Thứ Hai, 14 tháng 12, 2020

TÌNH YÊU CỦA “NỤ CƯỜI THIÊN NỮ” tác giả NGÔ THỊ MINH - CHƯ YANG SIN SỐ 339 tháng 11 năm 2020

 



(Đọc “Nụ cười thiên nữ” của Bùi Minh Vũ, NXB Hội Nhà văn, 2020)

   

Gấp cuốn tiểu thuyết “Nụ cười thiên nữ”, người đọc chùn lại, xa xót. Hình như không còn là nụ cười nữa. Đằng sau đó là nước mắt, nước mắt ăn năn của một đời người khi làm điều ác!

Hành trang vào đời của chàng trai trẻ tên Thụ là một cuộc tình trong sáng, trinh nguyên với người bạn Th, học cùng lớp phổ thông. Bắt đầu mưu sinh bằng nghề bảo vệ cơ quan. Thời gian rảnh của chàng trai là đọc sách, rất nhiều sách. Tuy vậy, mọi thứ đã thay đổi khi Thụ học xong đại học ngành Quản lý công. Các nấc thang danh vọng nâng bước chân nhân vật chính với các chức vụ: phó trưởng phòng, trưởng phòng và cuối cũng là giám đốc. Theo đó, là các mối tình, các cuộc trao đổi tình và tiền! Như lời dẫn của tác giả, Thụ truy hoan qua nhiều cuộc tình có công thức: “Th+U+Thu+Thụ+Thụn+Thụng = Nụ cười thiên nữ”.

Th, mối tình đầu đẹp, trinh trắng của Thụ cũng đã thay đổi. Nụ cười đầy quyến rũ, ma mị của nàng như vận vào cuộc đời giám đốc Thụ: “Em thành thật điều khiển cuộc đời tôi bằng màu sắc, đường nét, bố cục, đúng hơn là khoảng cách chừng năm trăm ki lô mét, cái cây trâm dài thòng cứ chọc vào tim tôi liên tục mạnh mẽ như cơn gió giật”. Thụ thú nhận: “Cuộc sống quanh tôi sao cứ thường xuyên lặp lại những hình bóng thân quen, cứ giống nhau, dù di chuyển nơi nào, ngồi với ai cũng thấy màu sắc ấy, nụ cười ấy”. Đúng vậy. Sau đó là những người con gái khác, đàn bà khác đi qua cuộc đời của Thụ: U, Thụn, Thụng. Người đàn ông ấy trượt dài theo những nụ cười thiên nữ! Tình đổi chác trong tác phẩm mang bản sắc dục vọng, bạc tiền. Thụ vun vít vật chất để tìm thú vui, đôi lúc người đàn ông muốn tìm lại chút dư âm của mối tình đầu nhưng hình như nụ cười thiên nữ ấy chỉ có trong mơ, đầy ma lực. “Trước mặt tôi,… hình như nụ cười em (Thu) là những mảnh ghép từ Th và H”. Chính vì chi tiết nghệ thuật này, tiểu thuyết “Nụ cười thiên nữ” đã vượt lên được cái cảm xúc trần tục của các quan hệ thân xác. Người đọc cảm nhận sự thương cảm, bẽ bàng của đời người!

“Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội” (Karl Marx). Nhân vật “tôi” trong tự truyện của tác giả Bùi Minh Vũ đang trong vòng xoáy của nhiều mối quan hệ đan xen. Từ niềm đam mê sách vở, học hành, Thụ trở thành người đàn ông thích bù khú trong các bữa tiệc, gái gú. Có chức, có tiền như những điều kiện để ông giám đốc Thụ quên đi người đàn ông có trách nhiệm với gia đình, với công việc. Phải chăng đó chính là mặt trái của “Nụ cười thiên nữ”? Người đọc tự hỏi, có phải đây là hình ảnh đời thật của các vị quyền cao đức trọng ngoài đời kia không? Họ đang bước vào trang sách của Bùi Minh Vũ hay từ tác phẩm “Nụ cười thiên nữ” bước ra cuộc đời.

Vậy đó. “Ai thức thì thức, ai ngủ thì ngủ. Cuộc đời cứ thế mà trôi” (Shakespear). Trong vòng xoáy của xã hội kim tiền này, người dân lương thiện đang đứng ở đâu? Trong tiểu thuyết “Nụ cười thiên nữ” có đề cập đến họ. Đó là Du, người ơn của Thụ, nằm sóng xoài dưới bánh xe của giám đốc. Nhân vật “tôi” hờ hững nhìn và gọi nhân viên đến “giải quyết” để đi họp cho kịp giờ. Cái thiện nhân trong Thụ còn không? “Không, không, tôi tự nhủ, mình có tội, nhưng xin bạn tha thứ cho khoảnh khắc ấy”. Sự ăn năn, hối hận được xem như chút lương tâm còn lại của nhân vật.

Trong tác phẩm “Nụ cười thiên nữ”, tác giả xây dựng nhân vật chính là Thụ và sử dụng ngôi kể thứ nhất “tôi” như kể một cách chủ quan về cuộc sống của chính mình. Người đọc thấy thú vị như đang nghe và đang tham gia vào câu chuyện của Thụ. Theo Đỗ Đức Hiểu: “Thi pháp tiểu thuyết miêu tả các cấu trúc, các yếu tố hợp thành ngôn ngữ tiểu thuyết, chủ yếu là thời gian, không gian, nhân vật kể chuyện, biện luận, ngoại đề, độc thoại, mở đầu, kết thúc”. Bùi Minh Vũ đã lấy nhân vật chính Thụ làm trung tâm và bao quanh nhân vật này là các vai nữ khác: Th, U, Thụn, Thụng. Họ tồn tại đan xen với nhiều mối quan hệ tình ái khác nhau. Nhiều đoạn độc thoại nội tâm của Thụ tồn tại trong “Nụ cười thiên nữ” như một biện pháp nghệ thuật để tác giả gởi gắm tính đa diện của tính cách nhân vật: “Tôi không biết, mình có thể vượt qua những khoảnh khắc phải đối đầu với sự thật rằng: Thu, Thụn hay Thụng? Nụ cười giống nhau của em làm tôi khó phân biệt đâu là buồn đâu là vui, lúc nào sống, lúc nào chết?”

Cũng bằng biện pháp nghệ thuật độc thoại nội tâm, kết thúc tiểu thuyết, tác giả đã sử dụng các câu hỏi tự vấn của nhân vật “tôi”: “Tại sao tôi lại nằm vắt vẻo nơi này? Tôi dự định làm cái gì? Tôi muốn gặp ai? Thụng ở đâu? Cuộc sống thế này ư? (...) Nếu trả lời những câu hỏi này rõ ràng, nghĩa là cuộc đời quả là đáng sống.” Những câu hỏi lục vấn lương tâm của Thụ đã phản ánh cái thiện trong nhân vật vẫn còn, dù muộn màng. Tác giả đã mở đường sống cho nhân vật của mình. Và, giá trị nhân văn của “Nụ cười thiên nữ” còn đọng lại với hình ảnh này.

 

 


1 nhận xét:

NHẬN XÉT MỚI