Thứ Ba, 5 tháng 2, 2019

SÁNG MÙNG MỘT TẾT NĂM ẤY truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 317+318 THÁNG 1&2 NĂM 2019

Tặng em gái HOÀNG THANH

  
Uỳnh!
Sáng mùng một Tết, mọi người đang chìm vào giấc ngủ, bỗng bị đánh thức bởi tiếng bom nổ trên đỉnh đèo 919. Căn hầm chữ A rung lên, tôi choàng tỉnh dậy, theo phản xạ lăn khỏi võng xuống mặt đất. Ngoài cửa hầm, trời mới tờ mờ sáng.
Sơn mắc võng nằm gần tôi cũng bị giật mình, ngồi bật dậy nói:
-Thằng Mĩ ác nhơn thật, đã kí cam kết đình chiến trong ba ngày Tết âm lịch, thế mà nó lại mang bom hẹn giờ rải vào các trong điểm giao thông của ta. Thế này sao gọi là đình chiến?
-Mới sáng mùng một Tết mà lẩm bẩm cái gì thế, hay bị bom nổ làm hỏng con “cá gỗ” mang theo rồi?
-“Ăn rau má phá đường tàu” qua nhà người ta sáng ngày mùng một Tết xông đất mà lại gây sự thế à?
Lâm từ hầm bên cạnh chạy qua trêu Sơn – quê Hà Tĩnh. Sơn cũng không vừa đối lại ngay với Lâm – quê Thanh Hóa. Không biết từ bao giờ, dân gian truyền miệng những câu chuyện vui về đặc điểm các vùng như dân Nghệ Tĩnh là dân “cá gỗ” vì ngày xưa thầy đồ nghèo đi dạy học luôn mang theo một con cá gỗ trông y như con cá rán; đến bữa ghé nhà dân bên đường mượn dĩa, xin tí nước mắm dầm con cá… gỗ để ăn cơm nắm mang theo. Còn dân xứ Thanh thì chuyên ăn rau má thay cơm. Rau má dưới đồng hết nên lên bươi đá trên đường tàu hái rau, vì thế mới đúc kết thành câu: “Ăn rau má phá đường tàu”. Không biết con “cá gỗ” của Nghệ Tĩnh có được bao nhiêu phần trăm sự thật chứ câu: “Ăn rau má phá đường tàu” thì… đúng trăm phần trăm.
Làng tôi gần ga Thị Long, phía nam thị xã Thanh Hóa - nơi hàng ngày có các chuyến tàu hỏa chạy qua. Thời Mĩ tạm ngưng ném bom miền Bắc, tôi ở nhà dì - khu Lò Chum, gần cầu Cốc ngoài thị xã Thanh Hóa để học bồi dưỡng. Thứ bảy hàng tuần, vào khoảng bốn rưỡi, năm giờ chiều có chuyến tàu chợ Hà Nội – Vinh, chạy qua làng; mẹ tôi hoặc em gái út ra ngõ đứng đợi tàu. Nếu tôi về sẽ đứng bên cửa sổ tàu giơ mũ vẫy, mẹ hoặc em trông thấy, vẫy lại rồi vào nhà nổi lửa nấu cơm. Tôi xuống ga đi bộ về đến nhà, mẹ cũng đã nấu cơm vừa chín tới cho ăn. Sau này giặc Mĩ bắn phá ác liệt, lương thực khan hiếm, rau má mọc ở bờ ruộng cũng bị hái hết, lũ trẻ chăn trâu đi dọc đường ray xe lửa, thấy lá rau má nào chui lên khỏi lớp đá to như nắm tay là mừng như bắt được vàng, tranh nhau bươi đá để nhổ tận gốc những cụm rau má xanh tươi đó về ăn. Khi ấy chúng tôi chỉ lo bươi đá hái được rau rồi bỏ đi chứ ai nghĩ đến chuyện phải lấp đá lại. Vì thế ngẫm ra câu nói về Thanh Hóa – những nơi có đường tàu hỏa chạy qua như làng Vân Trang, xã Tượng Sơn quê tôi thì chính xác trăm phần trăm.
Chuyện chỉ nói cho vui, nhưng khi vào bộ đội, biết cầm súng đánh Mĩ, nhiều thanh niên các vùng miền cũng chỉ vì câu nói đùa như thế mà nổi khùng lên, thậm chí còn sẵn sàng giơ nắm đấm tranh luận với nhau.
Hôm nay, sáng mùng một Tết, cả không gian có chút thanh bình sau những ngày đêm rền vang tiếng gào thét của máy bay, bom, đạn… hình như không lúc nào ngớt; nhưng rồi vẫn bị xé toạc bởi bom nổ chậm của giặc Mĩ ném xuống. Khó khăn gian khổ chồng chất, nhiều lúc cái sống và cái chết chỉ cách nhau một ánh chớp vụt lên, thế nhưng những anh bộ đội mới được tăng viện từ miền Bắc vào, tuổi mười tám, mười chín, chưa học hết phổ thông vẫn vô tư như những ngày ở quê vác cuốc đi làm đồng. Họ trêu ghẹo nhau những lúc rảnh rỗi.
Còn tôi học xong cấp ba chưa kịp mừng khi nhận giấy báo trúng tuyển vào Trường Đại học Vinh đã phải lên đường ra trận. Thấm thoắt được ba năm, trở thành cựu binh chốt ở cung đường có trọng điểm 919 ác liệt trên dãy Trường Sơn. Còn Sơn và Lâm mới bổ sung vào đơn vị được đúng một tuần thay thế hai đồng đội vừa hy sinh khi ra rẫy trồng sắn.
***
-Ơ, hai cậu định đánh nhau thật đấy à?
Thấy hai người lao vào quần nhau ngay trong hầm, tôi kêu lên, nói thêm:
-Hôm nay mùng một Tết đấy nhé.
Hại người vội buông nhau ra, cười xòa, nhìn tôi ngượng nghịu như cậu học trò mắc lỗi. Tôi hỏi Lâm:
-Dân Nông Cống, hồi còn ở nhà có bao giờ đi hái rau má trên đường tàu chưa?
-Nhà em trên Vạn Hòa, lên Bến Sung thị trấn huyện Như Xuân gần hơn xuống ga Minh Khôi; chỉ nghe nói đến tàu qua sách vở và đài thôi. Mãi khi đi bộ đội mới được đi tàu hỏa lần đầu.
-Thì ra vậy, thế chắc chắn chưa biết hái rau má trên đường tàu hỏa rồi.
-Vâng. Thế mà nó dám bảo em “Ăn rau má phá đường tàu” mới ức chứ!
-Thanh Hóa cũng có từng vùng đói mới hái rau má trên đường tàu để ăn. Rau má mọc hai bên đường tàu thường xanh tốt hơn dưới bờ ruộng đấy.
Nói với Lâm làm tôi bồi hồi nhớ tới quê. Theo như bố mẹ kể lại, tôi sinh ra tận bên Thái Lan, bố tôi làm chủ thầu xây dựng. Năm 1950 gia đình nghe theo tiếng gọi của Bác, trở về Việt Nam sinh sống khi tôi mới hơn hai tuổi. Có lẽ vì lý lịch như thế nên vào Nam chiến đấu, tôi được giao nhiệm vụ vào tổ rèn, chuyên sửa chữa cuốc, xẻng, xà beng… cho bộ đội, không được trực tiếp cầm súng đánh Mĩ. Ngoài việc rèn và sửa công cụ, vũ khí ra còn có thêm nhiệm vụ trồng sắn, dự trữ lương thực tại chỗ cho đơn vị. Ba năm vào chiến trường, tôi cũng được cầm súng nhiều lần nhưng đó là những khẩu súng cần phải sửa chữa, vậy thôi. Từ người lính, tôi cũng được giao trọng trách làm tổ trưởng sau ba năm bám trụ nơi đây;  không ít lần bị bom vùi, người bầm dập và mảnh bom hỏi thăm; nhưng hình như cái số nó cao nên chỉ bị phần mềm, chưa mất mảnh xương nào cả.
Còn Sơn, dân miền biển. Sơn kể: Biển Thạch Hải đẹp lắm, chỉ cách thị xã Hà Tĩnh hơn chục cây số thôi. Mùa hè bọn trẻ rủ nhau tắm biển, mò ghẹ, bắt ốc, bắt sò rồi kéo nhau lên đồi cát vơ cành sa mọc khô mang lại nhen lửa nướng ăn. Ăn xong mồm mép đứa nào cũng nhọ nhem như mèo. Bố đi biển, mẹ ở nhà trồng khoai, trồng lúa. Lúa ít, còn khoai nhiều hơn; đến hè, mọi nhà đào khoai xắt lát phơi khô đựng vào chum độn cơm ăn quanh năm. Hôm nào bố đi biển đánh được cá, nộp cho Hợp tác xã xong cũng để lại một xoong mang về nhà, ăn cá no luôn.
-Cá quê em ăn vừa bùi, vừa ngọt, ăn với khoai khô nấu nhừ ngon lắm.
Sơn nói xong, mắt nhìn xa xăm ra triền đồi trước mặt chỉ còn trơ những gốc cây bị bom chém cụt sát mặt đất, khẽ nuốt nước miếng rồi nói tiếp:
- Hôm nào biển động thì bố ở nhà, tháng bảy, tháng tám cũng có lúc bị đói, nhưng chưa bao giờ đứt bữa. Bọn con trai đi học về, đói bụng thì lẻn vào buồng, mở chum vốc trộm một nắm khoai lang khô bỏ vào túi quần, thế là đi chăn trâu khỏi lo đói.
-Sướng thế!
Lâm kêu lên ghen tỵ.
***
Ùng!
H… ùm!
Tiếng bom nổ trên đỉnh đèo, cùng lúc với tiếng hổ gầm làm cả ba giật thót mình. Gần lưng đèo một cụm khói bốc cao che lấp cả khoảng trời, tiếng ô tô vẫn nối đuôi nhau hối hả chạy qua. Sơn nói:
-Không có tiếng súng kèm theo sau tiếng bom, vậy là không có chuyện gì xảy ra rồi. Mà sao giữa vùng bom đạn ác liệt này lại có hổ đến thủ trưởng nhỉ?
-Chắc con hổ này ở xa đi lạc qua đây thôi – Lâm trả lời.
-Buổi sáng thú dữ phải đi ngủ sau một đêm kiếm ăn, đâu có chuyện đi lang thang lúc mờ sáng?
Sơn không đồng ý nên bẻ lại. Lâm giảng hòa:
-Thôi kệ nó. Sáng nay ta ăn gì đây thủ trưởng?
-Thủ trưởng cho đào một bụi sắn để ba anh em mình ăn Tết nhé.
Sơn nhanh nhẩu đề nghị, mắt nhìn tôi như cầu xin, Lâm cũng đồng tình:
-Bây giờ mà có củ sắn luộc ăn no thì sướng nhất đời. Ngày xưa, sáng mùng một Tết kiêng không phải quét nhà mà trưa bao giờ cũng được ăn no đấy ạ.
Tôi cũng như hai đồng đội trẻ, đều bị cái đói dày vò thường xuyên. Nhưng đã là lệnh phải chấp hành, không thể khác được. Đói quá không còn lương thực thì vào rừng hái rau, đào củ ăn cầm hơi để hoàn thành nhiệm vụ được giao chứ nhất định không đụng đến dù là một củ sắn. Gần nơi tổ chúng tôi ở là khu vườn sắn rộng lớn trên triền đồi chắc phải vài chục mẫu, có vùng đã trồng hơn hai năm nhưng chưa có lệnh, không ai dám đào lên ăn cả. Quân đội thời chiến là vậy.
Nhưng hôm nay ngày Tết, thôi thì… tôi tặc lưỡi, trả lời:
-Hôm nay ta ăn cơm.
Nghe tôi trả lời, Lâm và Sơn reo lên như trẻ con thấy mẹ đi chợ về:
-Hoan hô thủ trưởng!
Sơn hỏi:
-Ta nấu bao nhiêu gạo ạ?
-Miệng chén thôi.
-Thế cũng tuyệt vời rồi.
Nhìn hai đồng đội trẻ, tôi thấy cay cay trong mắt. Đang tuổi ăn, tuổi lớn, mùng một Tết ba anh em chỉ có miệng chén gạo, nấu lên chắc chỉ được mỗi người một chén cơm không đầy, thế mà vẫn vui như… Tết!
-Để em đi xuống suối lấy nước.
Lâm xung phong, Sơn gạt đi, nói:
-Để Sơn đi cho, Lâm ở nhà kiếm củi.
Đường từ hầm xuống suối khoảng hơn ba trăm mét, cây cối đã bị bom đạn và thuốc độc hóa học làm chết hết. Nghi quân ta đồn trú ven suối, bọn Mĩ thỉnh thoảng vẫn rải bom xuống đó. Vì vậy ta chọn nơi đóng quân phải ở xa bờ suối một khoảng cách nhất định, tránh bị bom giặc đánh trúng. Sơn bê chiếc xoong bị bom làm cho méo mó, đi xuống suối; Lâm ra khỏi hầm nhặt củi. Tôi lấy mấy viên vitamin C bỏ vào bát giả nhỏ, thêm ít nước sôi, trộn với rau má hái chiều hôm qua làm món nộm - công việc của mỗi người chuẩn bị bữa ăn sáng mùng một Tết là thế!
***
-Uỳnh!
-C… ứu, c… ứu, c… ứu, c… ứu em với!
Tiếng bom nơi lưng chừng đỉnh đèo vừa dứt, bỗng nghe tiếng kêu thảnh thốt của Sơn vọng đến, tôi với khẩu AK lao xuống suối; Lâm cũng ném luôn ôm củi, vác dao chạy theo. Từ chỗ đóng quân trên triền đồi nhìn xuống, tôi thấy Sơn đang cố ôm cây bằng lăng chết khô bên bờ suối, thân to bằng đầu người, leo lên. Leo lên được một đoạn lại từ từ tụt xuống, rồi lại leo lên, lại tụt xuống…
-Ơ, thằng Sơn làm trò gì lạ thế thủ trưởng kìa?
Thở hổn hển, chạy phía sau Lâm ngạc nhiên hỏi tôi. Thấy tiếng kêu líu cả lưỡi như vậy chắc chắn Sơn đã gặp chuyện không hay, nhưng còn chuyện gì thì… quả thật không hiểu được nếu không đến tận nơi. Tôi cố gắng chạy nhanh hết mức có thể, khóa súng bật sẵn để ở nấc liên thanh, sẵn sàng nhả đạn. Chạy gần đến chỗ Sơn đang cuống quýt leo lên rồi lại tụt xuống, rồi lại leo lên… tôi bật cười, ngồi bệt xuống đất, mồm mũi tranh nhau thở. Lâm chạy đến bên tôi cũng nằm vật ra, ôm bụng cười như bị ma làm. Trong khi ấy, Sơn vẫn hoảng hốt kêu:
 -C… ứu, c… ứu, c… ứu, c… ứu em với!
Bên gốc cây bằng lăng khô Sơn đang leo lên tụt xuống, một con lợn rừng khá lớn, thân dài gần sải tay, lông bờm hoe hoe vàng, nằm phủ phục như đang tựa vào cây. Còn Sơn leo lên được một đoạn, chắc cây trơn quá nên trượt xuống, chân đụng vào lưng lợn, hoảng hốt lại leo lên. Dứt cơn cười, Lâm hét to:
-Leo nhanh lên, lên cao tý nữa không lợn rừng cắn chết đấy.
-Thôi đừng trêu Sơn nữa, xuống đi, không phải leo thế đâu.
-Con lợn… con lợn rừng, đuổi nó đi hộ em.
-Nó chết rồi thì sao cắn được, xuống đi.
Nghe tôi nói vậy, Sơn mới buông tay đứng trên lưng lợn rừng, mặt trông tái xanh, nói:
-Em vừa cúi xuống để múc nước thì nghe đánh ầm một cái, nhìn lên đã thấy con lợn rừng hai mắt trắng dã, mồm sùi bọt mép cả cục, nhằm em lao tới. Em vội quẳng xoong, chạy lại leo lên cây bằng lăng để tránh nó. Không ngờ cây trơn quá, cứ leo lên được một khúc lại trượt xuống… Nhưng tại sao nó lại chết được nhỉ?
Lâm nắm lấy lông bờm con lợn kéo mạnh làm nó đổ nghiêng một bên, để lộ vết thương trên bụng dài cả ngón tay, lòi cả khúc ruột ra ngoài. Sơn thấy thế kêu lên:
-Nó bị thương, không trách được nó dữ đến thế. Lỗi tại thằng Mĩ sao lại nhè tau trả thù?
-Chắc nó bị hổ đuổi ở đâu đó, chạy về đây bị quả bom nổ lúc nãy làm bị thương, hoảng quá chạy lung tung thôi. Giờ làm sao thủ trưởng?
Nghe Lâm hỏi, Sơn bật cười bảo:
-Sao với giăng gì nữa, quà tặng của trời cho anh em mình ăn Tết đây mà. Để em về lấy xẻng đào bếp, ta đun nước ngay cạnh suối làm thịt cho tiện.
Cuối mùa mưa năm 2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI