1.
Bốn năm bước chân vào nghề, Yên chưa bao giờ gặp
phải tình huống nào như vậy. Mọi thứ vẫn còn rõ ràng trong đầu. Hoang mang. Ngộp
thở. Bấn loạn. Những từ này sợ cũng chưa diễn tả hết cảm giác của Yên. Cho đến
khi lên giường, tắt điện rồi mà Yên vẫn không thể chợp mắt dù chồng động viên:
"Chuyện đâu còn có đó. Em có thức trắng đêm cũng không giải quyết được. Ngủ
đi, ngày mai xem chuyện thế nào rồi tính".
Chuyện là đầu hôm, vừa ngồi vào bàn chuẩn bị
ăn cơm tối thì điện thoại của Yên rung liên tục. Cuộc gọi đầu tiên là của mẹ
Duy Khánh, cậu học trò nhỏ của Yên. Yên vừa mới "A lô", đầu dây bên
kia đã sa sả:
- Cô dạy dỗ lũ trẻ kiểu gì vậy cô Yên?
Giọng mẹ Duy Khánh hôm nay có âm vực hơi bất
thường. Yên nghe hỏi vậy lấy làm bất ngờ, nhưng bên kia chỉ “ném” lại cho Yên
thêm một câu nữa trước khi tắt điện thoại:
- Ngày mai tôi sẽ lên trường làm cho ra ngô ra
khoai!
Yên chưng hửng. Chưa kịp định thần thì cuộc gọi
khác lại đến. Lần này là mẹ Hải Nam. Giọng chị nhỏ nhẹ mà Yên ngỡ như đang bị
ngàn mũi kim chích vào da thịt.
- Lũ trẻ con như tờ giấy trắng, sao cô dạy
chúng những lời lẽ thô tục. Cô có xứng đáng là cô giáo không cô Yên?
Còn hai hay ba cuộc điện thoại như vậy mà Yên
không nhớ. Tất cả có cùng một nội dung, và cùng thuộc dạng lửng lơ con cá vàng.
Thành ra, Yên chỉ được tiếp nhận, hoàn toàn không biết có chuyện gì, không biết
phải trả lời thế nào. Mà thực ra, Yên cũng không có cơ hội để trả lời, vì những
cuộc điện thoại kia đến và ngưng một cách đột ngột.
Lúc đó, Yên thấy chân tay rụng rời. Không muốn
làm hỏng bữa tối, Yên đành ngồi vào bàn ăn nhưng không sao nuốt nổi. Đến chừng
đi ngủ, thấy Yên trằn trọc, hết nghiêng trái lại nghiêng phải, chồng gặng hỏi
mãi Yên mới kể. Yên không biết chuyện gì nên lẽ dĩ nhiên, chồng cũng vậy. Dù an
ủi vợ nhưng anh cũng cảm thấy nôn nao, không thể nào nhắm mắt.
2.
Đúng “hẹn”, khi các lớp đã vào học được chừng
ba mươi phút thì mẹ Duy Khánh, mẹ Hải Nam cùng hai phụ huynh nữa hẹn nhau đến
phòng cô hiệu trưởng trường mầm non Ngôi Sao Ngày Mai. Nhìn khuôn mặt ai cũng hằm
hằm, giận dữ, cô hiệu trưởng toan dùng kế mềm mỏng để trấn an những phụ huynh
đang có nguy cơ “bùng cháy”. Nhưng cô hiệu trưởng chưa kịp mở lời, mẹ Duy Khánh
đã sừng sộ:
- Không bao giờ tôi tin có một cô giáo như cô
Yên. Tôi đề nghị nhà trường cho cô Yên nghỉ việc ngay lập tức.
Mẹ Duy Khánh nuốt một hơi đánh ực rồi nói tiếp:
- Nếu cô Yên còn tiếp tục đứng lớp, chúng tôi
sẽ mang con về, gửi sang trường khác.
Cô hiệu trưởng giọng nhã nhặn:
- Mong các anh chị bình tĩnh. Nhà trường sẵn
sàng lắng nghe ý kiến của các anh chị. Chẳng hay, các anh chị đang gặp phải
chuyện gì làm khó chịu?
- Chiều qua, khi tôi đang đứng ở cổng trường
thì thằng Tí nhà tôi chạy ào ra, miệng liến thoắng: “A mẹ cục kít. Mẹ cục kít tới
rồi!”. Lúc đó, tôi sững hết người, không tin vào tai mình. Tôi mới hỏi thằng
Tí: “Tí, con vừa nói gì đấy?”. “Mẹ cục kít!”, thằng bé trả lời xong rồi cười
rúc rích. Thật là kinh khủng khiếp!
Mẹ Duy Khánh vừa ngắt lời, mẹ Hải Nam cũng vội
lên tiếng, giọng đầy bức xúc:
- Cô hiệu trưởng không hiểu được cảm giác của
tôi lúc nghe thằng con mình nói thế đâu. Cho đến tối về, thằng bé vẫn luôn miệng
“cục kít, cục kít”. Tối qua vì bực quá, chồng tôi đã đét vào mông thằng bé mấy
cái làm nó khóc rấm rứt cả đêm.
Khuôn mặt cô hiệu trưởng lúc này có phần tai
tái, chỉ biết lắp bắp:
- Các anh chị… nói sao? Làm gì có chuyện như
thế được...
Phụ huynh nam duy nhất bấy giờ mới lên tiếng:
- Chúng tôi cũng không tin. Nhưng cô hiệu trưởng
thử nghĩ coi, một đứa thì không sao, đằng này chúng tôi đây có bốn người. Chúng
tôi đề nghị nhà trường xem lại cách dạy dỗ của cô Yên.
Lời của phụ huynh nam duy nhất khiến cô hiệu
trưởng không biết nói gì thêm. Sau cùng, cô hiệu trưởng đề nghị:
- Hay bây giờ thay mặt nhà trường, tôi mời các
anh chị đến lớp cô Yến, rồi chúng ta sẽ cùng xem sự thể thế nào.
Bốn phụ huynh cùng cô hiệu trưởng xăm xăm đến
trước cửa lớp. Khi đó, Yên đang ngồi giữa hai mươi đứa trẻ. Ngoài Yên, còn có
cô bảo mẫu ngồi vòng ngoài, đang dùng khăn lau đồ chơi. Những đứa trẻ lên ba
đang háo hức với trò chơi mà Yên làm quản trò, nhưng rồi Yên phải dừng ngang
khi năm người xuất hiện ở cửa lớp. Yên đứng dậy, người cúi xuống thay cho lời
chào bốn phụ huynh và cô hiệu trưởng. Vừa lúc đó, ở dưới lớp bọn trẻ đồng loạt
ré lên:
- A mẹ cục kít!
- A mẹ cục kít!
- Mẹ cục kít!
- Bố cục kít!
- …
Những tiếng reo đầu tiên là của mấy đứa trẻ
khi trông thấy bố mẹ ngoài cửa lớp. Còn những tiếng reo sau đó, giống như được
kích ứng từ những tiếng reo đầu tiên, lũ trẻ thi nhau “cục kít, cục kít” rồi cười
rinh rích.
Bấy giờ, mẹ Duy Khánh mới quay qua cô hiệu trưởng:
- Đó, cô hiệu trưởng hẳn đã thấy rồi!
Cô hiệu trưởng chết sững. Tất cả diễn ra hai
năm rõ mười. Biết nói gì lúc này cũng khó, cô hiệu trưởng bèn cáo bận, hứa sẽ
xem xét về chuyện này rồi rời đi. Lúc này, bốn phụ huynh quây lấy Yên. Trong
khi Yên ngơ ngác, thì khuôn mặt của bốn phụ huynh lại đỏ bừng vì giận dữ.
- Chẳng hay trước đây cô Yên học trường nào
ra? Sao cô lại dạy lũ trẻ như vậy hả cô Yên?
Miệng Yên méo xệch:
- Không phải như anh chị nghĩ đâu. Thực sự em
cũng không biết vì sao lại có chuyện như vậy.
Yên thẫn thờ và co rúm người lại. Nhưng tình
yêu dành cho con lớn hơn tất thảy nên cả bốn phụ huynh vẫn bảo toàn vẻ đằng đằng
sát khí.
- Chúng tôi đi làm bạc mặt kiếm tiền cho con
được học điều hay lẽ phải, không phải học những điều xấu xa cô Yên ơi!
- Cô có xứng làm cô giáo nữa không cô Yên ơi!
- Lớn lên, tụi trẻ sẽ thành người thế nào cô
Yên ơi!
Mỗi câu “cô Yên ơi!” đay qua đay lại khiến Yên
muốn ngã phịch xuống đất. Có cô giáo nào lại đi dạy học trò nói điều thô tục
bao giờ. Yên thực sự không biết lũ trẻ nghe được ở đâu cái từ ấy, giờ có thanh
minh cách nào cũng không làm mấy người này hết giận.
- Chúng tôi phải kiến nghị lên ban giám hiệu
buộc cô thôi việc, để một cô giáo như vậy thì hỏng hết tương lai lũ trẻ.
Giờ học vẫn còn dang dở, lũ trẻ đang đợi Yên;
vậy nên Yên muốn nhanh chóng thoát ra khỏi vòng vây này. Không còn cách nào
khác, Yên quỳ xuống đất, trước những đôi mắt mở to của hai mươi đứa trẻ lên ba
rồi lí nhí:
- Em xin lỗi các anh chị. Em hứa sẽ không để
chuyện này xảy ra nữa.
Bốn phụ huynh có hơi bất ngờ trước hành động của
Yên, nhưng có lẽ nhờ vậy họ mới chịu giải tán. Khi bốn phụ huynh kia đi rồi,
Yên bắt đầu trở lại lớp học, cố gắng cười nói, múa hát với lũ trẻ như không có
chuyện gì xảy ra.
3.
Nhưng qua ngày hôm sau thì có chuyện. Khi Yên
vừa tới lớp, cô bảo mẫu nhìn Yên nửa rụt rè nửa bối rối. Yên gặng hỏi mãi, cô bảo
mẫu mới đưa chiếc điện thoại về phía Yên. Yên mở clip lên và thấy… mình đang quỳ
xin lỗi phụ huynh, đôi mắt đỏ hoe. Nếu trong clip không phải là mình, hẳn Yên sẽ
thương cô gái đó biết chừng nào! Nhưng cô gái trong clip là Yên, vậy nên Yên thấy
lòng nhói đau.
Đã có hàng ngàn lượt xem và chia sẻ clip. Rồi
Yên đọc hàng trăm bình luận bên dưới. Ở đó giống như đang có một cơn thịnh nộ tập
thể. Những cái tên xa lạ trút xuống Yên những lời lẽ cay nghiệt, tục tằn. Chưa
dừng ở đó, Yên click vào mấy đường link của các trang báo mạng mà những cái tên
xa lạ đăng trong phần bình luận. Hàng loạt bài báo hiện ra với những tiêu đề
khiến ai cũng phải lao vào đọc: Thực hư chuyện cô giáo quỳ xin lỗi phụ
huynh, Cô giáo mầm non dạy trẻ lời thô thiển, Cô giáo phải quỳ xin lỗi phụ
huynh vì dạy trẻ nói tục. Thậm chí, có báo còn viết Quá khứ đau thương của
cô giáo quỳ xin lỗi phụ huynh, mà Yên không hiểu bằng cách nào, họ đã đào xới
cả quá khứ đau buồn của Yên, như một cách để lý giải cho hành động mà Yên đã
làm hôm trước, trước mắt lũ học trò và các vị phụ huynh.
Yên bủn rủn trả lại chiếc điện thoại cho cô bảo
mẫu, miệng đắng nghét. Mọi thứ trước mắt Yên trở nên nhòe mờ. Yên hít một hơi
thật dài, sau đó lên nhờ ban giám hiệu thu xếp người đứng lớp thay mình, rồi về
nhà nằm nghỉ.
Về đến nhà, Yên ngã vật xuống giường, rúm ró
không khác gì con thú bị thương. Sao lại có chuyện như vậy? Yên yêu trẻ bởi nhiều
lẽ. Trẻ con như nụ như hoa, chẳng cần phải đề phòng khi chơi với chúng. Và vì
Yên mồ côi mẹ từ nhỏ, thiếu thốn sự săn sóc của đôi tay dịu dàng nên Yên muốn
sau này mình sẽ yêu những đứa trẻ, trong đó có cả con mình, nhiều hơn. Chính vì
lẽ đó nên Yên mới quyết định thi vào ngành Sư phạm Mầm non.
Tốt nghiệp, cả Yên và chồng quyết tâm trụ lại
thành phố. Thực ra, nếu không ở lại thành phố, về quê với gia thế của mình, Yên
cũng không biết xin vào đâu. Nhưng thành phố nhỏ bé mà những người như Yên, như
chồng Yên thì đông như quân nguyên. Yên chật vật xin việc, quyết tâm theo đuổi
công việc mình yêu thích. Sau cùng, Yên cũng xin được việc, nhưng là một ngôi
trường mầm non ở ngoại thành. Để Yên được theo đuổi công việc mơ ước, cả Yên và
chồng đồng ý dọn về ngoại thành sống. Chồng Yên có may mắn hơn khi được làm
biên tập viên cho một công ty xuất bản. Hằng ngày, anh chạy xe hơn ba mươi cây
số vào công ty làm việc. Có nhiều lần ngồi nghĩ, Yên thấy biết ơn chồng, thấy
mình may mắn khi được làm vợ một người như anh.
Khi Yên đang nằm trên giường thì chồng đột ngột
về nhà. Gọi là nhà nhưng thực chất là nhà thuê. Cửa không khóa nên anh mở toang
cửa rồi sốt sắng:
- Em có bị làm sao không?
Chồng đến bên giường, đưa tay sờ lên trán Yên.
Chừng như yên tâm vì Yên không có bệnh tật gì, anh quay sang nhìn chiếc điện
thoại.
- Tạm thời, em tắt điện thoại đi. Không
Facebook, đọc báo gì nữa.
Để chồng không phải lo lắng thêm, Yên với tay
tắt điện thoại rồi cố gắng vỗ về giấc ngủ. Mọi chuyện đến với Yên quá đột ngột,
Yên cũng không biết phải làm gì tiếp theo.
- Dậy ăn cơm thôi em!
Khi Yên đang lim dim ngủ thì chồng đến đánh thức.
Yên ngồi dậy, thấy trong nhà dậy lên mùi thức ăn thơm phức. Yên rửa mặt rồi ngồi
vào bàn. Cầm bát cơm đã ắp đầy thức ăn, Yên hỏi:
- Sao anh không quay lại công ty?
- Em như vầy sao anh đi nổi. Mà anh cũng đã
xin phép nghỉ hôm nay rồi.
Cả Yên và chồng cùng chậm rãi nhai cơm. Cuối bữa,
chồng kêu Yên lên giường nằm nghỉ, anh sẽ lo phần dọn dẹp. Yên nhìn chồng rưng
rưng xúc động. Trước khi bê mâm cơm xuống bếp, chồng bảo Yên:
- Tạm thời em nên nghỉ ngơi ít ngày. Đợi mọi
chuyện lắng xuống rồi đi dạy lại. Chiều nay anh sẽ lên trường xin phép ban giám
hiệu.
Yên không nói gì. Có thể ý kiến của chồng cũng
là giải pháp tốt nhất trong hoàn cảnh hiện tại. Nhưng tối hôm đó, như sực nhớ
ra, Yên hỏi:
- Mấy cuốn sách tâm lý cho trẻ lên 3 hồi anh
đưa về đâu rồi?
- Hình như đâu đó trong thùng sách. Chi vậy? -
Chồng hỏi.
- Em có việc!
Yên trả lời chồng rồi cắm cúi tìm sách. Lấy ra
những cuốn sách liên quan, Yên bắt đầu đọc, hết cuốn này đến cuốn khác. Yên đọc
sách suốt đêm, rồi ngủ gục trên bàn lúc nào không hay.
4.
Sáng ngày hôm sau, Yên quyết định lên lớp. Ban
đầu, chồng tỏ ra không vui nhưng sau cùng vẫn tôn trọng Yên. Bởi Yên, và cả chồng
đều biết, trở thành giáo viên mầm non là lựa chọn của Yên. Yên đã từng hân
hoan, từng hạnh phúc với lựa chọn ấy của mình, nhất là khi ngắm nhìn những
khuôn mặt thơ ngây, đáng yêu như những thiên thần. “Không có lý gì khiến mình
phải bỏ cuộc!” - Yên thầm nhủ trong lòng như vậy trên đường tới trường.
Hai mươi đôi mắt ngây thơ vui mừng khi thấy
Yên. Tối hôm qua, Yên đọc được trong đống sách của chồng, biết rằng tâm lý của
trẻ ba tuổi thường rất phức tạp. Lũ trẻ thường bắt chước bạn bè, và sẽ phấn
khích với một từ mới nào đó. Nhất là khi được người khác chú ý, lũ trẻ sẽ càng
trở nên phấn khích hơn. Nhưng chỉ vài ngày sau, khi có một sự quan tâm nào đó,
chúng sẽ lại quên ngay.
Yên thấy trong lòng chộn
rộn. Chẳng có lý do gì có thể ngăn cản Yên phải dừng công việc mà mình yêu
thích. Yên không muốn đi tìm lý do nữa mà muốn tẩy xóa cái từ xấu xí trong đầu
lũ trẻ. Yên hết kể chuyện rồi cho lũ trẻ chơi trò chơi. Những trò chơi Yên được
học trong trường và tham khảo trong sách báo khiến lũ trẻ cười như nắc nẻ. Lúc
đó, Yên cảm giác mình là cô Tiên đang lạc trong một khu vườn cổ tích, nơi có rất
nhiều tiếng chim ríu ran. Trong trẻo và rất thánh thiện.
Yên lại dạy lũ trẻ đọc thơ. Giọng Yên trầm ấm,
từng chữ từng chữ vút bay:
Mầm non mắt lim dim
Cố nhìn qua kẽ lá
Thấy mây bay hối hả
Thấy lất phất mưa phùn…!
Yên đọc từng câu để lũ trẻ đọc theo. Vừa dứt một
câu, Yên dừng lại, chăm chú nhìn lẫn nghe lũ trẻ. Những khuôn miệng be bé, xinh
xinh, dễ thương không khác gì những chiếc mỏ chim. Âm thanh đồng loạt vang lên,
rộn rã.
Yên đứng, mắt lim dim nhìn xuống lũ chim non.
Bỗng nhiên, Yên cảm thấy chóng mặt, váng đầu; liền sau đó là cảm giác buồn nôn.
Yên bám vào thành bàn rồi tìm đến ghế ngồi. Bên tai Yên còn văng vẳng tiếng lũ
chim non đọc thơ: “Mầm non mắt lim dim”.
1. Bài thơ Mầm non của nhà thơ Võ Quảng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI