Sổ tay Thơ:
CON NGỰA
GỖ
"Khớp con ngựa, ngựa ô"
Lục lạc reo vang, vó gõ nền dồn dập
Thời
ấu thơ
Bố
phi bằng tưởng tượng,
Bố phi bằng cái nhìn thèm thuồng con ngựa gỗ của thằng bé nhà bên.
Rồi
suốt cuộc đời con ngựa gỗ đi theo
Gõ móng suốt chiều dài ước mơ đời bố
Con ngựa phi xuôi, kỷ niệm thì trôi ngược
Thăm
thẳm hai chiều thời gian.
Bao
tháng năm dài cơm áo lo toan
Tưởng
rằng đã quên
Ai ngờ
Nửa
đời ngồi lại
Đẽo
cho con, con ngựa gỗ bình thường.
Tay
bố run run với từng nét đục, đường cưa
Con
ngựa bố làm không đẹp bằng con ngựa người ta bày bán
Nhưng
con biết không?
Đó
chính là con ngựa bố mơ ước ngày xưa.
Con
ngựa bố đã làm xong
Bố
sơn màu xanh, màu đỏ
Nó
sẽ không bay như con ngựa thần kỳ trong truyện Nghìn lẻ một đêm
Nhưng
nó sẽ chở con đi
Vì bố đã đánh cược vào đó
Ba
mươi năm đã qua
Và
đương nhiên
Cả
phần đời còn lại…
Con hãy ngồi lên
Một cách tự tin
Dây
cương đừng nới lỏng
Huơ
roi lên
Vút!
Phi lên.
Qua
núi, qua đồi, qua khe, qua suối
Bỏ
lại đằng sau những cơn gió thổi ngược chiều
Những con chim
bay thẳng cánh
Con hãy phi trọn
phần con và phi luôn phần bố
(Không phải bố đổ trách
nhiệm cho con mà vì bố đã dở dang)
Huơ roi lên
Vút!
Phi lên
Hãy vượt qua địch
thủ của con là sự ù lì chậm chạp
Con hãy phi
nhanh hơn một trăm lần tốc độ của bố thường ngày
Huơ roi lên
Vút!
Phi lên.
Đích của con là những
khoảng trời xa
Rất hồng ước mơ và rất
xanh hy vọng
Gắng lên con,
Người kỵ sĩ của tương
lai!
10-1985
10-1985
NGUYỄN
PHI TRINH
LỜI BÌNH:
NGƯỜI KỴ SĨ CỦA TƯƠNG
LAI!
Một đời thơ, đến ngày xuôi tay nhắm mắt về bên kia cõi
thế, Nguyễn Phi Trinh chỉ để lại duy nhất một tập thơ nơi chốn phù sinh rong ruổi.
Với tôi, cái "tín chỉ thiêng liêng" kia còn phải thử thách qua sự khắc
nghiệt của thời gian hơn nữa, nhưng Con ngựa gỗ - tên một bài thơ cùng tên của thi
tập - không hiểu sao từ sâu thẳm của hồn mình, tôi lại tin chắc rằng nó sẽ vượt
qua cuộc "thử lửa" khắc nghiệt để trường tồn trong nền thi ca dân tộc
bằng chính sức mạnh nội tại, cất tiếng nói đầy yêu thương và khát vọng vô bờ của
người cha dành cho con trong cuộc đời này.
Bài thơ lập tứ bằng một câu chuyện kể, đúng hơn là câu
chuyện lòng của người bố khi nhớ lại quá khứ tuổi thơ nghèo khó của mình. Nhìn
đứa trẻ hàng xóm có con ngựa sơn màu xanh, màu đỏ thật đẹp mà mơ ước thèm thuồng.
Con ngựa gỗ ấy không là gì đối với những đứa trẻ khác nhưng đã "gõ móng suốt
chiều dài ước
mơ đời bố". Chuyện cũ đã qua lâu rồi, nay người bố bồi hồi tưởng nhớ trong
sự xúc động trào dâng khi ngồi đẽo con ngựa gỗ cho con bằng một tình thương yêu vô
bờ bến:
Bao tháng năm dài cơm áo lo toan
Tưởng rằng đã quên
Ai ngờ
Nửa đời ngồi lại
Đẽo cho con, con ngựa gỗ bình thường.
Tay bố run run với từng nét đục, đường cưa
Con ngựa bố làm không đẹp bằng con ngựa người ta bày
bán
Nhưng con biết không?
Đó chính là con ngựa bố mơ ước ngày xưa.
Ngôn ngữ thơ bình dị dễ hiểu như tấm
lòng của người bố thầm thì kể chuyện cho con nghe. Từ "run run" diễn tả sâu sắc
niềm xúc động trào dâng qua hành động "với từng nét đục, đường cưa" khẽ khàng, tỉ
mỉ. Không đơn giản chỉ là làm cho con một con ngựa gỗ bình thường, người bố đã dồn
hết tâm sức, gởi gắm bao nhiêu ước mơ và khát vọng từ chính quá khứ và cả tương
lai phía trước của đời
mình:
Con ngựa bố đã làm xong
Bố sơn màu xanh, màu đỏ
Nó sẽ không bay như con ngựa thần kỳ trong truyện
Nghìn lẻ một đêm
Nhưng nó sẽ chở con đi
Vì bố đã đánh cược vào đó
Ba mươi năm đã qua
Và đương nhiên
Cả phần đời còn lại…
Tâm tình bằng nghệ thuật tự sự sâu lắng, nhà
thơ Nguyễn Phi Trinh đã phả vào lời thơ một cảm xúc chân thành từ trái tim của
tình thương con tha thiết. Các câu thơ dài ngắn như xuất phát từ nhịp đập của trái tim,
nhịp đập của khát vọng nên có lúc dạt dào, cuộn chảy một cách tự nhiên. Lời thơ
bay bổng, đó là lời của nhịp phi, nhịp bay nhảy của chú ngựa hướng về chân trời
"rất hồng ước mơ và rất xanh hi vọng":
Con hãy ngồi lên
Một cách tự tin
Dây cương đừng nới lỏng
Huơ roi lên
Vút!
Phi lên.
Bởi khi đã "đánh cược" toàn bộ đời mình vào
"người kị sĩ của tương lai", đồng nghĩa người bố đã thổi vào đó ngọn
gió thần kì bằng điệu hồn của tình thương yêu cháy bỏng, nâng nhịp phi ảo diệu
"qua núi, qua đèo, qua khe, qua suối" của "con ngựa gỗ" thần
tốc "nhanh hơn một trăm lần tốc độ của bố thường ngày". Nghệ thuật điệp
cú pháp liên tục ba lần qua các dòng thơ "Huơ roi lên/ Vút!/ Phi lên"
là một dụng ý nghệ thuật của tác giả, vừa gợi tả độ phi nhanh, vừa biểu đạt niềm
mơ ước thiêng liêng của sâu nặng tình thương và trách nhiệm. Tất cả điều ấy xuất
phát từ một nhận thức "ù lì chậm chạp" của bố, giờ bố đành ký thác trọn
vẹn cho con. Thành thật nhận lỗi về phần mình, nhà thơ thủ thỉ nỗi
niềm ấy với con
bằng những câu thơ gan ruột, chất chứa biết bao tâm sự. Tôi nghĩ dưới đây là những
câu thơ hay bậc nhất ở bài thơ này và trong dòng thơ tâm tình thế sự của thơ Việt
Nam đương đại:
Con hãy phi trọn phần con và phi luôn phần bố
(Không phải bố đổ trách nhiệm cho con mà vì bố đã dở
dang)
Thơ khởi động từ tâm hồn, qua nghệ thuật ngôn từ chọn
lọc của thi nhân, tư tưởng bài thơ phát sáng thông qua sự tương tác trong hệ
quy chiếu của thời gian và trải nghiệm của mỗi cá nhân độc giả. Gần gũi và cảm
thông sâu sắc với cuộc đời tác giả, từng nghe nhiều lần chính nhà thơ Nguyễn
Phi Trinh đọc đứa con tinh thần trân quý của mình, tôi vẫn tin tưởng rằng, Con
ngựa gỗ sẽ bay về một chân trời đầy hoa thơm và quả ngọt, mà người điều khiển
nó không ai khác chính là "người kị sĩ của tương lai" như chính niềm
mong ước sinh thời của tác giả.
LÊ THÀNH VĂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI