Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2018

CON CÁ BƠI VỀ BẮC CỰC truyện ngắn của THẬN NHIÊN - CHƯ YANG SIN SỐ : 234. THÁNG 10 NĂM 2018






Bạn có biết con cá quan trọng nhất trong đời mình là con cá nào không?
Không ư? Tôi thì tôi biết.
Tôi biết con quan trọng thứ nhất và cả con quan trọng thứ nhì. Ngày xưa, khi chưa có con quan trọng thứ nhất thì con quan trọng thứ nhì là con quan trọng thứ nhất, còn bây giờ, khi đã có con quan trọng thứ nhất thì nó xuống hạng thành thứ nhì. Nhưng thật ra hai con chỉ là một.
Năm đó tôi chừng 8 tuổi. Một buổi trưa tôi ăn cắp 4 lon coca của mẹ tôi rồi cùng K, thằng em kế, chạy ù qua khu gia binh cách nhà chừng một cây số, anh em tôi đổi 4 lon coca cho bọn trẻ ở đó lấy một con cá phướn.
Cá phướn đá dở ẹt nhưng có dáng thật đẹp. Con cá chừng ngón tay út, màu đỏ, đuôi vây dài tha thướt, lù đù bơi lượn lờ trong chậu. Tôi giao bốn lon nước, bụm cá trong hai bàn tay rồi co cẳng chạy về nhà, nước nhỏ tong tong theo bước chân, K lon ton chạy theo sau. Về đến nhà tôi thở hồng hộc như con chó nằm thè lưỡi ngoài hiên nắng. Sau này, tôi hiểu rằng con chó già nằm thè lưỡi ngoài hiên nhà mình là một con chó thi sĩ, là thi sĩ lớn; nó sống lừ đừ rồi chết lặng lẽ, lâu lâu lười biếng sủa gâu gâu ra cái ngõ trưa chói nắng vắng hoe. Bài thơ quạnh quẽ và kỳ dị nhất là tiếng con chó thổ huyết, hộc ra trong buổi chiều tàn nắng sau cùng rồi không buồn trỗi dậy.
Tôi mở tay ra, con cá thở thoi thóp, phập phồng hai mang. Tôi thả nó vào cái hũ chao chứa nước ngang miệng. Con phướn quẫy mình hồi sinh. Anh em tôi ra cái mương ở ngoài vườn xúc lăng quăng, bỏ thêm vào hũ vài cọng rong bèo, cất hũ ở sát vách dưới chân giường, rồi lấy lá chuối ủ quanh cho mát.
Có những hôm chúng tôi nằm hàng giờ ngắm con cá bơi loanh quanh trong hũ; khi nó lười bơi thì nằm im dưới đáy, lâu thật lâu trồi lên hớp một hớp không khí rồi lại trầm xuống đáy, chắc là nó ngủ.
K hỏi, “Con cá ngủ thì nằm mơ thấy gì hả anh hai?”
Tôi đáp, “Chắc là nó mơ thấy lăng quăng.”
Thằng em tôi lấy cái gương nhỏ dựng sát ngoài hũ cho con cá đá bóng. Cho cá đá bóng không liên quan gì đến môn thể thao bóng đá, mà là làm cho con cá thấy bóng nó soi trong gương, rồi ngỡ rằng cái bóng là một con cá khác đang diễu võ dương oai với mình, liền nổi sùng đòi đánh lại. Có khi con phướn lười biếng. Chờ hoài không thấy nó phùng mang giương vây, K mỏi tay mỏi mắt thả cái gương xuống rồi nằm vật ra ngủ, nước miếng nhểu dòng, khô lại thành một vệt trắng bên khoé miệng. Tôi nằm sấp lơ mơ quan sát hai sinh thể đang lơ mơ ngủ, rồi thấy mình lững thững đi vào giấc mơ của K.
Tôi thấy thằng em tôi mơ thấy nó đang cưỡi trên lưng con cá phướn bơi trong cái mương.
Thời đó chúng tôi chưa từng thấy suối, chưa từng thấy sông, chưa từng thấy biển, chưa từng thấy đại dương. Cái dòng nước trôi chảy lớn nhất mà chúng tôi thấy được là cái rãnh nằm bên con đường đất đỏ dẫn tới trường mẫu giáo. Mùa mưa, nước dưới rãnh chảy xối xả, đỏ ngầu bùn tuôn xuống cống.
Thằng em tôi khom người trên lưng con cá phướn như tay cao bồi cưỡi ngựa, mắt nhắm nghiền, hai tay nắm chặt hai cái vây. Tôi thấy con cá hết chui ra rồi lại chui vào các cơn mộng ngắn. Khi đuôi cá vừa quẫy thoát ra khỏi giấc mộng này thì đầu cá lại đang chui vào một giấc mộng khác. Rồi sau cùng, con cá chuồi mình lặn xuống đáy mương nằm im; K ngả đầu, gối lên đầu cá, cả hai đứa cùng ngủ, bọt khí chúng thở nổi lăn tăn như tăm rượu lên mặt nước cho hết buổi chiều.
Sau này, nhớ lại chuyện những giấc mơ của cá thì tôi đổi ý, nghĩ lại. Nó là cá trống thì chắc hẳn là nó sẽ mơ thấy những con cá mái. Rồi khi tôi biết ngoài cái thị trấn bé tí mà chúng tôi đang sống ra còn có những đại dương mênh mông và các châu lục bát ngát và xa xôi nhất là Bắc cực, thì tôi lại nghĩ rằng có lẽ con cá mơ thấy nó đang bơi ra biển, bơi đi thật xa, về phía Bắc cực chăng?
Con cá phướn lớn hơn khi chúng tôi vừa mang về một chút, bấy giờ nó đã bằng đầu đũa. Có lần chúng tôi mang nó đi đá với cá của bọn trẻ hàng xóm; nó tha thướt chậm chạp, và yếu sức, lại không có kinh nghiệm chiến đấu nên bị con cá xiêm dữ tợn cắn cho te tua, cái đuôi dài phơ phất giờ rách bươm, cái thân suôn đòn trầy trụa, tróc mấy mảng vảy. Nó và con cá kia câu mỏ, cắn chặt miệng nhau day nghiến; sau cùng, chịu đau không thấu, nó chịu thua, nhả ra bỏ chạy, con cá xiêm bơi đuổi theo truy sát. Tôi xót ruột vớt nó ra, mang về dưỡng thương.
Một sáng nọ, con phướn biến mất không tăm hơi, mảnh lá chuối che trên miệng hũ rơi xuống đất từ bao giờ. Anh em tôi đi tìm loanh quanh rồi thấy xác nó nằm ở kẹt cửa, kiến lửa đang bu quanh. Nó bị thằn lằn câu. Bọn trẻ lý giải rằng một con thằn lằn nào đó đã thả cái đuôi xuống dụ con phướn táp rồi giật mạnh đuôi, câu nó lên như người ta câu cá. Anh em tôi ngồi tần ngần nhìn xác cá, không biết phải làm sao.
Ông nội tôi theo đạo Phật, ông nói hãy mang đi chôn rồi cầu siêu cho nó. Mẹ tôi theo Công giáo, bà nói cá không phải là con người nên không có linh hồn, khỏi phải cầu nguyện gì, thích thì mang chôn, không thì thôi, ném ra vườn cũng được, nhưng phải mang đi ngay kẻo hôi nhà.
Anh em tôi bỏ xác con cá vào hộp diêm rồi mang ra vườn, K thả hộp diêm xuống mương nước. Cái hộp diêm thành cỗ quan tài chứa xác con cá và những giấc mộng của nó, và cả những giấc mộng của anh em tôi; cỗ quan tài chầm chậm trôi đi, xoay vòng vòng theo xoáy nước cuồn cuộn, rồi chìm mất. Tôi phân vân không biết nên đọc kinh Kính Mừng Đức Bà Maria đầy ơn phước... hay kinh Lạy Cha chúng con ở trên trời..., hay niệm Phật Bà Quan Âm cứu khổ cứu nạn. Gió chiều xào xạc qua những tàu lá chuối, anh em tôi đứng yên lặng hồi lâu. Cái chết là như vậy sao?
K hỏi, “Giờ con phướn lên tới thiên đường phải không anh hai?”.
Tôi đáp, “Không, nó bơi đi Bắc cực”.
K hỏi tiếp, “Sao vậy anh hai?”.
Tôi nói, “Vì nó là một con cá quan trọng. Vì ở Bắc cực thì xa hơn nên quan trọng hơn là ở trên thiên đường”.
Về sau, trong đời mình, tôi có chôn thêm một con rùa của con tôi mang từ Việt Nam sang Mỹ bị chết vì lạnh, và tôi cũng có vất xác hai con chó chết vào bồn rác. Những lần đó tôi đều nghiêm kính thì thầm lời từ biệt với chúng, như nói với những phần đời thân thiết vừa rứt ra khỏi đời mình.
Tôi chứng kiến người ta giết nhau vài lần, chôn nhau vài lần, nhưng tôi chưa từng tự tay chôn ai.
Khi tôi đặt tay lên đôi mắt nhắm hờ của mẹ tôi, cúi xuống hôn lên trán bà đã lạnh, tôi thấy bà ứa nước mắt tha thứ cho mọi lỗi lầm của tôi, những lỗi lầm đã phạm và sẽ phạm.
***
Chiều trên bến Ninh Kiều, chúng tôi còn khoảng hai giờ để ngồi chơi ở đây trước khi đi tiếp đến vùng sâu Cần Thơ.
Sau lưng là những tàn si, rễ buông lùng nhùng, trước mặt là sông, bên kia sông là dãy hàng quán bắt đầu sáng đèn, chếch về bên phải là cầu Cần Thơ. Trời chiều lẽ ra thật yên tĩnh nếu không có tiếng nhạc huyên náo phát ra từ những cái loa được treo trên tàn cây.
Chúng tôi còn một ổ bánh mì ngọt. K xé từng mẩu bánh nhỏ ném xuống mặt nước. Lũ cá trồi lên giành bánh làm mặt nước sủi tăm thành những vòng tròn nhỏ lan dần, bất tận. Tôi không biết những con cá ở đây là loài cá gì, chúng to bằng bắp chân, màu vàng óng, chắc là cá chép vàng.
Hết bánh, K múc một viên nước đá trong ly cà-phê lia xuống mặt nước.
Con cá quan trọng nhất trong đời tôi trồi lên thật nhanh. Nó quẫy mạnh làm cho những con cá có mặt trong đời tôi mà kém quan trọng hơn, kể cả con cá phướn của nhiều năm trước, phải giạt ra xa, rồi nó đớp lấy viên nước đá.
K nói, “Con cá này sẽ bị viêm phổi vì lạnh”.
Tôi thì nghĩ khác hơn K một chút, tôi biết con cá sẽ bị viêm phổi này sẽ bơi đi một chuyến thật dài, bơi ra biển, rồi hướng về Bắc cực, vì nếu không làm thế thì nó sẽ trở nên một con cá kém quan trọng trong đời chúng tôi, kém quan trọng như hàng ngàn con cá khác mà tôi từng thấy.
K nói, “Chắc nó là một con cá mái”.
Tôi nghĩ thêm, chắc đúng là vậy; nó là một con cá mái đang mang trong bụng một buồng trứng sắp tới ngày đẻ, giờ thì nó bị viêm phổi và đang trên đường bơi đi Bắc cực. Tôi nói điều đó ra.
K nói, “Nó sẽ đẻ trên đường đi, rồi trứng nở, rồi nó dắt bầy cá con đến Bắc cực”.
Tôi hỏi, “Vì sao em cũng nghĩ như anh? Vì sao nó phải đến Bắc cực?”.
K nghiêm giọng, “Vì nếu không làm thế thì nó sẽ trở nên một con cá kém quan trọng”.
Tôi băn khoăn nghĩ lại, những con cá quan trọng trong đời người thì có phổi không vậy ta? Lỡ mà nó không có phổi mà chỉ thở bằng mang thì làm sao mà bị viêm phổi được?
Chắc là phải có phổi, ít ra là con cá chép vàng ngẫu nhiên có mặt trong buổi chiều này.
Vì nếu nó không có phổi thì việc nó đớp lấy viên nước đá sẽ không còn quan trọng, do nó sẽ không mắc chứng viêm phổi vì lạnh, nó sẽ không đẻ trứng, nó sẽ không ấp trứng nở ra con, rồi nó sẽ không dắt bầy cá con bơi ra biển, rồi nó sẽ không bơi về Bắc cực.
Nếu thế, thì nó sẽ là con cá tầm thường, sống một đời cá tầm thường, rồi đẻ ra một bầy cá con tầm thường, rồi mắc một lưỡi câu tầm thường, rồi chín nhừ trong một nồi canh riêu hay một niêu kho tộ tầm thường, rồi bị tiêu hoá trong những cái bao tử tầm thường.
Một con cá không có phổi sẽ là con cá không quan trọng trong một buổi chiều không quan trọng trong những đời sống không quan trọng.
Tới giờ phải ra xe đi tiếp rồi, tôi kêu tính tiền.
Ném thêm một viên nước đá nữa cho nó, đi K, vì nó là con cá phướn của thời thơ ấu, vì nó là con cá chép vàng ngẫu nhiên trong buổi chiều nay, vì nó là anh, vì nó là em, vì nó sẽ bơi ra biển từ cái thị trấn miền đông mà anh em mình đã từng sống ở đó, vì nó sẽ bơi từ biển về Bắc cực, vì nó sẽ bơi từ Bắc cực để chui vào giấc mộng này rồi luồn ra giấc mộng khác, mãi mãi như thế.
Ném thêm một viên nước đá nữa, đi K.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI