THẦY VÀ BÀI CA DAO MẸ tản văn của NGUYỄN ANH ĐÀO - CHƯYANGSIN SỐ: 313 - THÁNG 9 NĂM 2018
(Kỷ niệm 5 năm thầy Nguyễn Phi Trinh từ trần)
Con nhớ thầy!
Nỗi nhớ của đứa con lầm lạc tha hương đau đáu về quê
cũ nhưng chưa đủ một lần can đảm trở về. Con hay đổ lỗi cho hoàn cảnh, con đổ lỗi
cho công việc bận rộn, đổ lỗi cho hàng ngàn thứ mà con nghĩ rằng nó xứng đáng
chiếm lấy thời gian của con hơn là một lần về thăm thầy trong suốt hơn mười năm
rời mái trường trung học.
Ngày con trở về, con gọi “thầy ơi, con muốn biếu thầy
cuốn sách!”. Thầy bỏ một tiết dạy và ra quán cafe gần trường để gặp con, thầy
không đợi được đến hết buổi dạy, để về nhà, để nhìn thấy con chờ thầy ở đó. Thầy
gặp con sau hơn mười năm, chỉ để ngỡ ngàng nhận ra cái đứa học trò làm văn chưa
bao giờ qua điểm 6 của thầy lại trở thành một đứa đi theo công việc viết lách,
gặp để thầy lắc đầu một cách ngán ngẩm “tội, theo văn chương chi cho khổ rứa
con!”. Lúc đó, thầy bảo “thầy sắp hưu rồi, rảnh rỗi rồi, xuống uống rượu với thầy,
phải say mới văn chương được con ạ!”. Con cười, thầy cũng cười. Con tiếp tục cuộc
sống của mình mà không biết rằng, đó là lần đầu và cũng là lần cuối con có thể
nói với thầy về văn chương, về nghề nghiệp, về những bài thơ mà ngày xưa con
chưa kịp hiểu. Thầy ra đi, dẫu trong lòng con luôn mong rằng có một phép màu thứ
hai đến với thầy, để thầy trở về với trần gian này như nó đã đến với thầy lần
thứ nhất mười mấy năm trước. Phép màu không xảy ra hai lần! Thầy về lòng đất mẹ,
an yên với giấc ngủ vĩnh hằng.
Thầy để lại trong con và thế hệ học trò của con bài giảng
về ca dao mẹ dang dở, thầy dành suốt ba tiết học để chỉ giảng một bài duy nhất, mà thầy
vẫn không hoàn thành, thầy nghẹn lại, thầy rơi nước mắt khi nói về mẹ, về tình
mẫu tử thiêng liêng “Mẹ nằm ướt chỗ canh sương/ Chỗ khô lót tiếng ru nhường con
thơ”, “Ví dầu con Phụng bay qua/ Mẹ nói con gà, con cũng nghe theo”... Lớp học
chùng lại
chừng năm mười phút, chúng lại ồn ào như bầy ong, bỏ mặc thầy với những nỗi niềm
riêng mà những đứa học trò mười sáu tuổi, thừa vô tâm để làm đau thầy thêm nhiều
lần nữa.
Con nhớ thầy!
Những bài giảng êm như ru, thầy giảng hay như hát, để
đứa học trò tuổi mười sáu mơ mộng vừa nghe lời thầy vừa mơ về thiên đường lấp
lánh những ánh sao, đến cả bài kiểm tra con viết cũng mơ mộng dịu dàng như lời
thầy giảng, thầy từng thốt lên trước bài văn của con “mi viết cái chi ri?”, mắng
học trò, thầy cũng mắng đến
dịu dàng, mắng bằng ánh mắt bao dung chưa từng có. Suốt thời gian học thầy, bài
thi chưa bao giờ vượt qua điểm sáu, bởi con không chép bài, con cứ sợ mình cúi
xuống với cuốn tập thì con sẽ bỏ qua mất lời thầy trên kia. Kết quả con không nhớ hết
tất cả lời dạy của thầy, bài học của sách giáo khoa trôi tuột, mà lúc đó con vẫn không
hiểu vì sao con yêu giờ văn đến thế mà vẫn ngồi thần người trước mỗi đề kiểm
tra?
Thỉnh thoảng, con nghe ai đó nói về thầy, rằng nếu thầy
đừng uống rượu, có lẽ thầy sẽ sống lâu hơn. Con không biết đó phải là điều thầy
muốn không? Sống lâu hay mau ở cõi tạm này thì cũng chỉ là một cuộc đời. Nhưng
với những ly rượu cay, thầy làm thơ và hát về cuộc đời còn hay hơn cả khi thầy
với một hình ảnh cương nghị mẫu mực trên bục giảng, giảng những bài học trong
sách giáo khoa.
Môn văn không đem lại sự giàu có, học văn không giúp
cho người ta thành kỹ sư, bác sĩ. Nhưng con biết, môn văn là một ly nước mát
làm dịu cơn khát khi bao thế hệ lay hoay khó khăn với bao môn học tự nhiên lạnh
lùng. Môn văn, giúp chúng con làm người. Sau thế hệ của con, sách văn mẫu được
xuất bản nhiều hơn, rồi đến cả các kỳ thi, đề văn cũng có đáp án sẵn để chấm điểm.
Con cảm thấy môn văn không còn là văn nữa, con nhận ra, thế hệ của con và trước
con là thế hệ may mắn, bởi được học văn trong cảm xúc thật của lòng mình, được
viết những gì mình nghĩ, cho dù điểm số chưa bao giờ cao. Và thầy, dừng lại sự
nghiệp giảng dạy ở thời điểm ấy cũng đã là đủ cho một cuộc đời gian nan của thầy,
để thầy không chứng kiến nhiều thêm những trái ngang, đau lòng. Phải không thầy?
Dẫu giờ con nhớ thầy bao nhiêu đi nữa, con cũng bất lực
rồi, con từng ước gì thời gian quay trở lại, con về trường ngồi vào chỗ ngồi
ngày cũ, nhìn ra cửa sổ với tán lá bàng màu đỏ, nghe thầy giảng về bài ca dao mẹ
còn dang dở năm nào. Và khi con nhận ra mình bất lực với thời gian, thì con mới
hiểu được tại sao thầy nghẹn lại và rơi nước mắt ở câu ca dao năm ấy “Ví dầu con
phụng bay qua/ Mẹ nói con gà, con cũng nghe theo”...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI