Sáng ngày 7
tháng 4 năm 2008 chúng tôi đến Đồn Biên phòng Ya Tmốt. Qua khỏi cổng đồn trước
mắt chúng tôi hiện ra một vườn xoài rộng hơn hai sào, xanh um, cao ngang vai
người, nhiều cành đã chớm đơm bông; bao quanh vườn là con đường rải bê tông rộng
khoảng năm mét dẫn vào nhà chỉ huy. Ra đón đoàn có Đồn trưởng - Thiếu tá Nguyễn
Thế Vĩnh và Chính trị viên – Đại uý Bùi Quang Tuyến. Trong không khí ấm cúng
như những người bạn lâu ngày gặp lại, Thiếu tá Đồn trưởng Nguyễn Thế Vĩnh sau
khi giới thiệu vắn tắt tình hình địa bàn Đồn phụ trách, nói ngắn gọn: Tình hình là như vậy, có gì cần tìm hiểu
thêm các anh trao đổi với anh Tuyến. Chính trị viên – Đại
uý Bùi Quang Tuyến cho chúng tôi biết thêm một số tình hình trong công việc
hàng ngày cán bộ chiến sĩ Đồn thường làm như: chăn nuôi, tăng gia sản xuất cải
thiện đời sống v.v… Nhìn chung các đồn biên phòng dọc biên giới ta với nước bạn
Cam Phu Chia đạt kết quả rất tốt trong công tác tự túc hậu cần tại chỗ, cải thiện
đời sống cho chiến sĩ. Chúng tôi không những được nghe báo cáo của lãnh đạo các
đồn, mà còn được tận mắt thấy những vườn rau xanh tốt trồng như những vườn hoa
xung quanh các doanh trại, tạo cho người ta cảm giác như đang đi trong một công
viên hơn là ở một đồn biên phòng. Dưới bóng mát của các cây điều, cây mít… từng
đàn heo đông đúc lim dim ngủ. Chỉ những cảnh đó thôi cũng đã nói lên tất cả những
thành quả mà cán bộ, chiến sĩ ta ở các đồn biên phòng đã làm được. Như đoán được
tâm trạng của chúng tôi, Đại uý Bùi Quang Tuyến kết luận:
- Nhìn chung
Đồn Ya Tmốt, cũng giống như tất cả các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh Dak Lak
đã làm khá tốt công việc chăn nuôi, tăng gia trồng rau xanh cải thiện đời sống
cho đơn vị. Riêng Đồn chúng tôi có một vài điểm khác so với các Đồn bạn trong
cách vận động quần chúng nhân dân trên địa bàn phụ trách thực hiện nếp sống văn
hoá như: vận động đồng bào dân tộc ít người ăn ở hợp vệ sinh, đưa trâu bò ra khỏi
gầm sàn. Đây là việc làm rất khó. Đồng bào các dân tộc ít người ở phía Bắc di
cư tự do vào đây lập làng và có thói quen đưa trâu, bò, heo, gà… nhốt chung dưới
gầm sàn, người ăn ngủ ngay phía trên. Mùa mưa gầm sàn không những bốc mùi hôi
thối khó chịu mà còn là nơi sinh sôi nảy nở của ruồi, muỗi, kèm theo đó là các
loại bệnh tật. Lãnh đạo Đồn lập các đội công tác đặc biệt kết hợp với Đảng uỷ
và chính quyền địa phương, vận động quần chúng, làm chuồng trâu, bò, gà... ra
xa nhà, đảm bảo vệ sinh và khó khăn nhất có lẽ là vận động nhân dân làm nhà vệ
sinh. Người dân có thói quen cứ đại tiện ra chỗ nào mà mình ưng ý, không cần biết
nó có ảnh hưởng đến môi trường xung quanh như thế nào. Làm thế nào để mọi người
chịu đi đại tiện vào nhà vệ sinh là cả một vấn đề. Có thể nói đây là một cuộc
cách mạng thật sự đối với tập quán của người dân.
Tôi suýt bật
cười khi nghe ông Bùi Quang Tuyến - Chính trị viên Đồn, phải gọi là anh mới phải,
vì còn khá trẻ, tuổi đời chắc chỉ “băm”, nhỏ con, người hơi gầy, có dáng của một
nhà giáo hơn là một Sĩ quan Biên phòng - báo cáo việc vận động quần chúng khó
khăn nhất, cái việc nghĩ như đơn giản và buồn cười: đi vệ sinh... đúng chỗ!
Nhưng ngẫm ra lại có lí và có lẽ đó là việc làm khó khăn thật. Khó khăn ở đây
là vận động bà con phá bỏ một thói quen có từ lâu đời, cái thói quen ấy đã thấm
sâu vào nếp sinh hoạt của mỗi người, và càng khó hơn khi người chiến sĩ Biên phòng
phải nói như thế nào, để người dân hiểu ra, thực hiện được cái việc, cái chuyện…
mà lại không thể nói thẳng cái từ mà mình muốn nói, muốn diễn đạt vì lí do tế
nhị. Tất cả chúng tôi đều bật cười khi nghe đến đây.
- Cái khó ở đây là anh em
hầu hết là người Kinh ngôn ngữ bất đồng, vì thế vừa học nói, vừa vận động quần
chúng và giải thích vấn đề tế nhị đó như thế nào để dân người ta hiểu, người ta
nghe và người ta làm theo đúng ý của mình.
Qua trình
bày của Đại uý Chính trị viên – Bùi Quang Tuyến chúng tôi hình dung ra cách tiếp
cận của các anh bắt đầu từ tầng lớp thanh thiếu nhi, thông qua các đội công tác
cắt tóc miễn phí của các chiến sĩ Biên phòng, kết hợp với các đoàn thể, tổ chức
xã hội địa phương. Những người lính và cũng là những tay “thợ hớt tóc” tài ba đi vào dân, vừa cắt tóc, vừa học tập tiếng của
đồng bào để vận động thực hiện nếp sống văn hoá kết hợp với việc làm cụ thể
giúp dân làm nhà tiêu, hố tiểu xa nhà, cách sử dụng. Từ niềm tin vào “ông thợ – người lính” cắt tóc, các thanh
niên trở thành tuyên truyền viên cùng đội công tác vận động cha mẹ mình làm
theo. Đến nay một trăm phần trăm các gia đình đã đưa gia súc, gia cầm ra xa nhà
và các hộ gia đình đã có nhà cầu.
Nghe đến đây nghệ sĩ nhiếp ảnh
Chính Hữu - thành viên trong đoàn - thích quá liền hỏi:
- Hiện nay các đội cắt tóc miễn
phí của Đồn ta có còn hoạt động nữa không?
- Nhu cầu
cắt tóc là nhu cầu thường xuyên của đồng bào, cắt tóc là biện pháp giúp dân và
thông qua đó chúng tôi còn nắm được hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình để có biện
pháp giúp đỡ cụ thể.
- Hay quá, các anh bố trí cho
chúng tôi đi ngay bây giờ xuống một điểm nào đó có tổ công tác đang cắt tóc cho
nhân dân được không? Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chính Hữu đề nghị.
- Được ạ!
Chiếc U oat của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng rời Đồn Ya Tmốt đưa chúng tôi
đến thôn 14 xã Ia Rwê. Trung tá Trưởng ban Tuyên huấn bộ đội Biên phòng tỉnh
Dak Lak Lê Huy Thành, người được cử đi hướng dẫn đoàn, quay sang nói với tôi:
- Đường hơi xa và khó đi, nhưng đến
nơi các bác sẽ thấy thú vị đấy.
-
Trước đây thủ trưởng Thành làm Đồn phó phụ trách chính trị Đồn Đá Bàn một thời
gian nên nắm địa bàn ở đây rõ lắm - Chính trị viên Bùi Quang Tuyến nói thêm - Địa bàn chúng ta đến
có một phân hiệu thuộc trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Thị Định, phân hiệu này
cách trường chính hơn 20 km, năm cô dạy bảy lớp với hơn 180 em học sinh từ Mầm
non đến lớp 5, tất cả học sinh đều là con
em đồng bào các dân tộc ít người. Trường kết hợp với Đồn làm khá tốt
công tác vận động quần chúng, góp phần đáng kể vào công cuộc xây dựng đời sống văn
hoá tại đây.
Theo chỉ dẫn của của người
dân địa phương, xe chúng tôi đến nhà ông Bàn Văn Phụng, nơi đội công tác đang cắt
tóc cho nhân dân. Thiếu uý – tổ trưởng Trương Văn Hành còn rất trẻ, tuổi đời chắc
chưa quá hăm lăm, đang cùng hai chiến sĩ
“hành nghề” trong vòng vây của hơn chục thanh thiếu niên. Thấy chúng tôi đến mọi
người tỏ vẻ ngạc nhiên. Anh Bùi Quang Tuyến giới thiệu đoàn với mọi người. Nghệ
sĩ nhiếp ảnh Chính Hữu hồ hởi nói: Các bạn
cứ làm việc tự nhiên để mình xin mấy
kiểu hình. Trung tá Lê Huy Thành cũng lấy máy ảnh ra. Bấm lia lịa. Đám đông
học sinh, người dân hiếu kì xúm lại xem.
Tôi và Đại uý Bùi Quang Tuyến
tranh thủ ghé vào nhà ông Bàn Văn Peo, đây là một trong ba gia đình vừa được
anh em Đồn Biên phòng Ya Tmốt giúp đỡ làm nhà trong năm nay. Ngôi nhà ba gian,
mái lợp tôn, xung quanh thưng ván, bờ hè đang được bốn chiến sĩ Biên phòng xây
móng. Mời chúng tôi vào nhà uống nước, và không cần nghe hỏi, ông chủ nhà đã hồ
hởi nói ngay:
- Như anh Tuyến đây đã biết, thôn
14 này toàn người Dao Đỏ ở phía bắc di cư tự do vào, vì nghèo quá nên phải bỏ
quê đi kiếm ăn xa. May, ở lại đây được bộ đội Biên phòng giúp đỡ, dựng nhà, dạy
cách làm ăn nên bớt khổ, con cái được học hành, ai cũng mừng nên tin và nghe
theo bộ đội.
- Thôn mình có đông người
không?
- Cả thôn này có 36 hộ với
216 khẩu, chúng tôi ở cùng một địa phương phía Bắc, cùng rủ nhau vào mà!
Nhìn ánh mắt,
cử chỉ, lời nói của ngươi dân, chúng tôi hiểu được các anh, những người lính
Biên phòng Đồn Ya Tmốt đã mang đến cho người dân nơi đây, vùng đất xa xôi của
miền Biên giới Tây Nam Tổ quốc không những có được cuộc sống bình yên mà còn có
cả sự ấm no, hạnh phúc. Thật bất ngờ đối với chúng tôi khi tận mắt thấy những
người lính Biên phòng vẫn hàng ngày quen với cây súng trên tay vì sự bình yên của
Biên giới Tổ Quốc và giờ đây tại vùng đất Biên cương này lại được thấy cũng bàn
tay cầm súng ấy chuyển qua cầm dao, cầm kéo… sao mà mềm mại điêu luyện đến thế.
Các anh cắt tóc đẹp đến mức không kém gì các ông thợ ở các tiệm lớn trên thành
phố mà tôi từng biết. Tôi tò mò tìm hiểu thêm thì được biết các “ông thợ – người lính ấy” đều được đào tạo tại chỗ. Người biết dạy cho người chưa biết,
trước hết phải thực tập cắt tóc cho đồng đội trong đơn vị, khi “tốt nghiệp” mới được “hạ sơn” hành nghề trên các địa bàn đơn vị
phụ trách. Nhờ những đội cắt tóc miễn phí của các chiến sĩ Biên phòng mà cánh
thanh niên địa phương không còn ai đầu tóc bờm xờm, các em học sinh đến trường
đầu tóc gọn gàng; điều đó đã góp phần quan trọng vào sự phát triển dân trí nơi
đây.
Nhìn những căn nhà dân được xây dựng
theo một quy hoạch khá đẹp mắt, dù nhà sàn truyền thống hay nhà trệt, phía trước
sân là vườn rau xanh được rào dậu cẩn thận, phía dưới những ngôi nhà sàn là nơi
để nông cụ và củi được xếp khá gọn gàng, cách phía sau nhà một quãng là chuồng
trâu, bò, heo, gà, nhà cầu…. Cuộc sống của người dân đã có bước chuyển mình rõ
rệt không những về kinh tế mà còn cả về văn hóa, dân tríù...
Trước khi lên xe trở về, tôi hỏi
thêm Đại uý Chính trị viên Đồn Ya Tmốt, Bùi Quang Tuyến:
Việc tổ chức các Đội công tác xuống
địa bàn cắt tóc miễn phí cho dân là một sáng kiến rất hay, độc đáo, tại sao tôi
chưa thấy có cơ quan nào đề cập đến?
-
Đây là công việc thường ngày của anh em trong đơn vị thôi mà, có thành tích gì
đâu để báo cáo. Nhà Báo có viết xin nêu những anh em trong đội công tác đang lặn
lội với địa bàn, chịu khó, chịu khổ với công việc; đừng nêu tên em đấy nhé.
Chia
tay các anh những người lính bảo vệ biên cương, lòng tôi bồi hồi xúc động như
phải chia tay với người thân trong gia đình trước khi đi công tác xa lâu ngày.
Ngẫm lại, có những thành quả như hôm nay trên địa bàn Đồn Ya Tmốt phụ trách, chắc
chắn là nhờ có sự lãnh đạo sâu sát của Đảng bộ và chính quyền địa phương xã Ia
Rwê, huyện Ea Suôp, tỉnh Dak Lak nói chung và tâm huyết của những cán bộ, chiến
sĩ Đồn Biên phòng Ya Tmốt nói riêng. Vì sự bình yên của Biên giới Tổ Quốc, vì hạnh
phúc của nhân dân, các anh những người chiến sĩ Biên phòng, mang truyền thống
anh Bộ đội Cụ Hồ: đi dân nhớ, ở dân
thương; đã xây dựng được phòng tuyến biên giới vững chắc từ lòng dân. Xin
chúc các anh, những người chiến sĩ Biên phòng luôn luôn hoàn thành suất sắc nhiệm
vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao cho.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI