Thứ Năm, 10 tháng 12, 2020

CỤ NGHÈ VŨ TÔNG PHAN TRƯỚC VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM tác giả VŨ BÌNH LỤC - CHƯ YANG SIN SỐ 339 tháng 11 năm 2020

 



Sổ tay Thơ:

 


(Về bài thơ QUAN CỰU QUỐC TỬ GIÁM của Vũ Tông Phan)

 

 

Phiên âm:

 

QUAN CỰU QUỐC TỬ GIÁM

 

Hiền quan tân xưởng Đại Nam kỳ,

Cựu giám lâu tường bán dĩ phi.

Ngô đạo bất duyên tang lễ cuộc,

Thử bang thiên quán phế hưng ky (cơ).

Bách vương ảnh hướng hàn nha thụ,

Thiên cổ phong thanh triện điểu bi.

Trùng ức thiếu niên du học xứ,

Xiển Do đừng hạ phỏng tà huy.

 

Dịch nghĩa:

 

THĂM QUỐC TỬ GIÁM CŨ

 

Cửa hiền tài mới được dựng ở kinh kỳ nước Đại Nam

Lầu tường Quốc Tử Giám cũ đã điêu tàn quá nửa.

Đạo ta không quan hệ gì với cuộc bể dâu,

Chỉ đất nước này gắn bó với cơ trời suy thịnh.

Bóng dáng và âm hưởng của trăm đời đế vương,

Chỉ còn là đám cây lạnh lẽo quạ đậu.

Phong hoá và tiếng tăm của nghìn xưa,

giờ chỉ còn thấy những tấm bia rạn nứt như in dấu chân chim

Nhớ lại nơi từng du học thời niên thiếu,

(Nhưng) dưới mái giảng đường Xiển Do chỉ còn gặp lại bóng chiều tà…

 

Dịch thơ

 

Miếu Văn dựng ở Đại Nam,

Quốc Tử Giám cũ điêu tàn đã lâu.

Đạo ta ngoài cuộc bể dâu,

Cơ trời suy thịnh  nhuốm màu tang thương.

Vàng son ngàn thuở đế vương,

Còn đây lạnh lẽo thê lương thế này !

Nghìn xưa phong hóa sâu dày,

Giờ trơ mấy tấm bia gầy xác xơ.

Nhớ xưa một thuở mộng mơ,

Mà nay Văn Miếu bơ phờ hoàng hôn.

                                                            (VŨ BÌNH LỤC-Phỏng dịch)

Tiến sĩ Vũ Tông Phan (1800-1862), được người đời rất kính trọng, thường gọi là Cụ Nghè Tự Tháp. Đó là một nhà giáo khả kính, bạn thân của Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu…Thi đỗ tiến sỹ, làm quan dưới triều Nguyễn đến chức Đốc học Hà Nội, rồi cáo bệnh từ quan về sớm, mở trường dạy học bên hồ Gươm, đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước. Học trò ông làm quan nhan nhản ở kinh thành Huế. Ông cùng với Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu…nổi bật lên như những danh sỹ Bắc Hà, làm rạng danh cho Hà Nội, cho đất nước. Cũng như Cao và Nguyễn, Vũ Tông Phan sáng tác nhiều bài thơ về Hà thành. Nhìn chung, những sáng tác của các ông (và của cả các bà như Nguyễn Thị Hinh, tức Bà Huyện Thanh Quan) ở thời điểm này, phần lớn đều lấy cảm hứng hoài cổ, tiếc thương một kinh đô hoa lệ xưa đã trở thành hoang tích, khi làn gió lịch sử đổi chiều. Bài thơ “Thăm Quốc Tử Giám cũ” của Vũ Tông Phan chính là một trong những bài thơ như vậy!

Mở đầu bài thơ thất ngôn bát cú này, tác giả viết:

“Cửa hiền tài mới được dựng ở Kinh kỳ nước Đại Nam

Lầu tường Quốc Tử Giám cũ đã điêu tàn quá nửa”

Hai câu thơ, mà khái quát cả một thiên lịch sử đau buồn, với bao biến cố thăng trầm, gió mưa thế cuộc. Khi mà Triều Nguyễn đã đánh bại nhà Tây Sơn, đã bỏ Kinh thành Thăng Long, đặt đô ở Thuận Hoá, rồi cho dựng Văn Miếu ở Kinh đô mới, lại đặt tên nước (Quốc hiệu) là Đại Nam, thì đương nhiên, thành Thăng Long, đã mau chóng trở thành cố đô hoang phế. Chữ “Thăng Long” (Rồng bay) cũng bị người ta thay đổi, làm cho nó méo mó đi, không thể “bay lên” được nữa. Thành Hà Nội chẳng những bị hạ cấp về quy mô thực địa, mà còn bị hạ cấp về mặt hành chính, chỉ còn là cái Bắc Thành trực thuộc tỉnh Hà Nội (gồm cả huyện Lý Nhân của tỉnh Hà Nam ngày nay). Kinh đô mới của triều Nguyễn đặt ở Thuận Hóa (Huế), Văn miếu đương nhiên sẽ là ở Huế. Quốc Tử Giám xưa một thời tôn nghiêm, là biểu tượng văn hóa của cả nước trải qua nhiều triều đại vẻ vang, cũng không là ngoại lệ. Nó cũng bị bỏ rơi, cũng đã “điêu tàn quá nửa”!...

Hai câu thơ tiếp theo, tác giả nghĩ suy, luận bàn về lẽ hưng vong của đất nước, sự thịnh suy của các triều đại, về vật đổi sao dời thế cuộc. Vũ Tông Phan viết:

“Đạo ta không quan hệ gì với cuộc bể dâu

Chỉ đất nước này gắn bó với cơ trời suy thịnh”

“Đạo ta” là đạo nào, nếu không phải là đạo Nho mà Vũ Tông Phan và nhiều nhà Nho cùng thời đang nhọc lòng, khổ công theo đuổi, sao lại “không có quan hệ gì với cuộc bể dâu”? Tác giả chỉ đưa ra một nhận xét, về tính độc lập tương đối của đạo Nho chăng? Bởi thực tế thì triều đại đổi thay, Kinh đô dời chuyển, nhưng Văn Miếu vẫn còn, lại được tái sinh ở Kinh đô mới! Thế nghĩa là “Đạo ta” không đồng nghĩa với chính trị “bể dâu”. Nó là bất biến, trong cái thường biến của vận mệnh dân tộc, của “cơ trời suy thịnh” khác nhau mà thôi! Phải chăng, theo tác giả, mặc dù Kinh đô đã dời chuyển đi nơi khác, nhưng ở đây, ở chính đất Thăng Long cố đô văn vật này thì  “đạo ta” tức đạo thánh hiền vẫn không thể mất. Nó vẫn sống trong lòng người, dường như chẳng quan hệ gì với sự đổi thay thời thế, với bể dâu cơ trời suy thịnh? Hai câu thơ, nếu xét về vị trí của luật thơ, thì phải đảm nhiệm chức năng tả thực, nhưng tác giả đã không tuân theo cái luật thông thường ấy, mà ông đã sử dụng vị trí này bằng hai câu thơ có nội dung bàn luận. Bàn luận về đạo Nho và thời thế, theo đó là một chút cảm hoài, như một tiếng thở dài được nén lại.

Nhưng trước mắt vẫn là một Quốc Tử Giám điêu tàn hoang phế. Lòng thi nhân cồn lên bao nghĩ ngợi, tiếc thương, xót xa cho một cố đô hàng nghìn năm tuổi, thực tế là hơn nghìn năm tuổi, từng trải hàng trăm đời đế vương, bóng dáng và âm hưởng như còn phảng phất đâu đây. Tất cả, giờ chỉ còn là quá vãng mờ mịt xa xôi, chỉ còn là “đám cây lạnh lẽo” cho lũ quạ làm tổ! Thật là đau xót biết chừng nào. Chỉ vài chi tiết chân thực, hiện thực, tác giả đã cho ta hình dung thấy mồn một quang cảnh hoang lương tàn tạ của Quốc Tử Giám, của cố đô một thời vang bóng, lòng xiết bao cảm hoài chua xót…Nhưng đó là một Quốc Tử Giám vật thể hiện hữu, đã đành. Lại còn một Quốc Tử Giám phi vật thể, một Thăng Long phi vật thể, là “phong hoá”, là “tiếng tăm” của nghìn xưa…bây giờ có còn chăng? Còn đấy, nhưng “chỉ còn thấy những tấm bia rạn nứt như in dấu chân chim” đang chau mặt với thời gian vô cảm mà thôi!...

Kết thúc bài thơ, tác giả viết: “Trùng ức thiếu niên du học xứ / Xiển Do đường hạ phỏng tà huy” (Nhớ lại nơi từng du học thời niên thiếu / Nhưng dưới mái giảng đường, Xiển Do chỉ còn gặp lại bóng chiều tà”).

Tác giả thăm lại Quốc Tử Giám, như thăm lại ngôi trường xưa cổ kính, nơi chính ông cũng đã có những năm tháng dùi mài kinh sử ở nơi đây, thời niên thiếu. Nhưng dâu bể thế thời đã khiến cái trường đại học đầu tiên danh tiếng nhất, trở thành điêu tàn hoang phế. Ông ví mình cũng như Xiển, như Do, những môn sinh đạo Khổng, chỉ gặp lại Miếu Văn này, như “gặp lại bóng chiều tà” mà thôi…

Bài thơ thất ngôn bát cú, “biến tấu” chức năng trật tự các câu thơ, như một kiểu Việt hoá thơ Đường, chỉ xoáy vào một điểm nhìn cận cảnh là Quốc Tử Giám, mà ẩn chứa biết bao nỗi niềm tâm sự của một sỹ phu Bắc Hà, vốn không ưa gì những chính sách thiển cận của triều Nguyễn. Vũ Tông Phan không làm được việc “đội đá vá trời” đầy khi phách lẫm liệt như Cao Bá Quát, nhưng ông biết chuyển hoá lòng yêu nước của mình vào một hành động cụ thể, cũng rất hữu hiệu và cao quý, ấy là đào tạo nhân tài cho tương lai, chấn hưng phong hóa theo cách của riêng mình. Và đó chẳng phải là một việc làm tiếp sức cho việc nối dài “phong hoá” và “thanh âm” đẹp đẽ của dân tộc hay sao!

Toàn bộ bài thơ là một thanh điệu trầm buồn, chất chứa bao nỗi niềm sâu thẳm của một bậc đại Nho, trước bể dâu thế cuộc. May thay, nỗi niềm xót xa của Cụ Nghè Tự Tháp Vũ Tông phan, đã được đời sau giải toả. Văn Miếu Quốc Tử Giám, giờ đã được hồi sinh cùng thời đại mới, như sự hồi sinh của Thăng Long – Hà Nội vậy!

                                                                                          VŨ BÌNH LỤC


1 nhận xét:

NHẬN XÉT MỚI