Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2020

THƯƠNG NHỚ CHƯ MANG bút ký của NGUYỄN VĂN THIỆN - CHƯ YANG SIN SỐ 339 tháng 11 năm 2020

 


 

 

Mùa hè năm 1995, sau khi kết thúc năm thứ nhất đại học ở Vinh, tôi và anh bạn cùng lớp bắt xe vào Tây Nguyên chơi.

Bao nhiêu lạ lẫm diễu qua ngoài cửa kính, hết đèo cao vực sâu lại đến ruộng đồng. Tôi chập chờn mơ mộng theo những đường cua, theo những đám mây ủ trắng đầu đèo núi Mang Yang, An Khê của Gia Lai. Đến Tây Nguyên rồi! – anh bạn reo như trẻ nhỏ. Bên ngoài cửa xe là Tây Nguyên điệp trùng rừng núi giữa mùa mưa tháng sáu. Khó mà tả lại cái cảm giác của một người đang sống giữa chảo lửa gió Lào xứ Nghệ lại bất ngờ được đi giữa một quãng đường đầy sương trắng xuyên qua giữa đại ngàn! Quốc lộ 14 ngày đó còn ít xe qua lại nên vắng và đẹp. Những trảng rừng thông trầm mặc đứng lặng lẽ trong mưa.

Qua cầu 14, tôi xuống buôn Nui, đã dặn đi dặn lại bác tài xế giọng miền Nam vui tính thế rồi mà xe vẫn quá đi hơn cây số, là thị trấn Ea T’Linh của huyện Cư Jút bây giờ. Tôi một mình đánh bộ vào buôn Nui, nơi mà tôi chưa bao giờ đặt chân đến, nơi đó, vợ chồng chị gái tôi đang sống. Lần đầu tiên tôi đặt chân đến một buôn làng người đồng bào Tây Nguyên bản địa. Ngày đó chưa tách tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông như bây giờ, Cư Jút là một huyện gần trung tâm, nằm sát nách thành phố Buôn Ma Thuột, buôn Nui nằm lặng lẽ bên dòng Sêrêpốk hoang dã chảy ngược đại ngàn.

Những đêm mùa hè, trẻ con không phải học bài, thanh niên người lớn sau một ngày làm việc mệt nhọc tập trung đến đông chật nhà chị gái tôi chơi. Anh rể vốn ham khách khứa, đặt một cái bàn bằng gốc cây ngoài sân cho người già ngồi uống nước. Trước thềm đặt một chiếc tivi gắn đầu chiếu phim. Ai uống nước nói chuyện cứ nói, ai xem phim cứ xem. Tôi được may mắn hòa mình vào những câu chuyện bất tận của các già làng buôn Nui từ những ngày tháng đó. Già ama Mên nói về những vạt rẫy cạnh ngoài sông Sêrêpốk dù đất tốt nhưng còn phải đợi lâu lâu nữa mới đủ nước để gieo, già ama Rănh thì kể về những ngày tháng oanh liệt khi còn đi làm du kích, một mình vác nguyên con heo rừng về cho bộ đội cải thiện trước trận đánh… “Ờ, cũng khoảng đầu mùa mưa như bữa nay đây, chúng tao gùi gạo qua sông vào Buôn Ma Thuột cho bộ đội… Ờ, cũng chừng như bây giờ, mà không, muộn hơn chút nữa, đội du kích chúng tao vào Buôn Đôn…”. Bao nhiêu là chuyện, những câu chuyện ấy đã mê hoặc tôi, vẽ ra trong trí tưởng tượng còn tươi mới của anh sinh viên năm thứ nhất những hình ảnh hùng vĩ của núi rừng. Tôi ngồi nghe, cứ tưởng những ama Mên, ama Rănh chính là Đam San, Xinh Nhã từ trong trang sách bước ra, vui tính và oai hùng. Ngay từ ngày đó, tôi đã biết rằng, rồi đây, mình còn phải trở lại buôn Nui nhiều lần nữa, không chỉ vì ở đó có người thân mà vì câu chuyện của rừng đã ám ảnh tôi.

Ama Mên nói:

- Thằng sinh viên miền Bắc, mày có ưng uống rượu cần không?

Trời ơi, rượu cần thì tôi nghe nói đến rồi, nhưng uống thì chưa lần nào. Già nói: “Tối mai đến nhà mình uống rượu!”. Ché rượu được buộc ngay cạnh bếp. Tôi bước vào thì đã có mấy người khách nữa, cũng là người trong buôn cả. Lần đầu tiên uống rượu, lại là rượu cần, tôi rón rén quỳ bên ché. Chủ nhà động viên vui vẻ: “Ồ, cái thằng này, nó chưa biết uống rượu!”. Cũng do “chưa biết uống rượu” nên tôi chỉ phải uống hai sừng. Vị đậm, ngọt, nuốt vào rồi cứ vương vấn nơi cổ họng. Làm xong một hơi, mắt tôi hoa lên. Lửa trong bếp nhảy múa, những người ngồi quanh ché rượu cũng đang rập rờn nhảy múa. Tôi dựa lưng vào cột, nghe hơi rượu chạy khắp người, rồi ngủ lúc nào không biết.

Khi tôi tỉnh dậy thì cuộc rượu đã tàn, một vài người đã về, còn lại chủ nhà và một ông khách vẫn đang rì rầm nói chuyện với nhau. Họ nói với nhau những gì, tôi không hiểu. Thấy tôi mở mắt, ama Mên nói: “Ô cái thằng này, say nhiều quá đấy!”. Rồi lại tiếp tục câu chuyện đang dang dở. Ngoài vách nhà sàn, trời đêm đang lác đác mưa… Trên chái, một chú tắc kè hoa nào đó thỉnh thoảng lại kêu lên những tiếng rời rạc trong đêm vắng. Đâu đó từ ngoài bến nước bờ sông Sêrêpốk vọng về tiếng con chim rừng kêu tha thiết. Cho đến mãi về sau, khi đã nếm nhiều thứ rượu khác nhau trên đời, tôi vẫn không thể nào quên đêm rượu cần đầu tiên ở buôn Nui. Ama Mên nói đùa: “Mày biết say rượu cần rồi mới biết say con gái Êđê được!”.

Sau khi ra trường, tôi vào Tây Nguyên dạy học. Bước chân lưu lạc qua nhiều vùng đất khác nhau của thảo nguyên, không còn nhớ đã từng ngủ lại bao nhiêu đêm ở rừng, trên rẫy với bà con người bản địa, tôi còn hiểu ra một Tây Nguyên khác: Tây Nguyên của những con người tài hoa, siêng năng, chịu khó chịu khổ. Hóa ra, Tây Nguyên không chỉ có rượu cần, không chỉ có sử thi, không chỉ là huyền thoại, còn có một Tây Nguyên khác giữa đời thường, đầy mồ hôi, đầy nước mắt. Câu chuyện mất rừng, mất đất sản xuất của đồng bào đã ám ảnh tôi trong một thời gian dài. Những truyện ngắn đầu tay của tôi, nhân vật chính là người Êđê – một cộng đồng dân cư đông đúc nơi tôi công tác. Một khó khăn mà người viết ở Tây Nguyên thường gặp: Thiếu vốn sống. Khi viết về đời sống bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở đây, họ không mấy am tường về phong tục, ngôn ngữ. Họ “nhại” giọng đồng bào một cách khiên cưỡng và sáo mòn: “cái bụng nhớ quá”, “cái chân muốn bước đi”… Nhân vật người Êđê, Jrai, M’nông nếu bước vào trang sách sẽ là những con người thật thà, chân chất, nghèo nghèo, tội tội, nói tiếng phổ thông một cách ngô nghê! Muốn vượt qua sự sáo mòn thảm hại ấy, chỉ còn một cách, đó là hòa mình vào cuộc sống của họ, ăn ở với đồng bào. Nghề dạy học đã hỗ trợ đắc lực cho tôi. Trường THPT nơi tôi công tác thuộc huyện CưM’gar, nằm giữa vùng cư dân đông đúc của người Êđê. Tôi gọi đó là xứ Chư Mang huyền thoại, của riêng mình. Tôi đến nhà học trò chơi, đi từ buôn Kroa sang buôn Táh tới buôn Hô, đến đâu cũng được tiếp đón niềm nở. “Ồ, nai lại vô chơi hay có chuyện gì? Thằng Y Kiêm nó quậy phá trong lớp hả?”. “Nai uống cà phê đen tạm đi, nhà vừa hết đường”...

Những ngày tháng rong ruổi với núi đồi sống suối, tôi dần hiểu ra cái nhịp điệu tâm hồn của thảo nguyên, bề ngoài nó bình lặng, yên ả, nhưng bên trong không thiếu sóng dữ, không thiếu những dồn nén, bi kịch. Tiểu thuyết “Nước mắt màu xanh thẫm” được viết trong 2 năm, xuất bản năm 2015, kể về bi kịch của người phụ nữ Êđê ở vùng Lòng Chảo núi Chư Mang. Những hủ tục lạc hậu trói buộc, hành hạ họ, và cuộc mưu sinh cơm áo hiện đại cũng xoay vần không tha. Tôi ngồi viết về H’Nhi mà như thấy trước mắt mình những đứa học trò bé bỏng H’Lam, H’Yên đang bước ra từ trang sách. Trước mặt là bến nước buôn Kroa quen thuộc. “Có lẽ, chiều đã muộn. Tiếng bước chân từ các ngả đường rộn ràng tìm về bến nước. Có bước chân mỏi mệt, có bước chân lo âu, có bước chân vui vẻ, tất cả đều tìm đến ngòi nước Kroa sau một ngày dài. Tiếng cười nói, chuyện trò râm ran xen lẫn với tiếng nước đổ róc rách, đó là những âm thanh thân thuộc mà người Kroa dù đi đến chín núi mười rừng cũng không thể nào quên”. (Tiểu thuyết Nước mắt màu xanh thẫm).

Bây giờ, vẫn là công việc dạy học đấy, ngày ngày tôi từ phố núi Buôn Ma Thuột vượt 20 cây số vào với Chư Mang, với lớp học nằm giữa thảo nguyên rộng rãi. Nơi đây đã là quê nhà, đã trở thành ngọn nguồn cảm hứng để tôi ngồi viết mỗi ngày. Những nhân vật thường ngày da nâu mắt sáng đã hồn nhiên và tự tin bước vào trang sách, biến thành những dũng sĩ, những nữ thần, những nàng linh miêu xinh đẹp…  Có lẽ, một dịp nào đó thật trang trọng, tôi sẽ phải nói lên một lời cảm ơn từ đáy lòng mình: Cảm ơn buôn Nui, cảm ơn Tây Nguyên, nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn, nuôi dưỡng cảm hứng để tôi trở thành người kể chuyện không mệt mỏi ở núi Chư Mang!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI