Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2018

CƯ PƠNG – NHỮNG TIỀM NĂNG ĐANG BỊ LÃNG QUÊN bút ký của HỒNG CHIẾN - TẠP CHÍ VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC SỐ: 229+230 THÁNG 10 NĂM 2018

                                                                                    




Bút ký của Hồng Chiến

Gần 9 giờ sáng đoàn văn nghệ sỹ mới tới được Ủy ban nhân dân xã Cư Pơng, huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk. Khuôn viên Ủy ban xã khá đẹp, nhiều cây trồng xung quanh đã cao quá mái nhà, đặc biệt nhất có cây sanh trồng bên phải sân chắc đã lâu năm, tỏa bóng mát che một diện tích lớn trên sân; dưới bóng cây dựng nhiều xe máy tránh nắng. Hội trường phía đông sân có cuộc họp quan trọng, rất đông người ngồi đang chăm chú theo dõi diễn giả phát biểu đứng trên bục. Phía bên trái một dãy nhà cấp bốn có nhiều phòng, người vào ra khá đông. Đang ngắm nhìn cơ ngơi của Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã Anh hùng Cư Pơng thì có hai người từ trong ngôi nhà đối diện bước ra, bắt tay mời vào phòng Bí thư Đảng ủy xã uống nước.
Phòng làm việc của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã không rộng lắm, kê hai chiếc bàn hình chữ T, đồng chí Trần Văn Tiến - Phó bí thư Đảng ủy xã thông báo: “Đồng chí Bí thư đang dự Đại hội nên chưa tiếp đoàn được, chốc nữa giải lao sẽ về trao đổi sau; bây giờ các anh cần gì cứ nói, chúng tôi sẽ thu xếp. Thú thật nghe tin các anh ở tỉnh về chúng tôi mừng lắm. Tuy là xã Anh hùng, là căn cứ cách mạng trong chiến tranh nhưng riêng việc đầu tư phát triển du lịch của xã còn hạn chế, chưa xứng tầm. Xã chúng tôi có nhiều thác đẹp như: Dray Drak, thác Dray Huê, thác bảy tầng Juh... còn ít người biết đến vì chưa được khai thác”.
Nghe nói đến thác, anh em trong đoàn ai cũng mừng, nhà thơ Lê Đình Liệu hỏi: “Các thác có gần trung tâm xã không”? “Gần thôi, không có thác nào xa quá chục km đâu”. Nhà văn Bích Thiêm băn khoăn hỏi: “Xung quanh thác có còn rừng không?” Đồng chí Phó bí thư chưa kịp trả lời đã thấy một người chắc ngoài năm mươi tuổi bước vào phòng lên tiếng: “Chào các đồng chí nhà báo, nhà văn, nghệ sỹ”. Giọng xởi lởi, trên môi nở nụ cười rất tươi, đi bắt tay từng người một rồi nói như thanh minh: “Mình bận họp nên giờ mới gặp đoàn, thông cảm nhé.” Đồng chí Phó bí thư Đảng ủy xã giới thiệu: “Đây là đồng chí Y Kha Mlô - Bí thư đảng ủy xã”.
-Ta ngồi xuống nói chuyện cho thỏai mái nào, các anh vào với chúng tôi được lâu không? Ở mấy ngày để chúng tôi bố trí. Thời gian có một buổi thôi à, ngắn quá. Báo cáo về kinh tế xã hội thì có báo cáo tổng kết kỷ niệm 40 năm thành lập xã, chúng tôi vừa tổ chức xong sẽ đưa cho các anh chị tham khảo. Tôi muốn các anh chị viết thế nào, quay phim thế nào để mọi người thấy được chúng tôi có thác đẹp, mời doanh nghiệp đầu tư và kéo nhiều người đến thưởng thức. Vì vậy phải đến tận nơi nhìn thì mới viết, mới chụp, mới ra chuyện. Tôi bận họp không đi được, tiếc quá nhưng đành chịu. Giao đồng chí Phó Bí thư và đồng chí Phó chủ tịch Ủy ban xã phụ trách văn hóa dẫn đoàn đi. Trưa các anh chị quay lại ta trao đổi thêm”.
Qua thái độ, cách làm việc của đồng chí Y Kha Mlô làm chúng tôi thấy bất ngờ. Bất ngờ vì người cán bộ bản địa trưởng thành từ phong trào nơi quê hương mình mà có cách ứng xử tinh tế, phong cách làm việc khoa học, tạo nên sự gần gủi với người tiếp xúc. Ra xe, nhà văn Nguyễn Liên nhận xét: “Đồng chí bí thư xã có cách làm việc hay thật. Nếu xã nào cũng có lãnh đạo như thế này thì mừng lắm”. “Anh ấy trước đây làm du kích rồi phấn đấu, rèn luyện dần dần trưởng thành lên. Thác Dray Drak nằm trên đất rẫy của gia đình anh ấy đấy”. “Xung quanh thác còn rừng không?” Nhà văn Bích Thiêm nhắc lại câu hỏi, đồng chí Phó bí thư trả lời: “Xung quanh thác là rẫy của gia đình đồng chí bí thư và anh em trong gia đình nên còn giữ lại được một ít. Bảo vệ rừng nơi đây hiện nay chỉ động viên nhân dân tự giác, không chặt phá thôi”. 
Đường đến thác thật khó đi, xe phải đi men theo đường lô mới mở, hết rẽ phải, rồi rẽ trái, lại rẽ phải mãi mới tới một rừng điều khá tốt, trên cây quả chín treo đầy. Xe dừng, anh em đi bộ men theo bìa rẫy gần một km nữa mới tới suối. Đường đi nhiều chỗ dốc gần như dựng đứng, chỉ có một con đường mòn nhỏ đủ để người đi đặt chân xuống các hòn đá, tay bám chắc các gốc cây mới không bị té. Thương nhất nghệ sỹ Linh Nguyên tay ôm máy quay, tay xách chân máy, lần từng bước nhờ người đi trước đỡ dùm. Loay hoay mãi, cuối cùng đoàn cũng xuống được con suối trên đỉnh thác. Để xuống chân thác lại phải vượt qua một đoạn dốc thẳng đứng; bám vào dây, rể cây để đu người. Mấy anh chị nhà văn và nghệ sỹ lớn tuổi không dám xuống vì... nhìn con đường đi đã chóng mặt rồi, nói gì đu người xuống.
Theo người dẫn đường, chỉ có tôi, nhà nhiếp ảnh Văn Lộc, nghệ sỹ Linh Nguyên và các nhà văn: Trần Chi, H’Phi La liều mình vượt qua đoạn đường khoảng năm chục mét để xuống lòng suối. Xuống đến lưng chừng dốc, mọi người chợt đồng thanh kêu lên ngạc nhiên trước vẻ đẹp hoang sơ của thác. Giữa tháng ba, trời Tây Nguyên mới có vài cơn mưa đầu mùa chưa thấm đất, vậy mà dòng thác có ba ngọn đổ từ độ cao trên chục mét, dội thẳng xuống, hơi nước  bung lên ướt đẫm lá cây một vùng. Những khối đá dưới chân thác hình lục giác, đen bóng như được một bàn tay nghệ nhân tài ba tạo ra, sắp xếp lại.
Thôi thì người có máy quay, máy ảnh thi nhau bấm; còn không có máy thì dùng ngay điện thoại để quay, chụp; miệng không ngớt trầm trồ thán phục. Đi thêm hơn chục mét nữa mới tới lòng suối nơi chân thác, ngước mắt nhìn lên đỉnh thác thấy trời xanh trong veo. Anh cán bộ văn hóa xã đi cùng, tuổi mới ngoài hai mươi, người dân tộc tại chỗ có nước da nâu đen, mái tóc quăn tự nhiên rất đẹp, nói: “Trước đây hai bên thác có hai cây đa to đến mấy người ôm luôn, cành lá xanh tốt, tạo bóng mát che cho thác như hai cái ô lớn, trông đẹp lắm. Cơn bão số mười hai năm ngoái làm đổ mất. Tiếc quá”!
Tôi chợt nghĩ, nếu có hai cây đa hai bên thác tạo cảnh, chắc chắn không những đẹp mà còn góp phần làm cho thác có vẻ huyền bí hơn lên, chắc chắn sẽ thu hút sự tò mò của nhiều người. Hai bên bờ suối còn giữ lại được một ít cây cổ thụ, tán cây quá nhỏ so với dòng thác có chiều rộng đến hai chục mét. Giá như hai bên bờ suối còn nhiều cây to hơn, rừng ven suối còn rộng hơn một chút chắc chắn sẽ làm người đến đây bị say đắm. Nhưng bây giờ...
Ở Đắk Lắk, tên sông, suối, hay dòng thác bao giờ cũng gắn với một truyền thuyết bi thương của tình yêu đôi lứa, hay sự trái ngang của số phận con người như thác: Dray H’Linh, thác Dray Nu, thác Trinh Nữ, thác Krông Kma… hay sông Krông Na, Krông Nô, Krông Bông, Ea H’Leo... Vậy mà thác Dray Drak chỉ là một cái tên ngẫu nhiên, mộc mạc vậy thôi, không rõ nghĩa. Đây cũng là một thách thức không những với người làm du lịch mà cả với những văn nghệ sỹ đi tìm và khám phá vẻ đẹp của dòng thác. Thác đẹp phải có một sự tích hấp dẫn để người ta đến khám phá, tìm hiểu, chiêm ngưỡng... Tôi chợt nhớ đến thác Thủy Tiên trên dòng sông Krông Năng, thuộc địa phận huyện Krông Năng. Cách đây hơn ba mươi năm thác không có tên, khi những người thanh niên từ thành phố Huế vào xây dựng kinh tế mới, nhà thơ Trần Chi - khi ấy mới 23 tuổi làm Chủ tịch xã Phú Xuân đầu tiên, khi làm quy hoạch mới đặt cho thác cái tên Thủy Tiên - nơi có các nàng tiên trên trời vì mê cảnh đẹp nơi trần thế nên xuống tắm. Từ đó thác có tên và truyền thuyết dòng thác ra đời, lưu đến hôm nay, được nhiều người ưa thích đến khám phá, tham quan.
Xuống chân thác, Nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Lộc nhờ nhà văn H’Phi La làm người mẫu để chụp thác. Nghệ sỹ Linh Nguyên, nhà thơ Trần Chi và tôi cũng chĩa máy bấm ké. Bụi nước bay lên mù mịt, ánh mặt trời dọi xuống tạo nên cầu vồng ngũ sắc lung linh như ôm lấy người mẫu. Nhìn cô thiếu nữ E đê trong trang phục quần áo dân tộc mình ngồi bên dòng thác, ta có cảm giác như lạc vào thế giới của Yang trong cổ tích, như thực như mơ. Phía bên phải dòng thác có chùm rể cây si xỏa xuống. Thỉnh thoảng có cơn gió thổi qua, từng chùm rể như làn tóc cô thiếu nữ vờn qua dòng thác, níu kéo làn nước làm tôn thêm vẻ huyền bí của thác. Đứng ngắm thác mãi không biết chán, nhưng đến lúc chúng tôi cũng phải về, hẹn một dịp khác lại đến.
Ngày hôm sau tôi trở lại xã Cư Pơng Anh hùng để khám phá tiếp các dòng thác còn lại của xã như: thác Dray Huê, thác bảy tầng Juh. Những thác này nhỏ hơn, độ cao của thác từ vài ba mét, đến năm mét là cùng. Điều đặc biệt rừng hai bên các thác đã bị tàn phá, biến thành rẫy cà phê, hồ tiêu... muốn vào thác phải đi qua nhà dân.
Trên đường quay về huyện, nhà văn Mai Khoa Thâu buồn buồn nói với tôi:
-Các thác của xã Cư Pơng đều có vẻ đẹp độc đáo của riêng mình. Mỗi thác đều có tiềm năng du lịch nhất định, nhưng tiếc quá anh ạ.
-Tiếc điều gì vậy - tôi hỏi lại.
- Rừng, những khu rừng, những cây cổ thụ bên thác chúng ta không giữ được, làm cho thác mất đi vẻ đẹp huyền bí; giống như nàng công chúa ngủ trong rừng bị cạo mất lông mày rồi.
-Hay, một sự liên tưởng độc đáo!
Tôi kêu lên và bồi hồi trước thực tế các dòng thác nơi đây, hình như chúng ta còn quá chậm trong khâu khảo sát quy hoạch để phát triển các khu vực có tiềm năng du lịch. Giá như các dòng thác ở xã Cư Pơng được quy hoạch sớm hơn, các mảnh rừng già nguyên sinh quanh thác không bị chặt phá và ta còn đất để mở một con đường đủ lớn lưu thông đi đến các dòng thác thì quả thật đây sẽ là khu “công nghiệp không khói” đầy tiềm năng không chỉ của xã Cư Pơng, của huyện Krông Búk mà còn của cả tỉnh Đắk Lắk.
Nếu đi từ thành phố Buôn Ma Thuột qua trung tâm xã Pon Prang rẽ trái chừng 30 km chúng ta đã đến những dòng thác của xã Cư Pơng, cùng nằm trên con suối đầu nguồn của dòng sông Ea H’Leo bắt nguồn từ phía đông đổ về phía tây. Những dòng thác đẹp đúng như nhận xét của nhà văn Mai Khoa Thâu “giống như cô công chúa ngủ trong rừng” đang bị lãnh quên. Rồi đây ai sẽ là “hoàng tử”, đủ dũng cảm, tài năng bước vào vùng đất đầy khó khăn ấy để đánh thức nàng công chúa dậy. Muốn vậy, ngay từ bây giờ chính quyền địa phương phải có chính sách ưu đãi, khuyến khích và sự ủng hộ của đồng bào nơi đây kêu gọi và mời các “hoàng tử” tài trí, có tầm nhìn chiến lược, chấp nhận gian khó vào cuộc, đồng hành cùng với nhân dân xã Anh hùng Cư Pơng đánh thức tiềm năng du lịch nơi đây. Đó cũng là nghĩa cử cao đẹp của thế hệ sau đối với vùng đất và con người đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh góp phần vào công cuộc thống nhất nước nhà trước đây và xây dựng cuộc sống thanh bình, âm no hôm nay. Chúng ta chờ và hy vọng!









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI