Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2018

THẦY VÀ BÀI CA DAO MẸ tản văn của NGUYỄN ANH ĐÀO - CHƯYANGSIN SỐ: 313 - THÁNG 9 NĂM 2018


(Kỷ niệm 5 năm thầy Nguyễn Phi Trinh từ trần)




Con nhớ thầy!
Nỗi nhớ của đứa con lầm lạc tha hương đau đáu về quê cũ nhưng chưa đủ một lần can đảm trở về. Con hay đổ lỗi cho hoàn cảnh, con đổ lỗi cho công việc bận rộn, đổ lỗi cho hàng ngàn thứ mà con nghĩ rằng nó xứng đáng chiếm lấy thời gian của con hơn là một lần về thăm thầy trong suốt hơn mười năm rời mái trường trung học.
Ngày con trở về, con gọi “thầy ơi, con muốn biếu thầy cuốn sách!”. Thầy bỏ một tiết dạy và ra quán cafe gần trường để gặp con, thầy không đợi được đến hết buổi dạy, để về nhà, để nhìn thấy con chờ thầy ở đó. Thầy gặp con sau hơn mười năm, chỉ để ngỡ ngàng nhận ra cái đứa học trò làm văn chưa bao giờ qua điểm 6 của thầy lại trở thành một đứa đi theo công việc viết lách, gặp để thầy lắc đầu một cách ngán ngẩm “tội, theo văn chương chi cho khổ rứa con!”. Lúc đó, thầy bảo “thầy sắp hưu rồi, rảnh rỗi rồi, xuống uống rượu với thầy, phải say mới văn chương được con ạ!”. Con cười, thầy cũng cười. Con tiếp tục cuộc sống của mình mà không biết rằng, đó là lần đầu và cũng là lần cuối con có thể nói với thầy về văn chương, về nghề nghiệp, về những bài thơ mà ngày xưa con chưa kịp hiểu. Thầy ra đi, dẫu trong lòng con luôn mong rằng có một phép màu thứ hai đến với thầy, để thầy trở về với trần gian này như nó đã đến với thầy lần thứ nhất mười mấy năm trước. Phép màu không xảy ra hai lần! Thầy về lòng đất mẹ, an yên với giấc ngủ vĩnh hằng.
Thầy để lại trong con và thế hệ học trò của con bài giảng về ca dao mẹ dang dở, thầy dành suốt ba tiết học để chỉ giảng một bài duy nhất, mà thầy vẫn không hoàn thành, thầy nghẹn lại, thầy rơi nước mắt khi nói về mẹ, về tình mẫu tử thiêng liêng “Mẹ nằm ướt chỗ canh sương/ Chỗ khô lót tiếng ru nhường con thơ”, “Ví dầu con Phụng bay qua/ Mẹ nói con gà, con cũng nghe theo”... Lớp học chùng lại chừng năm mười phút, chúng lại ồn ào như bầy ong, bỏ mặc thầy với những nỗi niềm riêng mà những đứa học trò mười sáu tuổi, thừa vô tâm để làm đau thầy thêm nhiều lần nữa.
Con nhớ thầy!
Những bài giảng êm như ru, thầy giảng hay như hát, để đứa học trò tuổi mười sáu mơ mộng vừa nghe lời thầy vừa mơ về thiên đường lấp lánh những ánh sao, đến cả bài kiểm tra con viết cũng mơ mộng dịu dàng như lời thầy giảng, thầy từng thốt lên trước bài văn của con “mi viết cái chi ri?”, mắng học trò, thầy cũng mắng đến dịu dàng, mắng bằng ánh mắt bao dung chưa từng có. Suốt thời gian học thầy, bài thi chưa bao giờ vượt qua điểm sáu, bởi con không chép bài, con cứ sợ mình cúi xuống với cuốn tập thì con sẽ bỏ qua mất lời thầy trên kia. Kết quả con không nhớ hết tất cả lời dạy của thầy, bài học của sách giáo khoa trôi tuột, mà lúc đó con vẫn không hiểu vì sao con yêu giờ văn đến thế mà vẫn ngồi thần người trước mỗi đề kiểm tra?
Thỉnh thoảng, con nghe ai đó nói về thầy, rằng nếu thầy đừng uống rượu, có lẽ thầy sẽ sống lâu hơn. Con không biết đó phải là điều thầy muốn không? Sống lâu hay mau ở cõi tạm này thì cũng chỉ là một cuộc đời. Nhưng với những ly rượu cay, thầy làm thơ và hát về cuộc đời còn hay hơn cả khi thầy với một hình ảnh cương nghị mẫu mực trên bục giảng, giảng những bài học trong sách giáo khoa.
Môn văn không đem lại sự giàu có, học văn không giúp cho người ta thành kỹ sư, bác sĩ. Nhưng con biết, môn văn là một ly nước mát làm dịu cơn khát khi bao thế hệ lay hoay khó khăn với bao môn học tự nhiên lạnh lùng. Môn văn, giúp chúng con làm người. Sau thế hệ của con, sách văn mẫu được xuất bản nhiều hơn, rồi đến cả các kỳ thi, đề văn cũng có đáp án sẵn để chấm điểm. Con cảm thấy môn văn không còn là văn nữa, con nhận ra, thế hệ của con và trước con là thế hệ may mắn, bởi được học văn trong cảm xúc thật của lòng mình, được viết những gì mình nghĩ, cho dù điểm số chưa bao giờ cao. Và thầy, dừng lại sự nghiệp giảng dạy ở thời điểm ấy cũng đã là đủ cho một cuộc đời gian nan của thầy, để thầy không chứng kiến nhiều thêm những trái ngang, đau lòng. Phải không thầy?
Dẫu giờ con nhớ thầy bao nhiêu đi nữa, con cũng bất lực rồi, con từng ước gì thời gian quay trở lại, con về trường ngồi vào chỗ ngồi ngày cũ, nhìn ra cửa sổ với tán lá bàng màu đỏ, nghe thầy giảng về bài ca dao mẹ còn dang dở năm nào. Và khi con nhận ra mình bất lực với thời gian, thì con mới hiểu được tại sao thầy nghẹn lại và rơi nước mắt ở câu ca dao năm ấy “Ví dầu con phụng bay qua/ Mẹ nói con gà, con cũng nghe theo”...

Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

ĐOẢN MỆNH Truyện ngắn của TRẦN THỊ NGUYỆT ÁNH - CHƯYANGSIN SỐ: 313 - THÁNG 9 NĂM 2018



 Trời nhá nhem tối, cả cái xóm ven hồ, nhà nào nhà nấy đang tất tả cho bữa cơm chiều chạng vạng. Tiếng heo  nhà ông Mẫn lò mổ mới bắt về kêu inh ỏi khắp xóm, khói bếp từ mọi gia đình lan tỏa cả ven hồ. Không gian quen thuộc ấy bỗng thay đổi khác thường, mọi người nháo nhào chạy hết ra đường tụ tập nơi con mương nhỏ đầu xóm.Tiếng kêu thất thanh, cùng tiếng gào thét nức nở của gia đình nhà ông Minh vọng lại ngày một to hơn.
- Con ơi, sao con lại khổ thế này, trời đất ơi! Có ai cứu con tôi với! - Bà Minh đầu tóc rũ rượi, bộ quần áo xộc xệch ướt mèm từ dưới ruộng lên vẫn còn nguyên bùn đen xì bám chặt đôi bàn chân thô ráp, đen đủi, bà kêu gào thảm thiết! Ngoài kia, người ta đang thay nhau vác đứa con gái bé bỏng tội nghiệp của bà chạy dọc đường để tìm kiếm phép nhiệm màu xảy ra. Nhưng đã gần một giờ đồng hồ, họ vác cô bé chạy rồi đặt xuống hô hấp nhân tạo, người thì hà hơi thổi ngạt, người thì xoa bóp tim ngoài lồng ngực, nhưng dường như nỗi tuyệt vọng cứ hiện dần ra trên nét mặt của từng người chứng kiến ở đó. Người dân kéo đến ngày một đông bởi sự hiếu kì. Trong nhà, ngoài sân, đầu ngõ người đông như kiến. Đến lúc này, ông Minh không kìm nổi sự đau đớn, ông gào lên:
- Con ơi, tại sao lại thế này! Tỉnh dậy đi, con ơi! Bố không thể mất con như thế này! - Nhìn hình ảnh ấy, chứng kiến cảnh tượng này, tất cả mọi người không ai cầm nổi nước mắt, tiếng khóc tang thương vỡ òa choán cả vùng trời. Vậy là em ra đi thật rồi.
Vừa chở xe rau đầy về đến đầu ngõ, tôi đã thấy mọi người xì xào:
- Nước cạn lắm, con mương đó nước tới đầu gối thôi, sao mà khổ thế không biết! Tội nghiệp con bé.
Chưa kịp định hình sự việc gì đang diễn ra, đứa em gái hớt ha hớt hải chạy tới, giọng như ríu lại, mắt đỏ hoe:
- Cái Đẹp nhà chú Minh chết rồi...
Chưa nghe hết câu, tôi bàng hoàng như sét đánh bên tai, dựa vội xe rau vào cây cột điện bên đường đổ xoài ra khiến hai người thanh niên đứng đó phải đỡ hộ lên.
- Cái... gì, làm sao? Làm sao mà chết? - Giọng thảng thốt, tôi hét toáng lên khiến người bên cạnh phải quay sang nhìn. Vừa nói vừa chạy, len lách, xô đẩy đám người chen lấn tôi mới vào trong chỗ Đẹp nằm, tôi oà khóc nức nở.
- Đẹp ơi! Sao lại thế này hả em? Sao lại thế này! Mới chiều nay còn ríu rít với nhau cơ mà. Cầm bàn tay sưng phù, tím ngắt của người chết đuối, tôi không có cảm giác sợ hãi; bọt mép và máu trong miệng em cứ chảy ra, tôi nhớ đến điều mà người ta hay nói: Khi chết đuối mà máu miệng chảy ra là người đó bị chết oan, đối với ai thì không biết, nhưng đối với em thì tôi nghĩ điều đó là có thật.
Em, một con người hiền lành, nhân hậu nhưng cuộc đời bất hạnh. Em thua tôi hai tuổi, và ra đi ở cái tuổi đẹp nhất đời người con gái - mười sáu trăng tròn. Em sống trong một gia đình bố mẹ làm nông, bản thân em bị câm điếc bẩm sinh, cũng chẳng biết từ bao giờ, em hay xuống nhà tôi chơi và chúng tôi thân nhau từ độ nào chẳng rõ. Đẹp rất sạch sẽ, có làn da trắng như trứng gà bóc, đôi mắt sáng và mái tóc đen mượt dài quá thắt lưng hay được tết gọn gàng.
Thuở nhỏ, chúng tôi hay chơi những trò trẻ con với nhau rất vui. Mỗi lần đóng các nhân vật trong truyện cổ tích như “Thạch Sanh cứu công chúa” hay “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn” là y như rằng Đẹp được sắm vai Bạch Tuyết hay Công chúa. Tôi hóa trang cho Đẹp bằng những bộ cánh được kết bằng phoi bào từ gỗ, lá chuối xẻ tưa kết lại với nhau, dây chuyền là những chuỗi hoa lekima hay tàu lá sắn bẻ cọng kết thành, son môi được làm từ những bông hoa mười giờ... Cứ thế, em mặc sức cho tôi hoá trang để trở thành một nàng công chúa đẹp nhất mọi thời đại. Xong việc hoá trang, em nhìn vào mảnh gương vỡ tỏ ý thích thú đến lạ lùng.
Chúng tôi hay dựng lều lợp bằng lá chuối với vài cái cọc nơi góc vườn rồi cứ mưa là chui ra đó ngồi co ro, cúm rúm với nhau mặc cho rét mướt vì mưa tạt.  Nhưng có điều lạ là chẳng thấy đứa nào đau ốm sau những lần “ra ở riêng” như thế. Chẳng biết từ bao giờ, chúng tôi hiểu hết ngôn ngữ của nhau, dù không nghe và không nói được nhưng em “nói” gì tôi cũng hiểu và ngược lại.
Năm ấy, tình cờ tôi đọc được bài báo trong cuốn “Tri thức trẻ” nói về cách dạy người câm điếc. Từ đó tôi nảy ra ý nghĩ dạy em học nói, học viết. Tôi bắt đầu chiến dịch “cô giáo dạy trẻ em khiếm thính”. Tôi học buổi chiều nên buổi sáng nào Đẹp cũng đến, vừa nấu cám lợn, tôi lấy hòn than viết lên tấm ván chữ (A,O,Ô,Ơ..) và phát âm cho em nhìn miệng đọc theo, trong những chữ cái đó, chỉ chữ A, O là em phát âm có tiếng, còn lại mờ nhạt hoặc không phát ra tiếng, nhất là những phụ âm. Tôi bảo em viết theo nhưng Đẹp lại sợ bẩn tay. Tôi ra hiệu cho em lấy tập vở và bút trên bàn học, em hiểu ý và lấy đúng những gì tôi cần. Kê cuốn vở lên thùng gạo, em nắn nót viết từng con chữ rất gọn gàng. Hai “thầy trò” vừa nấu cám lợn vừa học bài một cách rất say sưa, nghiêm túc. Những tấm ván nhà bếp kín mít than đen, nhưng chính nó là cả một khoảng trời mơ ước cho chúng tôi thỏa sức vẫy vùng.
Xong hai buổi tập viết chữ cái, sang buổi thứ ba tôi bắt đầu ghép vần, nhưng tôi phát hiện ra những từ nào có phụ âm em đều không phát âm được mà chỉ nói bằng hơi gió, âm gió và âm môi. Nhưng khi tôi đọc tên từng người để em tự ghép vần với nhau thì em ghép được trên giấy. Tôi ngạc nhiên về sự tiến bộ của em và thấy hãnh diện về vai trò “cô giáo” của mình! Nhưng hành trình làm cô giáo dạy học sinh khuyết tật của tôi cũng chỉ dừng lại ở đấy khi tôi không biết phải làm thế nào để cho em nghe và nói thành tiếng, phát âm được cả câu, chưa có kinh nghiệm gì và cũng không biết phải  như thế nào, cái sự “học chữ” của chúng tôi rơi vào bế tắc. Mặc dù không học được hết con chữ nhưng Đẹp vẽ rất giỏi. Trong tập vở viết, ngoài bảng chữ cái ra, thêm một số tên riêng của những người trong gia đình, em còn tự vẽ những hình ảnh bông hoa, con chim hay cái xoong, cái chảo đều được em thổi linh hồn cho chúng, nhìn rất sống động và thú vị. Tôi phát hiện em có năng khiếu vẽ từ đó. Nhiều lúc ngồi nhìn em vẽ rất say sưa, tôi nhận ra ở em toát lên vẻ thánh thiện đến lạ lùng.
Tôi rất thích nghe nhạc, Đẹp lại múa rất dẻo, mỗi lần tôi hát, bày cho Đẹp múa, em múa theo rất nhịp nhàng, khớp với những lời bài hát trẻ con yêu thích. Có bữa chơi say mê quá, ham vui quá không về nhà, em ăn cơm và ngủ trưa tại nhà tôi. Thỉnh thoảng có gì lạ là em chạy xuống khoe liền như đôi dép mới hay chiếc vòng cổ, đôi bông tai. Có lần em xuống nhà, thấy tôi loay hoay giặt đồ, em len lén đi nhẹ sau lưng và  hú hoạ tôi từ xa. Giật mình,  tôi quay ra và hai chị em lại cười khanh khách. Nhiều lúc nghĩ thấy em như những người bình thường, cũng vui tính lém lỉnh, mà sao ông trời lại tước đi cái quyền tối thiểu đó của em?
Cứ như thế chúng tôi lớn lên bên nhau và thân nhau, chẳng giấu diếm điều gì, em “ kể” cho tôi nghe về tất cả sự thay đổi trong em, từ việc phát triển đổi thay của cơ thể đến việc đau ở đâu, nhức mỏi chỗ nào! Em hay nhờ tôi xoa bóp đầu và xin dầu gió xoa đầu mỗi khi  trời trở gió! Lần ấy em có tháng và em thấy sợ, tôi cho em một chiếc xô màn và hướng dẫn em đeo vào quần chip ra sao. Chiều hôm ấy, mẹ em về và tôi có nói chuyện này, thím ấy cảm ơn và trang bị cho em những gì cần thiết.Thời gian cứ dần trôi, em lớn lên từng ngày và trở thành thiếu nữ thực thụ, con gái đẹp nhất ở lứa tuổi dậy thì. Em bắt đầu biết ăn mặc đẹp, da em đã trắng lại càng trắng hơn thân hình cân đối với ba vòng đầy đặn. Nhiều lúc, chúng tôi cũng không còn ngại ngần khi thay đồ trước mặt nhau, Đẹp thích thử những bộ đồ đi trường của tôi, em rất thích áo dài. Trong một lần thử bộ áo dài em tỏ ý muốn mặc áo lót và tôi đã cho em mượn. Mặc vào, em đỏ mặt và rồi hai đứa lại cười khúc khích khi chiếc áo bị lộn ngược. Em “giãi bày” với tôi rằng em rất muốn được đi học như tôi. Quả thật từ trong sâu thẳm, tôi cảm nhận được niềm khao khát đó trong em khiến lòng mình dâng lên một niềm thương cảm khó tả.
Một buổi sáng như mọi ngày, tôi đang loay hoay bên nồi cám lợn và nồi cơm rượu, Đẹp đến bên tôi và em ra hiệu cho tôi giã muối ớt, chúng tôi vẫn thế, thỉnh thoảng cầm chén muối ớt ra vườn, sà vào luống dưa chuột hái trên cây xuống, lau đại vào vạt áo hay gấu quần cho sạch gai và phấn dưa rồi xì xụp ăn với nhau trong đó; đôi khi là quả xoài hay dái mít nhưng đứa trèo cây hái lúc nào cũng là tôi, cắt gọt vỏ cũng là tôi vì Đẹp rất sợ bẩn tay! Nhưng lần này khác, không phải dưa chuột hay dái mít, xoài, ổi như mọi khi mà em “bảo” tôi hái chuối xanh - loại chuối lùn mà người ta thường hay nấu ốc, nấu ếch. Tôi hái hai quả, chưa gọt xong quả thứ hai thì em đã xơi gọn quả thứ nhất một cách ngon lành. Tôi ngạc nhiên, vì chuối chát mà em ăn nhanh thế, tôi chưa kịp gọt xong thì em đã “hớt” ngay trên tay tôi và chấm muối nhai ngấu nghiến một cách ngon lành khiến  tôi chỉ biết đưa mắt nhìn theo lạ lùng. Ăn hết quả thứ hai, tôi hỏi em ăn nữa không? Như thể nói với tôi rằng:
- Em muốn ăn lắm, vẫn còn thèm, chị hái thêm đi. Hiểu ý, tôi chặt cả nải khiến nhựa cây chảy tong tong xuống làm em phải né sang một bên.
Lần này, tôi bắt đầu thưởng thức, gọt hết lớp vỏ xanh, tôi chấm muối ớt nhấm nháp cái vị bùi bùi, giòn giòn với nhựa dính vào răng và hàm ếch! Tôi thấy có gì ngon đâu mà sao em thèm đến thế! Cứ loay hoay gọt chuối, tôi ăn có hai quả còn mình em chén gần hết nải chuối lúc nào không hay! Đánh chén xong, em về mượn tôi chiếc bóp đánh răng để chà sạch nhựa bám vào răng miệng! Em vốn sạch sẽ như thể bác sĩ nha khoa sẽ không bao giờ được phép để mảng cao bám trên răng của mình.
Ăn xong mấy quả chuối xanh, em kéo tôi vào buồng và kéo áo lên, cầm tay tôi ấn vào bụng, sau đó cầm tay tôi ra ngoài và mở thêm mấy tờ lịch, đồng thời giơ năm ngón tay rồi ra hiệu chỉ lên đầu như những lần chúng tôi hoá trang làm công chúa! Tôi chưa định hình được em muốn diễn tả điều gì, thấy tôi ngơ ngác khó hiểu, em liền vỗ vỗ hai ngón tay trỏ vào nhau, cái miệng chu ra và đồng thời hai tay ôm chặt tôi rồi áp môi chạm vào môi tôi, rồi đưa động tác như đang bế em bé à ơi! Tôi giật mình, sững sờ như linh cảm điều gì chẳng lành. Nhanh như một con sóc, tôi lôi lại em vào buồng và vén áo lên, ngờ ngợ, thắc mắc. Vén cao áo lên khỏi lồng ngực, đôi gò bồng đảo của em lộ ra với bầu ngực căng tròn trắng nõn. Nhưng ô kìa, sao hai nhũ hoa lại thâm đen thế kia? Tôi vẫn hay nghe mấy cụ nói  chuyện với nhau “phụ nữ có bầu là ngực thâm đen”. Suốt buổi hôm ấy tôi dò hỏi, thì được em “kể” rằng ( em sắp cưới và làm cô dâu rồi sẽ sinh em bé) trong niềm hân hoan hạnh phúc vô bờ! Tôi thấy điều đó trong ánh mắt sáng rực ngự trị nơi em. Tối về, tôi mang chuyện này kể với mẹ, mẹ mắng tôi:
- Ăn nói vớ vẩn, chú thím ấy nghe được họ chửi bố cho.
Tôi ngơ ngẩn chưa biết phải tiếp tục như thế nào, điều đó đúng hay sai còn chưa rõ ràng, nhưng điều tôi linh cảm dường như đúng đến 90%. Tôi hoạnh lại mẹ:
-Nó cho con xem bụng to lắm, ngực cũng đen xì.
Mẹ lai nói tôi, nhưng lần này không gay gắt như trước nữa, phải chăng mẹ cũng linh cảm điều chẳng lành, mẹ bảo:
-Tiên sư bố mày, chắc nó béo đấy.
Ngày hôm sau, tôi muốn chứng minh cho mẹ tôi thấy điều tôi nói là đúng sự thật! Tối đó, tôi lên nhà rủ em xuống nhà tôi chơi và mục đích cho mẹ tôi thấy sự khác thường ấy. Mẹ tôi nhìn thấy thế cũng “bật ngửa” vì bất ngờ, mẹ bảo tôi không được nói điều này với bất kì ai, sau đó mẹ lên nhà và gọi mẹ Đẹp nói nhỏ điều gì không rõ. Tôi chỉ biết sáng hôm sau, mẹ em đưa em đi tỉnh đến tận đêm mới về, tôi đã nghe được câu chuyện giữa mẹ và thím ấy:
- Em khổ quá chị ơi, sao nó lại rơi vào hoàn cảnh oái oăm như thế này, cái thai được 5 tháng rồi nhưng phải phá thôi, người đàn bà ấy nói trong sự mỏi mệt, bế tắc, đau khổ đến cùng cực!
- To thế rồi, hay cứ để cho nó đẻ để sau này về già có mẹ có con cho đỡ tủi lòng - mẹ tôi khuyên!
- Không được, một mình nó dở câm dở điếc vợ chồng em đã khổ lắm rồi, giờ ra một đứa như thế nữa chắc chúng em chết!
Câu chuyện cứ như thế, rồi không biết quyết định thế nào, hai ngày sau thấy hai mẹ con thím đi chưa thấy về. Sau lần về ấy, chỉ biết Đẹp hay bị lên cơn động kinh bất thường.Thỉnh thoảng lại lăn đùng ra, miệng méo, sùi bọt mép, chân tay co quắp rất đáng sợ. Mỗi lần như thế, nếu gặp, tôi lại phải giữ nguyên tư thế, chờ cho em tỉnh dậy rồi mới được xoa bóp chân tay.
Sau biến cố cuộc đời đó, em hay trầm ngâm hơn, ít cười vui vẻ như trước, hay thơ thẩn ngẩn ngơ. Chỉ có người nhà và chúng tôi thắc mắc rằng không biết tác giả cái thai kia là ai? Tên khốn kiếp nào đã gây ra tội lỗi tày trời này? Những câu hỏi đó cứ xoắn lấy tâm can tôi.
Không biết phải diễn tả mục đích giao tiếp của mình như thế nào cho em hiểu về việc tôi muốn hỏi em rằng ai là “bố” của cái thai kia? Vì tôi nghĩ chỉ có tôi em mới thổ lộ và cũng chỉ có tôi mới hiểu điều em nói! Tôi ra hiệu hỏi người yêu của em là ai? Ở đâu? Thì được em dẫn ra đầu mương có chiếc cầu nhỏ, em chỉ ra giữa hồ, nơi có chiếc thuyền bè nổi giữa hồ của mấy người thầu hồ nuôi cá. Tôi biết chủ thầu đó và một số người làm thuê cho chủ thầu, nhưng có đến dăm bảy thanh niên choai choai, biết nghi ngờ cho ai?
Tôi bắt đầu cuộc thám hiểm bí mật của mình, tôi theo dõi nhất cử nhất động của em. Cứ chiều chiều em lại ra đầu mương nơi chiếc cầu định mệnh đó để ngồi chờ một điều gì vô vọng!
Theo dõi mãi ở bờ hồ không xong, một tối nọ, vẫn kí hiêu như cũ, tôi hỏi Đẹp “Người yêu em ở đâu? Khi nào thì gặp? Và gặp ở đâu?” Em giơ bảy ngón tay và chỉ lên đồng hồ treo tường. Tối đến, cơm nước xong, đúng 7giờ tối, tôi ngồi ở cổng chờ xem em đi về phía nào, thì ra em đi xuống vườn nơi góc khuất của những ngôi nhà. Tôi lặng lẽ theo em từ lúc đó.
Tiếng ếch ộp kêu và tiếng côn trùng dội vào màn đêm đen đặc.Tôi bỗng rùng mình, tự hỏi:
- Nó đi đâu được nhỉ? Tôi định bụng quay về nhưng… không! Muốn bắt được cọp phải vào tận hang, mà tôi thì mới 17 tuổi đầu, một nữ sinh THPT làm sao đủ sức để làm cái điều kinh khủng kia một mình. Màn đêm đen kịt, đặc quánh cứ bủa vây lấy tôi.Càng đi, tôi càng cảm thấy cứ như có người núp sau lưng mình. Tiếng sỏi văng lên từ dép tông, khô khốc cùng với nhịp tim đập dồn khiến tôi có cảm giác như có ai đó đi theo sau lưng mình. Tôi quay lại, rồi ngồi xuống, đứng lên, đi tiếp. Trống ngực liên hồi, tôi không sao thoát khỏi sự rùng rợn ghê sợ; cảm giác lạnh nơi sống lưng, tôi thon thót giật mình như muốn ngừng thở. Trong đầu bấn loạn suy nghĩ “Bây giờ, nếu gặp cảnh tượng mà mình đang hình dung thì xử lí thế nào? Nếu biết được tên khốn kia thì mình sẽ làm gì? Nếu chúng nó đi cả đám thì mình sẽ ra sao? Lúc đó chỉ có nước chết chắc”- tôi tự kỉ ám thị, tự huyễn hoặc mình. Tôi bắt đầu run bắn người lên vì những ý nghĩ và cảnh tượng những con yêu râu xanh trong phim cứ hiện lên trước mặt!
Tôi nhắm nghiền mắt, hít một hơi rõ dài để lấy hết can đảm bước tiếp. Kia rồi, dưới gốc sung, cạnh bờ ao dưới ánh sáng mờ ảo hắt lên từ làn nước hồ, tên yêu râu xanh đốn mạt kia hái lá chuối trải làm giường chiếu, nhưng bụi rậm chỗ tôi đứng cách xa quá, không biết nó là ai, mà lại gần thì lộ mất, phải làm sao bây giờ? Giá như thông minh hơn, lúc nãy cầm chiếc đèn pin để rọi thẳng vào tên khốn nạn kia, chắc chắn sẽ vạch mặt được hắn ta! Hay là ta chạy về để báo với bố mẹ em? Không kịp, lỡ chạy về, để em lại, hắn sẽ hại đời em thêm một lần nữa! Không được, tôi khẩn khoản trong dòng suy nghĩ với sự việc diễn ra quá nhanh, tôi như đang bị rơi vào mớ bòng bong không lối thoát, tâm trí đang bấn loạn thì bên kia bờ ao, hắn ta đang ra sức sờ soạng khắp cơ thể em như chực muốn ăn tươi, nuốt sống, và lần mò cởi từng chiếc khuy áo. Tôi không dám nhìn và tinh thần khủng hoảng trầm trọng. Không ý thức được hành động của mình lúc này, tôi buột miệng kêu thét lên cứ như chính mình là nạn nhân vậy:
- Thằng  khốn kia, mày buông em tao ra! Vừa nói, tôi vừa ném một cục đá văng tõm xuống ao. Chưa kịp định thần, hắn như con thú dữ vừa săn được miếng mồi ngon, chưa kịp ăn thì bị loài thú hung dữ khác vồ mất. Hắn bàng hoàng chao đảo nhìn quanh quẩn rồi ba chân bốn cẳng cắm cổ, cắm đầu chạy trên bờ ao dốc thoải, té sấp, té ngửa!
Tôi cũng chẳng cần nhìn xem hắn chạy hướng nào, vội lao đến với Đẹp, em ngơ ngác như không hiểu chuyện gì đang diễn ra xung quanh! Tôi vơ vội cái áo khoác mặc lại cho em và ôm em khóc như một người mẹ vừa chứng kiến cảnh con mình bị kẻ xấu hãm hại. Tôi cố gắng diễn đạt cho em hiểu đó là một người xấu xa, độc ác, thậm chí miêu tả chúng sẽ cắt cổ em với động tác dứt khoát đưa bàn tay lên xoẹt ngang cổ!
Tôi dẫn em về, trong cái ánh sáng lờ mờ của ánh trăng nhô lên lẫn vào tiếng ếch nhái kêu ồm ộp mà lòng tôi se sắt! Cảm như chính mình đang bị mất một thứ gì đó rất giá trị! Tôi nhận ra em có chút gì đó ngượng ngùng, xấu hổ!
Dẫn em về giao cho bố mẹ em và kể lại sự việc, bố em đã gọi mấy người cậu cùng cầm đèn xuống vườn tìm kẻ bệnh hoạn kia và họ không quên nói tôi giữ kín chuyện này.
Tôi ra về mà lòng nặng trĩu, văng vẳng bên tai lời mẹ em mắng em: “Từ nay ở nhà không được đi đâu hết nghe chưa?”. Còn em thì cứ tiu nghỉu rười rượi!
Thời gian cứ dần trôi, em vẫn cứ như kẻ mất hồn, chiều chiều ra đầu mương đứng ngóng đợi điều gì vô vọng! Phải chăng đó là thứ tình yêu mà em không đủ khả năng để diễn tả thành lời! Cho mãi đến tận bây giờ, gia đình em vẫn không tìm ra thủ phạm hãm hại đời em là ai? Chỉ riêng tôi nhận ra hình ảnh kẻ xấu trong những bức tranh mà em vẽ với những nét nghuệch ngoạc nhưng đặc điểm rất dễ nhận diện. Người đàn ông ấy đã có vợ con đàng hoàng tử tế. Họ đang sống rất hạnh phúc bên gia đình. Có nên vạch mặt kẻ xấu không? Hay để giữ cho một mái nhà được hạnh phúc trọn vẹn? Và tôi đã chọn cách thứ hai để cho kẻ đã từng làm điều xấu kia phải ân hận suốt quãng đời còn lại.
Về thế giới bên kia, em sẽ được sống một cuộc đời khác, sẽ không còn bất hạnh, không còn những khổ đau, không còn những buổi chiều ngóng chờ vô vọng! 

                                                                                               Buôn Hồ ngày 22.8.2018



Thứ Năm, 27 tháng 9, 2018

TỪ CƯ PRAO SUY CẢM bài viết của HỮU CHỈNH - CHƯYANGSIN SỐ: 313 - THÁNG 9 NĂM 2018


 

Tác phẩm tham dự Cuộc vận động viết bút ký chủ đề
“Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”





Xã Cư Prao nằm phía Đông Bắc huyện M’Đrắk, là xã xa. Từ trung tâm xã đến trung tâm huyện 25 km, nếu đến thôn buôn cuối cùng, tiếp giáp tỉnh Phú Yên còn phải đi thêm 10 km nữa.
Tôi vốn ưa rong ruổi nên chẳng ngại ngần gì khi nói với các bạn viết: Các anh cứ chọn trước đi, còn lại là của tôi. Ngoài việc phân công của tổ chức, tôi muốn tìm hiểu nét mới lạ ở nơi đầy thử thách nên tôi về với Cư Prao. Thế là đạt cả hai trong một, vừa chấp hành mệnh lệnh, vừa đạt được nguyện vọng đi tìm cái mới.
Trên tay tôi là bản báo cáo mới nhất, mới toanh vì thống kê nhân hộ khẩu của xã tính đến ngày 15.4.2018.
Trời đất ơi! Một xã miền núi có tới 1.340 hộ với 5.380 nhân khẩu. Thế cũng tạm coi là đông dân nhưng chưa phải là điều gì đặc biệt. Mà đặc biệt là ngoài người Kinh còn có 9 dân tộc anh em khác chung sống cho có con số 10 tròn vẹn. Đó là các dân tộc: Êđê, Tày, Nùng, Mường, Khơ Me, Sán Dìu, Hoa, Cao Lan, Thanh Y. Khẩu hiệu Đại đoàn kết các dân tộc ở đây là hiện thực sinh động nâng tầm cao mới.
Tiếp tôi tại trụ sở Công an xã có đồng chí Nguyễn Tăng Liêm là Trưởng công an, sinh năm 1972, dân tộc Mường, quê gốc ở Thanh Hóa, hai phó công an là Lô Viết Báo, người Tày, sinh năm 1982 quê ở Kỳ Cùng, Văn Lãng, Lạng Sơn và Y Dhăc Ksơr, người Êđê, sinh năm 1964. Ngoài ra còn ba công an viên thường trực là Y Dhun Mlô sinh năm 1984 là người Êđê bản địa; Hoàng Trung Cường sinh năm 1989, người Nùng, quê ở Cao Lộc, Lạng Sơn; Hoàng Huy Hùng sinh năm 1992, người Tày, quê ở Văn Lãng, Lạng Sơn. Tôi giới thiệu chi tiết vì lòng rộn lên niềm vui, thấy cả sáu đồng chí đều là người dân tộc thiểu số mà làm tròn trách nhiệm mặc dù không ít khó khăn thử thách.
Xã Cư Prao rộng 12.249 ha trải dài 11 thôn và 4 buôn. Các dân tộc anh em ở đan xen vào nhau, đoàn kết, gắn bó, yêu thương.
Có thể coi đây là xã trẻ, mới thành lập năm 1996, khi dân đã chuyển cư vào nhiều, đủ thành lập đơn vị hành chính. Trước đây là trọng điểm phức tạp về tình hình an ninh của huyện. Là xã vùng sâu, vùng xa, lại tiếp giáp với xã Ea Ly của huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên nên tội phạm mượn địa bàn cư trú để dễ lẩn tránh. Thế mà hơn bốn năm gần đây, không còn tội phạm hình sự. Mấy tháng đầu năm 2018 chỉ có vài vụ lẻ tẻ vì chuyện con gà, con chó, trâu bò dẵm chết hoa màu hay lấn bờ rào đất đai mà thôi. Tất cả được giải quyết ổn thỏa, có lý, có tình. Công an xã làm tốt chức năng của mình, giữ vững an ninh trước hết là giữ vững đoàn kết cộng đồng.
Có một vụ đánh bạc, giáp giới Phú Yên, không có người địa phương tham gia mà do người từ Phú Yên sang dẫn dụ người từ nơi khác đến.
Cả 15 thôn buôn đều yên ổn, có thể an tâm về tình hình trật tự xã hội, chỉ có thôn 5 (gần chợ), thôn Đắk Phú (giáp Phú Yên) là có đôi chút lăn tăn nhưng sẽ đúng đường.
Công an xã Cư Prao nhiều năm liền là đơn vị tiên tiến, được Công an tỉnh và huyện khen thưởng nhiều lần. Ngoài nỗ lực của bản thân từng người còn có sự hỗ trợ của chính quyền, đoàn thể địa phương cùng họp cơ sở thôn buôn để tuyên truyền, phát động quần chúng từ 3 đến 4 đợt một năm, còn được hỗ trợ tích cực, hiệu quả của Công an huyện.
Cụ thể là xây dựng tổ 3 người, phân công nắm địa bàn từng xã, ứng cứu kịp thời khi cần thiết.
Tổ 3 người gồm Tổ trưởng phụ trách chung; tổ phó phụ trách hình sự - ma túy; tổ viên phụ trách an ninh chính trị. Tổ này trực thuộc Đội xây dựng phong trào do Đại úy Phạm Đức Công phụ trách.
Tổ 3 người nắm địa bàn Cư Prao do Đại úy Y Khôn Niê năm nay mới 34 tuổi, là người trực tiếp đưa tôi đi. Nhà Y Khôn Niê ở huyện Ea Kar, km 52, là người dân tộc Êđê. Tôi có khen: Còn trẻ, đã là tổ trưởng địa bàn, chịu lăn lộn phong trào thì lên Tá mấy hồi.
Cư Prao là xã nghèo, dân mới, xã mới, đúng nghĩa cả vùng sâu vùng xa. Cây trồng chủ yếu là cây lương thực và cây múa. Mía lại đang rớt giá. Bình quân đầu người mới đạt 18 triệu đồng, chưa bằng ½ của tỉnh (năm 2017 Đắk Lắk đã đạt bình quân đầu người là 38,4 triệu đồng).
Thôi thì có nụ mừng nụ, có hoa mừng hoa. Dù chưa giàu nhưng sống vui, sống khỏe, sống thuận hòa để chung tay xây dựng tương lai. Giá có cú hích công nghiệp nhỏ hay vừa vào đây thì hay biết mấy. Chắc chắn Cư Prao nhanh chóng thay đổi bộ mặt của mình.
26 năm trước, tôi đã viết bài ký về M’Đrắk lấy tên là Phượng Hoàng cất cánh, vì M’Đrắk có đèo Phượng Hoàng ở cửa ngõ phía Đông với niềm tin M’Đrắk bay cao, bay xa. Tôi có bài thơ về M’Đrắk với khổ mở đầu:
Vút một Phượng Hoàng cất cánh
Lang thang mây trắng lưng đèo
Nơi sống lưng Trường Sơn cuộn khúc
Thế rồng bay theo!
Những mong ước từ 26 năm trước về M’Đrắk đổi thay đang thành hiện thực, dù còn chậm vì đất rộng người thưa (toàn huyện mới có 75.000 dân) nhưng tôi vẫn tin.
Trên đường trở về trung tâm huyện, ngoài một số quãng đường tốt, tay lái lụa Nguyễn Văn Tiến cứ lo cho tôi – ông già gần 80 tuổi chịu trận xóc ổ gà và đá sỏi, có lúc bụi mù. Nhưng tôi không để ý mà chỉ nhớ đến địa chỉ Cư Prao nơi có tới 10 dân tộc anh em cùng chung sống (cả tỉnh có 47 dân tộc) và cả 6 công an đều là người dân tộc thiểu số, gồm 2 người Êđê, 2 người Tày, 1 người Mường, 1 người Nùng, đưa đơn vị trở thành đơn vị tiên tiến nhiều năm liền. Yêu lắm chứ. Cũng xin nói thêm: Nơi làm việc của các anh là cơ sở y tế mới nhường cho nên chẳng được khang trang.
Đại tá Nguyễn Quang Trung – Trưởng Công an huyện bận nhiều việc nên tôi ít tiếp xúc, nhưng tôi biết anh là tác giả, đề xuất ý tưởng lập tổ 3 người và tiếng kẻng an ninh khi có sự việc bất thường ở khu dân cư.
Làm việc thường xuyên với tôi là Thượng tá Nguyễn Văn Vịnh, Phó trưởng Công an huyện, người vui tính, dễ mến, vừa nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng.
Nhà anh ở Buôn Ma Thuột, được phân công làm việc tại M’Đrắk. Cùng trên chuyến xe trở về Buôn Ma Thuột, tôi được biết: Ngày mai, thứ 7 (19.5.2018) kỷ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh chọn là ngày hỏi vợ cho đứa con trai đầu lòng để nhờ lộc Bác. Mọi việc có vợ ở nhà lo liệu, còn anh cùng chúng tôi rong ruổi đến 21 giờ mới tới nhà. Có những người công an như thế, Phượng Hoàng cất cánh và Cư Prao góp vào chiếc lông vũ cùng quạt gió bay lên.



Thứ Tư, 26 tháng 9, 2018

DẤU ẤN ký của PHAN THỊ THÚY HẰNG - CHƯYANGSIN SỐ: 313 - THÁNG 9 NĂM 2018

 

Tác phẩm tham dự Cuộc vận động viết bút ký chủ đề
“Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”





 Đại tá Bùi Đức Hùng – Trưởng Công an huyện Krông Buk (giai đoạn 2004 – 2009), Trưởng Công an thị xã Buôn Hồ (giai đoạn 2009 – 2011), Trưởng Phòng PC44, rồi sau đó là Trưởng Phòng Hậu cần kỹ thuật Công an tỉnh Đắk Lắk từ năm 2011 đến năm 2016 thì nghỉ hưu. Đại tá Bùi Đức Hùng hiện đang sinh sống cùng gia đình tại thành phố Hồ Chí Minh.
Hội ngộ
Chú Hùng – cách tôi hay bất cứ ai ở tầm tuổi mình đều gọi trong suốt khoảng thời gian người thủ trưởng này còn công tác tại Công an huyện Krông Buk, sau này tách ra thành lập đơn vị mới là Công an thị xã Buôn Hồ hay cả những năm khi chú đã chuyển đi đơn vị khác và về nghỉ hưu. Bởi thẳm sâu trong đôi mắt cương nghị, mái tóc điểm hoa râm đó, ngoài bộc lộ sự từng trải, kiên cường trong công việc, trong cuộc sống mà với những người như tôi, chú còn như người cha, người chú, gần gũi, thân thiện, hết lòng với đồng chí, đồng đội mình. Ở chú, người ta dễ dàng nhìn thấy sự trăn trở làm sao để xây dựng được một tổ chức Đảng trong đơn vị Công an thật sự vững mạnh, xây dựng được đội ngũ đảng viên thực sự xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân.
Nghe tin vợ chồng chú Hùng từ thành phố Hồ Chí Minh về Buôn Hồ vài ngày, tôi đã chủ động xin gặp. Trong một buổi chiều hầm hập nắng cuối tháng ba Tây Nguyên, tôi được gặp lại người thủ trưởng đầu tiên của mình tại một quán cà phê nhỏ trên đường Lê Duẩn. Tôi đợi sẵn, không chuẩn bị gì trước, với tinh thần sẽ trò chuyện thật nhiều về gia đình và cuộc sống cùng cô chú.
Như đã hẹn, chú đến cùng cô Lệ, người vợ chung thủy, gắn bó với chú từ thời trai trẻ. Họ vẫn không ngần ngại dành cho nhau những cử chỉ ân cần, nhẹ nhàng, những câu cười đùa vui vẻ. Thời gian, tuổi tác không thể xóa đi những nét thanh xuân trong cách nói chuyện, lối bông đùa và cả trong ánh mắt tràn đầy nhiệt huyết của họ.
- Chú về Buôn Hồ để làm thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng đến nơi cư trú mới. Nhưng mà...
Câu mở đầu cuộc trò chuyện của chú khiến cho tôi có cảm giác hình như chú có chút hụt hẫng, luyến tiếc khi sắp phải rời xa những gì quen thuộc, thân thương. Nhấc cốc trà lạnh, chú dừng hẳn câu nói, chuyển sang đề tài khác. Chú hỏi han về tình hình Công an thị xã Buôn Hồ những năm gần đây, hỏi về những khó khăn, thành tích của đồng đội mình. Và tôi đã rất hào hứng kể cho chú nghe những nỗ lực của chúng tôi trên con đường chú từng đi, những thành tích đánh án mà anh em đồng chí, đồng đội của tôi đã đạt được thời gian qua. Chú lắng nghe, như nuốt từng câu chữ, vẫn với cái cách mà chú lắng nghe anh em báo cáo, cách chú thu phục lòng người như những gì tôi cảm nhận được trong suốt thời gian công tác cùng chú tại Công an Buôn Hồ.
Tu dưỡng, rèn luyện bản thân một cách tự nhiên
Tôi về nhận công tác tại Công an huyện Krông Buk (đơn vị trước khi chia tách và nay là Công an thị xã Buôn Hồ) từ năm 2005. Khoảng thời gian đó, Đảng bộ Công an huyện quy mô còn khiêm tốn, chỉ vẻn vẹn hơn 50 đảng viên, 5 chi bộ. Đồng Chí Bùi Đức Hùng lúc bấy giờ là Uỷ viên Thường vụ Huyện ủy, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Công an huyện. Công việc của một trưởng Công an huyện có lẽ những ai trong ngành mới hiểu: bộn bề, ngổn ngang, vừa vai trò của Bí thư Đảng ủy, vừa vai trò của Trưởng Công an huyện và Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra. Mỗi ngày trôi qua là một ngày với bao việc đang giải quyết và những việc phát sinh mới, tiến độ phải nhanh, đối mặt với những áp lực nặng nề về thời gian và độ khó của công việc đòi hỏi cần có bản lĩnh vững vàng của người chỉ huy.
Công tác Công an không phải chỉ là đấu tranh với tội phạm, quản lý hộ khẩu, hoặc là đảm bảo trật tự an toàn giao thông như đa số mọi người vẫn nghĩ. Bởi ngoài công tác nghiệp vụ như kể trên và nhiều nhiệm vụ đặc thù nữa thì công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng trong Công an quan trọng vô cùng. Tổ chức Đảng có mạnh, đảng viên có bản lĩnh chính trị, đạo đức trong sáng thì mới phát huy tối đa được vai trò lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng đối với mọi mặt công tác Công an. Đảng viên có gương mẫu, tận tụy, có được dân tin, dân yêu, thì mới có thể được dân hết lòng giúp đỡ, mà khi dân đã tận tình giúp đỡ thì nhiệm vụ khó khăn nào cũng sẽ hoàn thành. Quan điểm của đồng chí Bùi Đức Hùng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng trên cương vị là người đứng đầu, là phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản thân, đồng thời phải luôn giúp đỡ đồng chí, đồng đội tu dưỡng và rèn luyện, một tập thể có nhiều cá nhân tu dưỡng, rèn luyện tốt, tập thể đó ắt sẽ mạnh.
Nhà gần cơ quan nên hàng ngày chú Hùng thường ăn sáng ở quán quen, tranh thủ hỏi thăm những người xung quanh vài ba câu trước khi đi bộ đến chỗ làm. Giữa mọi người, nhất là những người dân lao động trong khu vực này, chú nổi bật với vóc dáng cao vượt trội và làn da trắng. Những lời nói, cử chỉ thân thiện, gần gũi, không khoảng cách với tiếng cười giòn sảng khoái khi trò chuyện của chú dường như luôn bộc lộ sự thu hút đặc biệt. Từ bác Trọng bán tạp hóa cạnh nhà đến cô Tư bán vé số, họ luôn mở lòng để nói chuyện, để phàn nàn với chú về chuyện đoạn đường xuống cấp, những đứa trẻ ham chơi game không chịu học hành, hay chuyện mất vặt con gà, chậu hoa nhà hàng xóm. Những câu chuyện, lời hỏi thăm, động viên vội vã chỉ trong vài chục phút buổi sáng cũng phần nào tạo thêm động lực, để chú cố gắng nhiều hơn, giúp đỡ nhân dân được nhiều hơn.
Phẩm chất của đồng chí Bùi Đức Hùng bộc lộ sự chân thành, trung thực suốt những ngày tháng sinh hoạt, công tác tại vùng đất Buôn Hồ. Sự chân thành, trung thực luôn tạo nên những dấu ấn riêng biệt. Chân thành trong lời nói, trong hành động, nói được là làm được, và đã nói là phải làm. Tại đơn vị công tác, sự chân thành, gần gũi của chú đã thực sự để lại dấu ấn trong mỗi lời nói, việc làm, mỗi hoạt động cụ thể. Đứng trên góc độ nào đó, thành công lớn nhất của đồng chí Bí thư, đó là được đảng viên, cán bộ, chiến sĩ nể phục, yêu quý. Còn với nhân dân địa phương, chú là hình ảnh gần gũi, thân thuộc, để bất cứ lúc nào người ta cũng có thể nhắc tới với những ngôn từ trìu mến, yêu thương.
Gần gũi, hết lòng vì đồng chí, đồng đội
Tôi còn nhớ những buổi đọc báo sáng, khi quán triệt, triển khai văn bản, với chất giọng trầm ấm của người con xứ Nghệ, chú không nói dông dài, vòng vo mà đi thẳng vào vấn đề. Rồi sau khi triển khai, chú lại hỏi “anh em có trao đổi, ý kiến gì không?”. Có lúc có, có lúc không, nhưng nếu có ý kiến chú sẽ không ngần ngại để trao đổi, phản hồi lại. Những khi không có ý kiến gì, chú sẽ nhận xét kết quả công việc của anh em ngày hôm trước, cần phải phát huy điều gì, rút kinh nghiệm điều gì. Thậm chí như H’Nga và tôi, hai trong số ít những cán bộ nữ tại đơn vị, thỉnh thoảng cũng “bị” chú nhắc tới, bởi Nga là cán bộ trực tiếp tham mưu về công tác an ninh, còn tôi tham mưu về công tác Đảng. Nhận xét trước tập thể về một ai đó, đặc biệt là với phụ nữ vốn nhạy cảm như Nga và tôi đôi khi là con dao hai lưỡi, người bị nhận xét có thể sẽ tự ái, nhưng cái cách nhận xét của chú, chân thành và muốn cấp dưới của mình tiến bộ nhiều hơn, chúng tôi tiếp thu và cẩn trọng điều chỉnh mình.
Một vài lần, chỉ huy đội phản ánh việc cán bộ không chịu làm việc, hoặc làm việc rất tệ. Đồng chí Bùi Đức Hùng trao đổi luôn: “Anh đã làm hết trách nhiệm chưa? Anh đã hướng dẫn cậu ấy chưa, hay anh cũng không nắm được cần phải làm thế nào mà bỏ mặc cậu ấy? Anh phải làm mẫu cho cậu ấy, khi giao việc phải hướng dẫn cụ thể, một lần không được thì hai ba lần, càng cụ thể càng tốt, khi cậu ấy nắm được rồi thì mới giao từ từ... Anh em không phải ai cũng giỏi ngay từ đầu đâu anh ạ! Có người nhanh, có người chậm tiếp thu, anh phải kiên nhẫn”. Với quan điểm đó của thủ trưởng, đội ngũ lãnh đạo chỉ huy cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm cho mình trong lãnh đạo, điều hành, anh em cùng tiến bộ.
Dạo đó, tôi và H’Nga khá thân thiết, chúng tôi thường chơi chung với nhau ngoài giờ làm. Thỉnh thoảng gặp cô Lệ, vợ chú Hùng, với cách xưng hô “má – con” với cô, chúng tôi lại được dịp “nói xấu” về chồng của “má”. Những cái “xấu” của chú, nào là “bắt bọn con làm nhiều việc, không có thời gian để hẹn hò, bọn con ế tới nơi rồi”, nào là “chú khó tính, hay la bọn con quá”, “chú bắt bọn con ra tập điều lệnh không kể nắng mưa, có vài nữ mà chẳng ưu ái”... thực ra đó là những “cái xấu” hết sức bình thường, nhưng cô lại tưởng thật, cô xót xa, an ủi chúng tôi đủ thứ, thỉnh thoảng lại tiếp tế cho lũ con gái chúng tôi những chai sữa đậu nành tự tay mình nấu. Không biết vì được uống sữa miễn phí, hay sữa đậu nành của cô nấu ngon, mà chúng tôi “nhõng nhẽo” với cô nhiều hơn. Cô đã thay chú, quan tâm, động viên chúng tôi, nhất là những đứa con gái phải xa nhà như H’Nga, để chúng tôi yên tâm công tác, yêu ngành, yêu nghề và thông cảm với thủ trưởng của  mình. 
Và dấu ấn để lại không thể phai mờ...
Nhắc tới Công an huyện Krông Buk trước năm 2009 và Công an thị xã Buôn Hồ từ năm 2009 trở về sau, các đơn vị Công an tỉnh, các ban, ngành địa phương luôn có ấn tượng tốt. Bên cạnh vai trò của người thủ trưởng đã được khẳng định rất rõ ràng với những thành tích nổi bật như chỉ đạo đấu tranh bóc gỡ hoạt động cơ sở ngầm Fulrô của Y Pơ Niê (2007), Y Uk Niê (2008); điều tra làm rõ vụ án Lê Văn Vui bắt cóc, đốt xác hai em nhỏ (2009)... thì dấu ấn của người Bí thư Đảng ủy trong công tác xây dựng Đảng đã góp phần tạo nên vị thế xứng đáng cho cái tên Công an thị xã Buôn Hồ. Với sự đóng góp của đồng chí Bùi Đức Hùng, Đảng bộ đơn vị đã tạo được dấu ấn đặc biệt tại địa phương. Qua các năm, Đảng bộ và 100% chi bộ trực thuộc đều đạt danh hiệu Trong sạch vững mạnh. Tập thể Đảng bộ đoàn kết, gắn bó, từng đảng viên đều có bản lĩnh chính trị, đạo đức, gương mẫu chấp hành điều lệnh Công an nhân dân. Dấu ấn của đồng chí tại Đảng bộ, đơn vị Công an thị xã thể hiện rõ nét ở công tác xây dựng bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng bộ, chi bộ vững mạnh toàn diện và dấu ấn trong vai trò gương mẫu của người đứng đầu. Mặc dù thôi công tác tại Công an thị xã Buôn Hồ từ năm 2011, nhưng từ đó đến nay, tác phong điều hành khoa học, bản lĩnh và phẩm chất đạo đức trong sáng, nhân văn, sự gương mẫu đi đầu trong mọi mặt của đồng chí tại Đảng bộ Công an thị xã luôn là tấm gương sáng để tập thể đảng viên, cán bộ chiến sĩ học tập, noi theo. 
Gặp lại đồng chí Bùi Đức Hùng, qua những câu chuyện của chú, dường như những trăn trở, tình cảm, nhiệt huyết vẫn còn nguyên vẹn đối với đơn vị công tác cũ. Chú bảo “Đảng bộ Công an thị xã Buôn Hồ bây giờ đã hơn 100 đảng viên, số chi bộ cũng nhiều gấp đôi cách đây 10 năm. Công tác xây dựng Đảng sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thử thách. Đảng ta có Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, rồi Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ mình phải lấy đó làm cơ sở để tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng làm sao cho Đảng bộ mạnh hơn nữa, có sức chiến đấu hơn nữa. Cháu phải tham mưu cho thủ trưởng làm cho tốt, đừng có hời hợt, vớt váng nghe cháu!”. Chú cười hiền hậu, đôi mắt ánh lên rạng rỡ, tôi đã nhìn thấy trong đôi mắt ấy rất nhiều niềm tin và kỳ vọng về đơn vị cũ, về những người trẻ tuổi như chúng tôi.
            



Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

BẢN PANSORI CỦA GIỌT SƯƠNG Truyện ngắn LÂM HẠ - CHƯYANGSIN SỐ: 313 - THÁNG 9 NĂM 2018

Tác giả LÂM HẠ


Sân khấu kéo màn, đèn khán phòng vụt tắt.
Đèn sân khấu sáng mờ ánh đỏ.
Một giọng ca nữ ai oán cất tiếng.
“Cha ơi, sao cha lại lấy đi đôi mắt con, sao cha lại tàn nhẫn với số phận con đến thế”.
Tiếng đàn của bộ đàn dây cất lên, dập dìu theo tiếng hát.
Khán giả vỗ tay.
Giọng ca nam từ phía sau cánh gà vang vang.
“Hãy tha lỗi cho ta, đó là ý trời”.
“Vậy cha hãy để ông trời làm việc đó, tại sao cha lại móc mắt con?”.
“Thế gian này không cần nhìn bằng mắt”.
Tiếng trống, đàn dìu dặt, theo tiếng đàn trống dồn dập to dần.
Đèn chuyển sang ánh vàng.
Giọng nữ bước ra sân khấu, hai tay bị trói chặt bởi sợi dây thừng.
“Vậy sao cha không giết con, giết chết con đi, để con không phải sống giữa thế gian này, nếu đó là ý trời”.
“Con phải sống, mà không cần mắt”.
“Vậy sao cha không nhốt con lại trong bóng tối còn dắt con đi khắp thế gian? Con mù lòa thì cần gì đi đến đâu?”.
“Con hãy ngắm nhìn thế gian bằng giọng hát này, giọng hát ai oán căm hận ta, để loài người biết đến nỗi đau của con người”.
“Vậy bọn họ sống mà không biết đau sao?”.
“Họ chưa từng biết, vì họ không mù”.
Tiếng vỗ tay to dần.
Trống ngừng, tiếng đàn mỏng manh, réo rắt.
Ánh sáng chuyển sang màu tím.
“Hay quá, hay quá!”.
Tiếng ồn dưới phía khán đài một to dần, thanh âm nức nở của những cô gái đa sầu đa cảm, tiếng thở dài của những người đàn ông tóc đã chuyển màu.
Vài đôi tình nhân ngồi sát lại xiết chặt tay nhau.
“Vậy cha đã chôn đôi mắt con ở đâu?”.
“Ta đã dùng chúng làm vật tế lên thần Mặt Trời”.
“Da mặt con bỏng rát, cha ơi”.
“Giờ con chỉ là một giọt sương, con biết thế nào là giọt sương phải không?”.
“Dạ, con biết, khi chưa mù con thường dậy sớm để hứng những giọt sương đọng trên cánh hoa pha trà cho cha”.
“Và khi mặt trời lên, chúng tan biến mất”.
“Tại sao khi không còn đôi mắt con chỉ là những hạt sương dễ tan biến như vậy?”.
“Vì mặt trời là đôi mắt con, và những giọt sương là nước mắt của mặt trời”.
Giọng nữ nức nở, đưa hai tay bị trói lên trời, dần dần quỳ xuống.
Đèn tắt.
Cả khán phòng lặng im, tiếng nấc lớn dần.
Phía sau cánh gà, đạo diễn sân khấu, ban nhạc, nhân viên hóa trang, nhân viên phục trang, lao công…đều sụt sùi.
Cửa mở, một cô gái trẻ vội vã bước vào.
“Sao giờ này cô mới đến?”.
“Dạ em bị tắc đường, một cụ già ăn xin mù bị tông xe chết ngay trên phố.
Đám đông vây quanh tò mò xem mà chẳng một ai đưa cụ đi bệnh viện”.
“Chúng tôi tưởng sẽ phải hủy buổi diễn, nhưng rất may đạo diễn tìm được người đóng thế cô”.
“Ai vậy ạ?”.
“Một nữ hành khất đang hát trước cửa rạp”.
Nữ diễn viên trẻ lén nhìn lên sân khấu, đèn chuyển sang ánh hồng.
Gương mặt nữ hành khất đang ngước lên trời, từng sợi tóc vương qua vai, để lộ nửa gương mặt trắng nổi từng đường gân xanh. Đôi mắt mù lòa, tiếng nấc vọng qua mấy tầng khán đài, khuôn ngực rung theo nhịp trống đang đổ dồn.
“Cô ấy hát hay quá, diễn cũng đạt nữa. Hóa trang như mù thật vậy”.
“Cô ấy mù thật mà”.
Nữ diễn viên trẻ lặng câm trong bóng tối, hai dòng nước mắt rơi xuống nhòe nhoẹt lớp phấn son.
“Cha ơi, con lạnh quá”.
“Ta xin lỗi con, vì khi sinh con ra ta đã biết định mệnh của ta là trở thành kẻ tàn nhẫn. Ta đã làm đôi mắt con, đưa con đi khắp nhân gian, ta đã làm đôi chân cõng con qua bao thác ghềnh. Ta chỉ hi vọng giọng ca con xuyên qua từng phiến băng quấn chặt vào cõi người bất hạnh”.
“Làm sao cha biết họ bất hạnh? Cha có nhìn thấy hàng ngàn người phía dưới kia, họ chẳng phải rất hạnh phúc đấy ư. Họ đến rạp hát chỉ để mua vui, một thú vui của kẻ có tiền”.
“Con không thể cấm họ”.
“Nhưng con khinh bỉ họ”.
“Họ không đáng bị khinh bỉ”.
“Vậy con phải làm gì với những kẻ như thế?”.
“Bởi họ đáng thương hơn”.
Phía khán giả có tiếng rì rầm, to nhỏ. Một vài người đã thoát ra khỏi trạng thái bi thương, ngồi thẳng dậy nhìn vào giọng ca nữ trên sân khấu giữa không gian màu sắc chuyển sang ánh xanh.
“Cô ta đang hát cái gì thế?”.
“Cô ta khinh chúng ta à?”.
“Chúng ta đã bỏ tiền ra mua vé xem cô ta, để cô ta phỉ báng chúng ta ư?”.
Một vài người đứng dậy, tiếng băng ghế đập vào nhau lịch kịch.
Vỏ lon nước ngọt, bắp rang dần dần rơi xuống sàn.
“Cha ơi, họ đang phẫn nộ”.
“Vì giọng hát con đã đâm vào tim họ”.
“Vậy tại sao họ không đau đớn, mà lại tức giận?”.
“Vì họ không muốn trái tim họ bị lột trần”.
“Trong tim họ có gì, hở cha”.
“Rỗng”.
“Vậy tại sao họ có thể sống với một trái tim rỗng không chẳng chứa đựng điều gì?”.
“Vì họ không biết khóc”.
“Họ thật bất hạnh”.
“Họ đáng thương, hãy giúp họ bằng giọng hát con”.
Nữ hành khất mù đứng dậy, cởi trói, đưa hai tay xoay vòng, cất lên tiếng ca như dòng suối róc rách chảy, hát ru cho những người đang tức giận trong bóng tối.
Quá muộn, bọn họ chẳng còn nhìn thấy gì ngoài sự căm phẫn khi bỏ tiền ra mua lấy sự chế nhạo. Họ nhào lên sân khấu, túm lấy kẻ dám khinh thường họ.
“Mở mắt ra cái con này, đừng vờ vịt nữa”.
“Chúng tao không cần mày dạy đời”.
Đám đông la ó, hỗn loạn. Gọng hát vẫn cất lên ai oán, xuyên qua khán phòng.
“Nó mù, mù thật”.
“Ái chà, nó là con xin ăn đầu đường xó chợ, sao lại bôi son trét phấn lên đây thế này?”.
“Chúng mày lừa đảo, lừa đảo. Chúng tao bỏ tiền mua vé để xem một đứa goze mù hát rong chế diễu chúng tao à?”.
Đèn tắt.
Đám đông dẫm đạp lên nhau.
Nữ diễn viên trẻ len lỏi lên sân khấu, đưa người đóng thế mình chạy khỏi rạp hát.
Đèn đường vàng, lờ mờ.
Nữ diễn viên trẻ dúi tiền vào tay nữ hành khất.
Nữ hành khất dò dẫm với cây gậy tre, bước chậm chạp trên phố, băng qua vũng máu đỏ thẫm của bà cụ ăn xin.
Đám đông vẫn chưa tìm được lối thoát ra khỏi khán phòng.


Pansori: Một thể loại hát nói của Hàn Quốc.
Goze: Tên gọi những nữ hành khất mù của Nhật Bản.