Thứ Năm, 27 tháng 9, 2018

TỪ CƯ PRAO SUY CẢM bài viết của HỮU CHỈNH - CHƯYANGSIN SỐ: 313 - THÁNG 9 NĂM 2018


 

Tác phẩm tham dự Cuộc vận động viết bút ký chủ đề
“Công an Đắk Lắk bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”





Xã Cư Prao nằm phía Đông Bắc huyện M’Đrắk, là xã xa. Từ trung tâm xã đến trung tâm huyện 25 km, nếu đến thôn buôn cuối cùng, tiếp giáp tỉnh Phú Yên còn phải đi thêm 10 km nữa.
Tôi vốn ưa rong ruổi nên chẳng ngại ngần gì khi nói với các bạn viết: Các anh cứ chọn trước đi, còn lại là của tôi. Ngoài việc phân công của tổ chức, tôi muốn tìm hiểu nét mới lạ ở nơi đầy thử thách nên tôi về với Cư Prao. Thế là đạt cả hai trong một, vừa chấp hành mệnh lệnh, vừa đạt được nguyện vọng đi tìm cái mới.
Trên tay tôi là bản báo cáo mới nhất, mới toanh vì thống kê nhân hộ khẩu của xã tính đến ngày 15.4.2018.
Trời đất ơi! Một xã miền núi có tới 1.340 hộ với 5.380 nhân khẩu. Thế cũng tạm coi là đông dân nhưng chưa phải là điều gì đặc biệt. Mà đặc biệt là ngoài người Kinh còn có 9 dân tộc anh em khác chung sống cho có con số 10 tròn vẹn. Đó là các dân tộc: Êđê, Tày, Nùng, Mường, Khơ Me, Sán Dìu, Hoa, Cao Lan, Thanh Y. Khẩu hiệu Đại đoàn kết các dân tộc ở đây là hiện thực sinh động nâng tầm cao mới.
Tiếp tôi tại trụ sở Công an xã có đồng chí Nguyễn Tăng Liêm là Trưởng công an, sinh năm 1972, dân tộc Mường, quê gốc ở Thanh Hóa, hai phó công an là Lô Viết Báo, người Tày, sinh năm 1982 quê ở Kỳ Cùng, Văn Lãng, Lạng Sơn và Y Dhăc Ksơr, người Êđê, sinh năm 1964. Ngoài ra còn ba công an viên thường trực là Y Dhun Mlô sinh năm 1984 là người Êđê bản địa; Hoàng Trung Cường sinh năm 1989, người Nùng, quê ở Cao Lộc, Lạng Sơn; Hoàng Huy Hùng sinh năm 1992, người Tày, quê ở Văn Lãng, Lạng Sơn. Tôi giới thiệu chi tiết vì lòng rộn lên niềm vui, thấy cả sáu đồng chí đều là người dân tộc thiểu số mà làm tròn trách nhiệm mặc dù không ít khó khăn thử thách.
Xã Cư Prao rộng 12.249 ha trải dài 11 thôn và 4 buôn. Các dân tộc anh em ở đan xen vào nhau, đoàn kết, gắn bó, yêu thương.
Có thể coi đây là xã trẻ, mới thành lập năm 1996, khi dân đã chuyển cư vào nhiều, đủ thành lập đơn vị hành chính. Trước đây là trọng điểm phức tạp về tình hình an ninh của huyện. Là xã vùng sâu, vùng xa, lại tiếp giáp với xã Ea Ly của huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên nên tội phạm mượn địa bàn cư trú để dễ lẩn tránh. Thế mà hơn bốn năm gần đây, không còn tội phạm hình sự. Mấy tháng đầu năm 2018 chỉ có vài vụ lẻ tẻ vì chuyện con gà, con chó, trâu bò dẵm chết hoa màu hay lấn bờ rào đất đai mà thôi. Tất cả được giải quyết ổn thỏa, có lý, có tình. Công an xã làm tốt chức năng của mình, giữ vững an ninh trước hết là giữ vững đoàn kết cộng đồng.
Có một vụ đánh bạc, giáp giới Phú Yên, không có người địa phương tham gia mà do người từ Phú Yên sang dẫn dụ người từ nơi khác đến.
Cả 15 thôn buôn đều yên ổn, có thể an tâm về tình hình trật tự xã hội, chỉ có thôn 5 (gần chợ), thôn Đắk Phú (giáp Phú Yên) là có đôi chút lăn tăn nhưng sẽ đúng đường.
Công an xã Cư Prao nhiều năm liền là đơn vị tiên tiến, được Công an tỉnh và huyện khen thưởng nhiều lần. Ngoài nỗ lực của bản thân từng người còn có sự hỗ trợ của chính quyền, đoàn thể địa phương cùng họp cơ sở thôn buôn để tuyên truyền, phát động quần chúng từ 3 đến 4 đợt một năm, còn được hỗ trợ tích cực, hiệu quả của Công an huyện.
Cụ thể là xây dựng tổ 3 người, phân công nắm địa bàn từng xã, ứng cứu kịp thời khi cần thiết.
Tổ 3 người gồm Tổ trưởng phụ trách chung; tổ phó phụ trách hình sự - ma túy; tổ viên phụ trách an ninh chính trị. Tổ này trực thuộc Đội xây dựng phong trào do Đại úy Phạm Đức Công phụ trách.
Tổ 3 người nắm địa bàn Cư Prao do Đại úy Y Khôn Niê năm nay mới 34 tuổi, là người trực tiếp đưa tôi đi. Nhà Y Khôn Niê ở huyện Ea Kar, km 52, là người dân tộc Êđê. Tôi có khen: Còn trẻ, đã là tổ trưởng địa bàn, chịu lăn lộn phong trào thì lên Tá mấy hồi.
Cư Prao là xã nghèo, dân mới, xã mới, đúng nghĩa cả vùng sâu vùng xa. Cây trồng chủ yếu là cây lương thực và cây múa. Mía lại đang rớt giá. Bình quân đầu người mới đạt 18 triệu đồng, chưa bằng ½ của tỉnh (năm 2017 Đắk Lắk đã đạt bình quân đầu người là 38,4 triệu đồng).
Thôi thì có nụ mừng nụ, có hoa mừng hoa. Dù chưa giàu nhưng sống vui, sống khỏe, sống thuận hòa để chung tay xây dựng tương lai. Giá có cú hích công nghiệp nhỏ hay vừa vào đây thì hay biết mấy. Chắc chắn Cư Prao nhanh chóng thay đổi bộ mặt của mình.
26 năm trước, tôi đã viết bài ký về M’Đrắk lấy tên là Phượng Hoàng cất cánh, vì M’Đrắk có đèo Phượng Hoàng ở cửa ngõ phía Đông với niềm tin M’Đrắk bay cao, bay xa. Tôi có bài thơ về M’Đrắk với khổ mở đầu:
Vút một Phượng Hoàng cất cánh
Lang thang mây trắng lưng đèo
Nơi sống lưng Trường Sơn cuộn khúc
Thế rồng bay theo!
Những mong ước từ 26 năm trước về M’Đrắk đổi thay đang thành hiện thực, dù còn chậm vì đất rộng người thưa (toàn huyện mới có 75.000 dân) nhưng tôi vẫn tin.
Trên đường trở về trung tâm huyện, ngoài một số quãng đường tốt, tay lái lụa Nguyễn Văn Tiến cứ lo cho tôi – ông già gần 80 tuổi chịu trận xóc ổ gà và đá sỏi, có lúc bụi mù. Nhưng tôi không để ý mà chỉ nhớ đến địa chỉ Cư Prao nơi có tới 10 dân tộc anh em cùng chung sống (cả tỉnh có 47 dân tộc) và cả 6 công an đều là người dân tộc thiểu số, gồm 2 người Êđê, 2 người Tày, 1 người Mường, 1 người Nùng, đưa đơn vị trở thành đơn vị tiên tiến nhiều năm liền. Yêu lắm chứ. Cũng xin nói thêm: Nơi làm việc của các anh là cơ sở y tế mới nhường cho nên chẳng được khang trang.
Đại tá Nguyễn Quang Trung – Trưởng Công an huyện bận nhiều việc nên tôi ít tiếp xúc, nhưng tôi biết anh là tác giả, đề xuất ý tưởng lập tổ 3 người và tiếng kẻng an ninh khi có sự việc bất thường ở khu dân cư.
Làm việc thường xuyên với tôi là Thượng tá Nguyễn Văn Vịnh, Phó trưởng Công an huyện, người vui tính, dễ mến, vừa nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng.
Nhà anh ở Buôn Ma Thuột, được phân công làm việc tại M’Đrắk. Cùng trên chuyến xe trở về Buôn Ma Thuột, tôi được biết: Ngày mai, thứ 7 (19.5.2018) kỷ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh chọn là ngày hỏi vợ cho đứa con trai đầu lòng để nhờ lộc Bác. Mọi việc có vợ ở nhà lo liệu, còn anh cùng chúng tôi rong ruổi đến 21 giờ mới tới nhà. Có những người công an như thế, Phượng Hoàng cất cánh và Cư Prao góp vào chiếc lông vũ cùng quạt gió bay lên.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI