Bốn giờ sáng mỗi ngày, bà
đẩy chiếc xe đã được chất đầy than đỏ, chén bát và đầy đủ vật dụng từ trong con
hẻm bước ra, như thường lệ, tới khúc cua, thay vì đẩy xe đi về mép bên phải thì
bà cố gắng dịch xe ra giữa đường một chút, để bàn chân bà đạp lên đầu của một
xác con rắn đã chết khô nằm dính xuống lòng đường từ bao giờ. Việc đạp được lên
đầu con rắn mỗi sáng, nó khiến bà thấy vui vẻ, an tâm, thấy mình như được cởi
bỏ hết những vận xui xẻo trong ngày mà suốt mấy chục năm qua ngày nào cũng đeo
đẳng bà. Tự dưng bà bật cười nhớ đến một câu trong Kinh Thánh “dòng dõi ngươi,
người nữ sẽ đạp lên đầu con rắn”… Phải rồi, bà trả thù cho sự thống khổ của
loài người. Tất cả nỗi thống khổ ấy, bắt đầu chỉ vì một con rắn.
Những chiếc bàn được xích
lại ở gốc cây ngay đầu hẻm, bà dừng xe rồi tháo những chiếc bàn ấy ra, nồi cháo
bắt đầu sôi trong xe đã đỏ than sẵn, bà dọn dẹp quét tước trong lúc chờ cháo
chín, ớt, mắm, tương, đũa muỗng xếp sẵn trên từng bàn. Một lát nữa thôi, bọn
học trò lại chíu cha chíu chít, hối gấp vội vàng để bà múc chúng ăn kịp giờ đi
học. Tầm hơn tám giờ thì nồi cháo cạn veo, bà bắt đầu dọn dẹp quét tước và sắp
xếp mọi thứ lên chiếc xe đẩy ngược về nhà sâu bên trong con hẻm nhỏ. Nơi xác
con rắn vẫn khô khốc nằm in, dính chặt dưới lòng đường do xe liên tục cán qua
cán lại đến mỏng như tờ giấy.
Một ngày trời u ám rồi đổ
mưa, xác con rắn bị ngâm nước mưa, bỗng nở ra rồi bong lên bèo nhèo. Xe cháo
của bà vẫn đẩy ra khỏi con hẻm vào bốn giờ sáng, nước bắn tung tóe, bà cố gắng
đi chậm lại, để tìm con rắn khô, để tìm xem đầu nó ở phía nào mà đạp lên “lấy
hên” cho cả ngày, nhưng tìm không thấy nó nữa, nó bị xe chạy qua lại đẩy dạt về
phía nào mất rồi. Bà đẩy xe cháo ra khỏi hẻm với những bất an không kể xiết.
Sáng đó, trong cơn mưa
lâm râm không biết khi nào dứt, kiểu mưa đặc trưng của xứ này, bà nhìn thấy
chiếc xe tải đổ ngay đầu hẻm, gần xe cháo của bà đang bán. Bà thở hắt ra, đúng
là điềm chẳng lành, bà đổ thừa cho việc sớm nay bà không đạp được lên đầu của
xác con rắn.
Người đàn ông từ xe tải
bước xuống, xách cái ba lô mòn cũ bước đến ngồi vào chiếc bàn cuối cùng. Ông ăn
cháo bà mang đến, uống nước, xỉa răng rất lâu, lát ông bảo bà đi mua thuốc lá,
mua kẹo ching-gum, mua cà phê và nhiều thứ khác. Cứ mỗi lần ông nói thì bà đứng dậy tất tả đi, bỏ xe
cháo và khách đang ngồi ăn ở đó.
Khi nồi cháo đã hết,
khách cũng ăn xong, bà dọn hết bàn ghế chén đũa, khi dọn đến chiếc bàn cuối
cùng nơi ông ngồi, ông mới chịu dụi điếu thuốc rồi uể oải đứng lên. Bà nặng
nhọc đẩy chiếc xe đi trước, ông cầm cái túi đi sau, vừa đi vừa làu bàu: “Tao
nói rồi, làm cái gì thì làm cho đáng, bán buôn mấy đồng, cực bỏ mẹ!”. Bà chẳng
trả lời, tiếp tục đẩy xe đi, trời vẫn lâm râm mưa. Bà quay ngược xuôi tìm xem
xác con rắn khô ở đâu, để mà kéo nó về vị trí cũ, để bà lại tiếp tục đạp chân
lên đầu nó mà đi. Nhưng mặt đường nhễu nhão nước, bà chẳng còn nhìn thấy nó đâu
nữa. Đàng sau lưng tiếng làu bàu vẫn chưa dứt “Mày cả đời chả làm được cái gì
ra hồn, làm công việc gì cũng ba cọc ba đồng, con thì đẻ năm đứa đã mất ba đứa
không bình thường, rốt cuộc, tao sống với mày là vì điều gì?”. Không có tiếng
trả lời của bà, có thể bà bận nghĩ về chuyện xác con rắn đang nằm đâu đó, nghĩ
đến việc phải tìm nó vào lúc nào, hoặc có thể, bà đã nghe quá nhiều, nghe đến
nhàm chán mà không còn muốn đôi co hay trả lời nữa. Mà vợ chồng, tới lúc một
bên nói, một bên chẳng còn thèm đếm xỉa gì, thì cuộc sống quả là đã bước dần
xuống những tầng sâu địa ngục mất rồi.
Xác con rắn như “thần
linh” cứu cánh mọi chuyện của bà, nó gần như là niềm tin rằng, chỉ ngày nào
thức đậy, bà đạp được lên đầu nó, thì đó mới là một ngày bình yên. Nên khi vừa
đẩy xe về đến nhà thì bà tất tả đi ngược ra con hẻm, đầu chỉ có nón lá, mưa vẫn
thấm ướt xuống vai, “Quái lạ, mới đây thôi mà nó đã đi đâu được, hay có chiếc
xe nào cuốn đi ra khỏi đây rồi?”. Bà cầm một cái cây nhặt được bên đường, vạch
từng đám cỏ dại để tìm, người quen đi qua hỏi bà tìm gì, bà ngượng nghịu, ừa,
tui đánh rơi đồ. Không biết phải nói sao khi sự thật là tìm xác một con rắn
chết khô, chắc rồi nguyên con hẻm này lại nói bà mắc chứng thần kinh nào đó mất
thôi. Tới giờ cơm trưa mà vẫn chưa tìm thấy, bà đành bất lực quay về.
Tới cửa nhà thì nghe
tiếng chén vỡ, cùng tiếng chửi rủa “Tao đi lâu lâu mới về, nó định cho tao nhịn
đói hay sao mà giờ này còn chưa nấu cơm, mẹ nó, vầy đi luôn chứ về làm gì?”. Bà
đi thẳng vào bếp, lấy nồi, vo gạo, tiếng chửi vẫn còn ồn ào bên ngoài. Trong
phòng, ba đứa con “không bình thường” của bà, chúng chốt cửa và im thin thít.
Ông đi làm xa nhà, một
tháng về vài ngày, nhưng với bà và lũ trẻ, đó là những ngày sóng gió. Ngày còn
trẻ, bà từng ước rằng phải chi ông đừng về nữa, thậm chí có lần độc ác hơn, bà
ước rằng một ngày mưa u ám nào đó, người ta gọi cho bà, thông báo rằng chiếc xe
mà ông chạy, đã lật xuống đoạn đèo nào đó và ông vĩnh viễn không tỉnh lại. Rồi
thấy mình quá độc ác trong suy nghĩ, bà tĩnh tâm, nghĩ rằng thôi, giải pháp tốt
nhất chỉ là im lặng và đừng để những lời ông nói, những hành động ông làm ảnh
hưởng đến bà. Bây giờ, cái làm bà bất an chỉ là xác con rắn đang ở đâu rồi?
Nồi cơm đang sôi thì bà
lại lên cơn đau đầu, bà choáng váng, lần mò đến đầu giường để tìm vỉ thuốc
panadol, vỉ còn sót lại hai viên cuối cùng. Dự định chiều nay sẽ phải chạy
nhanh ra hiệu thuốc, mua thêm vài vỉ để dành lên cơn đau lúc nửa đêm. Dạo này,
những cơn đau mỗi lúc một xuất hiện dày hơn, ông nói đúng, bán cháo buổi sáng
tiền ba cọc ba đồng, tiền đâu mà đi bác sĩ, thôi cứ tự làm bác sĩ cho mình vậy.
Hai vỉ thuốc cũng mất cả một nửa ngày bán chứ có ít đâu.
Ông về càu nhàu hai ngày,
đập mất mấy cái chén, lấy đi một mớ tiền còm cõi bà dành dụm được, kể cả tiền
để mua thêm hai vỉ thuốc panadol cho bà, ông leo lên xe tải đi mất rớt lại
những tiếng làu bàu quen thuộc “nhà gì mắc chán!”.
Ba đứa con nhỏ, đứa mười
tám tuổi, đứa mười sáu, đứa út lên mười, tất cả chúng đều mắc một chứng bệnh
nào đó về thần kinh, mà từ khi sinh ra bà không có cơ hội nào đưa chúng đi chữa
trị. Thỉnh thoảng chúng lên cơn la hét cào cấu nửa đêm, thỉnh thoảng chúng dùng
vật nhọn đâm vào cơ thể be bét máu rồi nó ngồi cười, còn bà thì khóc. Từng có
một lần, vì quá túng quẫn, bà mua gói thuốc chuột, rồi nấu một nồi cháo thiệt
thơm, thiệt ngon. Dự định tất cả bốn mẹ con sẽ rời bỏ cuộc đời này cùng nhau,
rời bỏ nơi oan nghiệt này cùng nhau. Nhưng rồi chùn tay mà làm không được, gói
thuốc chuột bà ném trong thùng rác ở tuốt con hẻm trên. Rốt cuộc, thì bà có mặt
ở cuộc đời này để trả nợ cho điều gì, cho ai và phải trả bao lâu?
Xác con rắn không còn
nữa, bà liên tục sống trong những ngày bất an cùng cực, thậm chí cả những đêm
đang ngủ, phải giật mình thức giấc vì gặp ác mộng, cơn ác mộng thấy rắn độc
cắn. Những cơn đau đầu dày lên từng ngày, trước một tuần đau một lần, gần đây
mỗi ngày có thể đau đến hai lần. Có những ngày cơn đau ngay tầm bốn giờ sáng,
khiến bà không thể dậy để đẩy xe cháo ra bán, kết quả nguyên ngày hôm đó bà
phải đẩy đi bán dạo và mời mọc từng người, mong lấy lại chút vốn đi chợ ngày
mai bán. Phần còn lại, lũ nhỏ trong nhà ăn cháo thay cơm.
Thỉnh thoảng bà mở tivi
để xem cùng ba đứa trẻ nuôi hoài hổng lớn của mình, thấy những câu kiểu như
“chúng ta hãy hạnh phúc và bằng lòng với những gì chúng ta đang có”. Trước đây,
bà từng cám ơn cuộc đời đã cho bà khỏe mạnh để nuôi ba đứa con tật nguyền, hai
đứa lớn lành lặn thì đã có cuộc sống riêng rồi. Nhưng từ ngày những cơn đau đầu
đến liên tục, thì bà không còn cám ơn cuộc đời nữa, không cảm thấy bằng lòng
nữa, mà bà oán trách, có lúc căm hận thượng đế đã ban cho bà quá nhiều bất
công, ban cho bà quá nhiều cay đắng, nhưng càng oán trách bao nhiêu thì cuộc
đời bà lại càng chìm vào tăm tối bấy nhiêu. Bằng lòng thế nào được khi rơi vào
hoàn cảnh ấy, không một nghề nghiệp ổn định, chồng không phụ nuôi con mà mang
về toàn những lời mắng chửi, con thì sinh năm đứa, đã hết ba đứa tật nguyền.
Cuộc đời ấy, liệu có ai có thể bằng lòng? Thậm chí bà rất sợ mình nằm xuống,
nếu không có bà, thì ba đứa trẻ tật nguyền ấy biết phải làm sao?
Vào một đêm mưa gió, đứa
con lên mười của bà sau khi lên cơn động kinh thì chìm vào hôn mê sâu, nó giã
biệt cuộc đời vài ngày sau đó. Bà ôm đứa con gái bé bỏng của mình trong tay,
lần đầu sau bao nhiêu năm oán trách Thượng Đế, bà thầm cám ơn Người, cám ơn vì
đã mang đau khổ của con bé đi, cám ơn vì đã giải thoát cho cuộc đời nó, bà cầu
nguyện rằng, hãy cho nó một kiếp sau có nhiều niềm vui hơn, làm cây cỏ cũng
được, làm mây trời cũng được, nhưng nếu phải làm con người, thì phải là một
người hạnh phúc.
Đám tang con, chiếc xe
tải về đậu ngay đầu hẻm, dùng chở quan tài của con bé ra nghĩa trang, đó là
ngày duy nhất trong cuộc đời bà, bà không nghe tiếng ông làu bàu, mà ông đốt
rất nhiều thuốc, ông hút đến đen cả đầu ngón tay trong suốt ngày hôm đó. Khi
đám tang con xong rồi, ông ngồi bần thần bên hiên nhà, hỏi bà “tui không đi
nữa, tui ở nhà luôn, được không?”. Giọng của ông như giọng của ai đó khác,
không phải của chồng bà, không phải của người đàn ông ăn to nói lớn như suốt
mấy chục năm bên cạnh bà. Bà không rõ ngay giây phút đó tâm trạng của bà là gì,
muốn hay không, muốn hay không? Đầu bà lại lên cơn đau, ông lật đật nói: “Bà
ngồi đó đi, tui lấy thuốc cho!”, bỗng nhiên cơn đau dịu lại bao phần, bà chỉ biết
sửng sốt nhìn người đàn ông khác đang ở trong chính ngôi nhà của bà. Ông bưng
nước và đem thuốc cho bà “Dạo này tui thấy bà hay đau quá, tui đi hoài, lỡ có
gì hai đứa nhỏ còn lại biết làm sao, tui ở nhà, phụ bà bán cháo, ngày nào bà bịnh,
tui bán!”. Bỗng nhiên bà rớt nước mắt. Bao nhiêu năm rồi, phải chi những câu
nói này ông nói sớm hơn, thì có lẽ cuộc đời của bà sẽ không phải oán trách Thượng
Đế làm gì?
Đêm ấy, sau khi uống hai
viên panadol đầu tiên trong đời do chồng đưa cho, bà đã ngủ rất ngon, và rất
say. Trong giấc mơ ấy, có ai đó mang xác con rắn trả về cho bà, đặt nó ngay
giữa đường đi của con hẻm. Sáng hôm sau và cả những hôm sau nữa, bà vẫn không
tỉnh lại. Bác sĩ nói, khối u ở não đã chèn gần hết những dây thần kinh rồi,
không còn khả năng chữa trị nữa. Bà đã ngủ như thế suốt mười lăm ngày rồi mất.
Ngày đưa tang bà, xác con rắn nằm giữa con hẻm, nhưng không còn phần đầu, chỉ
là phần da của mình trầy trụa nham nhở sau mấy trận mưa.
Xe cháo lại tiếp tục được
đẩy ra đầu hẻm vào bốn giờ sáng, nhưng xác con rắn nằm đó thì không còn ai quan
tâm mà tìm đầu nó để đạp lên nữa, mà cũng có thể, nó đã theo người đã khuất bay
về phương trời nào đó rồi. Khi người ta sống mà không có bình an hoặc phụ thuộc
vào một điều gì ngoài tầm tay mình, tự khắc sẽ ung dung bước đi mà không lo
nghĩ.
Tiền phúng điếu của đứa
con gái út và của bà được dùng để đưa hai đứa lớn hơn đi bác sĩ, dẫu là bệnh
không thể chữa lành trong ngày một ngày hai, thì ít ra, nửa đêm hai đứa lên cơn
động kinh, cũng có thuốc mà cho nó ngủ, chỉ cần ngủ thì tụi nó sẽ không còn cơ
hội làm đau cơ thể mình. Rồi trong những đêm ông thức để cho tụi nhỏ uống
thuốc, ông bỗng bật khóc, khi nghĩ về những năm tháng phong lưu của ông cùng
chiếc xe tải chạy khắp Nam Bắc, chỉ để thỏa mãn cái gọi là làm việc mình thích,
mà không biết rằng, người đàn bà có với ông năm mặt con, đã chống chọi với khó
khăn nào từng đêm.
Chín giờ sáng, khi ông
đẩy xe cháo đã bán hết về nhà, hai đứa nhỏ ríu rít nhảy ra mừng, ổng phủi quần
áo ngồi lên thềm nhà, ôm hai đứa vào lòng, rơi nước mắt “Bà ơi, tui không còn
bà, cũng như rắn mất đầu mà thôi!”.
Tháng 7. 2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI