Thế giới
nhân vật của Nam Cao không hiếm những nhân hình xấu xí, dị dạng méo mó nhưng tâm hồn
họ lại trong sáng vô ngần. Họ là những mảnh vỡ bé mọn đáng thương của cuộc đời
bị đẩy vào những cảnh huống éo le ngang trái. Trong ngần ấy những con người xấu
xí ấy của thế giới nghệ thuật của Nam Cao thì thị Nở lại nổi bật hơn cả. Bởi có
thể xem đây là một nhân hình xấu xí bậc nhất trong các tác phẩm của Nam Cao nói
riêng cũng như trong văn học Việt Nam hiện đại Việt Nam nói chung.
Nếu so với Chí Phèo thì lai lịch
của thị Nở có phần rõ ràng hơn nhưng cũng chỉ là những nét nhòe mờ. Thị Nở sống
với bà cô già không có chồng, nghề nghiệp của thị cũng không ổn định "sống
bằng những nghề lặt vặt ở làng". Chính vì thế mà thị Nở cũng góp mặt mình
vào đám người cùng đinh trong làng Vũ Đại "thị lại rất nghèo". Không
chỉ dừng lại ở cái nghèo, thân thế thị Nở được nhà văn bồi thêm "Và thị
lại là dòng giống của một nhà có mả hủi: cái này khiến không một chàng trai nào
phải phân vân. Người ta tránh thị như tránh một con vật rất tởm". Chính
những điều đó khiến cho thị Nở "Ngoài ba mươi tuổi, thị vẫn chưa có
chồng". Phải chăng chính cái vỏ bọc ấy mà chỉ duy nhất ở làng Vũ
Đại thị tỏ ra không sợ hãi Chí Phèo, cái con quỷ dữ của làng Vũ Đại "Có lẽ
chính vì thế mà thị Nở không sợ cái thằng mà cả làng sợ" bởi như
thị nghĩ "Người ta không ai sợ kẻ
khác phạm đến cái xấu, cái nghèo, cái ngẩn ngơ của mình, mà thị lại chỉ có ba
cái ấy"? Chí Phèo sống cô độc giữa làng Vũ Đại trong sự ghê sợ xa lánh của
tất cả mọi người, trong những thành kiến nặng nề của xã hội. Chí tức tối
đau khổ không ai biết, Chí chửi bới kêu làng chẳng ai nghe, chỉ có thị Nở là
người duy nhất tiếp xúc được với Chí và hiểu được Chí phần nào. Chính thị Nở là
người duy nhất phát hiện ra rằng có lúc Chí cũng "hiền như đất ấy",
rằng tính Chí cũng rộng rãi, dễ dãi. Chả thế mà có lần thị Nở xin rượu để bóp
chân Chí bảo: "ở xó nhà ấy muốn rót bao nhiêu thì rót". Chính thị
Nở cũng đã có lần tự hỏi: "sao người ta chê hắn thế?"
1. Thị Nở, tình người trong lốt “con vật người"
Nam Cao mô tả thị Nở trong cái
nhìn định kiến của dân làng Vũ Đại, cái xã hội nông thôn thu nhỏ. Cái xã hội ấy
đã định kiến với cái ác đã đành đằng này cái xã hội ấy còn tuyệt giao với những
mảnh đời bất hạnh vì cái xấu. Nam Cao mô tả "dung nhan" của thị Nở
"Một người ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích và xấu ma chê quỷ
hờn. Cái mặt của thị đích thực là một sự mỉa mai của hóa công: nó ngắn đến nỗi
người ta có thể tưởng bề ngang lớn hơn bề dài, thế mà hai má nó lại hóp vào mới
thật là tai hại, nếu má nó phinh phính thì mặt thị lại còn được hao hao như mặt
lợn, là thứ mặt vốn nhiều hơn người ta tưởng, trên cổ người. Cái mũi thì vừa
ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành, bành bạnh muốn chen lẫn nhau
với những cái môi cũng cố to cho không thua cái mũi: có lẽ vì cố quá cho nên
chúng nứt nở như rạn ra. Đã thế thị lại ăn trầu thuốc, hai môi dày được bồi cho
dày thêm, cũng may quết trầu sánh lại, che được cái màu thịt trâu xám ngoách.
Đã thế những cái răng rất to lại chìa ra: ý hẳn chúng nghĩ sự cân đối chữa được
một vài phần cho sự xấu.”
Với chân dung thị Nở được đặc tả
như trên, việc tiếp cận nhân vật này diễn ra theo hai hướng. Nhiều người đã quy
kết Nam Cao là "tự nhiên chủ nghĩa", là mạt sát con người và cả quyết
đây là điểm yếu của tác phẩm. Bên cạnh đó lại có một số ý kiến "chiêu
tuyết" cho nhà văn khi cho rằng việc miêu tả thị Nở như thế không ngoài
mục đích tạo nên "đôi lứa xứng đôi" góp phần gia tăng giá trị hiện
thực của tác phẩm. Có lẽ vì thế tuy không là một nhân vật chính nhưng thị Nở đã
từ trang văn Nam Cao đi vào đời sống, vào ngôn ngữ. Nhiều nhà nghiên cứu cố
công tìm kiếm dấu ấn của văn chương phương Tây trong việc khắc họa hình tượng
nhân vật thị Nở. Điều đó cho thấy sức hút của nhân vật. Chúng tôi muốn trình bày
thêm cách hiểu của mình về nhân vật thị Nở ngõ hầu bổ sung thêm một vài điều.
Có thể nói để tạo tác nên chân
dung xấu xí "vô tiền khoáng hậu" của thị Nở, Nam Cao đã gom nhặt chất
liệu từ chính kho tàng ca dao hài hước. Chắc hẳn không ai không nhớ bài ca dao
nổi tiếng: Cô gái Sơn Tây, yếm thủng tày giần …
Hay bài ca dao
Lỗ mũi mười tám
gánh lông
Chồng yêu chồng
bảo: “tơ hồng trời cho”
Đêm nằm thì
ngáy o o
Chồng yêu chồng
bảo: “ngáy cho vui nhà”
Đi chợ thì hay
ăn quà
Chồng yêu chồng
bảo: “về nhà đỡ cơm”
Trên đầu những
rác cùng rơm
Chồng yêu chồng
bảo: “hoa thơm rắc đầu”
Chúng tôi đặc biệt chú ý đến bài
ca dao thứ hai bởi có nhiều điểm tương đồng với nhân vật thị Nở và Chí Phèo.
Khi con người ta yêu chân thật thì tất cả những khuyết điểm của người mình yêu
đều trở nên "duyên". Chính Chí Phèo đã thừa nhận điều ấy khi đang
trong trạng thái "say" thị Nở:
Thị Nở thì chỉ nhìn trộm hắn rồi
lại toe toét cười. Trông thị thế mà có duyên. Tình yêu làm cho có duyên. Hắn
thấy vừa vui vừa buồn. Và một cái gì nữa giống như là ăn năn. Cũng có thể như
thế lắm.
[…]
Hắn thấy tự nhiên nhẹ người. Hắn
bảo thị:
( Giá cứ thế này mãi thì
thích nhỉ?
Thị không đáp, nhưng cái mũi đỏ
của thị như càng banh ra. Hắn thấy thế cũng không có gì là xấu. Bằng một cái
giọng nói và một vẻ mặt rất phong tình theo ý hắn, hắn bảo thị:
– Hay là mình sang đây ở với tớ
một nhà cho vui.
Thị lườm hắn. Một người thật xấu
khi yêu cũng lườm. Hắn thích chí, khanh khách cười. Lúc tỉnh táo, hắn cười nghe
thật hiền. Thị Nở lấy làm bằng lòng lắm. Bây giờ thì mấy bát cháo ý chừng đã
ngấm. Hắn thấy lòng rất vui.
Tuy không mô tả trực tiếp
nhưng ta có thể hình dung ra những con
người của làng Vũ Đại ấy luôn có một cái nhìn ác cảm. Họ không chấp nhận một
con người xấu xa như thị Nở sống trong xã hội của mình "người ta tránh thị
như một con vật rất tởm". Điệp ngữ "Đã thế…" lặp đi lặp lại
như điệp khúc tàn nhẫn quăng vào phận đời bất hạnh thị Nở. Những con người
ở làng Vũ Đại là hình ảnh của lối mòn lưu cữu, của tệ định kiến và thành kiến
xã hội đã tồn tại dai dẳng mấy nghìn năm.
Thị Nở xấu, nghèo lại dở hơi, lại
là con nhà có mả hủi! Tất cả những thứ ấy đã biến thị Nở thành một thứ phế
thải, vô giá trị. Nhưng ở cái con người vô giá trị ấy có một thứ tài sản vô
giá: Tình người. Tình người của thị Nở có thể nói biểu hiện sống động nhất
thông qua chi tiết bát cháo hành. Việc thị Nở chăm sóc cho Chí Phèo khi bị cảm
ở ngoài vườn thực ra chỉ là cử chỉ của một lòng tốt bình thường của một con
người dành cho một con người. Thị nghĩ: "Thổ trận ấy thật là phải biết. Cứ
gọi là hôm nay nhọc đừ. Phải cho hắn ăn tí gì mới được. Đang ốm thế thì chỉ ăn
cháo hành, ra được mồ hôi thì là nhẹ nhõm người ngay đó mà… Thế là vừa sáng thị
đã chạy đi tìm gạo. Hành thì nhà thị may lại còn. Thị nấu bỏ vào cái rổ, mang
ra cho Chí Phèo". Nhưng trong cái thế giới ngày càng vô tình, tha hóa của
làng Vũ Đại. Đây lại là lòng tốt hiếm hoi duy nhất mà Chí được hưởng kể từ ngày
về làng. Vì thế mà nó quý giá, nó mới làm cảm động Chí Phèo sâu xa đến thế. Kề
bát cháo hành lên miệng hắn đã khóc. Nam Cao đã miêu tả bằng những lời văn bề
ngoài bình thường mà bên trong đầy cảm thương xót xa: "Thằng này rất ngạc
nhiên, hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt hình như ươn ướt". May mà Chí Phèo
vẫn còn những giọt nước mắt ấy nếu không còn khả năng khóc thì chắc Chí Phèo không
còn khả năng lương thiện. Nghĩa là lương tri đã chết hẳn rồi trong con người
Chí. Nam Cao tin vào nước mắt con người, "Nước mắt có khả năng thanh lọc tâm
hồn". Với Nam Cao, nước mắt là biểu hiện của tình người. Sự thức tỉnh các
nhân vật của Nam Cao, đều cùng với nước mắt và cùng với nước mắt. Sống trong xã
hội làng Vũ Đại khô héo tình người, giọt nước mắt trong Chí Phèo tưởng đã khô
hạn tiêu tan hóa ra chưa hẳn. Nó chỉ bị vùi lắp trong sâu thẳm lòng Chí, nó vẫn
còn chảy len lỏi âm thầm và trong suốt. vậy tình người đã thức tỉnh đã hồi sinh
tính người trong Chí Phèo. Vừa chạm đến tình người thì cái lốt quỷ dữ của Chí
Phèo dường như trút bỏ. Con người lương thiện đã hiện nguyên chân tướng.
Thêm nhân vật thị Nở, Nam Cao đã
làm cho tính cách của nhân vật phát lộ đầy đủ hơn tạo ra một tình huống mới cho
sự phát triển của tính cách Chí Phèo. Cuộc đời của Chí Phèo tưởng chừng như
chết mòn trong sự ruồng bỏ của đồng loại, trong tối tăm và tội lỗi như thế
nhưng vào một đêm trăng, "Trăng tỏa trên sông và sông gợn biết bao
nhiêu gợn vàng". Trong lúc say khướt, Chí Phèo đã gặp thị Nở, một người
đàn bà xấu xí ngẩn ngơ. Chính cuộc gặp gỡ với người đàn bà khốn khổ này đã tạo
nên các bước ngoặt đầy bất ngờ trong tính cách của Chí Phèo. Bản chất “người”
bên trong Chí Phèo được đánh thức. Nếu dừng lại để quan sát một cách kĩ lưỡng
chúng ta sẽ thấy, sự thức tỉnh của Chí Phèo là một sự bừng thức toàn diện và
tuyệt đối. Điều thị Nở trả lại cho Chí Phèo, trước hết là những cảm quan rất
người. Giác quan của Chí Phèo vốn đã bị tê liệt "chưa bao giờ Chí Phèo nhận
thấy như thế vì chưa bao giờ hắn hết say" thì nay các giác quan đều đã
được đánh thức. Về thính giác, lần đầu tiên Chí Phèo nghe được những âm thanh
của cuộc sống "tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng cười của
người đi chợ, anh thuyền chài gõ mái chèo". Về thị giác, Chí thấy được
cả sự rực rỡ và sự lờ mờ của ánh sáng "Khi Chí Phèo mở mắt thì trời đã
sáng lâu. Mặt trời chắc đã cao và nắng bên ngoài chắc đã rực rỡ… trong căn
lều ẩm thấp vẫn chỉ hơi lờ mờ". Về vị giác, Chí cảm nhận được sự đắng
miệng và ngon miệng "Hắn thấy miệng đắng", "Hắn húp một húp cháo
và nhận ra rằng: những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng ăn
cháo rất ngon". Về khứu giác, Chí ngửi ra mùi hương của cháo
"Trời ơi! Cháo mới thơm làm sao! Chỉ khói xông vào mũi cũng đủ làm người
nhẹ nhõm". Về xúc giác "Hắn hơi rùng mình".
Sau cảm giác là đến tình cảm, thị
Nở trả lại cho Chí Phèo những tình cảm rất người. Tất cả các phương diện khác
nhau của tình cảm con người như: ái, ố, hỉ, nộ, ai, lạc ở Chí Phèo đều được
đánh thức. Về tình yêu, Chí rất thỏa mãn với tình yêu với thị Nở "Hắn thấy
lòng hắn thành trẻ con, hắn muốn làm nũng với thị như mẹ". Về nỗi tủi
nhục, Chí nhớ đến việc bà Ba bắt bóp chân để gợi dục tình "Hắn thấy nhục
chứ yêu thương gì". Về nỗi buồn, Chí có nỗi buồn thật sâu sắc "Chao
ôi buồn", "Hắn ôm mặt khóc rưng rức". Về niềm vui, Chí
"cười ngất", "cười rồi lại ăn", Hắn thấy "mắt hình
như ươn ướt".
Những cảm quan của con người trỗi
dậy kéo theo đó là chính là tư duy và ý thức xã hội. Chính "bát cháo hành
của thị Nở làm hắn suy nghĩ rất nhiều", Chí Phèo suy nghĩ nghĩa là đang tư
duy. Quả thật những hoài niệm về quá khứ, những xót xa cho thực tại và tương
lai chính là những điều mà từ lâu Chí đã vứt vào những cơn say triền miên. Bản
tính cộng đồng - xã hội là phẩm chất quan trọng thứ hai sau tư duy của con
người ở Chí Phèo, phẩm chất này được hồi sinh. Chí Phèo rất sợ cô độc
"tỉnh dậy, hắn thấy hắn già mà vẫn cô độc", "cô độc, cái này
còn đáng sợ hơn đói rét", "hắn muốn hòa nhập với mọi người".
Ngoài ra, một loạt phẩm chất khác về tính người trong con người Chí Phèo
đều hoạt động trỗi dậy. Về mơ ước, Chí mong muốn tình yêu được mãi mãi bền lâu:
"Hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ
dệt vải …". Về hạnh phúc, Chí rất thỏa mãn với tình yêu của mình:
"Cứ thế này thì thích nhỉ". Về đạo đức, Chí khát khao lương thiện
"Hắn thèm lương thiện". Và cần nói thêm một điều, trong suy nghĩ của
Chí Phèo, thị Nở sẽ là nhịp cầu bắc qua con sông dài dằng dặc của những định
kiến đã vây bủa ốc đảo cô đơn cuộc đời hắn: "thị sẽ mở đường cho
hắn"
Như trên đã nói, thị Nở đã đánh
thức lương tri của Chí Phèo, nhưng ta cũng nên nhìn nhận một điều, chính Chí
Phèo là người đã đánh thức bản năng xã hội trong con người dở hơi thị Nở mà cái
quan trọng là tình yêu, lòng nhân ái, sự bao dung và thiên chức của người phụ
nữ. Sau lần "ăn nằm" với Chí tức là sau cái hành động tạo hóa đầy mầu
nhiệm này, thị Nở đã hoàn toàn chìm đắm trong cơn đam mê tột cùng của bản năng
thiên tạo "Tiếng “vợ chồng” thấy ngưỡng ngượng mà thinh thích. Đó vẫn
là điều mong muốn âm thầm của con người khốn nạn ấy chăng? Hay là sự khoái lạc
của xác thịt đã làm nổi dậy những tính tình mà thị chưa bao giờ biết?"
Thị đã quên hết thảy mọi ràng
buộc của đời sống thường nhật, quên bà cô, quên bặt những định kiến tầng tầng lớp
lớp của cái xã hội làng Vũ Đại quay lưng với Chí, thì chỉ duy nhất một mình thị
đến với Chí một cách hồn nhiên hết mực. Thị Nở bỗng trở thành một người đàn bà
có duyên, cũng biết "lườm", biết "e lệ", biết "thẹn
thùng", theo kiểu cách riêng của Thị. Nghe hai tiếng "vợ chồng"
thị thấy ngường "ngượng mà thích thích". Nam Cao đã nhận ra cái điều
"mong muốn âm thầm" của người đàn bà xấu đến ma chê quỷ hờn và bị
người đời "tránh như tránh một con vật rất tởm".
Đã hơn một lần, Nam Cao viết về
những mối tình của những kẻ bị xã hội miệt thị, lăng nhục độc ác: Lang Rận – mụ
Lợi, Đức – Nhi, Chí Phèo – thị Nở… Tuy vẫn giữ giọng văn khách quan hài hước,
nhà văn dứt khoát đứng ra làm luật sư cãi trắng án cho những con người bất
hạnh, bị mọi người hất hủi đó, nhất là khi họ bị ném vào tình thế nhục nhã, trở
thành cái đích cho những mũi tên chế giễu độc ác của người đời đầy thành kiến.
Ông đã đanh thép bênh vực quyền được yêu của họ và khẳng định tính chính đáng
của những mối tình như thế. Có gì là không chính đáng nếu như những con người
trong khi họ bị cả xã hội xua đuổi đã đến với nhau và tìm thấy ở nhau sự giao
cảm, chia sẻ nỗi lòng? Và nếu tình yêu chân chính là tình yêu làm nhân đạo hóa
con người, nâng cao sự sống thì đã có mấy tình yêu có tác dụng nhân đạo hóa kì
diệu, cảm động như mối tình thị Nở - Chí Phèo? Chẳng phải tình yêu thương tuy
đơn giản, có phần thô lỗ của người đàn bà xấu xí ấy đã gợi dậy linh hồn người
trong con quỷ dữ Chí Phèo, đưa hắn từ cõi địa ngục trở về con người đó sao?
Chẳng phải một sự hòa giải thần bí nào mà chỉ là tình yêu rất mực trần tục,
nhưng là tình yêu thương đích thực, lành mạnh khỏe khoắn.
Nhưng thật đau đớn khi mà cái
tình người tình yêu của thị Nở dành cho Chí Phèo đã bị cái định kiến của bà cô
giết chết một cách phũ phàng. Thị Nở là người duy nhất đã tách ra khỏi làng Vũ
Đại để đi về Chí Phèo nhưng rồi thị Nở cũng lại chạy về phía làng Vũ Đại. Tình
người mong manh đã bị định kiến thôn tính. Nỗ lực cuối cùng của Chí Phèo nhằm
níu giữ thị Nở lại phía mình đã bị gạt phắt một cách vô tình, phũ phàng
"Hắn đuổi theo thị nắm lấy tay. Thị gạt ra lại giúi thêm một cái".
Cũng chính vì thế mà thị Nở đã làm cho Chí Phèo ý thức được xã hội đã không
cho Chí hưởng một thứ hạnh phúc rất đỗi đơn sơ với một người đàn bà mà nhan sắc
thì không thể xấu hơn được nữa. Xã hội đã cướp vĩnh viễn quyền làm người của
Chí.
Nam Cao còn đau đớn cho thấy một
khi người ta được nếm trải chút ít hương vị làm người thì cái xúc cảm người sẽ
không thể mất vì thế khi bị thị Nở từ chối, Chí Phèo sẽ tỉnh ngộ ra và sự thật
Chí đã muốn trở thành người lương thiện nhưng Chí sẽ không thể trở thành người
lương thiện được nữa rồi. Đấy là một mối mâu thuẫn bi thảm tột cùng mà cách
giải quyết chỉ có thể là cái chết.
2. Thị Nở và các nhân vật
nữ khác trong tác phẩm "Chí Phèo"
Bà cô thị Nở tuy xuất hiện ít và
do đó bà chỉ có một vài lời. Nhưng lời của bà vẫn được Nam Cao xây dựng mang
màu sắc riêng, rất đặc trưng cho con người bà. Bà ngăn cản tình duyên của thị
Nở: thị Nở về hỏi ý kiến bà. Bà thấy nhục vì cháu bà lại đốn mạt đến đi lấy một
thằng chỉ biết rạch mặt và ăn vạ, bà gào lên như con mẹ dại. Xỉa xói vào mặt
đứa cháu gái đã ba mươi tuổi mà chưa có ai đến dạm hỏi. Bà không hiểu rằng bà
cũng thuộc vào cái hạng người "bị bỏ rơi", nghèo cực… Nhưng mà bà lại
vẫn vô tình. Bà không thể hiểu được cái thứ yêu của thị Nở và giá trị của nó bà
chỉ biết căn cứ vào địa vị, sắc đẹp, đồng tiền để cho phép yêu hay không yêu.
Bà đắc ý khi biết Chí Phèo chết:
"…đã nhịn bằng này tuổi thì nhịn hẳn, ai lại đi lấy thằng Chí
Phèo". Ngôn ngữ ấy chứa đựng những uất ức, chua xót về thân phận của mình
lại kèm theo ít nhiều tâm lí ghen tức. Nhưng hơn hết đằng sau lời của bà, ta
nghe âm vang tiếng nói định kiến của dân làng Vũ Đại. Bà nói ít nhưng lời của
bà lại tác động mạnh: đẩy Chí Phèo đến chỗ bế tắc thật sự.
Nếu như thị Nở là người đã từng
bước dắt Chí Phèo về cõi người, thoát khỏi cái nhà lao của cái sự phi nhân
tính. Thì bà cô của thị lại là người đóng sập cánh cửa của lối về ấy bằng cái
lòng nhỏ nhen, vô cảm. Nếu thị Nở lấy tình người ươm mầm cho tình yêu thì bà cô
lại lấy những tiêu chuẩn bề ngoài mà định giá. Nếu thị Nở là biểu hiện của tình
người duy nhất đối với Chí Phèo thì bà cô lại là biểu hiện của sự vô tình đang
bao trùm của xã hội làng Vũ Đại. Tựu trung lại: thì sự đối lập giữa thị Nở và
bà cô của thị đó là một bên hữu tình còn một bên là vô tình.
Còn đối với nhân vật bà ba vợ của
Bá Kiến, tuy không mô tả kĩ nhưng ta có thể hình dung là bà ba không xấu
"người bà phốp pháp má bà hây hây" nhưng đây lại là "con quỷ
cái" (trong cái ý nghĩ của Chí Phèo). Bà ba là người biểu hiện của sự dâm dật,
suy đồi. Cái bà cần ở anh canh điền là sức trẻ mà ông Lí đã dần vơi cạn để thỏa
cái thú vui xác thịt của bà ta. Qua việc xây dựng nhân vật này Nam Cao đã tạo
một điểm nhấn, tạo sự phát triển cho tình huống truyện. Đồng thời, qua đó Nam
Cao đã phơi bày sự thối nát, dâm đãng của bọn cường hào ác bá.
Nếu như thị Nở là người đã cứu
Chí Phèo ra khỏi hố đen của sự tha hóa, thì chính bà ba lại là người thẳng tay
dìm Chí xuống vũng bùn nhơ nhớp của tội lỗi và Chí phải trả bằng chính cái chết
của mình.
Ở đây, việc Nam Cao xây dựng hai
người đàn bà mà Chí đã tiếp xúc trong cuộc đời để làm nổi bật sự mâu thuẫn của
hai nhân vật này. Thị Nở xấu – bà ba đẹp. Thị Nở dở hơi – bà ba khôn ngoan,
ranh mãnh, thị Nở nghèo – bà Ba giàu. Thị Nở có tình thương người còn bà ba thì
không. Như vậy cái xấu xa về nhân hình nhưng cái lộng lẫy về nhân tính của thị
Nở đã gieo vào lòng độc giả những xúc cảm chân thành. Ngược lại bà ba với một
tâm địa xấu xa được đậy che bằng cái vẻ đẹp giả tạo thì lại gây cho người đọc
sự ghê tởm và khinh ghét.
Nói tóm lại, không phải ngẫu
nhiên, Nam Cao mô tả Chí Phèo có quan hệ với hai người đàn bà. Với bà ba hẳn là
xinh vào hạng nhất của làng Vũ Đại. Chí không hưởng được một chút tình yêu nào,
hành vi của bà ba gọi Chí Phèo lên bóp chân về thực chất là hành vi bóc lột –
bóc lột cái phần trai trẻ của Chí Phèo. Chí Phèo chỉ được xem như là một thứ nô
lệ. Còn với thị Nở - người đàn bà xấu nhất làng Vũ Đại, Chí Phèo được hưởng
tình người. Tình người mộc mạc đơn sơ chỉ còn sót lại duy nhất ở thị Nở.
ù
Phải chăng vì sự độc đáo của nhân
vật thị Nở mà người đàn bà xấu xí ấy đã bước từ trang văn Nam Cao để có một
cuộc sống riêng bên ngoài tác phẩm?
Nhìn xa cứ
tưởng Thúy Kiều
Nhìn gần mới
biết người yêu Chí Phèo
Cùng với Chí Phèo, Bá Kiến, thị
Nở sẽ là nhân vật neo thật sâu trong lòng độc giả với những ấn tượng sâu sắc.
Điều này minh chứng cho tài năng cũng như trái tim nhân đạo thiết tha của nhà
văn Nam Cao.