Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2019

NHỮNG CÂU CHUYỆN VUI VỀ HEO Ở CHIẾN TRƯỜNG của TRƯƠNG BI - CHƯ YANG SIN SỐ: 317+318 THÁNG 1&2 NĂM 2019


Đuổi cọp giành lại heo:
Đoàn văn công Đắk Lắk thuộc cơ quan Tuyên - Văn - Giáo khu căn cứ kháng chiến K’rông Bông, nhờ thực hiện tốt sự chỉ đạo của cấp trên về tự túc lương thực, với tinh thần “thực túc binh cường”, nên cuối năm 1967, đoàn đã thu được trên 3 tạ  lúa rẫy và nuôi được trên 50 con heo, gần 100 con gà. Đàn heo ban ngày thì thả rông, ban đêm thì nhốt vào chuồng để phòng thú dữ. Một  hôm, gần tết Nguyên đán, trăng sáng mờ mờ, khoảng nửa đêm, mọi người trong đơn vị đang ngủ say sưa, bỗng nhiên có tiếng heo kêu dữ dội. Tổ chị nuôi ở sát chuồng heo bật dậy la lớn: “Cọp bắt heo! Cọp bắt heo! Các đồng chí ơi!”. Nhanh như ngọn gió, đồng chí T (trưởng đoàn), cầm khẩu AK nhảy lên miệng hầm bắn ba phát chỉ thiên. Rồi mọi người cùng chạy ra chuồng heo. Đếm đi, đếm lại vài lần, chị H (tổ trưởng tổ chăn nuôi) báo cáo: “Thưa thủ trưởng! Mất một con heo đực to nhất đàn”. Nghe chị H nói vậy, mọi người cùng đi tìm và phát hiện dấu chân cọp kéo lê con heo ra suối. Mọi người theo xuống suối thì mất dấu. Lúc này, đồng chí T bảo: “Có thể con cọp lúc tha con heo xuống suối, nghe tiếng súng nổ liền thả heo để chạy thoát thân. Các đồng chí hãy xuống suối tìm xem!”. Quả đúng vậy, anh em trong đơn vị vừa mới bước chân xuống suối thì thấy con heo được vất lại bên bờ. Con heo nặng khoảng trên 60 kg. Anh em trong đơn vị vui mừng vì đã đuổi được cọp, giành lại heo, tất cả cùng nhau khiêng heo về làm thịt. Hôm ấy đã 23 Tết, tổ chị nuôi làm giò chả, giò lụa, nấu thịt đông, chuẩn bị cho cả đơn vị ăn Tết trước để phục vụ Chiến dịch Xuân 1968.
Tay không bắt heo:
Sau Chiến dịch Mùa khô năm 1968, bộ phận tuyên tuyền, báo chí, và in ấn thuộc cơ quan Tuyên - Văn - Giáo, Khu kháng chiến K’rông Bông trở về căn cứ đã là 27 Tết. Toàn đơn vị có khoảng trên 30 người mà chỉ còn 10 kg gạo, 1 kg muối. Đồng chí C (Trưởng bộ phận) thấy vậy vô cùng lo lắng: “Biết lấy gì cho anh em ăn Tết và bồi dưỡng sức khỏe chuẩn bị vào trận chiến đấu mới đây?” Nghĩ vậy, đồng chí liền cử 5 anh em có sức khỏe tốt, thạo địa hình rừng núi đi vào rừng kiếm rau và săn thú về cải thiện bữa ăn trong ba ngày Tết. Thế là 5 anh em, do đồng chí Y Thih làm trưởng nhóm vừa ăn sáng xong đã vội vã lên đường. Đoàn đi rừng vượt qua ba cái rẫy, vừa đến một con suối thì thấy cả đàn heo hơn 10 con đang đứng bên suối uống nước. Thấy vậy, đồng chí Y Thih bảo anh em trong đoàn cầm mỗi người một cành cây chạy ào xuống suối đuổi đàn heo. Nghe tiếng động, heo mẹ chạy trước, các chú heo con lúc nhúc chạy theo sau. Chỉ loáng một cái cả đàn heo đã biến mất. Bỗng nhiên anh em trong đoàn nghe tiếng heo con kêu ở phía đầu suối, liền chạy đến xem thì thấy ba chú heo con rơi xuống một cái hố sâu. Thấy vậy, đồng chí Y Thih chặt dây rừng làm thòng lọng thả xuống thắt vào bụng từng con heo rồi kéo lên. Năm anh em chia nhau đi kiếm rau rừng, măng rừng rồi mang heo trở về đơn vị. Về đến nơi, đồng chí C thấy vậy rất vui mừng, nhưng nhìn ba chú heo con đang còn bú sữa mẹ thì không đành giết thịt. Đồng chí liền bảo với Y Thih: “Chú mang ba con heo này vào buôn đồng bào M’nông gần đây đổi gà về ăn Tết, chứ làm heo con cho anh em ăn tết tôi thấy tội lắm. Đơn vị ta còn 1 cân đường, và 1 cân muối, chú mang theo mỗi thứ nửa ký đổi gạo nếp về làm bánh tét cho anh em ăn Tết!”. Nghe thủ trưởng nói vậy, đồng chí Y Thih gật đầu rồi rủ thêm hai người trong đơn vị mang ba con heo, đường, muối đi vào buôn Tâng Juh. Đến chiều tối ba anh em mang về 9 con gà trống choai, 5 kg gạo nếp 10 kg gạo tẻ. Thế là anh em bộ phận tuyên truyền, báo chí, in ấn có một cái Tết vui vẻ, đầm ấm.
 Mất một heo, được cả đàn heo:
Đã đến ngày 25 tết rồi mà vẫn chưa thấy anh chị em đi gùi gạo, thuốc men và hàng Tết trở về. Văn Tâm trong tổ anh nuôi ở bộ phận Dân y, khu căn cứ kháng chiến K’rông Bông vô cùng nóng ruột, cứ đi vào đi ra lo lắng chờ đợi. Văn Tâm liền nói với đồng chí H (Trưởng bộ phận Dân Y): “Nếu các đồng chí đi gùi gạo, thuốc men và hàng Tết không về kịp thì lấy gì cho anh em ăn Tết đây? Hai con heo đang nuôi lớn nhanh như thổi thì cách đây một tháng tự nhiên mất đâu một con, quả là chó cắn áo rách”. Nói xong Văn Tâm ra mấy gốc cây gần công sự nhặt củi. Bỗng nhiên nghe tiếng heo kêu “ịt, ịt…”, Văn Tâm ôm bó củi về bếp thì thấy con heo mẹ dẫn hơn chục chú heo con bụ bẫm chui vào chuồng heo bên cạnh bếp. Văn Tâm vui vẻ lấy củ mì thái nhỏ đổ vào máng cho đàn heo ăn. Cả đàn heo xúm lại ăn ngon lành. Heo mẹ vừa ăn vừa nhìn chủ một cách trìu mến. Đồng chí H vui mừng bước đến nói với Văn Tâm: “Theo kinh nghiệm của đồng bào Êđê, M’nông cho hay, khi heo mẹ được nuôi ở nhà đến ngày đẻ thường vào rừng tìm chỗ sinh con, chờ khi heo con cứng cáp (khoảng sau 1 tháng) thì heo mẹ dẫn con về với chủ. Vì giống heo của đồng bào chính là heo rừng được thuần hóa, nhưng bản năng sinh sản của nó còn mang đặc tính heo rừng.” Nghe đồng chí H nói vậy, Văn Tâm phá lên cười rồi nói: “Thế mà em cứ tưởng con heo mẹ bị cọp vồ, ai ngờ nó đến “trạm xá” để đẻ và dẫn con về với chủ”. Tối hôm ấy, anh chị em đi gùi gạo, thuốc men và hàng Tết từ Phú Yên trở về, thế là chúng tôi có một cái Tết năm 1970 vui vẻ, đầm ấm ở chiến khu K’rông Bông.
Đôi bạn thân tình:
Ở trạm giao liên Khu căn cứ kháng chiến Chư Juh tỉnh Đắk Lắk có Y Bal ÊBan, là người dân tộc Êđê có tài bắt chước chim thú kêu giống y hệt. Một hôm Y Bal được cử đi công tác. Trên đường về, Y Bal dẫn thêm hai cán bộ cùng về, sợ trời tối nên Y Bal dẫn đi tắt đường rừng để về cho kịp đơn vị. Mọi người đi đến một dòng suối cạn thì nghe tiếng heo rừng kêu “ụt ịt, ụt ịt!” thấy vậy, Y Bal bắt chước nhại lại tiếng heo kêu. Một lúc sau có một chú heo con chạy tới vẫy đuôi ra vẻ vui mừng. Sẵn có thức ăn trong ba lô, Y Bal lấy ra một mẩu mỳ luộc bẻ vụn cho chú heo ăn. Heo con ăn một cách ngon lành rồi theo Y Bal và hai cán bộ đi về đơn vị, đến nơi thì trời vừa tối. Anh em trong trạm vui mừng đón tiếp hai cán bộ và Y Bal trở về an toàn. Khi thấy heo con, ai cũng ngạc nhiên. Y Bal kể lại chuyện gặp chú heo bên suối, nhại đúng tiếng heo kêu, nó chạy lại, em cho heo ăn củ mì và nó đi theo về đây. Nghe Y Bal kể vậy, ai cũng cười và khen tài nhại tiếng chim thú của Y Bal. Từ đó chú heo con trở thành người bạn của Y Bal. Hàng ngày Y Bal đi đâu chú heo cũng đi theo. Anh em trong đơn vị gọi đùa là “đôi bạn thân tình”.
Bẫy nhím trúng heo:
Trong những năm chống Mỹ cứu nước, bộ phận báo chí, in ấn của ban Tuyên - Văn - Giáo thuộc khu căn cứ K’rông Bông tuy ít người, và bận rộn công tác, nhưng vẫn tích cực tăng gia sản xuất tự túc lương thực, thực phẩm. Mùa rẫy năm 1972, lúa rẫy rất tốt, đến mùa lúa chín, chim thú kéo về ăn suốt ngày đêm. Để bảo vệ lúa, đơn vị chặt cây rào và làm hình nộm đặt quanh rẫy, đồng thời cử người thay nhau canh rẫy. Hôm ấy đồng chí Y Thih và Y Thiêm được giao nhiệm vụ canh rẫy. Hai anh đã quen làm bẫy thú từ nhỏ nên cùng nhau làm rất nhiều bẫy đặt xung quanh rẫy. Hai anh chỉ làm những cái bẫy nhỏ, chủ yếu là bẫy nhím và thỏ thôi vì thỏ và nhím hay về ăn lúa phá rẫy. Chiều hôm ấy vừa đặt bẫy xong, hai anh em xuống suối tắm. Trong lúc đang tắm, hai anh nghe tiếng heo kêu eng éc ở phía cuối rẫy. Tắm xong, hai anh nhanh chóng chạy đến chỗ có tiếng heo kêu thì thấy một con heo rừng bị mắc bẫy. Y Thih và và Y Thiêm liền lấy dây rừng trói heo lại. Trói xong Y thiêm chạy về đơn vị gọi anh em ra khiêng con heo về làm thịt. Con heo rừng khá lớn nặng khoảng 1 tạ. Năm ấy có lúa rẫy, có heo rừng làm giò chả, nấu giả cầy, nấu thịt đông, anh em trong bộ phận báo chí, in ấn ở khu căn cứ kháng chiến K’rông Bông có một cái Tết vui vẻ.
                                                         
                                                  
Sưu tầm theo lời kể của các anh: Y Tuyên, Minh Kha, Y Thih, Ngọc Lợi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI