KHÔNG
GIAN KỂ SỬ THI TRONG
LỄ
KẾT NGHĨA ANH EM CỦA ĐỒNG BÀO ÊĐÊ
Trong những năm tháng đi điền dã sưu tầm,
nghiên cứu văn hóa dân gian ở địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, tôi
vẫn còn nhớ mãi về một kỷ niệm được dự lễ kết nghĩa anh em và nghe kể khan (sử
thi) trong những ngày diễn ra lễ này. Đó là, năm 2008 sau khi kết thúc mùa rẫy,
già làng buôn Kô Tam, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột đã làm lễ kết nghĩa anh
em cho hai gia đình ông bà Aê Nguê M'lô (vừa tròn 69 mùa rẫy), dân tộc Ê Đê, ông
Aê Nguê M'lô là Trưởng ban Mặt trận buôn Kô Tam, với gia đình ông bà Nguyễn Bá
Thanh (vừa tròn 70 mùa rẫy), dân tộc Kinh, định cư ở buôn KôTam gần 30 năm nay,
ông Nguyễn Bá Thanh là Bí thư chi bộ Buôn Kô Tam.
Theo phong tục của dân tộc Êđê, người nào muốn
tìm người bạn tốt để kết nghĩa anh em thì phải nhờ người làm mối. Ông mối sẽ tìm
hiểu tâm tư nguyện vọng, tình cảm, nết ăn ở, kể cả tìm hiểu đời sống kinh tế, ông
bà, cha mẹ, anh em, dòng họ của bên mình sẽ kết nghĩa. Chính vì vậy mà ông bà Aê
Nguê M'lô đã nhờ già làng buôn Kô Tam làm mối, trực tiếp đến gặp gia đình ông bà
Nguyễn Bá Thanh để tìm hiểu và đặt vấn đề về việc gia đình ông bà Aê Nguê muốn
chọn gia đình ông bà Thanh làm anh em kết nghĩa. Thật là may mắn, trong gần 30
năm sinh sống với bà con buôn Kô Tam ông bà Nguyễn Bá Thanh rất hiểu và rất có
cảm tình với gia đình ông bà Aê Nguê M'lô, nên khi già làng đặt vấn đề thì ông
bà Nguyễn Bá Thanh nhận lời ngay.
Sau đó ông mối về báo lại với ông bà Aê Nguê
M'lô là bên gia đình ông bà Nguyễn Bá Thanh đã nhận lời. Thế là hai gia đình liền
tiến hành gặp nhau để bàn về việc tổ chức lễ kết nghĩa anh em theo phong tục của
người Êđê. Sau khi hai bên đã bàn bạc, thống nhất về nội dung, hình thức và chọn
ngày lành, tháng tốt tiến hành lễ kết nghĩa, họ xin phép ông trưởng buôn, chủ bến
nước, ông trưởng họ và chính quyền xã Ea Tu. Trong thời gian ba tháng (kể từ ngày
xin phép chính quyền địa phương, chủ bến nước, ông trưởng họ), ông bà Aê Nguê
M'lô chuẩn bị đầy đủ các lễ vật. Gồm có: một con heo thiến dài năm gang tay, 10
ché rượu cần, 1 gùi lúa nếp, 2 gùi lúa tẻ, một thúng đựng các loại hạt giống,
con giống (lúa bắp, đậu, bầu, bí các loại, trứng gà, trứng vịt, heo con, gà
con); các công cụ lao động (cuốc, dao, rìu...), các thứ này được chuẩn bị trước
để chia đều cho hai gia đình trong lễ kết nghĩa.
Đến ngày lễ, tại ngôi nhà dài của ông bà Aê
Nguê M'lô, các lễ vật đã được bày sẵn ở gian gar (phòng khách). Giàn chiêng
Knah diễn tấu bài Iô Wit Hgum (gọi về sum họp), rộn ràng trầm bổng ngân vang khắp
buôn làng, núi rừng mời gọi các vị thần linh, tổ tiên, ông bà và bà con gần xa
về dự lễ. Trong âm thanh của tiếng cồng chiêng rộn rã, náo nhiệt, gia đình ông
bà Aê Nguê M'lô cùng nhau đi ra tận cổng buôn làng đón gia đình ông bà Nguyễn Bá
Thanh vào nhà mình. Vào đến nhà, hai gia đình được bố trí ngồi trên hai chiếc
chiếu hoa đối diện nhau bên cạnh các ché rượu và lễ vật, trước sự có mặt đông đủ
của già làng, ông trưởng họ, ông chủ bến nước, ông buôn trưởng, đại diện lãnh đạo
của Ủy ban Nhân dân xã Ea Tu cùng bà con buôn làng.
Sau khi mọi người đã ngồi vào vị trí theo sự
sắp đặt của người tổ chức, thầy cúng lấy rượu từ ché rượu cần thứ nhất vào một
tô đồng, pha tiết heo, làm lễ cúng báo và mời các vị thần linh, tổ tiên ông bà
về dự lễ kết nghĩa anh em giữa hai gia đình ông bà Aê Nguê M'lô và gia đình ông
bà Nguyễn Bá Thanh. Dàn chiêng Knah lại vang lên rộn rã đưa lời cúng đến với các
vị thần linh, tổ tiên, ông bà.
Nhịp chiêng vừa ngừng, không gian trở lại yên
tĩnh, thầy cúng quay sang ông bà Aê Nguê M'lô và dõng dạc hỏi: Vợ chồng Aê Nguê
M'lô có thực sự chọn gia đình ông bà Nguyễn Bá Thanh làm anh em kết nghĩa không?
Ông Aê Nguê M'lô đại
diện gia đình vui vẻ trả lời: Vợ chồng tôi đã thực sự thương yêu, quý mến gia đình
anh chị Thanh từ lâu rồi. Hoàn cảnh và tấm lòng của anh chị Thanh đã thôi thúc
vợ chồng tôi muốn kết nghĩa anh em với nhau. Tôi xin hứa rằng, từ nay trở đi vợ
chồng tôi cùng con cháu không bao giờ bạc đãi, hay có lời nói xúc phạm đến gia đình
anh chị Thanh. Hai gia đình mãi mãi là anh em tốt của nhau, vui buồn có nhau,
no đói hoạn nạn cùng nhau chia sẻ. Các con, các cháu trong hai gia đình là anh
em một nhà. Đã là anh em một nhà thì không được lấy nhau, mà phải yêu thương giúp
đỡ nhau trong cuộc sống.
Nói xong, ông Aê Nguê M'lô lấy chiếc vòng đồng
từ quai ché rượu (do thầy cúng gài vào từ trước) đeo vào cổ tay phải của ông
Nguyễn Bá Thanh. Bà vợ của ông Aê Nguê M'lô cũng lấy chiếc vòng đồng từ quai ché
rượu đeo vào tay phải của bà vợ ông Nguyễn Bá Thanh, thể hiện tấm lòng của mình
đã chọn mặt gửi vàng, chọn người anh em kết nghĩa thủy chung, bền vững lâu dài.
Tiếp đến, thầy cúng
quay sang ông bà Nguyễn Bá Thanh và hỏi: Vợ chồng ông bà Nguyễn Bá Thanh có thực
sự chọn gia đình ông bà Aê Nguê M'lô làm anh em kết nghĩa không?
Ông
Nguyễn Bá Thanh (đại diện gia đình), vui vể trả lời: Gia đình tôi đã về sống với
bà con buôn KôTam hơn 30 năm nay. Vợ chồng tôi rất quý mến và có cảm tình với
anh chị Aê Nguê M'lô. Anh chị Aê Nguê M'lô sống rất thật thà, chất phác, biết yêu
thương đoàn kết với bà con trong buôn làng và đã dành tình cảm tốt đẹp chân thành
đối với gia đình chúng tôi, nên chúng tôi chọn gia đình anh chị Aê Nguê M'lô làm
anh em kết nghĩa. Chúng tôi nguyện sẽ thương yêu quý trọng gia đình anh chị Aê
Nguê M'lô như anh em ruột thịt. Gia đình chúng tôi sẽ suốt đời đoàn kết, giúp đỡ
gia đình anh chị Aê Nguê M'lô trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù no đói khổ cực đi
chăng nữa cũng không bao giờ xa nhau, mà ngược lại càng yêu thương, quý trọng
nhau hơn. Con cháu hai gia đình sẽ qua lại thăm nhau, giúp đỡ nhau trong cuộc sống
và đối xử với nhau như anh em một nhà. Hai gia đình chúng tôi nguyện giữ mãi tình
anh em kết nghĩa vững bền như núi Chư Yang Sin, luôn luôn tràn đầy như dòng sông
mẹ Krông Ana và sông cha Krông Knô trên núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Nói xong ông
bà Thanh lại cầm vòng đồng đeo vào cổ tay phải của ông bà Aê Nguê M'lô, thể hiện
tấm lòng chân thành của mình đối với người anh em kết nghĩa như "chọn mặt
gửi vàng", bền vững từ đây.
Tiếng chiêng, tiếng tù
và lại trầm bổng ngân vang. Thầy cúng mời ông bà Aê Nguê M'lô và ông bà Nguyễn
Bá Thanh đến ngồi bên ché rượu cần thứ nhất (tính từ ngoài cửa vào). Họ ngồi đối
diện nhau, tay cầm cần rượu. Rồi thầy cúng đọc lời khấn: À ơ Yang! Nay tôi mời
thần bên Đông, mời thần bên Tây, mời thần Trời, thần Đất, mời thần bảo vệ sức
khỏe, mời thần cây Đa, mời thần cây Sung, thần Núi, thần Bến Nước... Tôi xin mời
các thần về chứng kiến lễ kết nghĩa anh em của gia đình ông bà Aê Nguê M'lô với
gia đình ông bà Nguyễn Bá Thanh. Cầu xin các đấng thần linh hãy giúp cho hai
gia đình này sức khỏe dồi dào, làm ăn gặp nhiều điều lành, điều tốt, và xua đuổi
cái xấu ra khỏi gia đình họ. Giúp cho họ nương rẫy tốt tươi, lúa bắp đầy kho, đầy
bồ, trâu bò chật bãi, heo gà đầy sân, chiêng ché đầy nhà, con cháu đầy đàn, cuộc
sống no đủ, bình yên, hòa thuận, ơ Yang!
Sau lời khấn, thầy cúng mời hai gia đình uống
rượu giao cảm với thần linh. Rồi thầy cúng chia đều hạt giống, con giống, công
cụ lao động cho hai gia đình trước sự chứng kiến của mọi người.
Tiếng chiêng, tiếng tù
và lại trầm bổng ngân vang. Thầy cúng mời hai gia đình ông bà Aê Nguê M'lô và ông
bà ông Nguyễn Bá Thanh cùng bà con trong dòng họ, trong buôn làng cùng nhau uống
rượu rượu cần (nữ trước nam sau). Mọi người lần lượt cầm cần và trao cần cho
nhau thành một dãy dài theo nghi thức Mnăm Ring (nối cần rượu cho nhau). Trước
khi cầm cần rượu, mọi người lần lượt trao vòng đồng cho ông bà Aê Nguê và ông bà
Nguyễn Bá Thanh, chúc cho tình anh em kết nghĩa của hai gia đình mãi mãi vững bền.
Sau nghi thức Mnăm Ring, chủ nhà mời hai
gia đình và bà con họ hàng trong buôn cùng khách quý ăn cơm, uống rượu trong tình
cảm đầm ấm thân thương. Mọi người vừa ăn uống vừa diễn tấu cồng chiêng, diễn tấu
nhạc cụ đing túut, đing năm, đing tạk tar và hát dân ca vui vẻ.
Đến tối, khi mọi nghi
lễ đã tạm dừng, chủ nhà mời nghệ nhân kể khan cho hai gia đình và bà con buôn làng
cùng nghe, nhằm tạo không khi vui tươi ấm cúng trong lễ kết nghĩa anh em. Theo
phong tục của người Êđê, chủ nhà buộc một ché rượu, mang ra một con gà trống
choai cúng báo xin phép các vị thần linh, tổ tiên, ông bà được kể khan để mừng
lễ kết nghĩa anh em. Tiếp đến chủ nhà cầm cần rượu hít một hơi dài, rồi trao cần
mời pô khan (nghệ nhân kể khan) dùng rượu. Pô khan cầm cần rượu hít một hơi dài
rồi trao lại cần rượu cho chủ nhà. Chủ nhà cầm cần rượu mời bà con cùng dùng rượu.
Sau đó, pô khan đến ngồi bên cạnh bếp lửa và nói: Hôm nay mình kể khan "Đăm
Săn" cho bà con nghe, rồi ông đằng hắng và cất cao giọng kể. Cũng như những
cuộc kể khan khác, khi lời khan ngân vang khắp không gian ngôi nhà dài, như ru,
như hát từ tấm lòng của ông bà xưa đối với con cháu. Người nghe ngồi im phăng
phắc say sưa lắng nghe như hóa thân vào những nhân vật trong chuyện. Trong quá
trình ngồi nghe, ai có việc cứ nhẹ nhàng ra về. Ai muốn trao đổi việc gì thì ra
hiệu cho nhau. Ai muốn uống rượu, uống nước cứ nhẹ nhàng, trật tự đi uống rồi
trở về vị trí như cũ. Mọi người ai cũng trật tự, im lặng, tôn trọng nhau giữ
cho không gian hát kể khan yên tĩnh, sâu lắng để lời khan bay xa, bay cao.
Lời khan cứ vang mãi, dẫn dắt người nghe vào
những tình tiết ly kỳ huyền ảo của câu chuyện. Thế rồi, con gà trống đầu hiên
nhà cất tiếng gáy vang báo hiệu trời sắp sáng. Pô khan, dừng lại và nói: Chuyện
còn dài, mời bà con nghỉ, tối lại nghe tiếp.
Lúc này chủ nhà chuẩn bị bữa cơm sáng. Ăn uống
xong hai gia đình cùng nhau về thăm nhà của ông bà Nguyễn Bá Thanh. Đến nhà ông
bà Nguyễn Bá Thanh, thầy cúng lại làm lễ cúng sức khỏe cho hai gia đình ông bà
Aê Nguê M'lô và ông bà Nguyễn Bá Thanh. Chúc hai gia đình giữ mãi tình anh em kết
nghĩa. Sau đó hai bên giao lưu thăm hỏi sức khỏe ông bà, cha mẹ, con cháu, anh
chị em, bà con trong dòng họ một cách chân tình, ấm cúng vui vẻ như anh em một
nhà. Đến chiều mọi người lại kéo về nhà ông bà Aê Nguê M'lô. Sau bữa cơm chiều,
mọi người lại tiếp tục được nghe kể khan Đăm Săn. Sáng hôm sau hai gia đình lại
đi gặp mặt thăm hỏi ông bà, cha mẹ, anh chị em, con cháu, bà con trong dòng họ
của ông bà Aê Nguê M'Lô. Đến tối, mọi người lại nghe kể khan tại nhà ông bà Aê
Nguê M'lô.
Khan Đăm Săn kể rằng: Ở một buôn nọ có hai
chị em H'Nhí và H'Bhí vô cùng xinh đẹp, họ được thừa hưởng một gia tài khổng lồ
của ông bà để lại. Lớn lên, thực hiện lời căn dặn của ông nội, hai nàng nhờ anh
mình đi hỏi chàng Đăm Săn về làm chồng. Lúc đầu chàng Đăm Săn không chịu, nhưng
về sau do áp lực của gia đình, của ông trời, chàng mới chịu làm chồng hai nàng
H'Nhí và H'Bhí.
Cưới xong, chàng về sống bên nhà vợ, chấp nhận
tập tục mẫu hệ, nhưng chàng luôn luôn có những hành động chống lại tập tục này.
Hàng ngày chàng bỏ bê việc nhà, lúc thì rủ bạn bè thi đẩy gậy suốt ngày này
sang ngày khác, quên ăn, quên uống; lúc thì đi ra sông bắt cá, lúc thì đi săn
trong rừng sâu, lúc thì đi phát cây làm rẫy... Ở nhà các M'tao Grứ, M'Tao M'xây,
M'tao Ak, M'tao Pui, M'tao Ea... Lần lượt đến bắt vợ của chàng Đăm Săn. Thế là
chàng Đăm Săn phải chiến đấu với các M'tao để cứu vợ mình. Sau khi đánh thắng các
M'tao, buôn làng của chàng càng hùng mạnh, giàu sang không ai bằng. Nhưng Đăm Săn
không chịu ngồi yên hưởng thụ, mà chàng lại rủ tôi tớ đi chặt cây rừng. Chàng
chặt trúng cây linh hồn của hai người vợ, làm cho hai nàng tự nhiên lăn ra chết.
Chàng phải lên ông Trời xin thuốc thần về cứu sống lại hai người vợ. Rồi chàng
lại bỏ mặc hai người vợ ở nhà, tự mình phi ngựa đi tìm nữ thần Mặt trời để cầu
hôn về làm vợ lẽ. Trước sự can ngăn của mọi người, chàng vẫn để ngoài tai tất cả.
Một mình một ngựa chàng vượt qua nhiều rừng rậm, sông sâu, núi thẳm. Cuối cùng
chàng đã tìm đến được nhà Nữ thần Mặt Trời để cầu hôn, nhưng bị Nữ thần từ chối.
Chàng thất vọng, buồn bực quay ngựa trở về và bị chết chìm trong vũng lầy giữa
rừng sâu. Một mùa rẫy sau, người chị của chàng Đăm Săn sinh được một người con
trai và đặt tên là Đăm Săn. Cậu bé Đăm Săn lớn lên, thay cậu mình lấy hai nàng
H'Nhí và H'Bhí làm chồng theo tục Chuê Nuê (nối dòng) của ông bà để lại. Chuyện
Đăm Săn, là bài ca về người anh hùng lý tưởng. Đồng thời khẳng định tục Chuê Nuê
của người Êđê là một sức mạnh của cộng đồng, không ai có thể cưỡng lại được mà
phải tuân theo thì cuộc sống mới yên ổn, hạnh phúc no ấm.
Cứ thế, lễ kết nghĩa anh em diễn ra bao nhiêu
ngày thì mọi người được nghe kể sử thi bấy nhiêu tối. Về dự lễ kết nghĩa anh
em, mọi người được tận mắt chứng kiến những nội dung diễn ra trong lễ, được uống
rượu cần, ăn những món ăn truyền thống của người Êđê, và đặc biệt được nghe kể
khan (sử thi) suốt mấy đêm liền. Nghe kể khan trong lễ kết nghĩa anh em là một
sinh hoạt văn hóa truyền thống, nhằm tôn vinh các tác phẩm sử thi trong kho tàng
văn hóa của người Êđê, làm cho nó được lưu truyền, bảo tồn, sống mãi với mọi thế
hệ. Qua đây, góp phần giáo dục phẩm chất, khí phách, tinh thần dân tộc và ước mơ
cao đẹp về một xã hội tương lai bình yên, giàu đẹp cho mọi thành viên trong cộng
đồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI