Thứ Ba, 22 tháng 12, 2020

KINH NGHIỆM ĐOÁN BIẾT THỜI TIẾT, BÃO LỤT TRONG DÂN GIAN, QUA MỘT SỐ CÂU THÀNH, TỤC NGỮ tác giả HỒ NGỌC ĐIỆP - CHƯ YANG SIN SỐ 339 tháng 11 năm 2020

 

Ảnh sưu tầm

 

Ngày nay, con người không những hiểu biết một cách kỹ lưỡng, tường tận các hiện tượng tự nhiên diễn ra chung quanh, hôm nay, ngày mai, ngày kia… mà còn khám phá ra những bí mật của thiên nhiên ngoài vũ trụ. Có được điều đó vì con người đã và đang trang bị cho mình không những bằng hiểu biết mà còn bằng những máy móc hiện đại tối tân của nền khoa học kỹ thuật tiên tiến không ngừng đổi thay, phát triển.

Khi con người không được như bằng hôm nay, thuở trước, bao lớp người cha ông chúng ta đã bằng nhiều cách để đoán biết thời tiết, nắng mưa, bão lụt qua những quan sát và tích lũy. Có khi được ghi lại bằng những thành ngữ, tục ngữ, có khi người ta truyền cho nhau bằng những lời dặn dò, đúc kết.

“Trời đang nắng ráo, chim sáo tắm là sắp mưa” là thành ngữ chỉ về hiện tượng sắp có mưa. Chim sáo tắm tức nó dùng mỏ nhúng nước rồi rửa vào lông của mình. Hiện tượng đó, báo hiệu sắp có mưa. Vì lúc này nhiệt độ cơ thể chim sáo lên cao, phản xạ thời tiết, chim sáo tắm để giải bớt nhiệt trong cơ thể. Sắp có mưa thì con ếch, con cóc bỗng dưng nhảy từ trong hang ra mà kêu vang “ộp ộp…”. Bởi vậy, dân gian có câu: “Ếch kêu ộp ộp, sắp lộp độp mưa sa”. Cũng là hiện tượng mưa nhiều, mưa ít. Mưa nhiều dẫn đến lụt lội, mưa ít là mưa dông. Về hiện tượng này, dân gian có câu: “Móng dài trời lụt, móng cụt trời mưa”. “Móng” ở đây tức cầu vồng 7 sắc in trên nền trời. Khoa học hiện đại giải thích rằng, cầu vồng 7 sắc là hiện tượng tán sắc ánh sáng khi nó chiếu qua một lăng kính. Lăng kính của thiên nhiên tức mưa đang rơi ở một chân trời. Ánh mặt trời chiếu vào đó đã bị tán sắc 7 màu in lên bầu trời. “Móng dài” là hiện tượng lăng kính mưa đang rơi nhiều tạo nên. “Móng cụt” tức lăng kính mưa nhỏ, gián đoạn. Trời mưa và lũ lụt cũng có thể đoán biết từ hiện tượng cầu vồng 7 sắc đầy lý thú này.

Bão, lụt sẽ xảy ra nay mai khi trời đang nắng to, không những ếch nhái nhảy ra kêu vang “ộp ộp” mà hàng đàn kiến đen, kiến đỏ ùn lên nối nhau sơ tán đến nơi ở khác cao ráo hơn. Có lẽ đó là hiện tượng tự vệ bẩm sinh khi lòng đất bị áp suất lớn, kiến bò ra khỏi tổ, di dời chỗ ở để tồn sinh. Không nên diệt kiến lúc này vì nó đang làm sứ giả báo tin thời tiết sắp thay đổi cho con người được biết.

Báo tin sắp có bão lớn sẽ đến, ở nhiều nước, nhất là các nước ở trên dưới đường xích đạo thường nhìn vào chim ó. Có nơi còn gọi nó là đại bàng. Các nhà văn thi gọi nó là “chim báo bão”. Quả vậy, sắp có bão lớn, chim đại bàng thường bay về núi, chui vào hang động để ẩn nấp. Mỗi lần chim ó, hay đại bàng bay vào núi, y như rằng, sau đó bão táp sẽ ập đến.

Có một loại cây báo bão mà người dân vùng cát thường biết đến, đó là xương rồng. Xương rồng có hàng trăm loại và chuyên sống ở những vùng đất khắc nghiệt gần sông, gần biển. Loại này chỉ ra hoa khi sắp có mưa sa, bão tố đến. “Xương rồng ra hoa, nhà nhà chống bão” là một thành ngữ mà người xưa đã đúc kết để truyền cho nhau một hiện tượng thiên nhiên xẩy ra quanh mình. Khi thấy xương rồng nở hoa là người dân biển không ra khơi xa mà chỉ đánh cá ven bờ để có thể nhanh chóng vào bờ khi thiên nhiên nổi gió.

Người làng biển còn đoán biết thời tiết xấu sẽ đến với mình khi nhìn vào con sứa. Sứa là loài vật không xương sống trong nước mặn. Khi trời yên, biển lặng, sứa nổi lên gần mặt nước để kiếm ăn. Nhưng khi nó chúc xuống, lặn sâu là báo hiệu sắp có bão. Về hiện tượng này các nhà khoa học đã giải thích, trời sắp có bão thì áp suất trên mặt nước biển cao, con sứa không chịu đựng được áp suất đó nên lặn sâu để tránh tác động của áp lực khí trời nhằm phù hợp với đặc điểm sinh lý của nó. “Sứa lặn sâu là rầu mặt biển”, đó là thành ngữ mà người dân chài đúc kết, truyền cho nhau về một kinh nghiệm đoán thời tiết. “Rầu mặt biển” trong thành ngữ trên là hình ảnh về bão tố sắp xẩy ra trên biển. Và mỗi lần sứa lặn sâu, người dân chài phải hoàn thành mẻ lưới đang đánh dở để đưa thuyền vào bến, ấn nấp vì sắp có bão tố ập đến.

Người dân chài hay bác tiều phu có kinh nghiệm đoán thời tiết qua quan sát rừng cây lau. Lau là một loại cây mọc ven đồi. Nếu khi nó phất cờ ra hoa là báo tin lành: Mùa bão tố đã chấm dứt. Vì vậy, khi thấy hoa lau nở phất cờ, người dân chài có thể cho thuyền đánh cá ra khơi xa và bác tiều phu vào rừng kiếm gỗ, tìm trầm khỏi có mưa lụt xảy ra. “Cây lau phất cờ tha hồ xuống biển” là thành ngữ mà người dân làng biển đã truyền cho nhau về một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú.

Cơn đại hồng thủy tháng 10/2020 vừa qua gây bao thiệt hại cho con người. Tuy nhiên có nơi, có người đã đoán biết điều đó sẽ xảy ra qua các hiện tượng thiên nhiên như kiến di dời chỗ ở, hoa xương rồng nở giữa trưa nắng.v.v… đã chuẩn bị ứng phó với thiên nhiên làm hạn chế sự tàn phá của nó.


1 nhận xét:

NHẬN XÉT MỚI