Tặng cháu Remi Trần
Buổi liên hoan tổng kết năm học của
lớp 5A1 diễn ra hết sức vui vẻ vì có sự góp mặt của thầy Hiệu trưởng nhà trường và toàn thể
phụ huynh của 35 em học sinh. Sau lễ trao
thưởng, thầy Hiệu trưởng phát biểu và đề nghị:
- Năm học vừa qua lớp ta có một
hiện tượng đặc biệt, một học sinh suốt bốn năm học và cả học kỳ một chỉ xếp loại
trung bình thôi, vậy mà học kỳ hai bỗng nhiên đạt học sinh
xuất sắc. Điều gì giúp em đạt thành tích kỳ diệu như vậy? Thầy đề nghị
em nhân buổi tổng kết và chia tay với Trường Tiểu học lên chia sẻ cùng với các
bạn. Đó là em... Trần Nguyễn Đức. Mời em!
Cả hội trường vỗ tay rầm rầm. Tiếng mấy bạn trai kêu lên: Đức đâu, lên mau!
Một cậu bé không cao lắm nhưng mập, dấu hiệu của hiện tượng ăn hơi nhiều thịt,
cá, mặt tròn hơi hồng lên một chút từ
tốn bước lên bục cúi chào mọi người rồi nói:
- Kính thưa thầy Hiệu trưởng! Kính thưa cô chủ nhiệm! Kính thưa các bậc phụ
huynh, thưa các bạn lớp 5A1. Thực ra em
không có bí quyết gì đâu ạ, mà đầu năm nay ông ngoại em đi công
tác ở đảo xa về tặng cho em một “hòn đá thần”. Nhờ hòn đá đó mà em học tiến bộ
như vậy đó ạ!
Cả hội trường ồn ào cả lên, nhiều bạn
cùng lớp xuýt xoa: Thằng Đức có đá thần, không trách...! Đá giỏi chứ có phải
nó giỏi đâu? Thằng này ăn may... Cô chủ nhiệm lớp phải đứng dậy:
- Các em trật tự nào. Em có thể cho các bạn xem “hòn đá thần” đó không?
- Thưa cô, nó đây ạ.
Đức nói xong móc trong túi áo ra
một hòn đá đen bóng, hình gần như tròn, to hơn ngón
chân cái người lớn một chút, giơ cao lên quá đầu. Các bạn cùng lớp lại ồ cả lên:
Đức bốc phét. Hòn đá đó có gì đâu mà bảo “hòn đá thần”. Đức xạo...! Cô chủ nhiệm lại phải đứng dậy
dẹp “loạn” nói:
- Các em trật tự nào. Đức có thể
“bật mí” hòn đá đó đã giúp em như thế nào được không?
Cả hội trường lặng ngắt, nghe rõ cả tiếng kêu của mấy con ve đậu trên cây
phượng phía ngoài sân trường. Mọi người
đều tròn mắt nhìn lên bục, mong nghe tiếp câu chuyện.
- Dạ! Qua tết Nguyên đán mấy ngày,
ông ngoại em đi công tác ngoài đảo về tặng em hòn đá này và nói: Đêm ba mươi tết,
ông đón giao thừa với bộ đội trên đảo xong rồi lang thang ra bờ biển. Mặt biển đen sì, sóng vỗ nhè nhẹ lên bãi cát. Bỗng một vệt sáng xanh lét lao từ
ngoài khơi xa vào bờ biển cách ông chừng chục mét, tắt lịm. Ông lại gần thấy hòn đá này nổi bật trên mặt cát nên nhặt lên
xem.
Giữa
đêm khuya là thế mà hòn đá nằm trên bãi biển, cầm lên tay ấm như mới được ai đó hơ qua ngọn lửa. Thấy lạ, ông bỏ vào túi áo, định mang về
cho cháu chơi. Sáng hôm sau mấy anh em văn nghệ sỹ trong đoàn mượn một chiếc xuồng
bơi ra xa đảo để ngắm cảnh. Ra được một đoạn, xuồng chết máy, không trôi vào bờ
mà cứ trôi dần ra xa. Mọi người bàn nhau bỏ xuồng nhảy xuống biển bơi vào bờ.
Ông lục trong túi áo tìm giấy tờ bỏ hết vào bóp trước khi nhảy xuống biển thì
thấy hòn đá nhặt được khi đêm trong túi nên nắm chặt trong tay định ném xuống biển. Hòn đá bỗng
nóng rực lên và thoảng trong gió như có tiếng thì thào: “Bình tĩnh, suy nghĩ kỹ trước khi quyết định”. Ông thoáng giật mình,
vội kêu lên: “Khoan hãy nhảy xuống biển. Chúng ta đang ở trên xuồng, còn có chỗ
dựa để chờ
người trên đảo ra cứu; còn nếu nhảy xuống biển dù có áo phao nhưng bơi xa thế
có vào được đảo không, hay lại bị cuốn ra đại
dương thì làm thế nào?”. Mọi người nghe ông nói vậy nên không nhảy xuống biển nữa
mà thay nhau đứng trên xuồng đánh tín hiệu cầu cứu. Một lúc sau các anh bộ đội
trong đảo nhìn qua ống nhòm thấy tín hiệu, cho thuyền ra kéo về. Ông dặn: “Cháu giữ hòn đá
này bên mình, gặp vấn đề gì khó khăn phải nắm chắc hòn đá trong tay, suy nghĩ kỹ
rồi hãy quyết định”. Nhớ lời ông dặn em luôn bỏ hòn đá trong túi áo ngực.
Một lần em đi chơi đạp xe lao xuống
dốc, thắng không kịp, tông phải hòn đá ngã lăn ra đất. Người chỉ bị xây sát
chút xíu, nhưng xe bị cong vành không đi được nữa. Trời giữa trưa nóng lắm, em
định bỏ xe đi bộ về nhờ bố mẹ ra mang xe về. Sực nhớ lời ông dặn, em thò tay
vào túi lấy hòn đá, nắm chặt. Giữa trưa mà hòn đá lạnh như nước đá. Em nhắm mắt
lại và chợt một ý nghĩ lóe lên trong đầu: “Bỏ xe đi về lỡ ai đi qua nhặt mất
thì sao, đành phải đợi người đi qua nhờ giúp”. Thế là em vào gốc cây bên đường
ngồi đợi, một lúc sau có người chạy xe máy qua, em chạy ra giơ tay vẫy xin được
quá giang một đoạn để sửa xe. Xe dừng, bác chạy xe máy là người gần nhà vui vẻ
xuống nhấc xe đạp, đặt chổng ngược lên yên rồi cho
em ngồi phía sau giữ, chạy đi. Về tới nhà, bác ấy nói với bố mẹ đang đứng đợi ở
cổng: “Thằng này khá, hư xe giữa chỗ vắng, biết đợi người đến giúp”.
Trong một lần ra chơi, bạn Tuấn chơi trò đuổi bắt khi chạy qua em, vung tay
trúng mặt
em.
Em định lao theo đấm cho bạn mấy cái trả đũa. Nhưng chợt nhớ đến hòn đá nên lấy
ra, nắm chặt lại. Hòn đá lạnh như que kem nằm trong lòng bàn tay, chợt một suy nghĩ lóe lên trong đầu:
- Tuấn là bạn học cùng lớp, chỉ vô tình thôi, nếu đánh bạn, bạn đánh lại
thì cả lớp mang tiếng, mất điểm thi đua.
- Nhưng nó tự nhiên đánh mình, chịu sao được nếu không trả thù. Một ý nghĩ
khác lướt qua dầu.
- Tuấn vô tình đâu có chủ ý, đánh bạn là có tội với cả lớp đấy.
Nghe thế, em quyết định không chạy
theo đánh bạn nữa. Một lúc sau Tuấn lại chạy qua em kêu lên: “Đức giúp mình với,
nó sắp bắt được mình rồi kìa”. Nghe thế, mọi bực tức bay đi cả, em chạy theo giúp bạn.
Lại một hôm đã hơn 12 giờ, mắt buồn
ngủ lắm nhưng có một bài toán giải mãi không được,
em định thay quần áo đi ngủ. Lúc cởi áo, đụng vào hòn đá trên túi ngực, em lấy
ra nắm chặt. Bỗng nhiên trong đầu em như nghe được câu hỏi: “Lúc sáng cô dạy
toán thế nào?”. Rồi như một cuộn phim được trình chiếu lại, em nhớ ra lúc cô đang giảng, có bầy chim chào mào đẹp quá nô đùa với nhau
trên cành
phượng. Có con tinh nghịch chui vào túm lá xanh mượt mà như trốn tìm. Có con
còn nghiêng cái đầu đội mũ nhọn hoắt
như đang quan sát lớp học... Lúc đàn chim bay đi thì cô cũng giảng xong bài tập.
Lỗi tại lũ chim chào mào làm em không chú ý nghe giảng. Một
ý nghĩ thoảng qua đầu: Mở sách giáo khoa đọc lại đoạn cô giảng mà mình không chú ý. Em
làm theo, đọc một lần, một lần nữa và một lần nữa thì chợt hiểu ra cách giải;
bài toán làm xong. Từ đấy em tự hứa với mình: Không bao giờ nhìn ra ngoài cửa sổ khi cô đang giảng bài. Bài tập làm
không được
phải xem lại bài cô dạy, không bỏ cuộc khi chưa làm xong bài hay chưa thuộc bài; nhờ vậy mà em học khá lên như hôm nay đấy ạ.
Đức dứt lời, mọi người vỗ tay ầm ầm.
Mấy bạn lại được dịp reo lên: Cho tớ mượn một hôm.
Cho tớ mượn trước. Tớ mượn trước...
Cô chủ nhiệm tươi cười bước lên bục, không nói gì nhưng tất cả 35 khuôn mặt
ngước lên nhìn cô rồi từ từ trật tự được
vãn hồi. Mọi người ngồi ngay ngắn lại chú ý nhìn cô chủ nhiệm và Đức mặt đỏ bừng
đứng sát bên cô. Cô nói:
- “Hòn đá thần” của Đức thật là kỳ diệu, vì từ khi có nó em đã suy nghĩ kỹ trước khi hành
động cũng như học tập. Các em chưa có “đá thần” như Đức nhưng cũng suy nghĩ,
cân nhắc trước mỗi câu nói, việc làm hay hành động của mình thì cô chắc chắn sẽ có “vị thần” xuất hiện. Vị thần
ấy đang ở trong đầu các em nhưng chưa thức dậy đấy thôi. Các em về thử xem sao nhé.
Lớp 5A1 qua năm học sau vào lớp
sáu, không hiểu sao lực học khá hơn hẳn các lớp khác.
Tuần nào chào cờ cũng được thầy giáo khen, tuyên dương trước toàn trường, trở
thành lớp mẫu. Các bạn lớp khác tò mò muốn biết “bí quyết” về sự đoàn
kết, học giỏi của lớp mẫu, nhưng mọi người giấu kín, không ai tiết lộ. Nhưng nếu quan sát kỹ sẽ thấy học sinh lớp mẫu hình như trong túi áo ai cũng
có một viên đá nhỏ, có điều chúng không phải chỉ có đen mà còn nhiều loại, nhiều
màu
khác
nhau. Khi có việc cần suy nghĩ, cân nhắc, quyết định, học sinh lớp mẫu hình như đều nắm trong tay viên đá của mình.
Tháng
6 năm 2018
Anh cho em xin số anh, anh Hồng Chiến. Em cảm ơn!
Trả lờiXóa