Thứ Ba, 16 tháng 10, 2018

BUÔN LÀNG THÂN THIẾT RỪNG CÂY tản văn của NGUYỄN HOÀNG THU - CHƯYANGSIN SỐ: 313 - THÁNG 9 NĂM 2018




Không gian sinh tồn đầy rừng cây sắc lá xanh tươi bên mặt nước hồ đầy lồng lộng của cộng đồng làng dân tộc M'Nông đã biến dạng thay màu. Những căn nhà sàn gỗ mái tranh vách nứa đơn sơ mà trang nhã êm đềm bên bến nước nên thơ, nay đã thay bằng mái tôn tường gạch xi-măng, thiếu vắng cành cây pơ lang đầu làng nở rộ màu hoa đỏ mùa xuân. Bến nước ven bờ hồ rộng tỏa bóng cây kơ nia bên những chiếc thuyền độc mộc thanh mảnh bềnh bồng trong gió, tháng ngày qua rừng bên hồ tàn lụi, những chiếc thuyền  ngày ngày đưa người đi giăng lưới thả câu trở về làng không còn thấy màu cây xanh tươi tắn ven bờ... Đó đây ven bờ hồ vơi cạn nước, thương sao những chiếc thuyền độc mộc nứt nẻ thủng đáy nằm ngả nghiêng từ năm nào... Không gian sinh tồn của người M'Nông sống ven hồ kề cạnh cây ngàn bóng cả, mấy mươi năm qua rừng bị tàn phá nhanh chóng từng tháng ngày, đến nay người dân tộc bản địa M'Nông ở buôn Jun, buôn Lê và buôn M'Liêng sống ven hồ Lắk không tìm thấy được cây sao có thân gỗ quí, chắc mà nhẹ, để làm thuyền độc mộc mới, thay thế cho những chiếc thuyền cũ đã hư hỏng từ lâu.
Buổi chiều, Hải và Nguyên đi thăm vùng rừng rộng bên chân núi lớn Vườn quốc gia Chư Yang Sin và rừng thuần chủng tre nứa của Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Kar gần chân đèo Đăk Nuê; đó đây màu sắc rừng tàn rừng cạn kiệt phơi bày ngổn ngang cành lá ngả đổ bởi bàn tay tàn phá của những kẻ tham lam. Những kẻ ấy đâu biết người dân bản địa sống gần gũi thiết thân, quí trọng không gian sinh tồn với rừng cây chim thú; cả đời sống văn hóa tinh thần cũng nương tựa vào thiên nhiên xanh hữu tâm hữu tình bên bến nước buôn làng. Trước mắt Hải và Nguyên, trong buổi chiều vàng nắng, lòng buồn lại buồn thêm khi dừng chân trước một vạt rừng tre nứa bên sông Krông Ana cháy đen trần trụi sau mùa mưa...
Trở về khu du lịch văn hoa sinh thái gần buôn làng người M'Nông bên bờ hồ Lắk, trong đêm xuân sáng bừng ngọn lửa củi với âm nhạc cồng chiêng ngân vang giữa không gian thông thoáng đất trời cao nguyên, Hải và Nguyên cùng vây quanh chung vui với khách du lịch từ các nơi đến. Những nghệ nhân cồng chiêng gõ nhịp hòa cùng giai điệu bài "mừng khách đến" với niềm vui hân hoan đón chào; tiếp theo là bài "mừng lúa mới" tỏ lộ niềm vui mùa màng thu hái được với tình cảm biết ơn đất trời. Bản nhạc nào cũng nói lên tình ý chân thật của người với người và người với thiên nhiên... Người thưởng thức có thể cảm nhận được ít nhiều tình ý khi hòa lòng mình vào tiếng cồng chiêng với tình cảm yêu người yêu thiên nhiên, nhưng đâu thể bù đắp tâm tư tình cảm của những nghệ nhân già người M'Nông đã thiếu mất niềm rung cảm của một thời đã qua, trong thanh âm lảnh lót ngân vang không còn sự cộng hưởng từ rừng cây bến nước có tiếng gió trên ngọn cây bóng núi, không có suối thác reo và người người trong cộng đồng không còn mang hơi thở của cảnh quan xanh gần gũi thiết thân, thiên nhiên với con người không còn chung nhịp điệu tâm hồn khi tiếng cồng chiêng ngân vang... Âm nhạc cồng chiêng của người M'Nông, Êđê, Ja Rai,  Barnar, Xê Đăng..., dù là dân tộc nào ở miền núi vùng cao Tây Nguyên khi cất tiếng hòa nhịp điệu ngân nga, chỉ thực sự mang hồn cồng chiêng khi được vang lên giữa cảnh quan làng -rừng, làng một bên rừng một bên, tâm tình người nghệ nhân hòa chung nhịp hồn thiêng bóng cả cây ngàn, âm vang da thiết gợi mở đến vô cùng. Tiếng cồng chiêng sẽ lạc hồn lạc điệu chơi vơi khi vang lên gắng gượng trên sân khấu chói lóa ánh đèn hoặc biểu diễn phơi bày gắng gượng trên đường phố rộn ràng xe và người, chẳng khác nào như mua như bán khi diễn ra cho khách du lịch tìm đến cuộc vui thoáng qua thôi. Dưới màn đêm giữa ánh ngày, tiếng cồng chiêng thanh thoát lồng lộng chín núi mười sông còn ngân động êm đềm trong lòng người khi bàn tay tâm hồn nghệ nhân hòa quyện vào không gian văn hóa sinh động sắc màu của buôn làng. Tiếng cồng chiêng thiêng liêng thống thiết thắm đậm tình núi sông đi theo suốt đời người, từ thuở ấu thơ chào đời trên bàn tay mẹ ấm áp dịu dàng cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay thanh thản trong mộ tối vẫn nghe nhịp điệu buồn tiếc thương da diết từ tiếng cồng chiêng cộng hưởng tình núi sông qua từng tháng năm mưa nắng ơn sâu nghĩa nặng với đất trời bến nước rừng cây buôn làng...
***
Hơn hai mươi năm qua, tiếng cồng chiêng ngày nào trong đêm xuân trăng sáng hòa cùng ánh lửa hồng trước căn nhà rông làng dân tộc Xê Đăng bên dòng sông Sê San kề cạnh rừng biên giới Vườn quốc gia Chư Mom Ray huyện Sa Thầy tỉnh Kon Tum vẫn còn vang vọng trong lòng Hải... Một lần đến với làng rừng bên sông để bao lần Hải nhớ đến bây giờ... Từ ánh mắt trẻ thơ đến đôi mắt người già trong trẻo như nhau. Trên khuôn mặt đen đúa nhăn nheo, đôi mắt già làng vẫn sáng trong lành lặn trước rừng cây bến nước buôn làng, không vướng mang ân hận điều gì. Một cộng đồng làng cùng yêu thương nương tựa, nhường bước cho nhau, lòng vui san sẻ cho nhau từ bầu nước suối trong và miếng ngon của rừng. Những khuôn mặt người làng Xê Đăng ấy hồn hậu dịu dàng, thanh thản cười cùng đưa mắt nhìn cởi mở và bước chân vui khi chào đón khách vào nhà. Hơn hai mươi năm qua, Hải còn nhớ bàn tay già làng gầy guộc mà mắt nhìn thấm đậm tình người khi trao tay anh cần rượu bên bếp lửa đêm rừng. Ghè rượu tỏa hương lúa mới vùng cao và thơm men lá cây rừng trên căn nhà rông truyền thống mái tranh vách nứa tọa lạc khang trang bề thế giữa cộng đồng làng bên dòng sông Sê San. Rượu không cạn tình không vơi, anh và già làng vui mắt nhìn nhau, chuyền tay cần rượu thơm thảo đến lúc trăng tàn sau dãy núi phía tây. Buổi sáng, mặt trời phía đông vừa lên cao tỏa nước lấp lánh trên mặt nước sông ngược dòng qua biên giới, là lúc Hải rời làng người Xê Đăng, xa dần từng cánh rừng nguyên sinh xanh màu bên dãy núi lớn Chư Môm Ray cao sừng sững giữa lưng trời giáp ranh với hai nước Lào và Cămpuchia...
Đã quá nửa đêm, trong phòng nghỉ của khu du lịch hồ Lắk, Hải vẫn còn nằm thao thức. Nguyên đã ngủ ngon giấc từ lúc nào trên chiếc giường bên cạnh. Hải nghĩ về rừng cây bến nước đó đây với những buôn làng người dân tộc thiểu số... anh đã đến qua từng tháng năm sống vui buồn ở các tỉnh Tây Nguyên. Một thời rừng bạt ngàn, rừng tầng thấp rừng tầng cao với sông sâu suối đầy chảy qua đôi bờ cây xanh... có những buôn làng người bản địa sống thanh thản giữa thiên nhiên hào phóng, không tính toán lo toan, luôn có món ăn đủ đầy từ rừng cây sông nước ban cho. Ở đó, làng với rừng là một; người sống vui với người với rừng, hồn người hồn rừng là một, thành cung bậc tình nghĩa không thể chia lìa. Rừng cây sông nước là cái kho chung của cộng đồng làng, dù là người Xê Đăng, Ja Rai, Bahnar, Êđê, M'Nông... đều chung lòng gìn giữ kho báu trời cho, từ dòng nước đầu nguồn cho đến cành cây bìa rừng; tất cả đâu chỉ là giá trị đời sống vật chất mà chất chứa cả sắc màu hơi thở văn hóa tâm linh. Con người sống hạnh phúc biết ơn nắng, biết ơn mưa, biết ơn bến nước, biết ơn rừng và tạ lỗi với rừng khi chặt ngã cây già bóng cả để lấy gỗ làm nhà ở, nhà mồ... Con người sống hạnh phúc biết ơn rừng cho thịt con thú, dù ai săn bắt được cũng chia đều cho cả làng, không quên phần dành cho người già ốm đau và đứa bé còn nằm trong bụng mẹ... Con người sống hạnh phúc vì nhau, cùng biết ơn làng, tự hào về làng, không di dời  làng trừ khi có dịch bệnh lan rộng hoặc bến nước đổi dòng từ thượng nguồn... Buôn làng người Tây Nguyên định canh định cư từ bao đời bên bến nước rừng cây giữa không gian sinh tồn, có nương rẫy luân canh luân khoảnh quanh năm một vụ lúa ăn nước mưa trời. Lễ cúng lúa mới với tiếng cồng chiêng ngân vang luôn là nghi thức thiêng liêng với tình cảm biết ơn trời mưa trời nắng, biết ơn rừng đã nhường phần cho người mở đất gieo trồng quả ngọt lúa thơm. Con người sống hạnh phúc biết ơn nương rẫy, mỗi nhà chỉ dừng lại năm ba khoảnh đất luân canh đủ sống; qua nhiều vụ thu hái, đất bạc màu, chuyển sang khoảnh khác dọn dẹp cây bụi để gieo trồng vụ mới, rồi trở lại khoảnh đất ban đầu đã hồi phục chất màu; trước sau không phá thêm rừng, chỉ dọn sạch bụi cây cỏ dại, chọc lỗ thả hạt lúa nương chờ đợi nước mưa trời cho mùa thu hoạch mới...



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI