Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

ĐOẢN MỆNH Truyện ngắn của TRẦN THỊ NGUYỆT ÁNH - CHƯYANGSIN SỐ: 313 - THÁNG 9 NĂM 2018



 Trời nhá nhem tối, cả cái xóm ven hồ, nhà nào nhà nấy đang tất tả cho bữa cơm chiều chạng vạng. Tiếng heo  nhà ông Mẫn lò mổ mới bắt về kêu inh ỏi khắp xóm, khói bếp từ mọi gia đình lan tỏa cả ven hồ. Không gian quen thuộc ấy bỗng thay đổi khác thường, mọi người nháo nhào chạy hết ra đường tụ tập nơi con mương nhỏ đầu xóm.Tiếng kêu thất thanh, cùng tiếng gào thét nức nở của gia đình nhà ông Minh vọng lại ngày một to hơn.
- Con ơi, sao con lại khổ thế này, trời đất ơi! Có ai cứu con tôi với! - Bà Minh đầu tóc rũ rượi, bộ quần áo xộc xệch ướt mèm từ dưới ruộng lên vẫn còn nguyên bùn đen xì bám chặt đôi bàn chân thô ráp, đen đủi, bà kêu gào thảm thiết! Ngoài kia, người ta đang thay nhau vác đứa con gái bé bỏng tội nghiệp của bà chạy dọc đường để tìm kiếm phép nhiệm màu xảy ra. Nhưng đã gần một giờ đồng hồ, họ vác cô bé chạy rồi đặt xuống hô hấp nhân tạo, người thì hà hơi thổi ngạt, người thì xoa bóp tim ngoài lồng ngực, nhưng dường như nỗi tuyệt vọng cứ hiện dần ra trên nét mặt của từng người chứng kiến ở đó. Người dân kéo đến ngày một đông bởi sự hiếu kì. Trong nhà, ngoài sân, đầu ngõ người đông như kiến. Đến lúc này, ông Minh không kìm nổi sự đau đớn, ông gào lên:
- Con ơi, tại sao lại thế này! Tỉnh dậy đi, con ơi! Bố không thể mất con như thế này! - Nhìn hình ảnh ấy, chứng kiến cảnh tượng này, tất cả mọi người không ai cầm nổi nước mắt, tiếng khóc tang thương vỡ òa choán cả vùng trời. Vậy là em ra đi thật rồi.
Vừa chở xe rau đầy về đến đầu ngõ, tôi đã thấy mọi người xì xào:
- Nước cạn lắm, con mương đó nước tới đầu gối thôi, sao mà khổ thế không biết! Tội nghiệp con bé.
Chưa kịp định hình sự việc gì đang diễn ra, đứa em gái hớt ha hớt hải chạy tới, giọng như ríu lại, mắt đỏ hoe:
- Cái Đẹp nhà chú Minh chết rồi...
Chưa nghe hết câu, tôi bàng hoàng như sét đánh bên tai, dựa vội xe rau vào cây cột điện bên đường đổ xoài ra khiến hai người thanh niên đứng đó phải đỡ hộ lên.
- Cái... gì, làm sao? Làm sao mà chết? - Giọng thảng thốt, tôi hét toáng lên khiến người bên cạnh phải quay sang nhìn. Vừa nói vừa chạy, len lách, xô đẩy đám người chen lấn tôi mới vào trong chỗ Đẹp nằm, tôi oà khóc nức nở.
- Đẹp ơi! Sao lại thế này hả em? Sao lại thế này! Mới chiều nay còn ríu rít với nhau cơ mà. Cầm bàn tay sưng phù, tím ngắt của người chết đuối, tôi không có cảm giác sợ hãi; bọt mép và máu trong miệng em cứ chảy ra, tôi nhớ đến điều mà người ta hay nói: Khi chết đuối mà máu miệng chảy ra là người đó bị chết oan, đối với ai thì không biết, nhưng đối với em thì tôi nghĩ điều đó là có thật.
Em, một con người hiền lành, nhân hậu nhưng cuộc đời bất hạnh. Em thua tôi hai tuổi, và ra đi ở cái tuổi đẹp nhất đời người con gái - mười sáu trăng tròn. Em sống trong một gia đình bố mẹ làm nông, bản thân em bị câm điếc bẩm sinh, cũng chẳng biết từ bao giờ, em hay xuống nhà tôi chơi và chúng tôi thân nhau từ độ nào chẳng rõ. Đẹp rất sạch sẽ, có làn da trắng như trứng gà bóc, đôi mắt sáng và mái tóc đen mượt dài quá thắt lưng hay được tết gọn gàng.
Thuở nhỏ, chúng tôi hay chơi những trò trẻ con với nhau rất vui. Mỗi lần đóng các nhân vật trong truyện cổ tích như “Thạch Sanh cứu công chúa” hay “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn” là y như rằng Đẹp được sắm vai Bạch Tuyết hay Công chúa. Tôi hóa trang cho Đẹp bằng những bộ cánh được kết bằng phoi bào từ gỗ, lá chuối xẻ tưa kết lại với nhau, dây chuyền là những chuỗi hoa lekima hay tàu lá sắn bẻ cọng kết thành, son môi được làm từ những bông hoa mười giờ... Cứ thế, em mặc sức cho tôi hoá trang để trở thành một nàng công chúa đẹp nhất mọi thời đại. Xong việc hoá trang, em nhìn vào mảnh gương vỡ tỏ ý thích thú đến lạ lùng.
Chúng tôi hay dựng lều lợp bằng lá chuối với vài cái cọc nơi góc vườn rồi cứ mưa là chui ra đó ngồi co ro, cúm rúm với nhau mặc cho rét mướt vì mưa tạt.  Nhưng có điều lạ là chẳng thấy đứa nào đau ốm sau những lần “ra ở riêng” như thế. Chẳng biết từ bao giờ, chúng tôi hiểu hết ngôn ngữ của nhau, dù không nghe và không nói được nhưng em “nói” gì tôi cũng hiểu và ngược lại.
Năm ấy, tình cờ tôi đọc được bài báo trong cuốn “Tri thức trẻ” nói về cách dạy người câm điếc. Từ đó tôi nảy ra ý nghĩ dạy em học nói, học viết. Tôi bắt đầu chiến dịch “cô giáo dạy trẻ em khiếm thính”. Tôi học buổi chiều nên buổi sáng nào Đẹp cũng đến, vừa nấu cám lợn, tôi lấy hòn than viết lên tấm ván chữ (A,O,Ô,Ơ..) và phát âm cho em nhìn miệng đọc theo, trong những chữ cái đó, chỉ chữ A, O là em phát âm có tiếng, còn lại mờ nhạt hoặc không phát ra tiếng, nhất là những phụ âm. Tôi bảo em viết theo nhưng Đẹp lại sợ bẩn tay. Tôi ra hiệu cho em lấy tập vở và bút trên bàn học, em hiểu ý và lấy đúng những gì tôi cần. Kê cuốn vở lên thùng gạo, em nắn nót viết từng con chữ rất gọn gàng. Hai “thầy trò” vừa nấu cám lợn vừa học bài một cách rất say sưa, nghiêm túc. Những tấm ván nhà bếp kín mít than đen, nhưng chính nó là cả một khoảng trời mơ ước cho chúng tôi thỏa sức vẫy vùng.
Xong hai buổi tập viết chữ cái, sang buổi thứ ba tôi bắt đầu ghép vần, nhưng tôi phát hiện ra những từ nào có phụ âm em đều không phát âm được mà chỉ nói bằng hơi gió, âm gió và âm môi. Nhưng khi tôi đọc tên từng người để em tự ghép vần với nhau thì em ghép được trên giấy. Tôi ngạc nhiên về sự tiến bộ của em và thấy hãnh diện về vai trò “cô giáo” của mình! Nhưng hành trình làm cô giáo dạy học sinh khuyết tật của tôi cũng chỉ dừng lại ở đấy khi tôi không biết phải làm thế nào để cho em nghe và nói thành tiếng, phát âm được cả câu, chưa có kinh nghiệm gì và cũng không biết phải  như thế nào, cái sự “học chữ” của chúng tôi rơi vào bế tắc. Mặc dù không học được hết con chữ nhưng Đẹp vẽ rất giỏi. Trong tập vở viết, ngoài bảng chữ cái ra, thêm một số tên riêng của những người trong gia đình, em còn tự vẽ những hình ảnh bông hoa, con chim hay cái xoong, cái chảo đều được em thổi linh hồn cho chúng, nhìn rất sống động và thú vị. Tôi phát hiện em có năng khiếu vẽ từ đó. Nhiều lúc ngồi nhìn em vẽ rất say sưa, tôi nhận ra ở em toát lên vẻ thánh thiện đến lạ lùng.
Tôi rất thích nghe nhạc, Đẹp lại múa rất dẻo, mỗi lần tôi hát, bày cho Đẹp múa, em múa theo rất nhịp nhàng, khớp với những lời bài hát trẻ con yêu thích. Có bữa chơi say mê quá, ham vui quá không về nhà, em ăn cơm và ngủ trưa tại nhà tôi. Thỉnh thoảng có gì lạ là em chạy xuống khoe liền như đôi dép mới hay chiếc vòng cổ, đôi bông tai. Có lần em xuống nhà, thấy tôi loay hoay giặt đồ, em len lén đi nhẹ sau lưng và  hú hoạ tôi từ xa. Giật mình,  tôi quay ra và hai chị em lại cười khanh khách. Nhiều lúc nghĩ thấy em như những người bình thường, cũng vui tính lém lỉnh, mà sao ông trời lại tước đi cái quyền tối thiểu đó của em?
Cứ như thế chúng tôi lớn lên bên nhau và thân nhau, chẳng giấu diếm điều gì, em “ kể” cho tôi nghe về tất cả sự thay đổi trong em, từ việc phát triển đổi thay của cơ thể đến việc đau ở đâu, nhức mỏi chỗ nào! Em hay nhờ tôi xoa bóp đầu và xin dầu gió xoa đầu mỗi khi  trời trở gió! Lần ấy em có tháng và em thấy sợ, tôi cho em một chiếc xô màn và hướng dẫn em đeo vào quần chip ra sao. Chiều hôm ấy, mẹ em về và tôi có nói chuyện này, thím ấy cảm ơn và trang bị cho em những gì cần thiết.Thời gian cứ dần trôi, em lớn lên từng ngày và trở thành thiếu nữ thực thụ, con gái đẹp nhất ở lứa tuổi dậy thì. Em bắt đầu biết ăn mặc đẹp, da em đã trắng lại càng trắng hơn thân hình cân đối với ba vòng đầy đặn. Nhiều lúc, chúng tôi cũng không còn ngại ngần khi thay đồ trước mặt nhau, Đẹp thích thử những bộ đồ đi trường của tôi, em rất thích áo dài. Trong một lần thử bộ áo dài em tỏ ý muốn mặc áo lót và tôi đã cho em mượn. Mặc vào, em đỏ mặt và rồi hai đứa lại cười khúc khích khi chiếc áo bị lộn ngược. Em “giãi bày” với tôi rằng em rất muốn được đi học như tôi. Quả thật từ trong sâu thẳm, tôi cảm nhận được niềm khao khát đó trong em khiến lòng mình dâng lên một niềm thương cảm khó tả.
Một buổi sáng như mọi ngày, tôi đang loay hoay bên nồi cám lợn và nồi cơm rượu, Đẹp đến bên tôi và em ra hiệu cho tôi giã muối ớt, chúng tôi vẫn thế, thỉnh thoảng cầm chén muối ớt ra vườn, sà vào luống dưa chuột hái trên cây xuống, lau đại vào vạt áo hay gấu quần cho sạch gai và phấn dưa rồi xì xụp ăn với nhau trong đó; đôi khi là quả xoài hay dái mít nhưng đứa trèo cây hái lúc nào cũng là tôi, cắt gọt vỏ cũng là tôi vì Đẹp rất sợ bẩn tay! Nhưng lần này khác, không phải dưa chuột hay dái mít, xoài, ổi như mọi khi mà em “bảo” tôi hái chuối xanh - loại chuối lùn mà người ta thường hay nấu ốc, nấu ếch. Tôi hái hai quả, chưa gọt xong quả thứ hai thì em đã xơi gọn quả thứ nhất một cách ngon lành. Tôi ngạc nhiên, vì chuối chát mà em ăn nhanh thế, tôi chưa kịp gọt xong thì em đã “hớt” ngay trên tay tôi và chấm muối nhai ngấu nghiến một cách ngon lành khiến  tôi chỉ biết đưa mắt nhìn theo lạ lùng. Ăn hết quả thứ hai, tôi hỏi em ăn nữa không? Như thể nói với tôi rằng:
- Em muốn ăn lắm, vẫn còn thèm, chị hái thêm đi. Hiểu ý, tôi chặt cả nải khiến nhựa cây chảy tong tong xuống làm em phải né sang một bên.
Lần này, tôi bắt đầu thưởng thức, gọt hết lớp vỏ xanh, tôi chấm muối ớt nhấm nháp cái vị bùi bùi, giòn giòn với nhựa dính vào răng và hàm ếch! Tôi thấy có gì ngon đâu mà sao em thèm đến thế! Cứ loay hoay gọt chuối, tôi ăn có hai quả còn mình em chén gần hết nải chuối lúc nào không hay! Đánh chén xong, em về mượn tôi chiếc bóp đánh răng để chà sạch nhựa bám vào răng miệng! Em vốn sạch sẽ như thể bác sĩ nha khoa sẽ không bao giờ được phép để mảng cao bám trên răng của mình.
Ăn xong mấy quả chuối xanh, em kéo tôi vào buồng và kéo áo lên, cầm tay tôi ấn vào bụng, sau đó cầm tay tôi ra ngoài và mở thêm mấy tờ lịch, đồng thời giơ năm ngón tay rồi ra hiệu chỉ lên đầu như những lần chúng tôi hoá trang làm công chúa! Tôi chưa định hình được em muốn diễn tả điều gì, thấy tôi ngơ ngác khó hiểu, em liền vỗ vỗ hai ngón tay trỏ vào nhau, cái miệng chu ra và đồng thời hai tay ôm chặt tôi rồi áp môi chạm vào môi tôi, rồi đưa động tác như đang bế em bé à ơi! Tôi giật mình, sững sờ như linh cảm điều gì chẳng lành. Nhanh như một con sóc, tôi lôi lại em vào buồng và vén áo lên, ngờ ngợ, thắc mắc. Vén cao áo lên khỏi lồng ngực, đôi gò bồng đảo của em lộ ra với bầu ngực căng tròn trắng nõn. Nhưng ô kìa, sao hai nhũ hoa lại thâm đen thế kia? Tôi vẫn hay nghe mấy cụ nói  chuyện với nhau “phụ nữ có bầu là ngực thâm đen”. Suốt buổi hôm ấy tôi dò hỏi, thì được em “kể” rằng ( em sắp cưới và làm cô dâu rồi sẽ sinh em bé) trong niềm hân hoan hạnh phúc vô bờ! Tôi thấy điều đó trong ánh mắt sáng rực ngự trị nơi em. Tối về, tôi mang chuyện này kể với mẹ, mẹ mắng tôi:
- Ăn nói vớ vẩn, chú thím ấy nghe được họ chửi bố cho.
Tôi ngơ ngẩn chưa biết phải tiếp tục như thế nào, điều đó đúng hay sai còn chưa rõ ràng, nhưng điều tôi linh cảm dường như đúng đến 90%. Tôi hoạnh lại mẹ:
-Nó cho con xem bụng to lắm, ngực cũng đen xì.
Mẹ lai nói tôi, nhưng lần này không gay gắt như trước nữa, phải chăng mẹ cũng linh cảm điều chẳng lành, mẹ bảo:
-Tiên sư bố mày, chắc nó béo đấy.
Ngày hôm sau, tôi muốn chứng minh cho mẹ tôi thấy điều tôi nói là đúng sự thật! Tối đó, tôi lên nhà rủ em xuống nhà tôi chơi và mục đích cho mẹ tôi thấy sự khác thường ấy. Mẹ tôi nhìn thấy thế cũng “bật ngửa” vì bất ngờ, mẹ bảo tôi không được nói điều này với bất kì ai, sau đó mẹ lên nhà và gọi mẹ Đẹp nói nhỏ điều gì không rõ. Tôi chỉ biết sáng hôm sau, mẹ em đưa em đi tỉnh đến tận đêm mới về, tôi đã nghe được câu chuyện giữa mẹ và thím ấy:
- Em khổ quá chị ơi, sao nó lại rơi vào hoàn cảnh oái oăm như thế này, cái thai được 5 tháng rồi nhưng phải phá thôi, người đàn bà ấy nói trong sự mỏi mệt, bế tắc, đau khổ đến cùng cực!
- To thế rồi, hay cứ để cho nó đẻ để sau này về già có mẹ có con cho đỡ tủi lòng - mẹ tôi khuyên!
- Không được, một mình nó dở câm dở điếc vợ chồng em đã khổ lắm rồi, giờ ra một đứa như thế nữa chắc chúng em chết!
Câu chuyện cứ như thế, rồi không biết quyết định thế nào, hai ngày sau thấy hai mẹ con thím đi chưa thấy về. Sau lần về ấy, chỉ biết Đẹp hay bị lên cơn động kinh bất thường.Thỉnh thoảng lại lăn đùng ra, miệng méo, sùi bọt mép, chân tay co quắp rất đáng sợ. Mỗi lần như thế, nếu gặp, tôi lại phải giữ nguyên tư thế, chờ cho em tỉnh dậy rồi mới được xoa bóp chân tay.
Sau biến cố cuộc đời đó, em hay trầm ngâm hơn, ít cười vui vẻ như trước, hay thơ thẩn ngẩn ngơ. Chỉ có người nhà và chúng tôi thắc mắc rằng không biết tác giả cái thai kia là ai? Tên khốn kiếp nào đã gây ra tội lỗi tày trời này? Những câu hỏi đó cứ xoắn lấy tâm can tôi.
Không biết phải diễn tả mục đích giao tiếp của mình như thế nào cho em hiểu về việc tôi muốn hỏi em rằng ai là “bố” của cái thai kia? Vì tôi nghĩ chỉ có tôi em mới thổ lộ và cũng chỉ có tôi mới hiểu điều em nói! Tôi ra hiệu hỏi người yêu của em là ai? Ở đâu? Thì được em dẫn ra đầu mương có chiếc cầu nhỏ, em chỉ ra giữa hồ, nơi có chiếc thuyền bè nổi giữa hồ của mấy người thầu hồ nuôi cá. Tôi biết chủ thầu đó và một số người làm thuê cho chủ thầu, nhưng có đến dăm bảy thanh niên choai choai, biết nghi ngờ cho ai?
Tôi bắt đầu cuộc thám hiểm bí mật của mình, tôi theo dõi nhất cử nhất động của em. Cứ chiều chiều em lại ra đầu mương nơi chiếc cầu định mệnh đó để ngồi chờ một điều gì vô vọng!
Theo dõi mãi ở bờ hồ không xong, một tối nọ, vẫn kí hiêu như cũ, tôi hỏi Đẹp “Người yêu em ở đâu? Khi nào thì gặp? Và gặp ở đâu?” Em giơ bảy ngón tay và chỉ lên đồng hồ treo tường. Tối đến, cơm nước xong, đúng 7giờ tối, tôi ngồi ở cổng chờ xem em đi về phía nào, thì ra em đi xuống vườn nơi góc khuất của những ngôi nhà. Tôi lặng lẽ theo em từ lúc đó.
Tiếng ếch ộp kêu và tiếng côn trùng dội vào màn đêm đen đặc.Tôi bỗng rùng mình, tự hỏi:
- Nó đi đâu được nhỉ? Tôi định bụng quay về nhưng… không! Muốn bắt được cọp phải vào tận hang, mà tôi thì mới 17 tuổi đầu, một nữ sinh THPT làm sao đủ sức để làm cái điều kinh khủng kia một mình. Màn đêm đen kịt, đặc quánh cứ bủa vây lấy tôi.Càng đi, tôi càng cảm thấy cứ như có người núp sau lưng mình. Tiếng sỏi văng lên từ dép tông, khô khốc cùng với nhịp tim đập dồn khiến tôi có cảm giác như có ai đó đi theo sau lưng mình. Tôi quay lại, rồi ngồi xuống, đứng lên, đi tiếp. Trống ngực liên hồi, tôi không sao thoát khỏi sự rùng rợn ghê sợ; cảm giác lạnh nơi sống lưng, tôi thon thót giật mình như muốn ngừng thở. Trong đầu bấn loạn suy nghĩ “Bây giờ, nếu gặp cảnh tượng mà mình đang hình dung thì xử lí thế nào? Nếu biết được tên khốn kia thì mình sẽ làm gì? Nếu chúng nó đi cả đám thì mình sẽ ra sao? Lúc đó chỉ có nước chết chắc”- tôi tự kỉ ám thị, tự huyễn hoặc mình. Tôi bắt đầu run bắn người lên vì những ý nghĩ và cảnh tượng những con yêu râu xanh trong phim cứ hiện lên trước mặt!
Tôi nhắm nghiền mắt, hít một hơi rõ dài để lấy hết can đảm bước tiếp. Kia rồi, dưới gốc sung, cạnh bờ ao dưới ánh sáng mờ ảo hắt lên từ làn nước hồ, tên yêu râu xanh đốn mạt kia hái lá chuối trải làm giường chiếu, nhưng bụi rậm chỗ tôi đứng cách xa quá, không biết nó là ai, mà lại gần thì lộ mất, phải làm sao bây giờ? Giá như thông minh hơn, lúc nãy cầm chiếc đèn pin để rọi thẳng vào tên khốn nạn kia, chắc chắn sẽ vạch mặt được hắn ta! Hay là ta chạy về để báo với bố mẹ em? Không kịp, lỡ chạy về, để em lại, hắn sẽ hại đời em thêm một lần nữa! Không được, tôi khẩn khoản trong dòng suy nghĩ với sự việc diễn ra quá nhanh, tôi như đang bị rơi vào mớ bòng bong không lối thoát, tâm trí đang bấn loạn thì bên kia bờ ao, hắn ta đang ra sức sờ soạng khắp cơ thể em như chực muốn ăn tươi, nuốt sống, và lần mò cởi từng chiếc khuy áo. Tôi không dám nhìn và tinh thần khủng hoảng trầm trọng. Không ý thức được hành động của mình lúc này, tôi buột miệng kêu thét lên cứ như chính mình là nạn nhân vậy:
- Thằng  khốn kia, mày buông em tao ra! Vừa nói, tôi vừa ném một cục đá văng tõm xuống ao. Chưa kịp định thần, hắn như con thú dữ vừa săn được miếng mồi ngon, chưa kịp ăn thì bị loài thú hung dữ khác vồ mất. Hắn bàng hoàng chao đảo nhìn quanh quẩn rồi ba chân bốn cẳng cắm cổ, cắm đầu chạy trên bờ ao dốc thoải, té sấp, té ngửa!
Tôi cũng chẳng cần nhìn xem hắn chạy hướng nào, vội lao đến với Đẹp, em ngơ ngác như không hiểu chuyện gì đang diễn ra xung quanh! Tôi vơ vội cái áo khoác mặc lại cho em và ôm em khóc như một người mẹ vừa chứng kiến cảnh con mình bị kẻ xấu hãm hại. Tôi cố gắng diễn đạt cho em hiểu đó là một người xấu xa, độc ác, thậm chí miêu tả chúng sẽ cắt cổ em với động tác dứt khoát đưa bàn tay lên xoẹt ngang cổ!
Tôi dẫn em về, trong cái ánh sáng lờ mờ của ánh trăng nhô lên lẫn vào tiếng ếch nhái kêu ồm ộp mà lòng tôi se sắt! Cảm như chính mình đang bị mất một thứ gì đó rất giá trị! Tôi nhận ra em có chút gì đó ngượng ngùng, xấu hổ!
Dẫn em về giao cho bố mẹ em và kể lại sự việc, bố em đã gọi mấy người cậu cùng cầm đèn xuống vườn tìm kẻ bệnh hoạn kia và họ không quên nói tôi giữ kín chuyện này.
Tôi ra về mà lòng nặng trĩu, văng vẳng bên tai lời mẹ em mắng em: “Từ nay ở nhà không được đi đâu hết nghe chưa?”. Còn em thì cứ tiu nghỉu rười rượi!
Thời gian cứ dần trôi, em vẫn cứ như kẻ mất hồn, chiều chiều ra đầu mương đứng ngóng đợi điều gì vô vọng! Phải chăng đó là thứ tình yêu mà em không đủ khả năng để diễn tả thành lời! Cho mãi đến tận bây giờ, gia đình em vẫn không tìm ra thủ phạm hãm hại đời em là ai? Chỉ riêng tôi nhận ra hình ảnh kẻ xấu trong những bức tranh mà em vẽ với những nét nghuệch ngoạc nhưng đặc điểm rất dễ nhận diện. Người đàn ông ấy đã có vợ con đàng hoàng tử tế. Họ đang sống rất hạnh phúc bên gia đình. Có nên vạch mặt kẻ xấu không? Hay để giữ cho một mái nhà được hạnh phúc trọn vẹn? Và tôi đã chọn cách thứ hai để cho kẻ đã từng làm điều xấu kia phải ân hận suốt quãng đời còn lại.
Về thế giới bên kia, em sẽ được sống một cuộc đời khác, sẽ không còn bất hạnh, không còn những khổ đau, không còn những buổi chiều ngóng chờ vô vọng! 

                                                                                               Buôn Hồ ngày 22.8.2018



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI