Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2019

NHỮNG CÂU CHUYỆN VUI VỀ HEO Ở CHIẾN TRƯỜNG của TRƯƠNG BI - CHƯ YANG SIN SỐ: 317+318 THÁNG 1&2 NĂM 2019


Đuổi cọp giành lại heo:
Đoàn văn công Đắk Lắk thuộc cơ quan Tuyên - Văn - Giáo khu căn cứ kháng chiến K’rông Bông, nhờ thực hiện tốt sự chỉ đạo của cấp trên về tự túc lương thực, với tinh thần “thực túc binh cường”, nên cuối năm 1967, đoàn đã thu được trên 3 tạ  lúa rẫy và nuôi được trên 50 con heo, gần 100 con gà. Đàn heo ban ngày thì thả rông, ban đêm thì nhốt vào chuồng để phòng thú dữ. Một  hôm, gần tết Nguyên đán, trăng sáng mờ mờ, khoảng nửa đêm, mọi người trong đơn vị đang ngủ say sưa, bỗng nhiên có tiếng heo kêu dữ dội. Tổ chị nuôi ở sát chuồng heo bật dậy la lớn: “Cọp bắt heo! Cọp bắt heo! Các đồng chí ơi!”. Nhanh như ngọn gió, đồng chí T (trưởng đoàn), cầm khẩu AK nhảy lên miệng hầm bắn ba phát chỉ thiên. Rồi mọi người cùng chạy ra chuồng heo. Đếm đi, đếm lại vài lần, chị H (tổ trưởng tổ chăn nuôi) báo cáo: “Thưa thủ trưởng! Mất một con heo đực to nhất đàn”. Nghe chị H nói vậy, mọi người cùng đi tìm và phát hiện dấu chân cọp kéo lê con heo ra suối. Mọi người theo xuống suối thì mất dấu. Lúc này, đồng chí T bảo: “Có thể con cọp lúc tha con heo xuống suối, nghe tiếng súng nổ liền thả heo để chạy thoát thân. Các đồng chí hãy xuống suối tìm xem!”. Quả đúng vậy, anh em trong đơn vị vừa mới bước chân xuống suối thì thấy con heo được vất lại bên bờ. Con heo nặng khoảng trên 60 kg. Anh em trong đơn vị vui mừng vì đã đuổi được cọp, giành lại heo, tất cả cùng nhau khiêng heo về làm thịt. Hôm ấy đã 23 Tết, tổ chị nuôi làm giò chả, giò lụa, nấu thịt đông, chuẩn bị cho cả đơn vị ăn Tết trước để phục vụ Chiến dịch Xuân 1968.
Tay không bắt heo:
Sau Chiến dịch Mùa khô năm 1968, bộ phận tuyên tuyền, báo chí, và in ấn thuộc cơ quan Tuyên - Văn - Giáo, Khu kháng chiến K’rông Bông trở về căn cứ đã là 27 Tết. Toàn đơn vị có khoảng trên 30 người mà chỉ còn 10 kg gạo, 1 kg muối. Đồng chí C (Trưởng bộ phận) thấy vậy vô cùng lo lắng: “Biết lấy gì cho anh em ăn Tết và bồi dưỡng sức khỏe chuẩn bị vào trận chiến đấu mới đây?” Nghĩ vậy, đồng chí liền cử 5 anh em có sức khỏe tốt, thạo địa hình rừng núi đi vào rừng kiếm rau và săn thú về cải thiện bữa ăn trong ba ngày Tết. Thế là 5 anh em, do đồng chí Y Thih làm trưởng nhóm vừa ăn sáng xong đã vội vã lên đường. Đoàn đi rừng vượt qua ba cái rẫy, vừa đến một con suối thì thấy cả đàn heo hơn 10 con đang đứng bên suối uống nước. Thấy vậy, đồng chí Y Thih bảo anh em trong đoàn cầm mỗi người một cành cây chạy ào xuống suối đuổi đàn heo. Nghe tiếng động, heo mẹ chạy trước, các chú heo con lúc nhúc chạy theo sau. Chỉ loáng một cái cả đàn heo đã biến mất. Bỗng nhiên anh em trong đoàn nghe tiếng heo con kêu ở phía đầu suối, liền chạy đến xem thì thấy ba chú heo con rơi xuống một cái hố sâu. Thấy vậy, đồng chí Y Thih chặt dây rừng làm thòng lọng thả xuống thắt vào bụng từng con heo rồi kéo lên. Năm anh em chia nhau đi kiếm rau rừng, măng rừng rồi mang heo trở về đơn vị. Về đến nơi, đồng chí C thấy vậy rất vui mừng, nhưng nhìn ba chú heo con đang còn bú sữa mẹ thì không đành giết thịt. Đồng chí liền bảo với Y Thih: “Chú mang ba con heo này vào buôn đồng bào M’nông gần đây đổi gà về ăn Tết, chứ làm heo con cho anh em ăn tết tôi thấy tội lắm. Đơn vị ta còn 1 cân đường, và 1 cân muối, chú mang theo mỗi thứ nửa ký đổi gạo nếp về làm bánh tét cho anh em ăn Tết!”. Nghe thủ trưởng nói vậy, đồng chí Y Thih gật đầu rồi rủ thêm hai người trong đơn vị mang ba con heo, đường, muối đi vào buôn Tâng Juh. Đến chiều tối ba anh em mang về 9 con gà trống choai, 5 kg gạo nếp 10 kg gạo tẻ. Thế là anh em bộ phận tuyên truyền, báo chí, in ấn có một cái Tết vui vẻ, đầm ấm.
 Mất một heo, được cả đàn heo:
Đã đến ngày 25 tết rồi mà vẫn chưa thấy anh chị em đi gùi gạo, thuốc men và hàng Tết trở về. Văn Tâm trong tổ anh nuôi ở bộ phận Dân y, khu căn cứ kháng chiến K’rông Bông vô cùng nóng ruột, cứ đi vào đi ra lo lắng chờ đợi. Văn Tâm liền nói với đồng chí H (Trưởng bộ phận Dân Y): “Nếu các đồng chí đi gùi gạo, thuốc men và hàng Tết không về kịp thì lấy gì cho anh em ăn Tết đây? Hai con heo đang nuôi lớn nhanh như thổi thì cách đây một tháng tự nhiên mất đâu một con, quả là chó cắn áo rách”. Nói xong Văn Tâm ra mấy gốc cây gần công sự nhặt củi. Bỗng nhiên nghe tiếng heo kêu “ịt, ịt…”, Văn Tâm ôm bó củi về bếp thì thấy con heo mẹ dẫn hơn chục chú heo con bụ bẫm chui vào chuồng heo bên cạnh bếp. Văn Tâm vui vẻ lấy củ mì thái nhỏ đổ vào máng cho đàn heo ăn. Cả đàn heo xúm lại ăn ngon lành. Heo mẹ vừa ăn vừa nhìn chủ một cách trìu mến. Đồng chí H vui mừng bước đến nói với Văn Tâm: “Theo kinh nghiệm của đồng bào Êđê, M’nông cho hay, khi heo mẹ được nuôi ở nhà đến ngày đẻ thường vào rừng tìm chỗ sinh con, chờ khi heo con cứng cáp (khoảng sau 1 tháng) thì heo mẹ dẫn con về với chủ. Vì giống heo của đồng bào chính là heo rừng được thuần hóa, nhưng bản năng sinh sản của nó còn mang đặc tính heo rừng.” Nghe đồng chí H nói vậy, Văn Tâm phá lên cười rồi nói: “Thế mà em cứ tưởng con heo mẹ bị cọp vồ, ai ngờ nó đến “trạm xá” để đẻ và dẫn con về với chủ”. Tối hôm ấy, anh chị em đi gùi gạo, thuốc men và hàng Tết từ Phú Yên trở về, thế là chúng tôi có một cái Tết năm 1970 vui vẻ, đầm ấm ở chiến khu K’rông Bông.
Đôi bạn thân tình:
Ở trạm giao liên Khu căn cứ kháng chiến Chư Juh tỉnh Đắk Lắk có Y Bal ÊBan, là người dân tộc Êđê có tài bắt chước chim thú kêu giống y hệt. Một hôm Y Bal được cử đi công tác. Trên đường về, Y Bal dẫn thêm hai cán bộ cùng về, sợ trời tối nên Y Bal dẫn đi tắt đường rừng để về cho kịp đơn vị. Mọi người đi đến một dòng suối cạn thì nghe tiếng heo rừng kêu “ụt ịt, ụt ịt!” thấy vậy, Y Bal bắt chước nhại lại tiếng heo kêu. Một lúc sau có một chú heo con chạy tới vẫy đuôi ra vẻ vui mừng. Sẵn có thức ăn trong ba lô, Y Bal lấy ra một mẩu mỳ luộc bẻ vụn cho chú heo ăn. Heo con ăn một cách ngon lành rồi theo Y Bal và hai cán bộ đi về đơn vị, đến nơi thì trời vừa tối. Anh em trong trạm vui mừng đón tiếp hai cán bộ và Y Bal trở về an toàn. Khi thấy heo con, ai cũng ngạc nhiên. Y Bal kể lại chuyện gặp chú heo bên suối, nhại đúng tiếng heo kêu, nó chạy lại, em cho heo ăn củ mì và nó đi theo về đây. Nghe Y Bal kể vậy, ai cũng cười và khen tài nhại tiếng chim thú của Y Bal. Từ đó chú heo con trở thành người bạn của Y Bal. Hàng ngày Y Bal đi đâu chú heo cũng đi theo. Anh em trong đơn vị gọi đùa là “đôi bạn thân tình”.
Bẫy nhím trúng heo:
Trong những năm chống Mỹ cứu nước, bộ phận báo chí, in ấn của ban Tuyên - Văn - Giáo thuộc khu căn cứ K’rông Bông tuy ít người, và bận rộn công tác, nhưng vẫn tích cực tăng gia sản xuất tự túc lương thực, thực phẩm. Mùa rẫy năm 1972, lúa rẫy rất tốt, đến mùa lúa chín, chim thú kéo về ăn suốt ngày đêm. Để bảo vệ lúa, đơn vị chặt cây rào và làm hình nộm đặt quanh rẫy, đồng thời cử người thay nhau canh rẫy. Hôm ấy đồng chí Y Thih và Y Thiêm được giao nhiệm vụ canh rẫy. Hai anh đã quen làm bẫy thú từ nhỏ nên cùng nhau làm rất nhiều bẫy đặt xung quanh rẫy. Hai anh chỉ làm những cái bẫy nhỏ, chủ yếu là bẫy nhím và thỏ thôi vì thỏ và nhím hay về ăn lúa phá rẫy. Chiều hôm ấy vừa đặt bẫy xong, hai anh em xuống suối tắm. Trong lúc đang tắm, hai anh nghe tiếng heo kêu eng éc ở phía cuối rẫy. Tắm xong, hai anh nhanh chóng chạy đến chỗ có tiếng heo kêu thì thấy một con heo rừng bị mắc bẫy. Y Thih và và Y Thiêm liền lấy dây rừng trói heo lại. Trói xong Y thiêm chạy về đơn vị gọi anh em ra khiêng con heo về làm thịt. Con heo rừng khá lớn nặng khoảng 1 tạ. Năm ấy có lúa rẫy, có heo rừng làm giò chả, nấu giả cầy, nấu thịt đông, anh em trong bộ phận báo chí, in ấn ở khu căn cứ kháng chiến K’rông Bông có một cái Tết vui vẻ.
                                                         
                                                  
Sưu tầm theo lời kể của các anh: Y Tuyên, Minh Kha, Y Thih, Ngọc Lợi.

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2019

KHÚC CẢM HOÀI QUA TỜ LỊCH CUỐI NĂM lời bình của LÊ THÀNH VĂN - CHƯ YANG SIN SỐ: 317+318 THÁNG 1&2 NĂM 2019


TỜ LỊCH CUỐI NĂM



Mỏng manh tờ lịch cuối năm
Nhẹ tênh rơi xuống chỗ nằm ...
             Vọng âm
Thoảng như hơi gió vương trầm
Thoảng như sương khói môi thầm thĩ xa

Mơ màng trở lại lật qua
Ngày chia hai nửa trẻ - già đây ư?
Nửa xanh chớm nhạt ngôn từ
Nửa vàng như đã lại như chưa vàng

Cháy thầm trong lửa thời gian
Vui buồn cũng hóa tro than vô tình
Cuối năm mình tiễn tuổi mình
Mỏng manh tờ lịch rập rình...
Gió bay!
                                     NGUYỄN NGỌC HƯNG

LỜI BÌNH:


Hơn ba mươi năm nằm bệnh, trở trăn với biết bao đau thương của số phận đời mình, Nguyễn Ngọc Hưng làm thơ như một căn duyên tiền định. Thời gian biến thiên dời đổi, thoắt thôi mái đầu xanh ngày nào đã hóa thành một vùng mây trắng, phiêu hốt bay qua năm tháng cuộc đời. Một ngày cuối năm, cầm tờ lịch trên tay, nhà thơ bồi hồi xúc động, để rồi bâng khuâng trong một mối cảm hoài qua bài thơ Tờ lịch cuối năm.
Bài thơ được làm theo thể lục bát, gồm mười hai câu, ngắt thành ba khổ nhưng đã có những biến hóa, cách tân về hình thức nghệ thuật. Mượn tờ lịch cuối năm "nhẹ tênh rơi xuống chỗ nằm", thi phẩm có tính tổng kết, chiêm nghiệm về đời người, về thời gian trong cõi nhân sinh vốn dĩ vô thường, hư ảo. Có lẽ sự tồn sinh đầy kỷ niệm dứt day ấy được Nguyễn Ngọc Hưng chạm khắc trong khổ thơ đầu khá điêu luyện bằng thể lục bát biến hóa tài tình:
Mỏng manh tờ lịch cuối năm
Nhẹ tênh rơi xuống chỗ nằm ...
             Vọng âm
Thoảng như hơi gió vương trầm
Thoảng như sương khói môi thầm thĩ xa
Với con người bình thường, mỗi khi năm hết Tết về, nhìn tờ lịch cuối cùng rơi xuống, đã nghe lòng dâng bao nỗi xuyến xao đan xen muôn ngàn bâng khuâng, tiếc nuối. Hơn ai hết, Nguyễn Ngọc Hưng thấu rõ điều này, bởi anh mắc chứng bệnh nan y, chân tay co rút, đau thương lắng lại giữa bốn bức tường xám ngắt, cô đơn. Chính phút giây lắng đọng trong thời khắc giao mùa, dù tờ lịch "mong manh" rơi xuống "nhẹ tênh", tác giả vẫn nghe chỗ nằm của mình một khúc "vọng âm". Hai từ "vọng âm" được nhà thơ vắt thành một dòng thơ độc lập, đầy ám ảnh. Thế mới biết, chính hoàn cảnh đặc biệt đã sinh nên cái tình thi sĩ quá lớn lao, nó là một cuộc trở trăn không dễ gì bù đắp nổi. Bao nhiêu kỷ niệm ùa về chan chứa, tất cả thơm tho "như hơi gió vương trầm", "như sương khói môi thầm thĩ xa". Đó là "vọng âm" của tình yêu xa cách, là thanh âm cuộc đời đã với quá tầm tay. Thương cảm và đắng chát, nhìn tờ lịch cuối năm, thêm một lần nữa Nguyễn Ngọc Hưng day dứt đến phận người. Dù không bi thiết như Đặng Trần Côn: "Trăm năm rồi có gì đâu/ Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì", tác giả vẫn dào lên bao nét suy tư, cảm thán về sự nghiệt ngã của thời gian quá vội:
Mơ màng trở lại lật qua
Ngày chia hai nửa trẻ - già đây ư?
Nửa xanh chớm nhạt ngôn từ
Nửa vàng như đã lại như chưa vàng
Khổ thơ hay ở câu hỏi tu từ mang mang nỗi niềm tiếc nuối. Cầm tờ lịch "mơ màng trở lại lật qua" để rồi nhận ra hai nửa "trẻ - già" trong một thực thể tồn sinh của kiếp người đau buốt. Những câu thơ chứa đầy trắc ẩn, không những cất lên từ chính cuộc đời tác giả mà nó còn là quy luật muôn thu của cõi thế vô thường. Thảo nào xưa cụ Nguyễn Du từng hô gọi trong một tâm thức hiện sinh: "Sống nay không rót cạn bình/ Chết rồi tưới rượu mồ mình, biết ai?". Cụ Nguyễn Công Trứ thì cảm thán về thời gian ngắn ngủi đời người: "Ôi nhân sinh là thế đấy/ Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao". Đến Nguyễn Ngọc Hưng, sau câu hỏi tu từ đầy trắc ẩn, là cả một chuỗi suy tư sâu lắng đến ngậm ngùi: "Nửa xanh chớm nhạt ngôn từ/ Nửa vàng như đã lại như chưa vàng". Tất cả cứ dở dang, phiền muộn đến nao lòng!
Hai khổ thơ đầu là tâm chấn của nỗi đau thời gian hiu hắt, chóng phai quất vào cõi lòng thi nhân mối sầu dâu bể. Sau những cảm xúc "mơ màng trở lại lật qua" đầy dứt day, chua xót ấy, nhà thơ dường như bừng ngộ để rồi nhận ra cái lẽ thường tình của cõi nhân gian. Tất cả rồi "cũng hóa tro than vô tình" như một quy luật tất yếu. Xuyên thấu lẽ đời, khát vọng "cháy thầm" trong khoảnh khắc giao mùa khi tờ lịch cuối cùng sắp hết, tác giả bâng khuâng "mình tiễn tuổi mình". Dường như chính trong cái tàn phai, rơi rụng kia lại bắt đầu cho một điều gì sinh sôi mới mẻ. "Ô hay, cái mất lẫn trong cái còn" mới là cảm thức mà tác giả muốn nói với ta chăng? Thì đây, chính cái giọng điệu của khổ thơ cuối bài đã phần nào làm vơi bớt nỗi sầu vạn cổ về sự mong manh, hữu hạn của kiếp người:
Cháy thầm trong lửa thời gian
Vui buồn cũng hóa tro than vô tình
Cuối năm mình tiễn tuổi mình
Mỏng manh tờ lịch rập rình...
Gió bay!
"Cháy thầm" để rồi sinh hóa một mầm sống mới. Tờ lịch cuối năm rơi để bắt đầu khai mở cho mùa xuân tươi đẹp lại về, xênh xang cùng hoa bướm thần tiên.
Không mòn sáo trong nghệ thuật của thể lục bát quen thuộc, cảm hứng nhân sinh phổ quát được nhìn qua lăng kính của phận đời mình, bài thơ Tờ lịch cuối năm của Nguyễn Ngọc Hưng thấp thoáng một nỗi buồn cô đơn dịu vợi, một cảm thức mong manh, hư ảo của kiếp người. Song, cao hơn hết, đó còn là phút giây "cháy thầm" hiến dâng lặng lẽ để mang đến mùa xuân bất tận cho đời. Không hiểu sao, tôi vẫn có cảm giác là "tờ lịch cuối năm" của Nguyễn Ngọc Hưng vẫn treo vào thời gian bất tử, nó không rơi xuống bao giờ, như "chiếc lá cuối cùng" trong đêm mưa gió của nhà văn O. Henry vĩ đại.
                                                                       

Thứ Năm, 14 tháng 2, 2019

TÍNH TRIẾT LUẬN TRONG TẬP THƠ "ĐỦNG ĐỈNH TRĂNG VỀ" CỦA TRẦN PHỐ bài viết của LÊ THÀNH VĂN - CHƯ YANG SIN SỐ: 317+318 THÁNG 1&2 NĂM 2019

Nhà thơ TRẦN PHỐ


Thơ ca hấp dẫn từ cổ chí kim bởi không những dễ làm xúc động và lấy đi nước mắt của người đọc, có khả năng từ trái tim đi thẳng đến trái tim mà còn giúp ta bừng ngộ và khám phá ra bao chân lý ở đời thông qua tính triết luận sâu sắc. Đó chính là sự hài hòa thẩm mỹ giữa cảm xúc và lý trí, giữa sự rung ngân của con tim biết hát và một trí tuệ giàu suy tưởng về lẽ người, lẽ đời. Đọc tập "Đủng đỉnh trăng về" của nhà thơ Trần Phố, ta bắt gặp cảm hứng triết luận trở thành cảm hứng chủ đạo của thi tập, dù vẫn biết một sô tác giả đã nghiên cứu qua các phương diện khác, nhưng tôi cũng xin lạm bàn thêm vấn đề trên như góp một tiếng nói cá nhân trước đứa con tinh thần của người thầy, người anh mà mình quý mến.
Hiểu một cách thông thường nhất, triết luận là triết lý và luận bàn về một vấn đề, một khía cạnh của đời sống nhân sinh từ những chiêm nghiệm, nhờ đó giúp cho nhà thơ có cái nhìn thấu đáo và sâu sắc hơn về cuộc đời và con người thông qua hình tượng nghệ thuật. Tính triết luận trong thơ làm cho bài thơ sắc cạnh, độc đáo và dễ ấn tượng hơn với người đọc nhờ vào tứ thơ đã siêu thăng thành quan niệm sống của cá nhân thi sĩ. Vì vậy, triết luận thiên về suy tưởng, biện giải nên bao giờ cũng thấm thía và có chiều sâu nhận thức. Bên cạnh tính triết luận là tính trữ tình trong thơ. Đó là trạng thái cảm xúc của tác giả được thăng hoa và kết đọng lại trong lòng người đọc những rung cảm thẩm mỹ. Nếu triết luận thiên về lý trí, suy tưởng và mang tính logic thì trữ tình lại đi thẳng vào trái tim, khơi dậy những rung động ở lòng người. Tuy nhiên, triết luận là một khái niệm có nội hàm phong phú, nó bao chứa cả triết lý và cả hình thức triển khai tính triết lý ấy trong một chỉnh thể nghệ thuật. Vì vậy, tính triết luận trong thơ thường chi phối đến bút pháp nghệ thuật và hình thức kiến tạo tác phẩm của nhà thơ.
Ngay từ nhan đề đề thi tập, "Đủng đỉnh trăng về" đã gợi mở ra một quan niệm, triết lý của tác giả về lẽ sống, về khát vọng hướng đến. Ánh trăng là không gian soi chiếu kỳ vĩ của vũ trụ. Từ xa xưa, trăng đã trở thành niềm mơ ước, là vẻ đẹp thanh cao mà con người khao khát chiêm ngưỡng hầu mong thấu suốt những chuyển động vô cùng, vô lượng của đất trời vi diệu. "Đủng đỉnh" lại là một trạng thái thong thả, chậm rãi và hầu như rất lặng lẽ. Đó là vẻ đẹp từ tốn tỏa ra từ trong cuộc sống đời thường. Ánh trăng kỳ vĩ giữa tầng không xanh thẳm, nhưng chỉ với trạng thái "đủng đỉnh", nhàn du quả là một ám dụ nghệ thuật. Hai từ láy "đủng đỉnh" kết hợp với cụm danh từ "trăng về" đã làm nên sự đối thanh giàu ý nghĩa, đầy tình ý mà tác giả muốn gửi gắm chăng ? Tính triết luận có lẽ cũng nằm ở chiều sâu ấy. "Đủng đỉnh trăng về" trở thành một lời tâm niệm, một mong ước về đời sống thanh bình, yên ả; một khao khát vĩnh hằng về cái đẹp sẽ ngự trị, lên ngôi.
Chúng ta đều biết, tính triết luận là một phẩm chất quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật ngôn từ, góp phần làm nên phong cách thơ cho tác giả. Trong 62 bài thơ của tập "Đủng đỉnh trăng về", tính triết luận hầu như bàng bạc, xuyên thấm qua nhiều tác phẩm. Lý giải cho điều này, tôi nghĩ trước tiên nằm ở cái tạng thơ của thi sĩ Trần Phố. Hơn nữa, khi đã chạm đến tuổi lục tuần, đi qua một vòng hoa giáp, con người ta nhìn đời, nhìn người với những chiêm nghiệm, day trở và lắng sâu hơn âu cũng là chuyện thường tình. Qua tập thơ, ta bắt gặp một Trần Phố triết luận từ rất nhiều đề tài khác nhau trong cuộc sống. Anh luận bàn, triết lý về tự do; anh cảm khái về "tài mệnh tương đố", lợi danh - quyền chức; anh suy tưởng về sự dấn thân rong ruổi; anh chất vấn, trăn trở về thời cuộc - vận nước; anh triết luận về hạnh phúc - thành công; anh xót xa, dằn vặt trước những đau khổ hàng ngày mà con người phải gánh chịu; thậm chí cả cái tôi - bản thể, ... cũng được nhà thơ Trần Phố đào sâu, "nội soi" bằng những câu thơ giàu triết luận. Vẫn biết bản chất của thơ là cảm xúc trữ tình, nhưng nhờ tính triết luận thông qua vốn sống, vốn văn hóa phong phú của tác giả đã mang lại cho tập thơ "Đủng đỉnh trăng về" tính tư tưởng sâu sắc.
Tự do vốn là một khao khát vĩnh cửu và thường trực của con người. Nhẹ nhàng mà sâu lắng, trần tình mà đậm chất suy tưởng, bài thơ Hai cây khế là một đối sánh giàu tính triết luận: "Cây khế ngoài vườn thân thẳng vút cao/ Cây khế trong chậu sành vặn cong vì cắt tỉa/ Đời chật chội làm cảnh mà vô nghĩa.../ Cây khế trong chậu sành mơ được tự do". Quả vậy, Hai cây khế cũng chính là cái nhìn nhân sinh đầy ẩn dụ của tác giả. Lấy lòng mình để cảm lòng ngoại vật, thấu hiểu được "cây khế trong chậu sành mơ được tự do" là một triết luận sâu sắc, tứ thơ nhờ đó cũng được đẩy xa hơn, khắc khoải hơn trong lòng người đọc. Bên cạnh triết luận về tự do, ở bài Lệ Chi Viên, ta lại bắt gặp một triết luận khác của nhà thơ Trần Phố. Cái án tru di tam tộc Nguyễn Trãi sau sáu trăm năm vẫn còn nhỏ máu trong lòng hậu thế. Nỗi đau phận người đã đành, xót xa cho một tấm lòng "đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông" (Thuật hứng 5 - Nguyễn Trãi) khiến tác giả day dứt, trăn trở về "tài mệnh tương đố". Trần Phố thấy Nguyễn Trãi "cao vời" mà "cô độc đứng giữa đời", hiểu được mặt trái của nhan sắc cũng "châm ngòi ma quỷ" để rồi cảm khái mà ngậm ngùi thương tiếc một vĩ nhân: "Tất cả vì đời mà sao Khuê bỗng tắt/ Héo mòn cây cỏ, buốt ngàn thu".
Dường như đối với nhà thơ Trần Phố, nhìn sự vật, hiện tượng gì trong đời sống nhân sinh anh cũng muốn đưa ra một quan niệm sống của chính mình. Chính tư duy có nhu cầu biện giải, tấm lòng muốn trải ra với cuộc đời gần như thuộc về bản năng ấy đã giúp thơ anh đến gần với triết luận. Một dòng sông, mặt hồ, ao cá hay biển cả bao la... đều được Trần Phố soi ngắm, chiêm cảm bằng chiều sâu của tư duy và suy tưởng đậm màu triết luận. Nhìn đàn cá trong hồ ao thi nhau đớp mồi, thi nhân nghĩ ngay đến cái duy lợi ở đời. Đàn cá kia thấy "béo bở miếng mồi" thì "lên lúc nhúc". Không dừng ở lợi danh thuần túy, cái mặt hồ bị "ăn nát" kia đâu chỉ là chuyện của một người, một nhà mà là nỗi đau của phận nước non. Nhờ đó, nỗi xót xa và phẫn nộ của tác giả được bùng vỡ trong bài thơ dù rất ngắn và giản dị này: "Nước suối trong/ Nước hồ ao đục/ Béo bở miếng mồi cá lên lúc nhúc/ Chúng tranh ăn nát mặt hồ" (Cá ao hồ). Thấu hiểu lẽ đời, nhà thơ Trần Phố thấy lợi danh kia với mình "lởn vởn trược đường đời" nên tâm hồn nhẹ thênh mà tự hát rằng: "Con chim hạ cánh trong vườn trúc/ Nằm giữa giao mùa tự hát chơi" (Tự hát). Triết luận thế là hay, nhẹ nhàng mà vô cùng thấm thía. Cũng triết luận về lợi danh, có lúc thơ anh bộc trực thẳng thẳng, nhất là nói với tuổi trẻ - thế hệ rường cột của nước nhà: "Đừng vào cổng thấp/ Dễ còng lưng, vỡ trán/ Mê chi danh hảo, mộng hờ/ Cúi đầu hèn hạ/ Chẳng làm kẻ yếu mềm, vâng dạ/ Làm con chim vỗ cánh vút trời xanh !" (Nói với tuổi trẻ thời hội nhập).
Trong tập thơ "Đủng đỉnh trăng về", tôi vẫn thích một số bài thơ vừa giàu màu sắc triết luận nhưng cũng đậm chất trữ tình. Hai đặc điểm trí tuệ và cảm xúc kết hợp hài hòa đã làm nổi bật tứ thơ, đồng thời làm tăng giá trị biểu cảm. Hãy nghe nhà thơ triết luận về sự dấn thân, hi sinh để "tô hồng phù sa" của một "đời sông": "Chảy qua mưa nắng xôn xao/ Chảy qua ghềnh thác càng cao tấc lòng/ Chảy qua đục để rồi trong/ Một đời chảy để tô hồng phù sa" (Đời sông). Hình tượng thơ nhờ đó phiêu hốt, hấp dẫn và dễ đi vào lòng người. Từ sự biết hi sinh, dấn thân để đắp bồi cho tương lai của một "đời sông" đến triết luận về sự an hòa, yêu thương của một đức vua là một điều không quá bất ngờ. Triết luận về lý tưởng nhân nghĩa, hòa ái, đức trị thể hiện khá nổi bật trong bài thơ Vua Trần Thánh Tông. Với nhà vua, thân dân là diệu kế, là điều kiện cho đất nước thái bình, thịnh trị, giữ âu vàng muôn thuở: "Hòa ái, thân dân, nhân hậu/ Người vì dân, dân nước an bình/ Rèn súng, đúc thuyền tập trận.../Người anh minh cao vút tầm nhìn" (Vua Trần Thánh Tông). Học tập từ vị vua anh minh, nhà thơ khuyên bạn mình trong ngày nhậm chức: "Chặn sông, sông sẽ thét gào/ Thân dân diệu kế thâm cao/ Đức trị thẳm trong pháp trị/ Một vùng vui tựa Thuấn, Nghiêu" (Tặng bạn ngày nhậm chức). Từ nói với bạn đến khuyên con về hạnh phúc, thơ Trần Phố trước sau vẫn sâu lắng tâm tình, bày giãi nỗi lòng lồng trong một quan niệm sống đầy triết lý. Có điều những triết luận của anh tùy vào đối tượng, vì lẽ nói với con nên dịu dàng, lắng dịu: "Đường đời không có hoa hồng/ Sự nghiệp của tiền không từ trời rơi xuống.../ Sông cũng phải thác ghềnh lận đận/ Mới chảy về tới biển bao la" (Nói với con về hạnh phúc)
Cảm hứng thế sự với những gì đang diễn ra hàng ngày đã giúp nhà thơ thể hiện quan niệm sống, bày tỏ những suy tư trước cuộc đời là mảng thơ khá đặc sắc của tác giả "Đủng đỉnh trăng về". Thâm trầm trong chiều sâu nhận thức, Trần Phố triết luận về thời cuộc, vận nước từ một bài thơ nhỏ nhắn mà tinh tế, sắc sảo. "Gởi tráng sĩ" hay đó là tấc lòng của thi nhân ký thác đến mọi người với tư cách công dân: "Xưa sông dịch lạnh ghê/ Tóc dựng ngược ra đi/ Ngày biển Đông nổi sóng/ Tráng sĩ nói câu gì ?" (Gởi tráng sĩ). Rồi bao nhiêu nỗi đau, đổ vỡ, mất mát tang thương trong cuộc sống hàng ngày giữa một thế giới bất an đã khiến nhà thơ chạnh niềm thương cảm. Ô tô cán chết một em bé trong lòng phố ở Trung Quốc, đường Láng Hòa Lạc tai nạn xảy ra trong sự thét gào đau đến tận cùng của cõi nhân gian nào ai thấu hiểu ? Tiếng chuông nhà thờ, chuông chùa vẫn trôi vào hư vô, tượng vĩ nhân ngơ ngác, chỉ có nhà thơ đau nỗi đau trần thế như người rơi xuống vực sâu: "Nhà thơ/ Rớt xuống dòng/ Ôm ngực/ Nén cơn ho" (Tin hàng ngày) Từ đó, nhà thơ triết luận về cái thiện và cái ác đôi khi cùng song hành tồn tại, không dễ gì trừ khử ngay được: "Có loài sâu đê hèn, độc ác/ Chui luồn, đục khoét hại cây/ Có loài chim thơm thảo, thẳng ngay/ Hôm sớm bắt sâu, bạn cùng hoa lá" (Chim và sâu).
Ngoài sự mở lòng mình để hướng đến cuộc đời rộng lớn, bày giãi cảm quan đối với tha nhân, nhà thơ Trần Phố đã có nhiều bài thơ súc tích, đậm tính triết luận khi đào sâu vào cái tôi - bản thể để nhìn ngắm, chiêm nghiệm. Thơ Trần Phố dễ đi vào lòng người chính nhờ khả năng cảm hóa, thấu hiểu với tha nhân vậy: "Cái tôi càng bé nhỏ/ Đất trời càng bao la/ Trong gió mưa quay quắt/ càng thương người, thương ta !" (Trong gió mưa). Trong tình yêu, thơ Trần Phố chủ yếu là cảm xúc nồng nàn, yêu thương hoài nhớ, song ta vẫn bắt gặp những câu thơ ánh lên màu sắc triết luận về cái tôi tình yêu siêu thực, hư hao: "Tôi đi tìm trăng, trăng đã xế/ Trăng lạc cuối trời đêm mênh mông/ Thăm thẳm đường xa, thăm thẳm tối/ Tôi lạc thân tôi giữa mịt mùng" (Tìm trăng).
Đọc tập thơ "Đủng đỉnh trăng về" của nhà thơ Trần Phố, thiết nghĩ rằng, chính tính triết luận đã làm nên nét riêng biệt và độc đáo của thơ anh về mặt giọng điệu. Bởi lẽ, dù viết với bút pháp hết sức dung dị, song nhiều bài thơ trong thi tập đã mang một giọng điệu riêng do chi phối từ tính triết luận. Nhà thơ Trần Phố, có khi từ một hiện thực rất đơn giản của đời sống mang lại, cũng đủ giúp anh xây dựng nên một tứ thơ khá hay. Hãy nghe chất giọng trang nghiêm - triết lý trong bài thơ Lời chim: "Chim sẻ/ lách chách sân nhỏ/ Chim hồng/ im lặng/ ngàn mây". Lá trở lại là giọng thơ trắc ẩn về phận người trong cuộc sống nhân sinh: "Gió chiều trở phiến lá xanh/ Mong manh như thể tơ mành chênh chao/ Chập chùng đồi thấp núi cao/ Bao nhiêu lá trở, bao nhiêu phận người". Bài thơ Nhìn lại thể hiện sự chiêm nghiệm sâu sắc của tác giả về thời gian, sự vô thường của kiếp người. Đó là kiểu triết luận không mới, nhưng xúc động nhờ vào giọng điệu u hoài - trắc ẩn của tác giả. Chính từ cảm thức "ta chạm vô thường, chạm sắc không", nhà thơ mới ngộ ra rằng cuộc đời "xem ra mọi chuyện cũng con con": "Mới đó, trăm năm đà tỉnh thức/ Rồi đây, muôn thuở sẽ phiêu bồng/ Những tưởng nắng chiều trăm sự hiểu/ Đâu ngờ mưa sớm vạn điều không" (Nhìn lại).
Tính triết lý chi phối đến giọng điệu nghệ thuật, giọng điệu lại được tạo thành từ các biện pháp nghệ thuật sử dụng ngôn từ của tác giả. Nhà thơ Trần Phố, chí ít là trong tập thơ này, đã sử dụng thủ pháp đối lập trong rất nhiều thi phẩm khá thành công: Cực đoan, Hai cây khế, Đời sông, Cá hồ ao, Thông điệp đầu xuân, lời chim, Sâu và chim, Trong gió mưa... Ta hãy đọc một đoạn thơ trong bài Thông điệp đầu xuân: "Trời đã vào xuân đời vẫn đông/ I - rắc, Xi - ry vẫn rét về/ Thương lắm đó đây còn ngập máu/ Mẹ già con trẻ khóc ly quê". Anh triết luận về chiến tranh, về bạo tàn, về quyền lực thông qua thủ pháp đối lập, vì thế đã tạo nên chất giọng nghiêm trang, nhờ đó mà tính triết luận thêm thâm trầm, sâu sắc. Ngoài ra, nghệ thuật sử dụng câu hỏi tu từ để tạo nên giọng điệu vừa trang nghiêm, vừa chất vấn nhằm làm nổi bật tứ thơ cũng như tính triết luận qua nhiều thi phẩm của "Đủng đỉnh trăng về". Tôi đã thống kê ra đây một số câu thơ như thế: "Thánh thần có hờn ghen/ Hỡi núi cao biển rộng/ Còn bao Lệ Chi Viên/ Còn bao nhiêu ác mộng ?" (Lệ Chi Viên). "Phật trời từ thuở lên ngôi/ Hình như quên mất nỗi đời bất công/ Mất còn, sống chết, sắc không.../ Sự đời phó mặc vô thường phải chăng ?!" (Hỏi). "Sông khi bồi, khi lở/ Hồ lúc nông, lúc sâu/ Vạn vật rồi hưng phế/ Cuộc đời rồi bể dâu.../ Vẫn hiểu là quy luật/ Mà sao còn nhói đau ?" (Quy luật). "Phật đã dạy ngàn lần trung hậu/ Sao còn phục dưới vườn hoa ?" (Gởi rắn). "Cửa xẻ, lửa reo, cây đổ.../ Tượng nhà mồ hốt hoảng/ Xe kéo, xe câu... gỗ về đâu ?/ Dã quỳ ngơ ngác/ Suối trơ xương đêm trường im tiếng hát/ Hoảng hoạn chim rừng rã cánh canh thâu.../ Ta làm gì cho thế hệ mai sau ?" (Chuyện rừng). "Nhẹ bước hoàng hôn/ Bạn cùng hoa bướm/ Hình như còn vướng/ Cuộc đời quắt quay ?" (Vướng ?)...
Tóm lại, đọc tập thơ "Đủng đỉnh trăng về" của nhà thơ Trần Phố, thấy thơ anh mang hơi hướng cổ điển, phảng phất ý vị triết luận mà anh học được từ các nhà thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du... trong văn chương trung đại Việt Nam. Chính màu sắc triết luận đã làm cho nhiều bài thơ trong thi tập giàu ý tứ, sâu sắc về tư tưởng. Nhìn chung, tính triết luận trong thơ Trần Phố phần lớn tan hòa, kết hợp nhuần nhị với thế giới cảm xúc đậm chất trữ tình. Nhờ đó, vẻ đẹp nhân văn được phóng chiếu; niềm vui thong dong, nụ cười đôn hậu và niềm tin yêu vào cuộc sống vẫn tỏa sáng lung linh xuyên suốt 62 bài thơ súc tích, ngân lên từ trái tim thấm nỗi tình đời.
                                                                                    Buôn Hồ, tháng 12.2018


Thứ Tư, 13 tháng 2, 2019

NGUỒN CỘI CỦA YÊU THƯƠNG bài viết của HỮU CHỈNH - CHƯ YANG SIN SỐ: 317+318 THÁNG 1&2 NĂM 2019


(Đọc Nhánh cỏ dưới gót chân Dăm San – NXB Văn hóa Dân tộc – 2015)




Tác phẩm Nhánh cỏ dưới gót chân Dăm San là sự trình làng của bốn bạn trẻ, đều là người dân tộc Êđê mới ngoài hai mươi tuổi. Điều dễ nhận ra là sự cảm thụ tinh tế bởi tình yêu văn hóa dân tộc, có kiến giải hợp lý trong việc bảo tồn và phát huy.
H’Xíu H’Mok góp vào bốn truyện ngắn và hai bài thơ song ngữ. Truyện mở đầu là Bộ đồ mới của Aduôn Đing. Kết cấu và tình tiết cũng đơn giản nhưng lay động bởi tình người. Cô cháu gái tên là H’Linh rất yêu bà, quấn quýt với bà và công việc của bà. Mặc váy áo do bà dệt, đắp thổ cẩm của bà... Cũng có lúc khó khăn tưởng không thắng nổi mình khi thấy đồ Yuăn (Kinh) kiểu nào cũng dễ hợp với mọi người. Nhưng rồi Hội Phụ nữ huyện mở lớp dạy dệt thổ cẩm. Sau ba tháng, H’Linh đã thành thạo, thành quả đầu tiên là bộ M’iêng ao dành cho bà. Kết thúc truyện không ngạc nhiên nhưng lại hay: “H’Linh bước đến bên bà với nụ cười rạng rỡ. Tiếng củi cháy lách tách làm bùng lên ngọn lửa tỏa sáng cả ngôi nhà”. Phải chăng đó là ngọn lửa ấm tình người.
Người đợi bên hiên nhà dài là truyện cảm động. Mở đầu truyện là cái chết, là đám tang của Amí H’My. Cha của H’My là người Kinh, bị thanh niên đánh bầm dập nên không dám quay lại buôn để mua trâu bò như trước. H’My sinh ra không có cha, sống với bà và mẹ. Lớn lên khao khát ra phố tìm cha nhưng không gặp.
Kết thúc truyện là khi Amí H’My sắp từ giã cõi đời, được gặp người xưa qua ảo giác: “Rồi bất chợt, ánh sáng từ đâu thắp lên một vùng trời, ánh sáng ấy soi rõ bóng người con trai đang tiến lại, khuôn mặt tươi cười, đôi mắt cũng tươi cười nhìn amí”. Sự chờ đợi cả đời vẫn chỉ là ảo ảnh. Đọc càng thương, càng buồn cho cái thời chưa xa.
H’Siêu Buôn Yă góp vào tập với năm truyện ngắn. Tôi chú ý đến những truyện đậm đặc chất văn hóa dân tộc.
Sự tích thác Dray K’Nao kể lại mối tình của nàng K’Nao với con vua thủy tề để lại cho mai sau dòng thác đẹp như huyền thoại.
Cái hay của truyện là sự việc diễn tiến trong hư ảo, ảnh hưởng của kể khan, của sử thi rất rõ.
Đây là vẻ đẹp của K’Nao:
                         Trông đằng trước như có người đã tạc
                         Nhìn đằng sau như có người uốn...
                         Chân trắng như hoa your
                         Cái đầu như con dế ruồi
                         Đôi môi nhỏ xinh như môi con vẹt.
Còn đây là con vua thủy tề:
                         Trông chàng oai phong lẫm liệt như con rắn hổ mang
                         Ngậm độc trong hang,
                         Như con giun mềm mại dưới đất.
                         Chàng đẹp đến nỗi cá chép, cá mè như muốn cắt cổ người giàu
                         Lông chân, lông đùi đều đặn mượt mà to bằng chân cỏ tranh.
Trai tài, gái sắc đến với nhau là lẽ đương nhiên nhưng nghịch lý là ở hai thế giới: Trên mặt đất và dưới thủy cung. Sự hy sinh để lại thác Dray K’Nao thành thắng cảnh cho huyện M’Đrắk. K’Nao trở thành bất tử.
Những người mua linh hồn của buôn Dhông Ching có kết cấu đơn giản nhưng nội dung sâu sắc. Giới thiệu nhân vật đến mua linh hồn có ba người: Hai đàn ông và một đàn bà. Họ là người Êđê pha tiếng người Jrai. Bị lời ngon ngọt dụ dỗ, mê hoặc và cả cần tiền cho việc bắt chồng cho cháu, phân bón cho rẫy cà phê nên người bà đã bán chiếc ching có núm đổi hai con voi, năm con trâu từ khi bà còn trẻ. Người ông, con cháu và cả buôn Dhông Ching tức giận. Người bà ân hận khi xe chở ching đã đi xa: “Chiếc khăn đội đầu xộc xệch. Váy áo rung rung. Bà khụy xuống, mê man như ngửi phải khói cây Kam Ktrao trong rừng”. Cái khéo của truyện là không để người Kinh tìm mua ching mà đây là người Êđê. Kẻ mua bán linh hồn ở bất cứ cộng đồng dân tộc nào khi bị đồng tiền mê hoặc.
H’Siêu Buôn Yă đã thành công khi viết về văn hóa dân tộc.
H’Phi La Niê trình làng với năm truyện ngắn, đáng chú ý có truyện Những con ma gỗ. Y Tlơ và Y Riêu ăn trộm ba bức tượng nhà mồ quý hiếm định bán kiếm tiền – thực sự là đã bán trót lọt. Trong khi các tượng đều bị mối mọt, không chịu được mưa nắng cao nguyên thì ba bức tượng làm bằng gỗ Hrắt vùng Krông Năng càng bóng đẹp ngời ngời. Y Tlơ dám ăn cắp tượng nhà mồ của cụ tổ mình. Tượng nhà mồ là thần linh của người đã chết, không ai dám xâm phạm. Ăn cắp là có tội, lại ăn cắp của cụ tổ thì tội càng nặng. H’Phi La Niê khéo dựng truyện sáng tạo ra việc ma gỗ trả thù, có cả hiện thực và hư ảo để người đọc hứng thú. Nhà Y Tlơ bị cháy khi hắn còn đi chở tượng đem bán. May có dân buôn cứu thoát đứa con mới bảy tuổi trong lưỡi thần lửa. Buôn làng còn dựng lại nhà cho Y Tlơ.
Còn Y Riêu khi bị lộ đã lên xe máy bỏ chạy thì bị đụng xe của người chở cây Hrăl, gãy chân, nằm bó bột. Câu chuyện ma gỗ trả thù lan truyền, người Kinh mua ba bức tượng lo sợ và mang trả lại. Ông già Aê H’Lít, người giữ hồn làng, người tìm ra thủ phạm nói rất đúng: “Ừm, chúng thuộc về buôn làng của người chết. Chỉ tại mấy người tham tiền nên đã đưa chúng đến nơi không thuộc về chúng”.
Một ngày mới là truyện mang tính nhân văn. Già Aê Ben có tính bảo thủ, cố chấp, muốn giữ lại ngôi nhà dài mà con cháu định bỏ đi để xây nhà mới. Nhà dài gắn với bao kỉ niệm của đời ông: “Nó đã đứng đó từ khi con trai cả của ông biết đi đến tận bây giờ đã là ông của một bầy cháu nội, ngoại rồi”. Ông giấu mọi người, ngay cả H’Thi – đứa cháu gái mà ông yêu quý, học trên tỉnh về thăm. Tâm trạng ông nặng trĩu: “Ông già rồi, lời nói không còn lọt lỗ tai đám trẻ nữa. Chắc rồi đây cái hồn của người Êđê cũng theo chân ông già, bà già về bến nước ông bà thôi. Nghĩ đến đó ông lại thấy buồn lắm”.
Thế rồi mọi việc được giải quyết thỏa đáng khi H’Siêu – người cùng buôn dẫn Y Sơn, hướng dẫn thực tập ở bệnh viện cho H’Siêu về thăm buôn. Y Sơn là đứa trẻ không biết bố mẹ đẻ là ai, được nhận nuôi ăn học trở thành bác sĩ. Người nuôi anh là người Êđê, vợ cũng là người Êđê. Anh xây nhà mới thật đẹp trên nền ngôi nhà dài ngày xưa khiến bố mẹ nuôi buồn: “Nhiều lúc thấy cha mẹ ngắm mãi tấm hình cả nhà chụp trước ngôi nhà dài ngày xưa mà rơi nước mắt, như thấy có lỗi lắm”. Thế là anh nhờ H’Siêu dẫn về buôn gắp Aê Ben nhờ dựng lại nhà dài bên cạnh nhà xây. Con cháu Aê Ben cũng quyết định xây nhà mới nhưng vẫn giữ lại nhà dài. Mạch truyện đơn giản nhưng thấu tình đạt lý. Hòa nhập cũ, mới để cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng vẫn giữ lại sắc thái dân tộc, hồn dân tộc.
Người cuối cùng góp mặt trong tập sách là H’Wê Ra Niê. Cô góp vào sáu bài thơ và một truyện ngắn. Bến yêu thương là truyện gây xúc động. H’Yu mới mười chín mùa Plang nở mà đã có hai con. Đứa con đầu là H’Yun, đứa thứ hai là Y Rít. Biết mình bị bệnh hiểm nghèo khó qua khỏi đã nhờ bạn thân là H’Klăm (chưa có con, chồng bị cây rừng đè chết): “Nếu mình chết đi, H’Klăm đưa Y Rít về với H’Klăm nhé. Mình không muốn nó bị chôn theo mình đâu”. H’Klăm nhận lời, tìm đủ mọi cách để cứu Y Rít khỏi luật tục tàn bạo. H’Klăm phải thuyết phục cả hai họ, nhất là dòng họ Niê Siêng sang họ mình để Y Rít không phải chôn theo mẹ. Không những thế phải mất trâu, gà làm lễ cúng thần linh và phải lấy Y Lập làm chồng, người anh họ hơn cô cả chục tuổi và bị câm, điếc từ nhỏ. Truyện giàu tính nhân văn, cứu được mạng người, lên án tục lệ mà chính H’Wê Ra Niê – tác giả gọi là “dã man”.
Góp vào tập với sáu bài thơ, bài nào cũng đáng đọc. Có thể khẳng định: Đây là cây bút thơ nhiều triển vọng. Bùa ngải là bài thơ hay trong cấu tứ. Cô gái đang yêu muốn người yêu là duy nhất của mình, đã gửi bùa ngải đủ các màu trong khắc khoải đợi chờ, hy vọng:
Nỗi nhớ bâng khuâng/ Ngải hồng/ Ngải xanh/ Ngải tím/ Ngải trắng/ Ngậm ngùi/ Biết tìm đâu!
Bài Cái nhìn trong khu nghĩa địa là bài đặc sắc:
                         Người chủ nhà gỗ ném cái nhìn tia chớp về phía hàng xóm
Vì:
                         Ngôi nhà của anh ta là một khối bê tông
                         Cùng với những hàng chữ nổi.
Nghĩa địa đáng ra chỉ bằng gỗ với những tượng nhà mồ thì bây giờ có sự xâm thực văn hóa ngoại lai cho nên:
                         Người nhà gỗ không thể uống rượu cần
                         Người nhà gỗ không thể hát ei rei
                         Người nhà gỗ không thể múa xoang
                         Người nhà gỗ không thể đánh cồng chiêng
                         Vì thế - người nhà gỗ buồn rầu.
Bởi thế mới có nhìn hình tia chớp. Cái hay là nói đến việc xâm thực văn hóa làm mất dần văn hóa bản địa, mất dần tượng nhà mồ và lễ bỏ mả. Đây là lời đối thoại, nhắn gửi của người đã về với ông bà tới người còn sống.
Nhánh cỏ dưới gót chân Dăm San – Bài thơ lấy tên chung cho tập sách là bài thơ có chiều sâu suy cảm:
                         Dăm San chạy đuổi một giấc mơ
                         Mang nữ thần Mặt trời về với gió ngàn
                         Một nhánh cỏ bầm dập, tơi tả bám chặt dưới gót chân chàng
Chàng nhận lại kết quả không như mong muốn:
                         Nữ thần Mặt trời ngoảnh mặt đi
                         Trái tim Dăm San tan nát
                         Nhánh cỏ khóc, dâng mắt buồn cho giấc mơ tan hoang
                         Dăm San! Sao chàng không hay biết
                         Nhánh cỏ còn mãi dưới gót chân.
Mâu thuẫn giữa khát vọng và hiện thực nảy sinh. Dăm San tìm nữ thần Mặt trời nhưng giấc mơ tan nát trong bùn đen của bà Sun – Y Rít vì chàng quên đi nhánh cỏ dưới gót chân là quê hương, là thảo nguyên gốc gác của mình giữ mình lại. Thơ hay, có chiều sâu.
Tôi đã điểm qua bốn gương mặt – bốn tác giả trong tập sách. Cả bốn bạn trẻ đều học hành, trang bị kiến thức cho mình khá hoàn hảo để bước vào văn nghiệp. H’Xíu H’Mok tốt nghiệp Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. H’Siêu Byă học Đại học Tây Nguyên, học tiếp cao học tại TP. Hồ Chí Minh. H’Phi La Niê tốt nghiệp khoa viết văn, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. H’Wê Ra Niê cùng học với H’Phi La Niê.
Cả bốn tác giả đều là người dân tộc Êđê, từng trang văn thơ đều mang đậm dấu ấn văn hóa từ một vùng đất.
Đây là tập sách hay, tin vào lớp trẻ còn tiến xa hơn.
                                                                                                Tháng 10-2018