Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2019

CẢM NHẬN BÀI THƠ TÂY TIẾN CỦA QUANG DŨNG tác giả NGUYỄN PHƯƠNG HÀ - CHƯ YANG SIN SỐ: 321 tháng 5 năm 2019



Thơ kháng chiến chống Pháp có nhiều bài hay, độc đáo và đầy sức hấp dẫn, một trong số đó phải kể đến là bài Tây Tiến của Quang Dũng (Ngữ văn 12, tập I). Bài thơ đã dựng lên một tượng đài bi tráng về người lính trong cuộc kháng chiến chống Pháp với hiện thực chiến đấu đầy gian khổ hy sinh và vẻ đẹp tâm hồn lãng mạn, hào hùng, hào hoa.
1. Hình ảnh không gian chiến trường qua nỗi nhớ
Bài thơ mở đầu bằng một nỗi nhớ, khắc sâu vào lòng người đọc hình ảnh  không gian chiến trường Tây Bắc. Dòng sông Mã gắn liền với kỷ niệm chiến đấu của đoàn quân được gọi tên như điểm mở đầu của nỗi nhớ. Nỗi nhớ làm sống dậy hình tượng và hình tượng làm cho nỗi nhớ như có hình, có khối: “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!/ Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”. “ Nhớ chơi vơi” là một cách dùng từ mới lạ, chúng ta chỉ bắt gặp trong ca dao: “Ra về nhớ bạn chơi vơi/ Nhớ chiếu bạn trải nhớ nơi bạn nằm”. Đó là nỗi nhớ khó hình dung nhưng lại trải rộng, đầy ắp và giàu sức ám ảnh lòng người. Từ láy “chơi vơi” hiệp vần với tiếng “ơi” ở câu đầu tạo ra sức vang vọng, lan tỏa của cảm xúc từ cõi lòng tác giả, dội vào sông núi và đồng vọng trong tâm hồn người đọc.
Cả đoạn thơ đầu, 14 câu đều dành cho kỷ niệm về rừng núi, một vùng bát ngát miền Tây, biên giới Việt - Lào. Trước mắt người đọc hiện lên hình ảnh một không gian chiến trường hiểm trở, khó khăn, hoang sơ và có phần man dại. Những chi tiết của thiên nhiên như “sương”, “ dốc”, “ mây”, “ mưa” đều được tô đậm với ấn tượng mạnh nhất: sương dày đến mức “lấp” cả đoàn quân; dốc thì “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, đã “ngàn thước lên” lại “ngàn thước xuống”; cồn mây thì heo hút và cao đến mức “súng ngửi trời”; mưa đến mức, người chiến sĩ hành quân nhìn bản làng xa xa, thấy những ngôi nhà chìm trong mưa như những con thuyền bồng bềnh giữa biển khơi xa: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Câu thơ với nhịp điệu liên tục của những từ láy vần trắc: “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút” gợi chiều cao tận cùng, đầy khó khăn, hiểm trở của con đường hành quân, đọc lên nghe rợn ngợp cả người:
                                                “Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
                                                 Heo hút cồn mây súng ngửi trời”
Người đọc còn ấn tượng bởi cách thể hiện tô đậm, nhấn mạnh ấy kết hợp với những từ chỉ địa danh xa lạ: Sài Khao, Mường Lát, Mường Hịch, Pha Luông càng gợi lên sự hoang sơ của núi rừng Tây Bắc, thêm vào đó là màu sắc huyền bí của tiếng cọp gầm, thác thét: “Chiều chiều oai linh thác gầm thét/ Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”. Câu thơ với hai vế đối nhau đầy nhịp điệu gợi lên âm vang của rừng thẳm, địa danh “Mường Hịch” đặt đúng chỗ gợi bước chân nặng nề, rình rập của mãnh thú. Tác giả đã sử dụng ngôn ngữ rất độc đáo, những câu thơ gấp khúc, bẻ đôi có giá trị tạo hình sắc sảo: “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”; hình ảnh “súng ngửi trời” miêu tả chiều cao của con đường vừa thể hiện được tính cách lạc quan, hóm hỉnh của người lính.
Trong thiên nhiên hiểm trở, đầy khó khăn ấy, Tây Tiến là một cuộc hành quân nhiều thử thách và hy sinh: “Anh bạn dãi dầu không bước nữa/ Gục lên súng mũ bỏ quên đời!”. Người lính nằm xuống trong tư thế của người chiến sĩ trên con đường hành quân chiến đấu. Ý thơ dẫu buồn mà không bi đát vì đã phản ánh được hiện thực những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ và cách nói “bỏ quên đời” thể hiện được chất ngang tàng, kiêu hùng của người lính Tây Tiến.
Tác giả còn sử dụng thành công phép tương phản: bên cạnh những câu thơ nhiều vần trắc, gân guốc như con đường hành quân hiểm trở là những câu thơ vần bằng với âm điệu nhẹ nhàng và hình ảnh tươi mát: “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”, “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”, “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”. Kết cấu tương phản đó đã làm cho bức tranh Tây Tiến dù khó khăn hiểm trở mà vẫn hùng vĩ nên thơ và đằm thắm tình người. “Một miền Tây nhòe mờ của tranh lụa cũng là một miền Tây góc cạnh, gân guốc của điêu khắc” (Chu Văn Sơn).
2. Vẻ đẹp tâm hồn lãng mạn, hào hoa của người lính.
Kỳ lạ thay, giữa không gian chiến trường khốc liệt ấy, chúng ta vẫn bắt gặp tâm hồn lãng mạn, yêu đời của những người lính trong cảm xúc thăng hoa của nhà thơ. Người lính Tây Tiến phần lớn xuất thân là những học sinh, sinh viên Hà thành nên họ mang tâm hồn lạc quan, chất trẻ trung và lãng mạn cũng là điều dễ hiểu. Bốn câu đầu đoạn hai là hình ảnh một đêm sinh hoạt văn nghệ lửa trại trên những chặng đường hành quân chiến đấu nhưng qua tâm hồn lãng mạn của người lính, nó đã trở thành đêm “hội đuốc hoa”. Ánh sáng bỗng “bừng lên” từ những ngọn đuốc làm cho cảnh vật, con người tỏa sáng, lung linh, huyền ảo.Tiếng gọi “kìa em” gợi tiếng reo vui, ngỡ ngàng của người lính khi phát hiện vẻ đẹp bất ngờ: “Kìa em xiêm áo tự bao giờ”. Đó là hình ảnh những cô gái Tây Bắc trong những bộ trang phục truyền thống, dáng điệu “e ấp” của những bông hoa rừng đang múa hát trong tiếng nhạc, tiếng khèn “man điệu”. Tất cả hòa trong màu sắc và âm thanh của đêm hội, hòa trong nét nhạc chơi vơi của một câu thơ có đến sáu thanh bằng liền nhau: “Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”.
Bốn câu tiếp theo, tác giả chuyển đột ngột sang một cảnh sông nước Tây Bắc khó khăn mà đầy chất thơ:
                                           “Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
                                              Có thấy hồn lau nẻo bên bờ
                                              Có nhớ dáng người trên độc mộc
                                              Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
Nhịp thơ chùng xuống, lắng sâu vào kỷ niệm. Từ “ấy” hiệp vần với từ “thấy”, từ “bờ” hiệp vần với từ “nhớ” tạo nên những vần lưng như những nốt nhấn giữa câu thơ, kết hợp với hiện tượng điệp cú pháp tạo ra chất nhạc phong phú. Câu thơ với những lời tự vấn: “có thấy”, “có nhớ” như một điệp khúc gắn với những hình ảnh Tây Bắc: chiều sương trên cao nguyên Châu Mộc, “hồn lau”, “nẻo bến bờ”, “dáng người trên độc mộc”, “dòng nước lũ”, “hoa đong đưa”. Đó là những nét chấm phá đầy gợi cảm, cảnh vật, con người như được bao phủ trong màn sương huyền ảo của nỗi nhớ, da diết trong cái hồn của ngàn lau. Âm điệu của đoạn thơ trầm bổng, lâng lâng như ru hồn người vào cõi mộng. Chất thơ, chất nhạc, chất họa toát ra từ những vần thơ giản dị mà đầy sáng tạo của Quang Dũng.
3. Chân dung đoàn binh Tây Tiến:
Trở lên đã nói đến vẻ đẹp tâm hồn lãng mạn của người lính chiến đấu trên một chiến trường hiểm trở, đầy khó khăn thử thách nhưng hình ảnh người lính Tây Tiến thể hiện tập trung ở đoạn thư thứ ba:                                                                           “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
                                                Quân xanh màu lá dữ oai hùm”
Có nhiều cách hiểu khác nhau về hình ảnh “đoàn binh không mọc tóc” và “quân xanh màu lá”. Đó là hình ảnh người lính thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp nhiều khó khăn, thiếu thốn, bệnh tật. Những cơn sốt rét rừng làm họ rụng hết tóc và da xanh như màu lá. Đó cũng là hình ảnh kỳ lạ, độc đáo mang màu sắc lãng mạn theo kiểu “khách chinh phu”, “người tráng sĩ” ngày xưa. Theo tôi, cách hiểu thứ hai này hợp lý hơn vì thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp, các nhà thơ thường dùng bút pháp lãng mạn, ảnh hưởng của Thơ mới (1932 – 1945), bài thơ này cũng không ngoại lệ. Nhưng dù hiểu theo cách nào thì hình ảnh anh bộ đội ở đây cũng gợi lên hình tượng độc đáo, mới mẻ, lạ lẫm, hấp dẫn mà vẫn chân thực. Hai câu thơ tiếp theo trước đây đã từng bị phê phán là “buồn rớt”, “mộng rớt” tiểu tư sản nhưng đọc kỹ lại, ta thấy nó đã thể hiện đậm nét sự hài hòa giữa chí lớn và tình riêng của người chiến sĩ:
                                               “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
                                                 Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.
Chí lớn của người chiến sĩ thể hiện ở đôi mắt quyết tử nhìn ra chiến trường với “mộng” giết giặc lập công, tình riêng e ấp trong giấc mơ lãng mạn: mơ về Hà Nội quê hương với dáng đẹp thiếu nữ. Đọc câu thơ này tôi chợt nhớ đến câu thơ trong bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi: “Những đêm dài hành quân nung nấu/ Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”. Quả thật, thơ kháng chiến chống Pháp đã có những câu thơ lung linh vẻ đẹp lãng mạn, tài hoa.
Quang Dũng là người viết sớm và viết đậm về những gian khổ hy sinh của người lính:
                                               “Rải rác biên cương mồ viễn xứ
                                                 Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
                                                 Áo bào thay chiếu anh về đất
                                                 Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Câu thơ đầu thật buồn vì cả bảy tiếng đều chứa đựng lượng thông tin lớn về sự mất mát, hy sinh: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ”. Trước mắt người đọc hiện lên hình ảnh đau thương của biết bao nấm mồ tử sĩ rải rác cả một vùng biên cương xa xôi của Tổ quốc. Nhưng những hình ảnh đau thương đó đã được nhà thơ nâng đỡ bằng đôi cánh lý tưởng và cảm hứng lãng mạn: “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Câu thơ đã nâng lên thành âm điệu bi tráng vì tác giả đã làm nổi bật động cơ chiến đấu tự nguyện quên mình của người chiến sĩ. Từ “áo bào” lấy từ văn học cổ (chiến bào) nhưng được dùng rất sáng tạo, vừa phản ánh được hiện thực khó khăn thiếu thốn vừa tạo được vẻ đẹp trang nghiêm, cổ kính, hào hùng của người tráng sĩ giữa sa trường. Cụm từ “về đất” là lối nói giảm, thể hiện thái độ nhẹ nhõm, ngạo nghễ của người lính khi đi vào cái chết.
Khổ thơ này thật giàu âm điệu, đọc lên nghe trầm hùng vang vọng đầy cảm xúc nhưng rất khó diễn tả và lý giải. Tác giả đã dùng nhiều từ Hán - Việt: “biên cương”, “viễn xứ”, “độc hành” để tạo nên âm điệu trang nghiêm, thành kính. Chữ “gầm” trong câu thơ kết hợp với những từ Hán - Việt ấy tạo nên âm hưởng bi hùng cho khúc chiêu hồn tử sĩ. Trước mắt người đọc hiện lên hình ảnh đau thương, oanh liệt, hào hùng: người chiến sĩ chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc, anh ngã xuống trong lòng đất mẹ, đất mẹ dang tay đón anh và sông núi tấu lên khúc nhạc trầm hùng để tiễn đưa anh: “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.
Hai câu thơ cuối nếu kết hợp với hai câu đầu bài thơ sẽ tạo thành một kết cấu tương ứng như một bài tứ tuyệt, một lần nữa khẳng định và khắc sâu tình cảm gắn bó máu thịt với kỷ niệm Tây Tiến:
                                               “Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
                                                 Hồn về Sầm Nưa chẳng về xuôi”
4. Vài nét về nghệ thuật đặc sắc
Quang Dũng đã vận dụng thể thơ rất phù hợp với nội dung hiện thực và cảm hứng được thể hiện, đó là thơ bảy chữ thể hành của thơ Cổ phong, một thể thơ có từ trước thơ Đường với đặc điểm là rất tự do, phóng khoáng về vần điệu, nhờ vậy bài thơ có nhịp điệu lên bổng xuống trầm với những câu thơ nhiều vần trắc và những câu thơ nhiều vần bằng. Nếu bút pháp hiện thực thường tập trung tô đậm cái chung, cái đồng nhất, cái giống nhau thì bút pháp lãng mạn thường tô đậm cái độc đáo, khác biệt, phi thường, ở đây, bút pháp lãng mạn thể hiện rõ nét ở việc tô đậm những ấn tượng độc đáo của thiên nhiên, tô đậm hình ảnh đoàn quân cũng như tâm hồn lãng mạn, hào hoa của người lính và sử dụng thủ pháp tương phản. Âm hưởng bi tráng bao trùm cả bài thơ kết hợp được cảm xúc đau thương và hào hùng. Ngôn ngữ thơ đầy sáng tạo, giàu sức gợi hình, gợi cảm và giàu nhịp điệu.
Tóm lại, Tây Tiến là một thành công xuất sắc của Quang Dũng và của thơ ca kháng chiến chống Pháp 1946 - 1954. Bài thơ đã làm nổi bật hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ đầu kháng chiến với hiện thực chiến đấu đầy gian khổ hy sinh và vẻ đẹp tâm hồn lãng mạn, hào hùng, hào hoa. Tây Tiến xứng đáng là một đài kỷ niệm bằng thơ về con người Việt Nam trong một thời kỳ đầy gian lao mà anh dũng.

Logo giới thiêu, PB, NC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI