Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

VỀ BÊN SÔNG VẮNG truyện ngắn của HỒ THỊ NGỌC HOÀI - CHƯ YANG SIN SỐ : 234. THÁNG 10 NĂM 2018

                        



Thằng ăn mày? Hay con ăn mày? Bao nhiêu tuổi? Là ăn mày thì ai thèm quan tâm? Đến là gớm! Áo quần bùi nhùi, lùng nhùng, tóc dài đến vai. Sớm bảnh đi, về tối muộn. Cái bì sau lưng, khi có vẻ nặng, khi lại nhẹ? Xin được gì mà nặng thế? Ăn mày trú bờ sông tĩnh vắng, dù cũng có rải xa dăm ba thuyền chài, trong đó có thuyền của nhà Mi.
Nhìn từ xa cả cây số, không chịu được lâu hơn nữa, Mi tò mò lắm rồi, thế là xuống thuyền, bơi, lên bờ, đến cái chỗ trú ngụ của ăn mày lượn qua lượn lại, vừa sợ vừa muốn lại thật gần.
Rõ là ăn mày đã tha lượm những bao, thùng, cây cành… rồi quây lại làm “nhà” . Dưới mấy gốc cây dại, cái chỗ trú ngụ của ăn mày trông như cái tổ... chim khủng. Ăn mày thì ngủ đâu mà không được, sao không ngủ lều chợ cho tiện, lại bày chuyện ra bờ sông? Nhưng ở đây thoáng mát, cát sạch, có nước sông tắm giặt thoải mái nữa.
Mi nhoi vào cái ô hở. Cái “nhà”, cái “giường” ghép thế, ở thế... cũng hay, chứ như thuyền nhà Mi chật chội, hơn gì mấy!
Mi nhìn ngó sơ qua, cứ nghe sợ sợ, ghê ghê rồi ù chạy về như có ma đuổi. Ngày ngày ở dưới thuyền nhìn đã quen mòn con mắt nhưng vẫn cứ sợ.
Bờ sông này không có cái tổ của ăn mày có lẽ không có cái sợ như thế này đâu, “nhà” như có ma xó ấy.
Mi ở thuyền nhìn lên, lâu thật lâu, không để ý, rồi lâu quá lại tò mò, nhìn vừa như canh gác, vừa ghê ghê, lại có vẻ bắt đầu thân thuộc. Thỉnh thoảng, ở phía đó cũng có khói lửa vào chập tối, vào khuya.
Mùa hè qua. Mùa đông tới, tối về, ăn mày luôn đốt lửa. Cái ngọn lửa trên bờ xa xa, Mi nhìn thấy âm ấm. Tối nào cũng thế thành ra Mi quen, Mi có cái mùa đông lạ lạ. Mi thấy Mi lớn hơn.
Lâu lắm rồi, Mi lại lên bờ đi lại cái tổ của ăn mày. Ăn mày tha nhặt được nhiều thứ, ngó kỹ, Mi thấy cũng thích, cũng thèm, thèm mấy cái lọ, cả cái cặp tóc kia, bức tranh cô gái… người ta vứt hay ai cho?
Có một đống gạch đá vụn làm gì thế nhỉ? Chẳng lẽ đi ăn xin rồi tha những thứ này về? Khéo là người điên? Đúng rồi chắc?! Điên thì vừa đáng thương, vừa đáng sợ. Mà ăn mày thì cũng thế.
Mi nghĩ, vẫn thấy sờ sợ và nhanh chân bỏ về thuyền.
Vẫn thường thấy cái bóng ăn mày lội xuống sông tắm khi tối trời, bì bạch, ì oạp bơi quậy. Đầu xa, đôi khi Mi bắt gặp ăn mày tắm lúc tơ mơ sớm, tóc dài dài nom lạ hoắc, chắc không muốn cắt? Nhưng nhìn từ xa, chỉ là cái bóng đen di chuyển, lội xuống lội lên trong ánh sáng lờ mờ.
Lâu bữa, Mi lại lên bờ. Từ xa thấy chỗ ở của ăn mày đã khác. Lại gần thấy khác lạ nhiều, đá linh tinh xây ghép lại thành một khúc bờ... rào, lại ngó vào trong, nền đã được ghép gạch, ván. Chắc là nhặt ngoài chợ ngoài đường. Chẳng lẽ ăn mày hôm nào cũng tha gạch đá về và xây thế? Thế là đàn ông hay đàn bà?
Một hôm, đợi ăn mày về, Mi lấy hết can đảm, đánh bạo đến gần. Không dám nhìn kĩ, bờ sông, nước sông  quen rồi mà sợ như không phải nơi của mình, tim đập, Mi vẫn hỏi:
- Gạch đá này làm gì?
Ô, không thèm nói, chỉ nhìn thôi à? Nhìn cứ như là trả lời Mi rằng:
“Để xây. Mà hỏi làm gì?”. Thì... “Ừ, hỏi để, để... làm quen. Hứ”.
Mi sợ run nhưng trấn tĩnh, tự đối đáp cho đỡ sợ. Nghĩ, Mi còn có cha mẹ trên thuyền, nó thì chẳng có ai, mà khúc sông này, Mi ở nhiều, biết rõ hơn nó.
Im lặng. Nhìn trượt qua, cái nhìn của ăn mày, cái mặt đen nhẻm, nhá nhem, nó là cái mặt để mà nhìn, nhưng lúc này nhìn càng không rõ cái mặt ra sao, nó có cái mũi ở chính giữa, giống một con cá rô đồng lỡ cỡ béo tròn. Tóc tốt nhưng... cái giọng, cái mặt đó là đàn ông con trai.
Ăn mày im lìm nhìn ra sông. Mi chỉ nghe mấy bụi cây, ngọn cây xung quanh động lên vì gió.
Mi hỏi tiếp, trống không:
- Ăn chưa mà không nhen lửa nấu?
Vì tò mò muốn biết mà kiếm chuyện hỏi vậy thôi, nhưng vẫn im lặng, bóng tối đến nhanh, không còn thấy cái mặt nó ra làm sao, dễ chịu hay khó chịu, hiền hay ác nữa?! Mi bỏ về thuyền. Mi cứ muốn ăn mày gọi, nói chút gì đó cho dễ hiểu, chẳng hạn như: “Này, không sợ à? Như sẽ nói: Có, có sợ, nhưng cứ thế đấy!”. Nhưng tuyệt chẳng nghe gì, Mi ngoảnh lại, ăn mày đã biến mất đâu. 
Bẵng đi một thời gian, cái tổ của ăn mày lù lù trước mắt thấy thêm lạ, thấy cái bức xây cao lên chút nữa. Lạ thật, Mi không tin, sao ăn mày lại biết làm cái trò này? Xây như trò chơi.
Những viên gạch chồng dính với nhau, như bờ rào. Bờ tường. Mi chợt nhớ lại cái bờ tường rào xây lam nham của trường học, lâu lắm rồi, Mi bỏ học từ hồi đầu lớp bốn vì mẹ sinh thêm em bé, cái thuyền chài không đủ nuôi ba chị em.
Mi theo rình ăn mày, theo ra tận ngoài “phố”. Đi con đường đã quen hồi đi học, bây giờ Mi đã lớn, đã mười lăm tuổi, đã đan lưới giỏi. Mi thích đan lưới, Mi cũng không mấy khi rời dòng sông con thuyền.
Theo dõi, thấy ăn mày không xin gì, cũng chưa ai cho gì, rồi bỗng rẽ vào chỗ người ta đang xây nhà, một người vẫy ăn mày chỉ trỏ gì đó. Mi đứng sau một gốc cây nhìn ăn mày làm việc, nhìn chán rồi trở về.
Con thuyền vẫn hẹp, dập dềnh chòng chành, nhưng nay đã khác vì Mi có những ý nghĩ mới, nghĩ mấy hôm. Nghĩ chán Mi mới nói:
- Con sẽ ra “phố” tìm công việc.
 Không ai đồng ý cả, mẹ nói:
- Còn nhỏ, ở nhà đan lưới, vá lưới thôi, đi ra ngoài không quen, không biết gì rồi khổ, chờ lớn chút nữa theo mẹ rồi thay mẹ đi chợ bán cá cho quen đã.
Mi lại lén đi sau ăn mày ra phố, ăn mày vẫn vắt cái bì trên vai. Không phải đi ăn xin. Mi đi sau một quãng xa, muốn theo gần, muốn hỏi chuyện mà nghĩ, chưa biết nên nhanh hay từ từ đã? Mi cứ đứng ở gốc cây xa xa nhìn ăn mày làm việc. Nắng mạnh hơn Mi vẫn chưa biết phải làm gì? Ăn mày mà cũng tìm được việc để làm kia mà. Mỏi, Mi ngồi xuống tựa gốc cây nhìn ra chỗ khác, ngồi thật lâu, nghĩ nên như thế nào để có việc gì làm? Mi tha thiết lắm. Mi phải đi làm để em Mi được đi học, mà thuyền cũng chật chội quá rồi, phải có tiền để có thêm con thuyền nữa...
Mi giật mình vì ăn mày đứng cạnh bên lúc nào êm re, rồi bỗng nắm tay Mi kéo đi đến một ông lớn tuổi, ăn mày làm điệu bộ chỉ đống cát choẹt như đống bùn xanh, làm mẫu xúc xúc, và chỉ vào Mi. Mi hiểu ăn mày muốn cho Mi cùng làm việc đó.
Người kia lắc đầu, ăn mày cũng lắc đầu rồi chỉ Mi ngồi vào chỗ bóng cây. Mi nghĩ, hóa ra ăn mày bị câm, mà cũng không phải là ăn mày. Vậy thì phải gọi người ta là... gì? Là người ta. Chắc người ta bằng hoặc hơn tuổi Mi? Mi cứ ngồi chờ người ta đến trưa xem sao?
Trưa, người ta lại bên nắm tay Mi, ra hiệu bằng động tác và, xúc cơm, xoa bụng, Mi hiểu, ý là đi ăn cho no. Đi bộ đến chỗ hàng cơm, ăn mày dắt tay Mi vào gặp bà chủ, làm điệu bộ, chỉ Mi, chỉ đống bát đũa, làm động tác rửa... Người chủ gật đầu, người ta cũng nhìn Mi gật đầu.
Bà chủ nói với Mi:
- Người anh em à?
Mi lúng túng lắc đầu.
- Nó câm mà siêng, biết ý, tội nghiệp! Cháu về, mai đến làm việc nha. Tháng đầu được trả ba triệu đồng, vì còn nhỏ mà, làm lâu dần sẽ được trả lên bốn triệu. Được ăn cơm trưa cơm tối. Nếu làm tốt thì được ăn bữa sáng.
- Vâng.
Mi vui mừng quá, và rất nể người ta.
Rồi người ta mua hai phần cơm, giơ hai ngón tay, chỉ Mi, ánh mắt vui vẻ nhìn Mi, rồi ngồi rất ăn ngon lành. Ăn xong ra ngoài, đi đến ngã ba cũ người ta chỉ con đường dẫn về bờ sông, ra hiệu Mi về đi.
Mi về nói cho cha mẹ biết chuyện, cha mẹ khen và có phần yên vui.
Hôm sau, và từ đó người ta chờ Mi đi cùng, về cùng.
Mi rửa bát, bưng cơm, bưng ra dọn vào. Ăn nhiều thứ hơn ở nhà, lại có tiền, phải cái, đi từ tờ mờ và về muộn. May có người ta luôn đi cùng, người ta câm nhưng thương Mi, biết cách bảo vệ Mi. Mà... Mi vẫn không hiểu tại sao bữa nọ người ta biết Mi cần tìm công việc?
Tới cái tuổi Mi lớn phỗng, lại làm lụng, chạy đi chạy lại, ngồi xuống đứng lên nhiều, ăn cũng đủ chất, Mi nở nang thân thể, mặt mũi, khác từng ngày, một thiếu nữ giòn tươi, dần xinh xắn, thỉnh thoảng khách đàn ông, con trai vào quán ăn, họ nhìn mặt, nhìn ngực khiến Mi xấu hổ, khó chịu, mặt nóng lựng.
Rồi một hôm ra về, một kẻ lẽo đẽo theo Mi, tán tỉnh, ôm lấy Mi mà không thèm sợ người ta đang đi sau mấy bước. Người ta ú ớ kêu la, Mi cũng hét toáng lên, có người chạy đến, hai ba người đến, hỏi, Mi trả lời, họ dặn:
- Từ nay có chuyện gì, hai đứa hét lên cho người ta biết.
 Mi rất cảm ơn ba người, một người đàn ông, hai người đàn bà, Mi cũng biết ơn người ta nhưng chưa quen ra hiệu điều như vậy, trời thì tối. Hai đứa đi, rồi lặng lẽ rẽ xuống đường nhỏ đi về bến sông.
Một buổi sớm tinh mơ. Bên bờ sông, cái dáng người quen đứng chờ Mi không giống bộ dạng cũ, người ta mặc một bộ đồ mới Mi mua tặng, bộ đồ gần giống màu như màu của núi xa, Mi thấy vui vui, trông khác quá. Đẹp hơn nhiều. Mi đi đến gần, cắt tóc mà cũng khác thế ư? Mi nhìn, cười nghĩ, đi làm chứ có phải đi đâu mà mới mẻ như vậy? Ừ, quần áo đi làm rách bươm hết rồi... Cười. Cái mặt tròn tròn, vuông vuông lạ nhỉ?! Mũi cứ như... quả gì gì cắt nửa úp vào mặt. Mi tròn mắt ngỡ ngàng và bẽn lẽn.
Không nói gì được, nhưng cái nhìn, cái bàn tay... Bàn tay của người ta nắm lấy tay Mi, là bàn tay của một người con trai, bàn tay ấm áp, và cứng rắn, mạnh mẽ.
Hôm đó làm việc mà đầu óc Mi cứ nghĩ những chuyện đâu đâu. Chỉ mong nhanh chiều để về bến sông.
Tối hôm đó xuống sông tắm, Mi bơi một mạch về phía người ta, một tối đầu mùa hạ mát mẻ và trong lành, Mi nhìn về cái tổ nơi lùm cây, có bức tường xây dở. Người ta tập xây...










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI