Thứ Năm, 7 tháng 9, 2017

GIỚI THIỆU TẠP CHÍ CHƯ YANG SIN SỐ: 300 - THÁNG 8 NĂM 2017 tác giả LÊ THÀNH VĂN

Sổ tay Thơ:


EA SÚP


Ea Súp rừng 
trong ký ức tôi
cây hội hè cây 
cây cưới nhau lớp lớp
chim lượn như mây
chim chuyền cành líu lo hợp xướng
công bảy sắc lên đồng múa với hươu sao

Ea Súp làng buôn
sóng chiêng cuộn trào
voi thậm thịch thay người giã gạo
ama thả vào chiều tiếng sáo
lũ sóc nâu quấn quýt quanh người
những mái tranh thơm khói cá nướng trui
cô gái Ê-đê gọi trăng lời ay-ray ngọt lịm
chàng trai Gia-rai chờ bên gốc kơ-nia bịn rịn
mùi tóc em thơm lẫn với hương rừng

Ea Súp suối trong ôm bóng tháp Chàm
thần Si-va gửi hồn trú ngụ
vũ nữ biết kể khan bên bếp lửa
cây quanh nhà, voi trước cửa cũng mê khan

Ea Súp bây giờ
bát ngát lúa vàng
đã trĩu mùa xoài 
đã dọc ngang phố xá
nhưng đừng nói chuyện rừng mà ama buồn bã
đừng nói chuyện voi để amí phải thở dài
giờ Ea Súp không rừng
Ea Súp chẳng còn voi
Ea Súp hoàng hôn câu hát xưa rơi
không ai nhặt đặt lên môi như ngày trước
không ai ngồi kể khan tàn củi bếp
tháp Chăm buồn vũ nữ chẳng còn ai

Ea Súp chiều nay gió nóng thổi ù tai
bụi đỏ tháng hai phủ lên mầm xuân biếc
bạn khoe lúa khoe nhà những đổi thay trời đất
tôi nhớ rừng nhớ bước chân voi 
cùng cụng ly mà kẻ vui cười 
người rưng lệ rượu như mật đắng!

Đầu Xuân 2017
ĐẶNG BÁ TIẾN

LỜI BÌNH:           
                                RƯỢU ĐẮNG LÒNG THƯƠNG EA SÚP RỪNG XƯA
           
Tôi gọi Đặng Bá Tiến là "Nhà thơ của rừng", bởi anh có hẳn một trường ca Rừng cổ tích đầy chiêm nghiệm, thấm đượm cảm xúc, tạo được sự đồng vọng trong lòng bạn đọc trước hiện thực đời sống khi mà con người đã quá vô tâm đối xử với rừng. Chính mảnh đất rừng thiêng Đắk Lắk đã nuôi dưỡng tâm hồn và chưng cất cho trái tim tác giả có được những trải nghiệm giàu chất nhân văn ấy. Bài thơ Ea Súp có thể xem như một vạt rừng còn đọng lại, miên man trong tâm khảm bấy lâu, giờ có điều kiện nảy mầm xanh trên trang viết.
Thi phẩm có cấu trúc gồm năm khổ, ba khổ đầu dành cho hoài niệm về một Ea Súp của vẻ đẹp núi rừng hoang dã, Ea Súp của làng buôn xưa cũ nên thơ, Ea Súp của tháp Chàm ngự trị nhuốm màu huyền thoại; hai khổ cuối là một Ea Súp hiện đại và sung túc, đan xen vào đó là niềm vui của con người và nỗi niềm hoài cảm của nhà thơ trong giây phút xót lòng rưng rưng với li rượu ngày xuân đắng chát. Bằng thể thơ tự do khá bay bổng, nhờ đó mạch thơ bắt đầu rất tự nhiên, khoáng đạt dễ đưa ta về một Ea Súp ngày xưa bạt ngàn màu xanh cây lá. Trong ký ức tác giả, rừng hiện lên không đơn giản chỉ là sự cộng lại thuần túy của nhiều cây cối, trùng trùng lớp lớp một cách tự nhiên; rừng ở đây mang vẻ đẹp của niềm vui sum vầy, của sự kết nối và giăng mắc đầy ý thức. Đó là cuộc tìm kiếm hữu tình của cái đẹp giữa các loài cây với nhau, cùng hội ngộ về một vùng đất để rồi xây nên không gian rừng xanh thẳm điệu tình riêng:
Ea Súp rừng 
trong ký ức tôi
cây hội hè cây 
cây cưới nhau lớp lớp
chim lượn như mây
chim chuyền cành líu lo hợp xướng
công bảy sắc lên đồng múa với hươu sao
Các từ ngữ "hội hè", "cưới" được đặt rất đúng chỗ, diễn tả khá thú vị sự xoắn xuýt, đan cài vào nhau giữa muôn ngàn cây cối của rừng. Nghệ thuật nhân hóa nhờ thế cũng phát huy được tối đa giá trị biểu cảm, khiến cho mỗi cây cành như một thực thể sống động gần gũi yêu thương với con người. Có rừng xanh cây cối giao hòa nên muông thú cũng tìm về "chuyền cành líu lo hợp xướng". Ở khổ thơ đầu, cái ấn tượng rất khó phai khi đọc là sắc màu và âm thanh thật đậm đặc: màu xanh của rừng, màu trắng của mây và bảy sắc màu của chú công đang múa...; đặc biệt là âm thanh của tiếng chim vang vọng thành bầu hợp xướng khắp đất trời Ea Súp làm nên vẻ đẹp của núi rừng hoang sơ, kỳ thú. Một đoạn thơ ngắn mà như thấy cả không gian huyền diệu của quá khứ hiện về khơi niềm hoài cảm, luyến thương.
Nếu khổ thơ đầu là vẻ đẹp của núi rừng Ea Súp lấp lánh sắc màu và âm thanh của thiên nhiên hoang dã thì đến khổ thơ thứ hai, tác giả đưa ta về với không gian buôn làng nên thơ và mơ mộng, mang vẻ đẹp thần tiên giữa chốn trần gian mê hoặc lòng người. Tiếng chiêng cuộn trào như sóng dâng mùa lễ hội, bước voi thậm thịch thay người giã gạo ngày vui, tiếng sáo của ama thả vào bầu trời chiều trong xanh biêng biếc... Tất cả hài hòa, luyến láy, vui vầy trong một niềm bâng khuâng khó tả. Giữa không gian thanh bình và yên ả của buôn làng xa xưa ấy, nhà thơ Đặng Bá Tiến đặc biệt khơi gợi cảm xúc về tình yêu nhiệm màu của đôi lứa thần tiên. Không hiểu sao đọc đến đây tôi lại nhớ đến ca từ trong ca khúc Giấc mơ Chapi của Trần Tiến, ngọt ngào và mê đắm: "Ở nơi ấy đàn dê trắng nhởn nhơ quanh đồi/ Một mái tranh nghèo, một nhà sàn yên vui/ Ở nơi ấy họ đã sống cuộc sống yên bình/ Ai nghèo cũng có cây đàn Chapi". Phải chăng đó là một thế giới đại đồng, vui tươi và thân ái, chỉ có tình yêu ngự trị trên đỉnh nhân gian này? Khát vọng của hai tác giả, một nhạc sĩ, một nhà thơ gặp nhau như một chút lương duyên cùng hướng đến tình yêu lãng mạn và niềm trân trọng đối với hạnh phúc con người:
cô gái Ê-đê gọi trăng lời ay-ray ngọt lịm
chàng trai Gia-rai chờ bên gốc kơ-nia bịn rịn
mùi tóc em thơm lẫn với hương rừng
Ôi phải chăng chính thế giới thần tiên kỳ diệu của buôn làng một thuở Ea Súp xưa đã đánh thức trái tim của thần Si - va cũng tìm về trú ngụ! Bóng tháp Chàm trầm tư được nhà thơ lồng vào ở khổ thơ thứ ba, tuy có tính phác họa, song đã dựng lên một Ea Súp trầm mặc, mang mang nỗi niềm hoài cổ, nhờ đó tứ thơ mở ra một chiều kích mới, lắng sâu hơn bởi niềm rung động thiêng liêng về một nền văn hóa suy tàn:
Ea Súp suối trong ôm bóng tháp Chàm
thần Si-va gửi hồn trú ngụ
vũ nữ biết kể khan bên bếp lửa
cây quanh nhà, voi trước cửa cũng mê khan
Ba khổ thơ đầu là ba vẻ đẹp của không gian huyền diệu, nhuốm màu cổ tích về một Ea Súp đại ngàn hoang dã. Hình ảnh thơ cổ kính, giàu nét khơi gợi. Giọng thơ dịu nhẹ, ân tình như chút niềm riêng của nhà thơ về một vùng đất cổ xưa giàu bản sắc. Nhìn tổng thể cấu tứ tác phẩm, nghệ thuật đối lập mới là chủ đạo. Dẫn dụ chuyện xưa để nói chuyện nay, nói chuyện rừng "cây hội hè cây/ cây cưới nhau lớp lớp" cũng chỉ là để cảm thán cho nỗi mất mát lớn lao về không gian rừng mà Ea Súp đang đối diện. Đau đớn và xót xa lắm chứ! Dù hiện tại đời sống có sung túc, đủ đầy về vật chất với "bát ngát lúa vàng/ đã trĩu mùa xoài/ đã dọc ngang phố xá", nhưng biết tìm đâu một Ea Súp ngày xưa thanh bình, hạnh phúc và tươi đẹp như cõi mơ. Cảm khái quá khứ và bất an trong hiện tại, nhà thơ đã không kìm nén được lòng mình, bao nhiêu day dứt cứ hiện lên rưng rưng qua từng câu chữ:
giờ Ea Súp không rừng
Ea Súp chẳng còn voi
Ea Súp hoàng hôn câu hát xưa rơi
không ai nhặt đặt lên môi như ngày trước
không ai ngồi kể khan tàn củi bếp
tháp Chăm buồn vũ nữ chẳng còn ai
Tôi có cảm tưởng mỗi dòng thơ là một dòng nước mắt uất nghẹn tuôn trào trong lòng tác giả. Cảm xúc càng dâng đầy, sự tố cáo về hành vi hủy hoại môi trường của chính con người càng thêm sâu sắc. "Ea Súp không rừng/ Ea Súp chẳng còn voi" là một sự thật, một sự thật đau đớn và lạnh lùng đòi hỏi mỗi chúng ta cần có cái nhìn phản tỉnh để đánh thức lương tri trước khi môi trường giẫy chết. Không còn rừng, những vẻ đẹp lãng mạn của tâm hồn con người cũng bị đánh cắp: cây sáo đã rơi trong hoàng hôn lãng đãng, những điệu khan cũng đi vào quên lãng, tháp Chăm buồn vũ nữ hóa phai phôi..., thay vào đó là niềm vui nhất thời về vật chất được tung hô khiến cho nhà thơ bùi ngùi "rưng lệ":
bạn khoe lúa khoe nhà những đổi thay trời đất
tôi nhớ rừng nhớ bước chân voi 
cùng cụng ly mà kẻ vui cười 
người rưng lệ, rượu như  mật đắng!
"Người rưng lệ, rượu như mật đắng" là câu thơ kết, đồng thời cũng là cảm xúc gói gút toàn bộ thi phẩm. Một thanh trắc cuối bài kết hợp với dấu chấm cảm đã phần nào nói hộ tâm tình của tác giả với tất cả chúng ta về vùng đất Ea Súp nói riêng cũng như mảnh đất cao nguyên Đắk Lắk nói chung đã cưu mang, sâu nặng ân tình với một nhà thơ đã làm nên "Rừng cổ tích".


LÊ THÀNH VĂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI