Nhà văn Nguyễn Anh Đào
Thằng Hai giờ là cán bộ huyện, nó ngồi sốt ruột
hết sửa cổ áo cho ông rồi vuốt lại cái cà – vạt, rồi lại sửa mấy cái huân chương treo đỏ hai
bên ngực áo, nó dặn đi dặn lại:
- Chú nhớ chưa, những câu hỏi mà con đã gởi
qua email cho chú, chú trả lời y như những gì mà chú đã nói với con nghe chú, truyền hình
trực tiếp lận đó, chú mà xúc động quá, khóc trên truyền hình thì người ta cười
chết…
Ông cười, lo lắng theo thằng cháu, sống nghèo khổ mấy
chục năm, chân lấm tay bùn, hàng tháng lãnh tiền trợ cấp dành cho thương
binh cũng chỉ đủ cho mấy đứa cháu ăn bim bim với uống coca, có bao giờ đứng trước
ai đó mà nói chuyện, có bao giờ nghĩ lại có ngày phải nói trên cả truyền hình
thế này. Ông đâm lo:
- Nè, Hai, hay thôi đi, chú không nói nữa!
- Chú, sao được?
- Những gì chú kể với bây, bây kể lại cho người
ta nghe được rồi, bây kể hay hơn nhiều, tao già rồi, lúc nhớ lúc quên, bây làm tao lo
quá, lên trển tao quên tuốt hết đó!
- Người ta cần nhân chứng mà chú, chú là người
duy nhất chứng kiến trực tiếp trận đánh đó, chú không kể lại thì ai kể? Tụi con kể sao
người ta tin?
Ông lại ngồi hồi hộp, nghĩ, hồi đó ra trận, bao nhiêu
lần giáp mặt kẻ thù, bao nhiêu trận đánh đối diện sinh tử, chưa có lần nào ông
cảm thấy hồi hộp và thấy lo lắng như bây giờ? Ông lo lắng vì cái gì nhỉ? Ở đây,
ông không đặt cược mạng sống mình vào trò chơi này, không có kẻ thù, không
có ai uy hiếp ông, nhưng sao ông lại sợ?
Thằng Hai nhìn đồng hồ rồi nói:
- Nửa tiếng nữa mình ra đài tưởng niệm thắp hương chú ạ,
phải để chú chào hỏi các chú các bác ấy sau mấy mươi năm trở lại, có lẽ, các
bác ấy vui lắm!
Hai bàn tay ông bỗng run lên, ông nắm chặt lại đầu gối
mình, nghe mồ hôi rịn ướt cả bàn tay, ướt lạnh hai bên thái dương. Mấy chục năm
rồi nhỉ?
Từ cái trận đánh ở Buôn Tring này năm 1973, 45 năm rồi
ông chưa từng có cơ hội gặp lại đồng đội, chưa từng có lần nào thắp được nén
hương cho họ, những người đã dùng cả thân mình che chở cho ông qua bao làn
lửa đạn. Ông nói với thằng Hai:
- Mày chở chú ra đó trước đi, được không?
- Chú không chờ đến giờ làm lễ hả? Có đoàn đi cùng rồi
mình dâng hương luôn chú!
- Không, tao ra đó trước, tao đợi! Tao nói
chuyện mới mấy ảnh một chút!
Thằng Hai, hồi ông còn ở chiến trường, thỉnh
thoảng vô nhà nó, lúc nó còn chút xíu, thiếu ăn thiếu sữa. Có ngày, mấy đứa trẻ
trong xóm cho nó lon sữa bò, pha uống ngon quá, làm luôn một lèo mấy ly, sau đó
thổ tả suýt chết. Mẹ nó từ đó tuyệt đối cấm không bao giờ nhận đồ của người ta cho, nhất là đồ
của Mỹ. Ngày đó, bọn trẻ con ở Buôn Hồ cứ thỉnh thoảng ra đường lớn, xe lính Mỹ
đi qua là vẫy vẫy tay, trên xe có gì chúng ném cho thứ đó, thịt hộp, xúc xích,
sữa, lương khô… bọn trẻ cứ ngấu nghiến mà tranh nhau. Nhưng mẹ thằng Hai sau trận
thổ tả chết hụt đó, bà nói bọn Mỹ nó ác, nó cho ăn của độc. Vậy mà bây giờ, nó
thành một thằng cán bộ, bụng phệ thè lè ra, quần phải có dây đeo trên vai. Ông
nghĩ, những người đã ngã xuống như đồng đội của ông, đã có bao giờ nuôi lý tưởng
hòa bình cho những đứa trẻ chết hụt trong chiến tranh vì đói khát?
- Hai, làm sao biết được xương của ai là của
ai mà hồi đó làm được nghĩa trang?
- Có làm nghĩa trang được đâu chú, chỉ là tấm bia tưởng
niệm ở chỗ đó thôi…
Ông nghe ngực mình thắt liên hồi, vậy là đồng
đội của ông vẫn còn lạnh lẽo dưới những lớp đất đỏ này, vẫn còn vắt ngang vắt dọc nhau
mà nằm… Thằng Thạnh, thằng Hùng, thằng Nghĩa… tụi nó chắc giận ông, tụi nó…
nghĩ tới thôi nước mắt ông đã chảy. Thằng Hai quay sang ông, khó chịu:
- Con nói chú rồi, đừng có xúc động quá! Lát
mà chú vầy…
Ông cố nuốt ngược nước mắt vào trong, cố gắng không được
quá xúc động để làm hỏng việc của nó. Xe dừng lại trước một tấm biển “Tổ quốc
ghi công”, phía sau tấm biển là hai tấm
bia chưa kịp ghi tên những người đã ngã xuống. Ông tức giận định quay sang mắng
thằng Hai, thì trước mắt ông bỗng nổi gió và mắt ông nhòe đi. Ông vội vàng bước
xuống xe, cầm nén nhang thắp lên lư nhang, quỳ sụp xuống:
- Nghĩa ơi, Hòa ơi, Nhân ơi… tao xin lỗi chúng
mày, tao xin lỗi vì mãi đến mấy chục năm tao mới quay lại, hòa bình rồi, hòa bình mấy chục
năm rồi đó, tụi mầy biết không?
Hai đỡ ông đứng lên:
- Chú, chú à!
Ông hất tay thằng Hai ra:
- Mày tránh ra! Oắt con!
Thằng Hai giật mình, tại sao tới đây ông trở
nên giận với nó, thôi chết rồi, cái buổi truyền hình trực tiếp chiều nay, liệu ông còn đủ bình
tĩnh mà nói hay không?
Trời bỗng
nhiên đổ mưa, cơn mưa ầm ầm như cơn mưa hôm ấy…
Lạnh… lạnh… ông nghe những tiếng rên, ông nghe gió
rít, ông nghe mưa đổ… Ông cố gắng nghiêng mình lại, vai bên phải nặng quá, vai
bên trái cũng nặng quá, cả thân người ông cũng nặng, cũng đau, ông cố gắng mở mắt
ra, chỉ có một màu đen như mực, chẳng lẽ trời đang tối hay sao, ông nghe tiếng
sấm, mưa lớn lắm! Ông cố gắng đẩy hai tay mình qua khỏi đầu, đẩy mớ nặng nề
đang đè lên đầu ông, khi ông bật người ngồi dậy được, thì bên ngoài trời vẫn
sáng, mưa tầm tã, xối xả xuống quanh chỗ của ông đang nằm. Thằng Dũng,
thằng Nghĩa, thằng Nhân… tụi bây đâu, tụi bây đâu rồi, tui bây đâu??? Ông vuốt
mặt mình trong màn mưa, tìm kiếm và gọi tên từng đồng đội, không ai trả lời ông cả,
không một tiếng nói nào phát ra… Trong lúc nửa mê nửa tỉnh, ông nghe tiếng
rên rỉ, ông nghe tiếng nỉ non, chẳng phải là cũng những đồng đội mình hay sao?
À, mà không, đồng đội của ông anh dũng lắm, kiên cường lắm, bị thương bao nhiêu
lần, có bao giờ than vắn thở dài một câu nào đâu, không thể có chuyện đó được.
Chắc chắn là tiếng rên của tên địch nào đó đã bị thương, ông cố gắng kìm lòng
mình lại, cố gắng bình tĩnh để không kêu gào lên nữa, chắc chắn đồng đội của ông
còn sống, họ đang
ở đâu đó đợi ông, ông cần bình tĩnh để đi tìm đồng đội của mình.
Mưa nhẹ hạt dần, ông lần từng bước chân mình ra khỏi đống
nhớp nhúa mà ông đã nằm vùi trong đó suốt mấy tiếng qua. Nhưng
ông chỉ nhích được một chân, chân còn lại không có cảm giác gì, ông nhìn xuống thì
thấy máu, máu lẫn trong nước, máu hòa trong mưa, máu chảy trên cả xác
người bên cạnh, ông giật mình, “Nghĩa, thằng Nghĩa, Nghĩa ơi!”. Ông xoay mặt thằng
Nghĩa lại để nhìn xem có đúng là nó không, đầu nó bị một viên đạn, ngực cũng bị
trúng đạn, cả cơ thể nó đầy máu, đầy nước, ướt sũng. Bây giờ, ông mới bắt đầu
nhìn những gì xung quanh mình, mưa đã tạnh, những xác người, những cái
xác nhuốm đầy máu, cái hàng rào thép gai gần đó cũng có mấy cái xác vắt lên, ruột
rơi cả ra ngoài. Ông nghe lạnh, lạnh khủng khiếp, môi cắn vào nhau, run cầm cập.
Còn những đồng đội khác, bọn nó đâu rồi? Đâu rồi? Ông lết một chân rời khỏi chỗ
thằng Nghĩa, ông lật xác từng người, bây giờ, máu và mưa đã nhuộm đỏ cả màu áo,
không còn phân biệt được đâu là giặc, đâu là đồng đội. Ông ôm ngực mình, nó đau
như chưa bao giờ đau hơn, viên đạn bắn qua chân ông, nó đang chảy máu cũng
không đau bằng trái tim ông đang bị bóp nghẹt lúc này. Thằng Nhân, Nhân ơi, ông
gần như gào lên khi ông lết qua chỗ Nhân, nó nằm ngửa, mắt mở trừng trừng, ông
lấy trong túi áo của nó bức thư nó gửi người yêu đã nhòe hết bởi máu và nước. Ông vuốt
mắt cho Nhân, phải vuốt mấy lần mắt nó mới nhắm lại được, cố gắng Nhân ơi, tao sẽ
tìm về đơn vị, rồi mày sẽ có chỗ nằm đàng hoàng, tao sẽ tìm về quê mày, họ
sẽ đưa mày về, nhất định tao sẽ sống tới ngày hòa bình, nghe Nhân, nghe Nghĩa,
tụi bây phải nghe tao, cố gắng lên, được không? Thằng Thành, thằng Thái… sao mà,
sao tụi bây đều nằm hết đây, còn đứa nào có thể mở mắt ra nói chuyện với tao
không? Có ai không?
Không còn ai trả lời ông nữa, cơn mưa khác lại
chuẩn bị kéo tới, ở vùng đất đỏ này, mưa đến là nhiều, ông thầm rủa ông trời nghiệt ngã đến
đáng sợ. Từ đó đến nửa khuya, ông lần một chân về đến đơn vị và ngã xuống ngoài
cửa. Ông được chuyển từ trại quân y này đến trại quân y khác cho tới khi hòa
bình, không lần nào được quay lại nơi các đồng đội đã ngã xuống, để thực
hiện ước muốn cuối cùng, tự tay chôn cất đồng đội của mình cho tử tế.
Ông khóc, khóc òa lên, khóc nức nở, thằng Hai
nó lay vai ông, nó ôm chặt lấy ông:
- Chú, chú à, chú đừng như vậy!
Ông quay ngoắt người nhìn thẳng vào mặt thằng Hai:
- Mày nhìn coi, hơn bốn mươi năm rồi, ngay cả
cái tên cho những đồng đội của tao đã ngã xuống đây, cũng chưa có, tụi mầy làm
cái gì …?
Ông hét
lên và gần như quỵ xuống, thở hổn hển, già rồi, ông già rồi, đời ông sắp hết rồi, một phần thân thể
ông đã để ở mảnh đất này, một quãng đời tuổi trẻ đã dành cho rừng
thiêng nước độc, một lý tưởng đã đốt cháy hết cả thanh xuân rồi. Nhưng may mắn
là ông vẫn còn sống, ông còn được nhìn thấy bầu trời hòa bình trên đầu ông, chứ
không phải là cây rừng, là bom đạn hay những nắp hầm. Rồi vì còn sống, nên ông
được những huân chương, rồi ông còn các chế độ đãi ngộ dành cho thương binh,
còn được “đền ơn đáp nghĩa”, trời ơi, những đồng đội của ông, họ đã lấy thân
mình che cho ông, họ đã vùi ông dưới xác của họ, chỉ để cho ông được sống, từng
đồng đội của ông, ai cũng có thể hi sinh cho nhau, nhưng tại sao ông lại nhận
được ân huệ đó mà ông không chết thay cho ai hết? Tất cả đã chết thay ông rồi!
Ông bất tỉnh, nhưng tại sao, ông phải tỉnh lại vào lúc những đồng đội ngã xuống
chứ, tại sao đến cả những lời trăn trối cuối cùng của đồng đội mình, ông cũng
không nghe được ai nói cả?
Gió rít
ào ào, chiếc xe của đoàn cán bộ xuống dâng hương, mọi người bước xuống xe, họ vội vàng bung dù sợ
ướt những chiếc áo đẹp chuẩn bị cho một buổi truyền hình trực tiếp. Ông nhìn thấy
những đồng đội của mình, những thằng Nhân, thằng Nghĩa, thằng Thành…, nhìn thấy tụi nó
trong bộ áo lính bết máu, khổ ải đứng đàng sau những người từ trên xe bước xuống.
- Xin lỗi, tao xin lỗi tụi mày, cuộc sống khó
nghèo, xa xôi, vì hết cớ này hay cớ khác mà tao không có dịp nào trở lại! Tao
xin lỗi tụi mầy, tao xin lỗi! …
Mưa nặng hạt hơn, ông vẫn khóc và bất ngờ cởi luôn cả
chiếc quần màu xanh đang mặc, vắt lên thân cây:
- Tụi mầy lạnh, đúng không? Tao không cần quần, tao
không cần áo nữa, hòa bình rồi, tao có nhà rồi, tụi mầy mặc vô, mặc vô
đi!
Có ai đó la
lên:
- Đưa ông ấy
vào viện!
Đêm đó ông sốt
mê man, sốt đến tận mấy ngày sau đó, người ta phải chuyển ông lên bệnh viện tỉnh
rồi đưa về lại quê nhà. Chương trình hôm ấy vẫn được thực hiện, vẫn nói về trận
đánh hào hùng năm 1973, nhưng vắng mặt ông, nhân chứng lịch sử duy nhất còn sống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI