Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2019

DẺO THƠM HẠT CƠM LÚA MỚI Tùy bút của H’LINH NÊ - CHƯ YANG SIN SỐ: 317+318 THÁNG 1&2 NĂM 2019

Nhà văn, Nhạc sỹ, Nhà ngiên cứu văn hóa Tây Nguyên - Linh Nga Niê Kdăm
(Bút danh H'Linh)


Chuyện cũ nhớ lại:
Có hai loại xôi được đem ra cúng lúa và mời khách trong Lễ ăn cơm mới của người Thái ở xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) đều được gói trong những chiếc bịch nilon nhỏ. Nắm tròn trong tay theo cách ăn của người miền núi, thấy thoảng thơm mùi nắng từ hạt lúa mới được gặt về. Có những gói xôi là nếp thường, hạt cơm trắng muốt, trong veo. Có những gói xôi màu hơi ngà ngà, hạt gạo có đường viền mờ mờ màu xanh nhạt, là loại gạo truyền thống, mang từ quê cũ ở Tương Dương, Nghệ An vào đây gieo trồng, giã bằng chày tay, nắm cơm dẻo, hít hà hương thơm tỏa ra thật đặc biệt quyến rũ. Xôi này bày trên mâm cúng dưới cột nêu, giữa sân rộng trước cửa nhà sinh hoạt cộng đồng, và chỉ dành cho những mâm khách đặc biệt. Trưởng buôn Thái ấn vào tay tôi một bịch xôi trắng mờ này vừa cười vừa bảo “cất vào túi đi”. 
Gần một tuần nay, chuẩn bị cho lễ Kin khẩu mờ - ăn cơm mới - cả buôn Thái chộn rộn suốt ngày đêm. Lễ này diễn ra tương tự như lễ ăn cơm mới của người Êđê, sau khi nhà nhà đều đã cắt về những thúng lúa đầu tiên, Ban tự quản lo thu tiền và hiện vật đóng góp, mỗi gia đình 200.000 đồng và lúa gạo tùy theo khả năng. Từ 10 năm trở lại đây cuộc sống của buôn Thái đi dần vào ổn định, cà phê, lúa, cây ăn trái trồng xen đều có năng suất cao, kinh tế phát triển, nên việc đóng góp lễ lạt theo tập quán truyền thống không còn là việc khó khăn. Hơn nữa mấy đơn vị đóng chân trên địa bàn xã như Công ty cà phê Cư M’gar, Ngân hàng Nam Á… đều hỗ trợ. Nhưng ồn ào và sôi động nhất là đám tập văn nghệ, 3 nhóm nhảy sạp, hai nhóm múa quạt. Vui nhất, đông nhất là vòng xòe gồm đầy đủ phụ nữ tất cả mọi lứa tuổi (chỉ trừ các mẹ, các chị được phân công nấu nướng đồ cúng và cơm mời khách) sau những giờ bận rộn chăm sóc gia đình và ruộng rẫy, suốt mấy buổi tối, những bước chân nhún nhảy, những cánh tay vung khăn sang phải, sang trái, rồi vươn cao lên trên đầu; cả thân hình và đôi tay nghiêng như cánh chim đang bay lên. Động tác nào cũng phải cho thật đều, thật duyên dáng. Các ông chồng chẳng cằn nhằn câu nào, lại còn kiêm bớt cả việc nhà lẫn giữ con cái cho vợ đi tập. Cứ nghĩ mà xem, phụ nữ nhà mình điểm một chút má hồng trên làn da trắng bóc, thêm một tý tẹo son đo đỏ lên môi, ai cũng trở nên xinh đẹp lắm, tự hào lắm chứ.   
Tương Dương, là một huyện miền núi vùng cao nằm ở phía Tây Nam tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh gần 200 km, là huyện có diện tích tự nhiên rộng nhất trong các huyện của Việt Nam, gấp hơn 3 lần tỉnh Bắc Ninh và gần gấp đôi tỉnh Thái Bình, nhưng trong đó đất nông nghiệp chỉ có 0,32% diện tích tự nhiên của huyện, còn lại là đất lâm nghiệp và các loại đất khác. Toàn bộ huyện nằm trong vùng có độ cao trung bình từ 65 – 75 m so với mực nước biển, địa hình phức tạp, núi non hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn. Khí hậu và thời tiết khắc nghiệt. Là một trong 3 huyện nghèo của tỉnh Nghệ An. Chính vì vậy mà năm 1992, ông Lô Quốc Hợi, một kỹ sư kinh tế, quyết bỏ lại sau lưng cả nghiệp kế toán lẫn đất đai ít ỏi, cằn cỗi, nghe theo lời rủ rê của một giám đốc là người đồng hương, cùng 2 gia đình nữa, gần như tay trắng, lếch  thếch dắt nhau vào giữa rừng Ea Kuêh. Ngày lên xe, mắt dõi nhìn bóng quê ngày một rời xa mà lòng dạ ai cũng rối bời, không biết cuộc sống gia đình rồi sẽ ra sao. Từ làm thuê rồi lần hồi mua đất trồng cà phê, khai hoang ruộng cấy lúa, 3 gia đình ngày ấy nay chỉ còn hai, vì một hộ đã chuyển đi Đăk Nông, nhưng có thêm hàng chục hộ khác ở quê, thấy cung cách làm ăn thuận lợi của ông Hợi, đã cùng nhau chuyển cư. Buôn Thái bây giờ có tới 207 hộ với hơn 800 nhân khẩu. Đều là người Thái gốc huyện Tương Dương, chỉ có 4 hộ người Êđê, do sự kết hợp hôn nhân mà chuyển sang cư trú tại đây. Ama Phi Dư, người đàn ông Êđê chất phác, vui vẻ kéo cô con dâu người Thái xinh xắn đến khoe với chúng tôi sự kết hợp thuận thảo giữa hai tộc người.
Mái tóc ông Hợi giờ không chỉ lưa thưa, mà còn trắng màu bông, minh chứng cho những vất vả gây dựng để tồn tại, chứng minh với bà con dân bản sự lựa chọn bỏ lại mồ mả ông bà, rời quê hương đi tìm vùng quê mới xa ngái, mua dần lại những diện tích rẫy qua nhiều năm canh tác, chỉ còn là những mảng cỏ tranh còi cọc phất phơ trong gió (loại cây cỏ cuối cùng mọc tự nhiên trong quy trình sản xuất luân khoảnh trên cao nguyên đất đỏ) của người Êđê buôn Win. Chăm bẵm, vun xới, cải tạo bằng thói quen sử dụng phân xanh ngoài quê, nay gia đình ông Hợi làm chủ tới 5 ha đất canh tác, ngoài cà phê, điều còn có 3000m2 lúa, đều tốt bời bời. Ông cũng chứng kiến hơn 20 năm qua, bằng những bàn tay chai sần chăm chỉ, cái đói không còn thường trực nơi cửa mọi căn hộ, mà nhiều nhà gạch mái tôn xanh, mái ngói đỏ mọc lên thay thế nhà gỗ cũ kỹ ban đầu. Điện giăng lưới trên những nẻo đường bê tông dọc ngang trong làng, trường học cận kề cho con cháu sớm chiều ê a đánh vần. Đã có gia đình không chỉ là sắm xe máy, ti vi, tủ lạnh… mà còn mua được cả ô tô. Trạm xá vẫn luôn có những bóng áo trắng tươi cười, nhưng vắng vẻ, vì người người trong buôn luôn mạnh khỏe… “Phú quý sinh lễ nghĩa”, các cụ xưa dạy thế, nên tập quán tộc người lại được nhắc nhở. Mùa xuân năm 1997, lần đầu tiên hội Sên Mường đón xuân được phục hồi, rồi các năm tiếp đến lễ Kin khẩu mờ - ăn cơm mới - cứ 3 năm lại tổ chức một lần. Năm 2018 này đã là lần thứ 7, có lẽ là năm vui nhất. Bởi đời sống đã thực sự ổn định, lại được sự hỗ trợ của Ngân hàng Nam Á, mấy chiếc máy dệt mang theo vào quê mới làm ngày đêm không đủ, phải về tận Nghệ An đặt thổ cẩm, đàn bà con gái cả làng, lớn nhỏ, ai cũng cũng có bộ váy áo đúng tập quán truyền thống. 
Hội vui cơm mới:
Cái sân rộng trước cửa nhà văn hóa cộng đồng, từ hôm trước lễ đã được căng lều, xếp ghế, trồng cây nêu; cờ, hoa sặc sỡ sáng bừng không gian suốt từ ngoài vào trong như mời gọi. Những bản nhạc mang âm hưởng dân ca Thái liên tục phát đi trên loa phóng thanh theo gió tràn khắp không gian, khiến người người thêm nao nức. Khác với sự trang trọng hơi đơn độc của cây nêu những tộc người xung quanh, cây nêu của làng Thái Ea Kuêh dường như thể hiện đầy đủ cho sự no ấm của cả cộng đồng. Từ mờ sáng, sát chân cột ngoài dựng nguyên cây bắp, cây lúa, cây mía, còn là những thúng thóc, thúng bắp hạt, các ghè rượu. Dọc theo thân cột có treo kín những rẻo vải các sắc màu rực rỡ, tung bay, còn có cả những con chim, con bướm, con cá đan bằng tre, khắc bằng gỗ, những ngôi nhà nhỏ, cánh diều bằng len các màu… thể hiện cho sự trù phú của bản làng thi nhau mà đung đưa dỡn đùa với gió cao nguyên. Mâm cỗ cúng cũng đã được các mệ, các ôông chuẩn bị từ tinh mơ con gà gáy sáng, để bây giờ bầy lên đủ đầy chiếc đầu heo đỏ bóng, con gà quay nâu vàng ươm, thịt bò sấy khô trên gác bếp, các loại xôi trắng ép trong ếp, trong ống nứa (cơm lam), bánh gói lá dong, rượu nếp thơm đến ngửi mùi cũng say… toàn thức ăn sạch của các gia đình đóng góp, cho mâm cỗ thảo thơm tạ ơn các vị thần đất, thần lúa, bắp… linh thiêng đã phù trợ cho bản làng một mùa vụ bội thu.
Khách đã nườm nượp đổ về trên mọi phương tiện. Chỉ mới ngoặt từ trục đường chính của buôn vào cổng nhà văn hóa thôi, những chiếc máy ảnh, điện thoại các loại đã thi nhau mà nháy, xoành xoạnh chớp sáng liên tục trước hình ảnh đoàn thiếu nữ trong trang phục Thái xinh như các hoa hậu, đứng dọc hai bên cổng vào, tươi cười chào đón. Màu sắc rực rỡ của những chiếc váy ken dầy hoa văn trắng đỏ, lóng lánh ánh bạc từ hàng khuy những chiếc áo cóm, và nụ cười lóa sáng dưới vành khăn hoa đội đầu của hàng trăm chị em phụ nữ, khiến du khách cứ chen vào mà đòi chớp lấy những bức hình có mặt mình cùng người đẹp. Và cứ thế, tiếng nhạc Inh lả ơi dân ca Thái rộn ràng, tiếng chiêng trống tung tung nổi lên, điệu múa sạp nhịp nhàng trong tiếng va côm cốp náo nức của những thân tre và nhịp khua luống lộp cộp từ những chiếc chày giã gạo, khiến lòng người không thể không chộn rộn. Líu cả lưỡi để hàn huyên, rồi lại buông nhau ra, tay cầm vội lấy dùi trống điểm nhịp cho 3 chiếc chiêng tung tẩy và bước chân các đội múa sạp rộn ràng. Trong khi chờ vào lễ chính, các chàng trai tranh thủ luyện lại tay nỏ, những mũi tên trúng vào vòng 9 hay bay vụt ra ngoài cũng khiến tiếng cười rộ lên hào hứng. Len qua những thanh niên đang vòng trong vòng ngoài cổ vũ rất nhiệt tình các bạn lom khom vung những con vụ quay tròn, nữ họa sỹ Trần Hồng Lâm nhớ lại kỷ niệm tuổi thơ, xin được thử ném một lần. Con quay giật ra khỏi sợi giây dài, xoay tít vòng, khiến các bạn trẻ xung quanh ồ lên kinh ngạc. Ô trò chơi quay này, từng xuất hiện trong các sử thi Tây Nguyên như Đam San, Zing Chơ Ngă… như một thú vui không thể thiếu của trai làng, lâu lắm mới lại được thấy.
Tiếng loa vang vang báo hiệu giờ hành lễ bắt đầu. Thày cúng (đang là bí thư chi bộ buôn) mặc áo đỏ, trịnh trọng khấn vái. Lời ông ngân nga câu hát vần rằng “Tháng 4 gieo giống, tháng 5 cấy lúa/ Hạt nảy mầm đẹp như tôm tươi, đẹp như vườn cải vườn, rau muống/ Tháng 10 liềm gặt lúa về phơi khô, xay giã/ Hôm nay bản mình về đây cúng lúa mới…” Tiếng nhạc bay lên trời xanh. Âm thanh trống chiêng vịn vào mây trắng. Lời khấn tạ luồn xuống ba thước đất, bay lên chín tầng cao, gọi ngay ông trời đổ xuống một cơn mưa xuân nhỏ. Lão ông Lô Quốc Hợi bảo “mưa đem lại điềm lành đấy cô ạ”. Và như thế, trời cứ mưa, niềm vui vẫn cứ đong đầy trong cả khách lẫn chủ. Thày cúng đã rót rượu cần từ ghè ra bát, tưới cho cây bắp, cây lúa như một nghĩa cử cảm ơn trời đất và các cây giống đã cho bản làng một niềm vui lớn lao từ những hạt lúa hạt bắp nhỏ bé mà nặng nghĩa tình, trả cho những giọt mồ hội mặn đổ xuống. Ông mời các khách quý ngồi xuống quanh cây nêu cầm lấy cần rượu. Ngọt ngào quá những hạt gạo trên quê hương mới, làm nên men rượu nồng say say.
Xong phần lễ. Hội bắt đầu. Trời vẫn nhẹ nhàng thả những giọt nước xuân mát rượi xuống trần gian. 3 vòng xòe đã được khởi bước, hàng trăm phụ nữ đủ mọi lứa tuổi. Hình như vòng hẹp nhất sát cột nêu là các bà, vòng thứ hai là các mẹ, và ngoài cùng rộng nhất là những cô gái trẻ. Gấu váy hoa văn thổ cẩm đỏ trắng xanh lả lướt theo những bước chân tiến lên, lùi xuống; khăn xanh thắt ngang eo thon khiến thân hình thêm uyển chuyển. Cánh tay dịu dàng vung khăn choàng các màu chấp chới bay bay. Hãy nhập vào vòng xòe nào bạn, cho niềm vui nhân lên cả từ chủ lẫn khách nhé. Hay là ra gần cổng, tay quay tít những quả còn rồi vung lên sao cho qua chiếc vòng tròn trên cây cột cao vút kia, để bạn trai, bạn gái nào phía bên kia kịp đỡ lấy. Ngày trước ném còn là tín hiệu kết đôi trai gái đấy. Còn hôm nay bạn cứ ném đi, chỉ cần quả còn bay lên, dẫu trúng vào vòng hay bay ra ngoài, vẫn thấy niềm vui ăm ắp đấy. Điệu múa xòe quạt như những cánh bướm muôn màu chấp chới tung bay, tưởng là kết thúc lễ hội, nhưng chính thức cuộc thi tài của những chiếc nỏ, con quay, đẩy cây, ném còn… lúc này mới bắt đầu. Hội Xuân ăn cơm mới sẽ còn kéo dài qua cả lúc hoàng hôn buông choàng xuống.
Mừng cho mùa xuân này buôn Thái Ea Kuêh có được cuộc sống ấm no, bình yên. Càng mừng hơn khi truyền thống đẹp của tổ tiên được giữ vẹn nguyên trên quê hương mới. Cầu các thần linh cho hạt lúa trĩu bông, bắp ngô đầy hạt và cà phê, tiêu chín đỏ nặng cành, ân tình Thái – Êđê càng thêm ấm áp dưới những mái nhà trên miền đất đỏ ba zan...








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI