Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

BẢN PANSORI CỦA GIỌT SƯƠNG Truyện ngắn LÂM HẠ - CHƯYANGSIN SỐ: 313 - THÁNG 9 NĂM 2018

Tác giả LÂM HẠ


Sân khấu kéo màn, đèn khán phòng vụt tắt.
Đèn sân khấu sáng mờ ánh đỏ.
Một giọng ca nữ ai oán cất tiếng.
“Cha ơi, sao cha lại lấy đi đôi mắt con, sao cha lại tàn nhẫn với số phận con đến thế”.
Tiếng đàn của bộ đàn dây cất lên, dập dìu theo tiếng hát.
Khán giả vỗ tay.
Giọng ca nam từ phía sau cánh gà vang vang.
“Hãy tha lỗi cho ta, đó là ý trời”.
“Vậy cha hãy để ông trời làm việc đó, tại sao cha lại móc mắt con?”.
“Thế gian này không cần nhìn bằng mắt”.
Tiếng trống, đàn dìu dặt, theo tiếng đàn trống dồn dập to dần.
Đèn chuyển sang ánh vàng.
Giọng nữ bước ra sân khấu, hai tay bị trói chặt bởi sợi dây thừng.
“Vậy sao cha không giết con, giết chết con đi, để con không phải sống giữa thế gian này, nếu đó là ý trời”.
“Con phải sống, mà không cần mắt”.
“Vậy sao cha không nhốt con lại trong bóng tối còn dắt con đi khắp thế gian? Con mù lòa thì cần gì đi đến đâu?”.
“Con hãy ngắm nhìn thế gian bằng giọng hát này, giọng hát ai oán căm hận ta, để loài người biết đến nỗi đau của con người”.
“Vậy bọn họ sống mà không biết đau sao?”.
“Họ chưa từng biết, vì họ không mù”.
Tiếng vỗ tay to dần.
Trống ngừng, tiếng đàn mỏng manh, réo rắt.
Ánh sáng chuyển sang màu tím.
“Hay quá, hay quá!”.
Tiếng ồn dưới phía khán đài một to dần, thanh âm nức nở của những cô gái đa sầu đa cảm, tiếng thở dài của những người đàn ông tóc đã chuyển màu.
Vài đôi tình nhân ngồi sát lại xiết chặt tay nhau.
“Vậy cha đã chôn đôi mắt con ở đâu?”.
“Ta đã dùng chúng làm vật tế lên thần Mặt Trời”.
“Da mặt con bỏng rát, cha ơi”.
“Giờ con chỉ là một giọt sương, con biết thế nào là giọt sương phải không?”.
“Dạ, con biết, khi chưa mù con thường dậy sớm để hứng những giọt sương đọng trên cánh hoa pha trà cho cha”.
“Và khi mặt trời lên, chúng tan biến mất”.
“Tại sao khi không còn đôi mắt con chỉ là những hạt sương dễ tan biến như vậy?”.
“Vì mặt trời là đôi mắt con, và những giọt sương là nước mắt của mặt trời”.
Giọng nữ nức nở, đưa hai tay bị trói lên trời, dần dần quỳ xuống.
Đèn tắt.
Cả khán phòng lặng im, tiếng nấc lớn dần.
Phía sau cánh gà, đạo diễn sân khấu, ban nhạc, nhân viên hóa trang, nhân viên phục trang, lao công…đều sụt sùi.
Cửa mở, một cô gái trẻ vội vã bước vào.
“Sao giờ này cô mới đến?”.
“Dạ em bị tắc đường, một cụ già ăn xin mù bị tông xe chết ngay trên phố.
Đám đông vây quanh tò mò xem mà chẳng một ai đưa cụ đi bệnh viện”.
“Chúng tôi tưởng sẽ phải hủy buổi diễn, nhưng rất may đạo diễn tìm được người đóng thế cô”.
“Ai vậy ạ?”.
“Một nữ hành khất đang hát trước cửa rạp”.
Nữ diễn viên trẻ lén nhìn lên sân khấu, đèn chuyển sang ánh hồng.
Gương mặt nữ hành khất đang ngước lên trời, từng sợi tóc vương qua vai, để lộ nửa gương mặt trắng nổi từng đường gân xanh. Đôi mắt mù lòa, tiếng nấc vọng qua mấy tầng khán đài, khuôn ngực rung theo nhịp trống đang đổ dồn.
“Cô ấy hát hay quá, diễn cũng đạt nữa. Hóa trang như mù thật vậy”.
“Cô ấy mù thật mà”.
Nữ diễn viên trẻ lặng câm trong bóng tối, hai dòng nước mắt rơi xuống nhòe nhoẹt lớp phấn son.
“Cha ơi, con lạnh quá”.
“Ta xin lỗi con, vì khi sinh con ra ta đã biết định mệnh của ta là trở thành kẻ tàn nhẫn. Ta đã làm đôi mắt con, đưa con đi khắp nhân gian, ta đã làm đôi chân cõng con qua bao thác ghềnh. Ta chỉ hi vọng giọng ca con xuyên qua từng phiến băng quấn chặt vào cõi người bất hạnh”.
“Làm sao cha biết họ bất hạnh? Cha có nhìn thấy hàng ngàn người phía dưới kia, họ chẳng phải rất hạnh phúc đấy ư. Họ đến rạp hát chỉ để mua vui, một thú vui của kẻ có tiền”.
“Con không thể cấm họ”.
“Nhưng con khinh bỉ họ”.
“Họ không đáng bị khinh bỉ”.
“Vậy con phải làm gì với những kẻ như thế?”.
“Bởi họ đáng thương hơn”.
Phía khán giả có tiếng rì rầm, to nhỏ. Một vài người đã thoát ra khỏi trạng thái bi thương, ngồi thẳng dậy nhìn vào giọng ca nữ trên sân khấu giữa không gian màu sắc chuyển sang ánh xanh.
“Cô ta đang hát cái gì thế?”.
“Cô ta khinh chúng ta à?”.
“Chúng ta đã bỏ tiền ra mua vé xem cô ta, để cô ta phỉ báng chúng ta ư?”.
Một vài người đứng dậy, tiếng băng ghế đập vào nhau lịch kịch.
Vỏ lon nước ngọt, bắp rang dần dần rơi xuống sàn.
“Cha ơi, họ đang phẫn nộ”.
“Vì giọng hát con đã đâm vào tim họ”.
“Vậy tại sao họ không đau đớn, mà lại tức giận?”.
“Vì họ không muốn trái tim họ bị lột trần”.
“Trong tim họ có gì, hở cha”.
“Rỗng”.
“Vậy tại sao họ có thể sống với một trái tim rỗng không chẳng chứa đựng điều gì?”.
“Vì họ không biết khóc”.
“Họ thật bất hạnh”.
“Họ đáng thương, hãy giúp họ bằng giọng hát con”.
Nữ hành khất mù đứng dậy, cởi trói, đưa hai tay xoay vòng, cất lên tiếng ca như dòng suối róc rách chảy, hát ru cho những người đang tức giận trong bóng tối.
Quá muộn, bọn họ chẳng còn nhìn thấy gì ngoài sự căm phẫn khi bỏ tiền ra mua lấy sự chế nhạo. Họ nhào lên sân khấu, túm lấy kẻ dám khinh thường họ.
“Mở mắt ra cái con này, đừng vờ vịt nữa”.
“Chúng tao không cần mày dạy đời”.
Đám đông la ó, hỗn loạn. Gọng hát vẫn cất lên ai oán, xuyên qua khán phòng.
“Nó mù, mù thật”.
“Ái chà, nó là con xin ăn đầu đường xó chợ, sao lại bôi son trét phấn lên đây thế này?”.
“Chúng mày lừa đảo, lừa đảo. Chúng tao bỏ tiền mua vé để xem một đứa goze mù hát rong chế diễu chúng tao à?”.
Đèn tắt.
Đám đông dẫm đạp lên nhau.
Nữ diễn viên trẻ len lỏi lên sân khấu, đưa người đóng thế mình chạy khỏi rạp hát.
Đèn đường vàng, lờ mờ.
Nữ diễn viên trẻ dúi tiền vào tay nữ hành khất.
Nữ hành khất dò dẫm với cây gậy tre, bước chậm chạp trên phố, băng qua vũng máu đỏ thẫm của bà cụ ăn xin.
Đám đông vẫn chưa tìm được lối thoát ra khỏi khán phòng.


Pansori: Một thể loại hát nói của Hàn Quốc.
Goze: Tên gọi những nữ hành khất mù của Nhật Bản.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI