nên trầm ngâm, bởi ai cũng đang bị một câu hỏi xoáy vào tim óc là tìm chỗ đóng quân mới ở đâu? Đến xế chiều họ mới dừng lại bên con suối đá, nước trong leo lẻo để nấu cơm ăn. Chỉ có vào lúc chờ cơm chín, các ý kiến mới được đưa ra bàn bạc sôi nổi, để rồi nhất trí chọn một nơi khá gần cứ điểm pháo binh của Mỹ trên đỉnh đồi Chư Mleo. Tại đây, từ bìa rừng, lúc sáu giờ chiều có thể vượt qua vùng rẫy trống để vào địa bàn. Đấy là đề xuất của một cậu người Êđê chừng hăm hai tuổi, cho rằng ở ngay trong nách thằng pháo binh Mỹ, chúng nó đâu có ngờ, nên an toàn lắm; lúc nào thấy động tĩnh gì bất lợi thì xách gói nhót đi chỗ khác. Không có sợ đâu.
Mọi người đều biết chỗ ở mới, trước đây có phần e ngại bởi nó gần địch quá, nay quen rồi, cứ ở một thời gian rồi tính tiếp. Một cây cổ thụ đứng sát vách núi, cành lá rậm rạp vươn lên cao che lớp cây dày đặc phía dưới, cây nào thân cũng bằng bắp vế, cao không dưới mười mét. Ngay sau lưng cây cổ thụ, một hang đá ăn sâu vào vách núi chừng ba, bốn mét, trần chỉ cao quá đầu người, là nơi trú ẩn lí tưởng.
Mới để ba lô xuống, có người đã hỏi:
- Ai có món gì không hè, bày ra đây khao mừng nhà mới?         
Một người khác nói:
- Chút nữa tối trời, kiếm con cheo ở đây chắc không khó.           
Một người nữa lên tiếng phản đối :
- Có điên mới nổ súng bên tai bọn nó. Thẳng đường chim bay, từ đây đến bãi pháo chắc bốn năm trăm mét chứ đâu có xa.
Lăn lóc địa bàn nhiều năm nên chẳng thấy một ai lo lắng chi cả. Bây giờ lo nấu cơm, treo võng. Nước ở ngay dưới chân, con suối đầy môn dóc.
Ăn cơm xong, ngoài rừng cây tối đen chẳng kém trong hang sâu là bao. Lựa chỗ khá bằng phẳng trong hang, đốt một đống lửa nhỏ. Hang ấm dần và vui hẳn lên.           
Anh cán bộ tuyên truyền tên Hồng Sơn tươi cười nói:
- Nói khao mừng nhà mới cũng có lí. Tôi có gói Blao hảo hạng đây. Nhớ để nước sôi trăm độ.
Khi tấm bạt rộng bằng tấm tăng che võng được trải gần lửa, mọi người đều xúm lại. Không ai bảo ai, thế mà ai cũng lục trong ba lô, lấy ra cái mình có sẵn. Một bánh kẹo đậu phộng tráng mật to chắc bằng hai bàn tay được bẻ làm đôi, đặt trên lớp lá chuối đã hơ lửa. Chừng một vốc thuốc rê trong túi vải nhỏ. Khoai lang luộc xắt từng miếng bằng ngón tay, phơi vài ba nắng cũng là thứ lương khô có giá. Chỉ còn chờ nước sôi.
Anh Hồng Sơn cầm gói trà trên tay, hỏi mọi người :
- Ai biết pha trà cho ngon?
Nhiều tiếng ồ lên có vẻ ngạc nhiên. Cậu Y Kho người Êđê cười vui vẻ rồi nói bằng giọng của người sõi tiếng Kinh :
- Anh Bốn Sơn cứ giỡn hoài, lính chiến trường thì ai không rành cái mục trà lá.
Anh Hồng Sơn xua tay ngắt lời Y Kho :
- Đâu phải, đâu phải. Còn tùy tay người pha. Cũng là cà phê, cũng là trà hảo hạng, lại có người pha chế ngon, có người làm dở ẹt. Trong đồn điền địa bàn mình đây có con nhỏ bà Sáu Hạnh mát tay số một, trà cám bỏ đi nó pha cũng ngon...
Anh Hồng Sơn không ngờ mấy lời của anh lại mở đầu cho một cuộc đối thoại rôm rả tiếp theo.
- Trời ơi, anh Bốn nói sao lạ. Con gái bà Sáu Hạnh lớn tồng ngồng, chắc hăm mốt hăm hai tuổi rồi, chứ sao kêu nó là con nhỏ. Có lắm, anh hơn nó năm bảy tuổi là cùng.
- Hèn chi tui thấy bà Sáu Hạnh sai con gái ra vườn hái chanh làm cho anh Bốn một ly nước. Bà Sáu còn biết cái nghề của anh Bốn hao hơi, khản tiếng lắm.
- Trà ngấm rồi đó. Để tui làm mấy hớp, coi thử trà lài Bảo Lộc có sánh được với trà Đại Từ, Thái Nguyên không?
Cái bình inốc sáng lóa có chữ USA và cái niềng cũng bằng inốc bao quanh thân bình vốn được dùng cho hàng sĩ quan lính Mỹ. Bây giờ nó bỏ được đến hai nắm trà vô bình, chế đầy nước rồi úp dốc ngược vừa vặn xuống miệng cái ca có quai cầm. Nước trà từ cái ca được rót ra bao nhiêu thì nước trong bình lại hạ xuống bấy nhiêu, không bao giờ nước tràn miệng ca. Đấy là cách pha trà thường thấy ở chiến trường, có tên gọi là trà úp. Thường trà được pha đậm, chỉ cần uống một hớp khi hành quân giữa trưa nắng nóng, ý vị biết bao nhiêu.
Một cậu tên Quỳnh lên tiếng :
- Bây giờ mình chơi dân ca ba miền đi.
Mọi người hưởng ứng, vừa cười vui vừa ăn kẹo đậu phộng, ăn khoai lang, hút thuốc rê, uống nước trà bằng chén sành sứ thường ngày dùng ăn cơm; một ông lão cơ sở trong đồn điền hôm nọ cho đội một chục chén với lời lẽ càm ràm: “Ai lại ăn cơm bằng ca US, thiệt không giống ai”.
Cậu Quỳnh lại lên tiếng đề nghị :
- Anh em mình giành cho phụ nữ thử giọng trước. Bài chòi Bình Định nghe cũng hút hồn lắm.
Cô Quy người Bình Định, trẻ nhất đội, ở tuổi hăm mốt. Nghe Quỳnh giới thiệu, Quy chối đây đẩy :
- Thì anh Quỳnh là ca sĩ của đội, anh ca trước, chớ giọng quê mùa của em thì để sau.
Hồng Sơn đồng tình với Quy và nói thêm:
- Phải đấy, cậu Quỳnh mở màn một bản. Tui nghe đồn cậu ca bản Dạ cổ hoài lang mùi mẫn lắm mà.
Quỳnh với tay lựa trong đống củi ra một đoạn cây dài chừng nửa thước, to bằng cổ tay, rồi nói :
- Ca bản Dạ cổ hoài lang mà thiếu đàn kìm là không đúng ý nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Giờ mình xin cầm cây đàn này để giữ nhịp lời ca.
Rồi anh cất giọng buồn buồn, tâm đắc:
Từ, (là) từ phu tướng
Báu kiếm sắc lên đàng
Vào ra luống trông thơ nhạn
Năm canh mơ màng
(Trông ngóng) trông tin chàng
Gan vàng lại càng thêm đau
Lòng dầu say ong bướm
Xin cũng đừng phụ nghĩa tào khang
Đêm luống trông tin bạn
Ngày mòn mỏi như đá vọng phu
...
Đến đây Quỳnh dừng lại, nét mặt đầy cảm xúc. Anh chợt nói :
- Thôi, chắc mình không nên ca tiếp. Bản này buồn quá. Anh em mình phải vui, khí thế...
Mọi người đều im lặng, cuốn hút theo giọng của Quỳnh. Chỉ một lát sau, Quỳnh nói tiếp bằng một giọng sôi nổi mà vẫn giữ đều đều :
- Hồi đó ở Sài Gòn, tôi đang học tú tài, tham gia phong trào xuống đường, hát cho dân tôi nghe của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn. Tôi quen các anh Huỳnh Tấn Mẫm, Tôn Thất Lập. Tôi quá mê nhạc phẩm có giai điệu rất đẹp của anh sinh viên Trương Quốc Khánh.
Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng
Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương
Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm
Nếu là người, tôi sẽ chết cho quê hương.
Cả đội nhịp nhẹ tay, hát theo. Người không thuộc lời bài hát thì cứ lắc đầu, ư a... cuốn hút.
Về tiểu sử của Quỳnh không phải chỉ vắn tắt mấy dòng như anh tự giới thiệu mà còn lắm lênh đênh, không kém phần hấp dẫn. Quê quán tận ngoài vùng mỏ Hòn Gai, vịnh Hạ Long. Ông bố rất mê cải lương. Một hôm có gánh cải lương Lúa vàng từ Hà Nội đến mỏ biểu diễn. Ông kéo bà vợ đi xem, suốt buổi bỏ bà ngồi một mình, còn ông biến đâu mất. Rồi cũng không biết sự tình nếp tẻ ra sao, bà chủ gánh hát lại nhận ông vô giữ chân kéo màn cho các vở diễn. Lúc ấy vào cuối năm 1954, ông kéo vợ và thằng con mười tuổi theo gánh hát vô Sài Gòn. Mẹ Quỳnh bán xôi và sinh tố tại một con hẻm nhếch nhác kề chợ Phú Nhuận. Mười năm lớn lên ở đất Sài Gòn, anh mê cải lương như bố, rồi gặp người của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn khi học đệ nhất cấp. Từ ấy, anh cuốn theo phong trào hát cho dân tôi nghe của Tôn Thất Lập... Khi anh cầm được bằng tú tài toàn phần, nhân chuyến lên Buôn Ma Thuột thăm cậu em phía vợ, ông bố dẫn anh theo, coi chuyến đi là một phần thưởng. Ở Buôn Ma Thuột mới năm ba ngày, Quỳnh bỗng dưng thấy có cảm tình với cô con gái bà bán quán ở đối diện nhà ông cậu, trên đường Nguyễn Trãi, một con đường đất bụi mù. Quỳnh vui miệng nói với ông cậu: Cô con gái đó pha cà phê ngon nhất nhì thiên hạ. Do vậy nên ông cậu giữ Quỳnh lại chơi thêm mấy bữa, bố Quỳnh về trước. Nhưng rồi cái “mấy bữa” đó đã trở thành cả tháng, có lần cô gái rủ anh đi hát cùng nhóm du ca của cô, lang thang đến vài ba buôn ven Buôn Ma Thuột. Cô gái tên Phượng ấy đã hút hồn Quỳnh. Sáng sớm nào đến quán, không thấy mặt Phượng, anh đứng dậy gửi tiền rồi lặng lẽ ra về, không hề một lần nhấc ly cà phê lên miệng. Những lần như vậy, suốt ngày anh ngẩn ngơ… Rồi anh nhận một tin đến độ bàng hoàng…
Cô Phượng đã xuống tóc đi tu, suốt ngày quét bông sứ rụng trắng sân chùa có tên Linh Sơn Tự, một chùa mới xây của một thầy quê Buôn Ma Thuột nhưng đã tu tập tại Linh Sơn Tự bên Đà Lạt có đến mười lăm năm. Vậy là Quỳnh đã yêu một ni cô... May sao ông cậu Quỳnh là một cơ sở của Thị ủy Buôn Ma Thuột, ông không khó khăn khi bố trí cho Quỳnh thoát ly giữa lúc cảnh sát Lạc Giao kiểm tra gắt gao thẻ căn cước...
Chuyện tình với ni cô Phượng, Quỳnh chưa một lần thổ lộ với ai ở đội công tác. Cũng chắc bởi do tình cảm từ cuộc tình mà giọng hát của Quỳnh bỗng sâu đậm hơn...
Đến lượt Quy, cô rút trong túi áo bà ba ra hai chiếc muỗng  nhôm cán dài. Đó là đồ nghề để gõ nhịp khi cô hô bài chòi. Sau mấy nhịp gõ, Quy lên giọng điệu sắc búa:
Chiều chiều ra đứng ngõ sau...
Ngay lúc đó, một tiếng nổ chát chúa của quả đạn pháo 105 bay rú qua đỉnh ngọn đồi có hang lõm họ đang ngồi. Không ai ngạc nhiên, bởi họ đã quen từ chín giờ tối, trận địa pháo đồi Chư Mleo bắn cầm canh cho tới năm giờ sáng ngày hôm sau; cứ bốn mươi lăm phút một loạt ba quả..
Quả đạn pháo thứ ba vừa bay qua, Y Kho lên tiếng ngay :
- Mấy anh thấy cái miệng mình nói có trúng không, ở sát nách thằng địch thì không sợ gì hết. Mình ngồi uống trà sát nách nó, nó muốn bắn bao nhiêu thì kệ cha nó.
Sau ý kiến của Y Kho, đối thoại qua lại bên lửa có phần sôi nổi hơn.
- Ừ thì nó bắn là việc của nó, uống trà với ca hát là việc của mình. Việc ai nấy làm mà.
- Ơ...ơ...mấy anh có nghe tiếng B52 không? B52 vừa bay vừa khóc, thiệt đấy. B52 định rải bom xuống đầu anh em mình, nhưng qua kính viễn vọng, nó thấy anh em mình ở liền kề với đồng đội của nó, nên nó đâu dám đạp bom xuống. Nó chỉ biết khóc rồi bay thằng ra biển, đổ hết bom trước khi về căn cứ.
- Hèn chi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ thị cho lính ta áp dụng chiến thuật đánh gần, cứ nắm thắt lưng địch mà đánh.
- Ông Thanh quả là một người tài. Hồi còn ở ngoài Bắc, ông ấy đi đến đâu , phong trào ở đó nổi nên như cồn. Phong trào Cờ Ba nhất, Sóng Duyên Hải, Gió Đại Phong đều do ông ấy phát động. Vào Nam thì đưa ra chỉ thị nắm thắt lưng thằng Mỹ mà đánh. Ấy, hôm trước đài phát thanh giải phóng đọc như vậy mà.
Nước mình nhỏ mà lắm tướng tài. Mấy anh bên chủ lực E52 đóng quân gần đồn điền Mê Van còn nói có ông tướng Lê Trọng Tấn nào đó hết sức tài giỏi, được mệnh danh là Giucốp Việt Nam. Ối dào, ông anh này hỏi chán bỏ xừ. Thì là ông Giucốp, nguyên soái của Liên-Xô, chỉ huy đánh tiêu diệt phát xít Hít-le tận hồi năm 1945, chớ ai nữa. Bình trà đâu rồi, cho tớ mấy hớp nữa đi. Cái món khoai lang  nghệ này mà ngon hết ý. Có còn nữa không cô Quy, cho tớ một nắm.
- Thôi thôi, các tướng lớn tiếng quá, coi chừng mấy thằng thám báo lẩn quẩn đâu đây...
- Ối giời, đâu có cái chuyện đó. Ban ngày ban mặt, cực chẳng đã bọn nó mới mò vô rừng... Tù binh còn cho biết lính trung đoàn 45 khi hành quân vô căn cứ kháng chiến Krông Bông, có hỏa lực yểm trợ tối đa, mà vẫn sợ, dái muốn thọt lên cổ. Còn mấy thằng lính Mỹ thì điên ráo trọi. Đời một người quý biết bao nhiêu, sao tụi nó không biết sống cho tử tế để làm một người lương thiện, mà chỉ ôm mộng chém giết các dân tộc khác.
- Ừ nói vậy thôi chứ mình đề phòng cẩn thận vẫn hơn.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI