Thứ Tư, 13 tháng 2, 2019

NGUỒN CỘI CỦA YÊU THƯƠNG bài viết của HỮU CHỈNH - CHƯ YANG SIN SỐ: 317+318 THÁNG 1&2 NĂM 2019


(Đọc Nhánh cỏ dưới gót chân Dăm San – NXB Văn hóa Dân tộc – 2015)




Tác phẩm Nhánh cỏ dưới gót chân Dăm San là sự trình làng của bốn bạn trẻ, đều là người dân tộc Êđê mới ngoài hai mươi tuổi. Điều dễ nhận ra là sự cảm thụ tinh tế bởi tình yêu văn hóa dân tộc, có kiến giải hợp lý trong việc bảo tồn và phát huy.
H’Xíu H’Mok góp vào bốn truyện ngắn và hai bài thơ song ngữ. Truyện mở đầu là Bộ đồ mới của Aduôn Đing. Kết cấu và tình tiết cũng đơn giản nhưng lay động bởi tình người. Cô cháu gái tên là H’Linh rất yêu bà, quấn quýt với bà và công việc của bà. Mặc váy áo do bà dệt, đắp thổ cẩm của bà... Cũng có lúc khó khăn tưởng không thắng nổi mình khi thấy đồ Yuăn (Kinh) kiểu nào cũng dễ hợp với mọi người. Nhưng rồi Hội Phụ nữ huyện mở lớp dạy dệt thổ cẩm. Sau ba tháng, H’Linh đã thành thạo, thành quả đầu tiên là bộ M’iêng ao dành cho bà. Kết thúc truyện không ngạc nhiên nhưng lại hay: “H’Linh bước đến bên bà với nụ cười rạng rỡ. Tiếng củi cháy lách tách làm bùng lên ngọn lửa tỏa sáng cả ngôi nhà”. Phải chăng đó là ngọn lửa ấm tình người.
Người đợi bên hiên nhà dài là truyện cảm động. Mở đầu truyện là cái chết, là đám tang của Amí H’My. Cha của H’My là người Kinh, bị thanh niên đánh bầm dập nên không dám quay lại buôn để mua trâu bò như trước. H’My sinh ra không có cha, sống với bà và mẹ. Lớn lên khao khát ra phố tìm cha nhưng không gặp.
Kết thúc truyện là khi Amí H’My sắp từ giã cõi đời, được gặp người xưa qua ảo giác: “Rồi bất chợt, ánh sáng từ đâu thắp lên một vùng trời, ánh sáng ấy soi rõ bóng người con trai đang tiến lại, khuôn mặt tươi cười, đôi mắt cũng tươi cười nhìn amí”. Sự chờ đợi cả đời vẫn chỉ là ảo ảnh. Đọc càng thương, càng buồn cho cái thời chưa xa.
H’Siêu Buôn Yă góp vào tập với năm truyện ngắn. Tôi chú ý đến những truyện đậm đặc chất văn hóa dân tộc.
Sự tích thác Dray K’Nao kể lại mối tình của nàng K’Nao với con vua thủy tề để lại cho mai sau dòng thác đẹp như huyền thoại.
Cái hay của truyện là sự việc diễn tiến trong hư ảo, ảnh hưởng của kể khan, của sử thi rất rõ.
Đây là vẻ đẹp của K’Nao:
                         Trông đằng trước như có người đã tạc
                         Nhìn đằng sau như có người uốn...
                         Chân trắng như hoa your
                         Cái đầu như con dế ruồi
                         Đôi môi nhỏ xinh như môi con vẹt.
Còn đây là con vua thủy tề:
                         Trông chàng oai phong lẫm liệt như con rắn hổ mang
                         Ngậm độc trong hang,
                         Như con giun mềm mại dưới đất.
                         Chàng đẹp đến nỗi cá chép, cá mè như muốn cắt cổ người giàu
                         Lông chân, lông đùi đều đặn mượt mà to bằng chân cỏ tranh.
Trai tài, gái sắc đến với nhau là lẽ đương nhiên nhưng nghịch lý là ở hai thế giới: Trên mặt đất và dưới thủy cung. Sự hy sinh để lại thác Dray K’Nao thành thắng cảnh cho huyện M’Đrắk. K’Nao trở thành bất tử.
Những người mua linh hồn của buôn Dhông Ching có kết cấu đơn giản nhưng nội dung sâu sắc. Giới thiệu nhân vật đến mua linh hồn có ba người: Hai đàn ông và một đàn bà. Họ là người Êđê pha tiếng người Jrai. Bị lời ngon ngọt dụ dỗ, mê hoặc và cả cần tiền cho việc bắt chồng cho cháu, phân bón cho rẫy cà phê nên người bà đã bán chiếc ching có núm đổi hai con voi, năm con trâu từ khi bà còn trẻ. Người ông, con cháu và cả buôn Dhông Ching tức giận. Người bà ân hận khi xe chở ching đã đi xa: “Chiếc khăn đội đầu xộc xệch. Váy áo rung rung. Bà khụy xuống, mê man như ngửi phải khói cây Kam Ktrao trong rừng”. Cái khéo của truyện là không để người Kinh tìm mua ching mà đây là người Êđê. Kẻ mua bán linh hồn ở bất cứ cộng đồng dân tộc nào khi bị đồng tiền mê hoặc.
H’Siêu Buôn Yă đã thành công khi viết về văn hóa dân tộc.
H’Phi La Niê trình làng với năm truyện ngắn, đáng chú ý có truyện Những con ma gỗ. Y Tlơ và Y Riêu ăn trộm ba bức tượng nhà mồ quý hiếm định bán kiếm tiền – thực sự là đã bán trót lọt. Trong khi các tượng đều bị mối mọt, không chịu được mưa nắng cao nguyên thì ba bức tượng làm bằng gỗ Hrắt vùng Krông Năng càng bóng đẹp ngời ngời. Y Tlơ dám ăn cắp tượng nhà mồ của cụ tổ mình. Tượng nhà mồ là thần linh của người đã chết, không ai dám xâm phạm. Ăn cắp là có tội, lại ăn cắp của cụ tổ thì tội càng nặng. H’Phi La Niê khéo dựng truyện sáng tạo ra việc ma gỗ trả thù, có cả hiện thực và hư ảo để người đọc hứng thú. Nhà Y Tlơ bị cháy khi hắn còn đi chở tượng đem bán. May có dân buôn cứu thoát đứa con mới bảy tuổi trong lưỡi thần lửa. Buôn làng còn dựng lại nhà cho Y Tlơ.
Còn Y Riêu khi bị lộ đã lên xe máy bỏ chạy thì bị đụng xe của người chở cây Hrăl, gãy chân, nằm bó bột. Câu chuyện ma gỗ trả thù lan truyền, người Kinh mua ba bức tượng lo sợ và mang trả lại. Ông già Aê H’Lít, người giữ hồn làng, người tìm ra thủ phạm nói rất đúng: “Ừm, chúng thuộc về buôn làng của người chết. Chỉ tại mấy người tham tiền nên đã đưa chúng đến nơi không thuộc về chúng”.
Một ngày mới là truyện mang tính nhân văn. Già Aê Ben có tính bảo thủ, cố chấp, muốn giữ lại ngôi nhà dài mà con cháu định bỏ đi để xây nhà mới. Nhà dài gắn với bao kỉ niệm của đời ông: “Nó đã đứng đó từ khi con trai cả của ông biết đi đến tận bây giờ đã là ông của một bầy cháu nội, ngoại rồi”. Ông giấu mọi người, ngay cả H’Thi – đứa cháu gái mà ông yêu quý, học trên tỉnh về thăm. Tâm trạng ông nặng trĩu: “Ông già rồi, lời nói không còn lọt lỗ tai đám trẻ nữa. Chắc rồi đây cái hồn của người Êđê cũng theo chân ông già, bà già về bến nước ông bà thôi. Nghĩ đến đó ông lại thấy buồn lắm”.
Thế rồi mọi việc được giải quyết thỏa đáng khi H’Siêu – người cùng buôn dẫn Y Sơn, hướng dẫn thực tập ở bệnh viện cho H’Siêu về thăm buôn. Y Sơn là đứa trẻ không biết bố mẹ đẻ là ai, được nhận nuôi ăn học trở thành bác sĩ. Người nuôi anh là người Êđê, vợ cũng là người Êđê. Anh xây nhà mới thật đẹp trên nền ngôi nhà dài ngày xưa khiến bố mẹ nuôi buồn: “Nhiều lúc thấy cha mẹ ngắm mãi tấm hình cả nhà chụp trước ngôi nhà dài ngày xưa mà rơi nước mắt, như thấy có lỗi lắm”. Thế là anh nhờ H’Siêu dẫn về buôn gắp Aê Ben nhờ dựng lại nhà dài bên cạnh nhà xây. Con cháu Aê Ben cũng quyết định xây nhà mới nhưng vẫn giữ lại nhà dài. Mạch truyện đơn giản nhưng thấu tình đạt lý. Hòa nhập cũ, mới để cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng vẫn giữ lại sắc thái dân tộc, hồn dân tộc.
Người cuối cùng góp mặt trong tập sách là H’Wê Ra Niê. Cô góp vào sáu bài thơ và một truyện ngắn. Bến yêu thương là truyện gây xúc động. H’Yu mới mười chín mùa Plang nở mà đã có hai con. Đứa con đầu là H’Yun, đứa thứ hai là Y Rít. Biết mình bị bệnh hiểm nghèo khó qua khỏi đã nhờ bạn thân là H’Klăm (chưa có con, chồng bị cây rừng đè chết): “Nếu mình chết đi, H’Klăm đưa Y Rít về với H’Klăm nhé. Mình không muốn nó bị chôn theo mình đâu”. H’Klăm nhận lời, tìm đủ mọi cách để cứu Y Rít khỏi luật tục tàn bạo. H’Klăm phải thuyết phục cả hai họ, nhất là dòng họ Niê Siêng sang họ mình để Y Rít không phải chôn theo mẹ. Không những thế phải mất trâu, gà làm lễ cúng thần linh và phải lấy Y Lập làm chồng, người anh họ hơn cô cả chục tuổi và bị câm, điếc từ nhỏ. Truyện giàu tính nhân văn, cứu được mạng người, lên án tục lệ mà chính H’Wê Ra Niê – tác giả gọi là “dã man”.
Góp vào tập với sáu bài thơ, bài nào cũng đáng đọc. Có thể khẳng định: Đây là cây bút thơ nhiều triển vọng. Bùa ngải là bài thơ hay trong cấu tứ. Cô gái đang yêu muốn người yêu là duy nhất của mình, đã gửi bùa ngải đủ các màu trong khắc khoải đợi chờ, hy vọng:
Nỗi nhớ bâng khuâng/ Ngải hồng/ Ngải xanh/ Ngải tím/ Ngải trắng/ Ngậm ngùi/ Biết tìm đâu!
Bài Cái nhìn trong khu nghĩa địa là bài đặc sắc:
                         Người chủ nhà gỗ ném cái nhìn tia chớp về phía hàng xóm
Vì:
                         Ngôi nhà của anh ta là một khối bê tông
                         Cùng với những hàng chữ nổi.
Nghĩa địa đáng ra chỉ bằng gỗ với những tượng nhà mồ thì bây giờ có sự xâm thực văn hóa ngoại lai cho nên:
                         Người nhà gỗ không thể uống rượu cần
                         Người nhà gỗ không thể hát ei rei
                         Người nhà gỗ không thể múa xoang
                         Người nhà gỗ không thể đánh cồng chiêng
                         Vì thế - người nhà gỗ buồn rầu.
Bởi thế mới có nhìn hình tia chớp. Cái hay là nói đến việc xâm thực văn hóa làm mất dần văn hóa bản địa, mất dần tượng nhà mồ và lễ bỏ mả. Đây là lời đối thoại, nhắn gửi của người đã về với ông bà tới người còn sống.
Nhánh cỏ dưới gót chân Dăm San – Bài thơ lấy tên chung cho tập sách là bài thơ có chiều sâu suy cảm:
                         Dăm San chạy đuổi một giấc mơ
                         Mang nữ thần Mặt trời về với gió ngàn
                         Một nhánh cỏ bầm dập, tơi tả bám chặt dưới gót chân chàng
Chàng nhận lại kết quả không như mong muốn:
                         Nữ thần Mặt trời ngoảnh mặt đi
                         Trái tim Dăm San tan nát
                         Nhánh cỏ khóc, dâng mắt buồn cho giấc mơ tan hoang
                         Dăm San! Sao chàng không hay biết
                         Nhánh cỏ còn mãi dưới gót chân.
Mâu thuẫn giữa khát vọng và hiện thực nảy sinh. Dăm San tìm nữ thần Mặt trời nhưng giấc mơ tan nát trong bùn đen của bà Sun – Y Rít vì chàng quên đi nhánh cỏ dưới gót chân là quê hương, là thảo nguyên gốc gác của mình giữ mình lại. Thơ hay, có chiều sâu.
Tôi đã điểm qua bốn gương mặt – bốn tác giả trong tập sách. Cả bốn bạn trẻ đều học hành, trang bị kiến thức cho mình khá hoàn hảo để bước vào văn nghiệp. H’Xíu H’Mok tốt nghiệp Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. H’Siêu Byă học Đại học Tây Nguyên, học tiếp cao học tại TP. Hồ Chí Minh. H’Phi La Niê tốt nghiệp khoa viết văn, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. H’Wê Ra Niê cùng học với H’Phi La Niê.
Cả bốn tác giả đều là người dân tộc Êđê, từng trang văn thơ đều mang đậm dấu ấn văn hóa từ một vùng đất.
Đây là tập sách hay, tin vào lớp trẻ còn tiến xa hơn.
                                                                                                Tháng 10-2018


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI