Thứ Năm, 13 tháng 2, 2020

VÀI NÉT VỀ GIÁ TRỊ VĂN HÓA M’NÔNG tác giả TRƯƠNG THÔNG TUẦN - CHƯ YANG SIN SỐ: 329+330 tháng 1&2 năm 2020

 




Là một cư dân của nền văn minh nông nghiệp nương rẫy, người M’nông đã sáng tạo ra một kho tàng văn hóa dân gian rất phong phú đa dạng, từ cách ăn, mặc, ở đến phong tục tập quán theo vòng đời, vòng cây trồng và kho tàng nghệ thuật dân gian rất phong phú về trữ lượng và thể loại, là tín ngưỡng, tôn giáo, luật tục, văn học dân gian, âm nhạc dân gian, múa dân gian, lễ hội dân gian, kiến trúc và trang trí dân gian...
***
Về Tín ngưỡng, cũng như nhiều cư dân bản địa ở Tây Nguyên, dân tộc M’nông có trình độ phát triển xã hội mới dừng lại ở giai đoạn sơ khai, với tín ngưỡng đa thần. Trước đây, do sống trong cảnh núi rừng âm u, luôn bị thiên nhiên khắc nghiệt và thú dữ đe dọa, nên con người luôn cảm thấy mình nhỏ bé, yếu ớt trước vũ trụ bao la. Chung quanh họ mọi vật đều trở nên bí hiểm. Từ những ngọn núi im lìm, những thác nước đổ ào ào, cho đến những cây cổ thụ rậm rạp, và những đêm giông bão, những ngày nắng như thiêu như đốt… Tất cả tạo thành một lực lượng siêu nhiên huyền bí luôn rình rập, đe dọa con người và con người luôn bị ám bởi những vị thần đầy quyền uy, sẵn sàng giúp đỡ con người chống lại những hăm dọa của thiên nhiên. Đó là những vị phúc thần hay còn gọi là thần thiện. Ngoài ra, còn vô số những hung thần, ác quỷ, luôn rình rập ám hại con người. Con người thời đó đã cố gắng tìm hiểu, giải thích những hiện tượng xảy ra hàng ngày. Mỗi khi không giải thích được một hiện tượng trong vũ trụ như sấm sét, mưa gió… họ đều quay về tìm nguyên nhân ở những vị thần. Theo họ, mỗi hiện tượng trong vũ trụ đều do một vị thần tạo ra. Các vị thần cũng có tình cảm như con người, cũng yêu thương, hờn giận, buồn vui. Nếu được cúng nhiều lễ vật, thần linh sẽ vui vẻ, bênh vực giúp đỡ họ. Ngược lại, nếu làm trái ý hoặc không tôn trọng sẽ bị các thần bắt phạt. Người M’nông tin trong vũ trụ có ba tầng: Tầng ở trên trời là những đấng tối cao, uy quyền tuyệt đối mà họ gọi chung là Brah. Sau đó đến tầng trên mặt đất, nơi con người đang sinh sống với nhiều vị thần cai quản. Thứ ba là tầng dưới mặt đất, cũng có vô số các thần linh và ma quỷ, chúng có thể bay đi khắp mọi nơi và thường ở phía tối tăm, nơi mặt trời lặn. Nói chung, người M’nông quan niệm hệ thống các thần  linh, như sau: Loại thần thứ nhất là các thần tạo hóa là tổ tiên của loài người, câu chuyện bắt đầu từ hai người lấy nhau sinh ra được ba con, một người ở lại trên trời, hai người xuống dưới đất lấy nhau và sinh ra loài người. Thần nuôi con người có: Thần lúa, thần nhà, thần nước, thần núi, thần sông… Loại thần thứ hai gồm có: Thần thú vật hay thần ẩn giấu trong các sự vật và đồ dùng, như: Thần hổ, thần voi, thần cóc, thần cây đa, thần ghè, thần dao, thần ná, thần gùi…
Hệ thống tín ngưỡng ấy đã chi phối toàn bộ đời sống người M’nông qua hàng nghìn năm lịch sử. Tuy có những mặt tốt là tính cộng đồng cao, mọi người sống hòa thuận và đặc biệt là tín ngưỡng luôn chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa bản địa. Song, chính đó lại là nguyên nhân cơ bản làm hạn chế tư duy, nhất là tư duy trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập ngày nay.
Về tôn giáo, đạo Công giáo vào nước ta từ năm 1553 do các giáo sĩ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Pháp truyền vào, nhưng không phát triển được. Mãi đến khoảng giữa thế kỷ thứ XIX mới cắm rễ sâu vào đời sống người dân Việt. Từ khi vào Việt Nam, đạo Thiên chúa đã phát triển không ngừng và giữ một vị trí quan trọng trong đời sống một bộ phận dân cư ở nước ta. Đạo Tin lành có mặt ở Việt Nam vào cuối thế kỷ thứ XIX, đầu thế kỷ XX do Hội liên hiệp Phúc Âm truyền giáo, thuộc tổ chức Tin lành của Mỹ truyền vào, nhưng không phát triển được. Mãi đến năm 1954 khi đế quốc Mỹ xâm lược miền Nam Việt Nam nó mới có điều kiện phát triển. Đến nay đạo Công giáo và Tin lành đã phát triển khá mạnh, nhất là vùng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Hiện nay, một thực trạng đang xảy ra trong đời sống các dân tộc bản địa là đạo Tin lành phát triển rất nhanh chóng. Người dân tộc theo đạo vì các nguyên nhân khác nhau: Hoặc tìm chỗ dựa về tinh thần hoặc vì lí do vật chất. Nhìn chung, đến nay đồng bào đều có tình cảm, niềm tin tôn giáo, có nhu cầu sinh hoạt tôn giáo bình thường. Thời gian gần đây các địa phương rất quan tâm đến công tác tôn giáo. Các cấp chính quyền và mặt trận đã giải quyết những nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của tín đồ. Bà con đã tin tưởng, tuân thủ chính sách, pháp luật với tinh thần “tốt đời, đẹp đạo”.
Về tiềm năng của văn học dân gian M’nông, trước hết được thể hiện bằng ngôn ngữ tộc người. Đó là các thể loại thần thoại, truyền thuyết, truyện kể, ca dao, tục ngữ, lời nói vần… đặc biệt có kho sử thi đồ sộ người M’nông gọi là Ot ndrông. Kho tàng văn học dân gian của người M’nông có các hình thức thể hiện sau đây:
- Văn vần (h’pring), gồm có: Sử thi (ot ndrông), nao m’pring (ca dao, dân ca),  phat ktuôi (luật tục), yao (gia phả),  ngơi brah (hát cúng  thần),  nao hôl (tục ngữ, thành ngữ)…
- Văn xuôi (n’ơn) là các hình thức như truyện cổ tích, thần thoại, truyện cười… gần tương tự như đươm (văn xuôi) của người Êđê.
- Sử thi Tây Nguyên nói chung và sử thi M’nông nói riêng được hình thành trên cơ sở của một xã hội nguyên thủy, có tính nguyên hợp và cộng đồng cao. Dân tộc M’nông gọi sử thi là ot ndrông. Theo họ, ot có nghĩa đen là “kéo dài”; nghĩa bóng là “hát”, hát mãi không hết. Còn “ndrông” có nghĩa là những câu chuyện xa xưa. Như vậy ot ndrông là hình thức hát kể các câu chuyện xa xưa của dân tộc.
Đối với dân tộc M’nông, sử thi là một thể loại văn học tự sự đồ sộ nhất. Sử thi là tác phẩm văn học, nghệ thuật tổng hợp. Nó thu hút hầu hết các giá trị vốn có của dân tộc, như thơ ca, truyền thuyết, thần thoại, âm nhạc, diễn xướng… và lấy các nhân vật anh hùng làm trung tâm cho cốt truyện. Hình thức diễn xướng của sử thi bằng nghệ thuật tổng hợp, tạo nên sự hào hùng, kỳ vĩ của các nhân vật trong truyện. Đó là đặc điểm thẩm mỹ thuộc bản chất của sử thi. Đặc điểm này bắt nguồn từ tâm hồn, tư tưởng của cộng đồng, luôn hướng về các thần linh (Brah) mà các nhà nghiên cứu thường gọi là “một hiện thực huyền ảo”. Trước đây, đêm đêm quanh ngọn lửa bập bùng hay dưới mái nhà ấm cúng, các gìa làng thường kể cho con cháu nghe về quá khứ bi thương mà hào hùng của dân tộc. Giá trị nghệ thuật của sử thi M’nông được các nhà nghiên cứu văn học ví nó cao vời vợi như đỉnh núi Chư Pông, trong suốt như dòng nước sông Ba và tỏa hương thơm ngào ngạt như mùa hoa êpang nở trắng khắp núi rừng Tây Nguyên.
Nội dung cơ bản của Sử thi M’nông thường đề cập đến sự hình thành của vũ trụ, con người và xã hội. Có những sử thi nói về con người đi khai thiên lập địa, hoặc người anh hùng văn hóa. Có khi lại nói về chiến tranh và người anh hùng chiến trận. Có bản lại ca ngợi cuộc sống trù phú và hạnh phúc của cộng đồng do một người con dũng cảm gây dựng nên. Ngôn ngữ của sử thi rất gần với lời nói hàng ngày và mang đậm tính chất của thơ ca. Phương pháp sử dụng tục ngữ và thành ngữ được vận dụng một cách sáng tạo. Các thủ pháp nghệ thuật được sử dụng rất tài tình, như so sánh, tương phản, mô phỏng, ngoa dụ… thường được kết hợp với nhau trong quá trình khắc họa tính cách của nhân vật và sự việc.
Về lời nói vần (nao m’pring) của dân tộc M’nông là một thể loại văn học dân gian có nhiều nội dung và hình thức biểu hiện giống như tục ngữ, thành ngữ, ca dao. Lời nói vần M’nông là những thể loại rất giàu chất trữ tình. Đó là những câu nói có hình ảnh, nhịp điệu, có vần điệu… thường dẫn ra trong cuộc sống hàng ngày. Chủ đề của lời nói vần thường thiên về miêu tả con người, các loài vật, đồ vật, kinh nghiệm sản xuất, tín ngưỡng và những quy luật của thời tiết, như chọn đất, gieo trồng, quan hệ cộng đồng và tình yêu hôn nhân… Nó còn được dùng trong các nghi lễ và những điệu hát khấn thần. Chính nhờ hình thức lời nói vần mà dân tộc M’nông đã dựng nên những pho sử thi rất hoành tráng, có dung lượng dài đến hàng ngàn câu. Người ta sử dụng một số phương thức đặc biệt của ngôn ngữ, tạo nên các lối nói mang tính nghệ thuật của dân tộc như: Sử dụng cách đối chữ, đối nghĩa, các hình thức tạo vần, các hình thức ví von, so sánh, các hình ảnh ẩn dụ…
Truyện cổ tích của người M’nông là những chuyện do nhân dân sáng tạo ra, xoay quanh những con người, thần linh, sự vật, sự việc trong cuộc sống hàng ngày, nhưng được cách điệu hóa. Truyện cổ tích M’nông có thể chia thành 2 loại cơ bản: Cổ tích thần kỳ và cổ tích thế tục, ngoài ra còn một số truyện đề cập đến những khía cạnh khác của đời sống…
Tất cả những đặc điểm nói trên của văn học dân gian M’nông được bắt nguồn từ một nền nông nghiệp nương rẫy, một xã hội tiền giai cấp. Ở đó không có mâu thuẫn giai cấp, mâu thuẫn đối kháng mà chỉ có tinh thần hòa hợp cộng đồng dân tộc. Nói cách khác, xã hội nói trên là cơ sở ban đầu cho sự ra đời của văn học dân gian và những đặc điểm cơ bản về nội dung, hình thức nghệ thuật của nó. Văn học dân gian hình thành cơ bản trên cơ sở lời nói vần, một hình thức đặc biệt trong ngôn ngữ của tộc người M’nông.
Về dân ca, dân tộc M’nông cũng sáng tạo nên một kho tàng dân ca phong phú và đa dạng, không thua kém các dân tộc lớn ở Tây Nguyên. Những bài dân ca M’nông còn lưu lại đến ngày nay, nhiều bài đã ra đời từ buổi sơ khai của lịch sử hình thành và phát triển tộc người. Những bài ca ấy được lưu truyền qua sàng lọc tự nhiên và có sức sống lâu bền trong nhân dân, mặc dù trong suốt tiến trình lịch sử người M’nông chưa có chữ để lưu giữ vào thư tịch, mà phương pháp chủ yếu là truyền miệng trong dân gian và hình thức cha truyền con nối.
Dân ca dân tộc M’nông cũng có đủ các thể loại như: Dân ca tín ngưỡng (hát khấn thần- Bưh Brah), dân ca lao động, dân ca phong tục tập quán, sinh hoạt…
Các hình thức hát cũng thể hiện sự phong phú, đa dạng các đề tài như cuộc sống muôn màu, muôn vẻ của con người M’nông giữa thiên nhiên hùng vĩ, như: Hát đơn, hát đối đáp (mprơ tâm pât), hát múa, hát ru (mprơ n’hir kon), hát kể (mprơ  n’koch), hát khóc (mprơ nhim), hát đồng dao (nao mưi kon xe), hát đợi chờ (mprơ).
Về âm nhạc dân gian của người M’nông luôn gắn bó chặt chẽ đến từng giai đoạn của cuộc sống con người, đến vòng đời người, vòng cây trồng mùa vụ. Trải qua hàng ngàn năm vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt, chiến đấu chống kẻ thù để bảo vệ sự sinh tồn của dân tộc, người M’nông đã sáng tạo ra một kho tàng âm nhạc dân gian (cả nhạc hát lẫn nhạc đàn) vô cùng phong phú về chủng loại và số lượng.
Về nhạc khí, dân tộc M’nông đã sáng tạo nên một kho tàng nhạc khí rất phong phú và đa dạng, thuộc nhiều loại, nhiều bộ, nhiều họ, nhiều nhóm và được chế tác bằng rất nhiều chất liệu khác nhau. Đầu tiên là những những nhạc khí được chế tác từ chất liệu của thiên nhiên ngay tại buôn làng, nương rẫy. Rừng là nơi người M’nông khai thác để phục vụ cả đời sống vật chất và tinh thần. Khi cuộc sống con người gần như hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, người M’nông chỉ biết lấy những thứ sẵn có trong thiên nhiên như đá, tre, nứa, gỗ, lồ ô, dây rừng, vỏ bầu… để làm nhạc khí. Ví dụ như đàn đá, khèn m’buắt, sáo rlét, n’hom, đing gơr, gông rêng… hoàn toàn bằng chất liệu của núi rừng. Dần dần nhờ sáng tạo trong lao động để sinh tồn và phát triển, người M’nông đã biết kế thừa những thành quả lao động của các dân tộc khác, biết kết hợp với các chất liệu khác (kim loại) để chế tác ra các loại nhạc khí hoàn chỉnh hơn. Có khi qua con đường trao đổi, buôn bán, họ du nhập các loại nhạc khí của các dân tộc khác, rồi điều chỉnh hoặc cải tiến cho nó trở thành nhạc khí của dân tộc mình. Chẳng hạn như goong, ching là do du nhập từ nơi khác đến. Người M’nông và các dân tộc Tây Nguyên chưa có kỹ nghệ đúc được goong, ching. Nhạc khí do chính dân tộc M’nông chế tác có các bộ, các họ và các nhóm sau: Nhạc khí tự thân vang, nhạc khí thổi hơi, nhạc khí dây, nhạc khí màng rung. Mỗi loại nhạc khí là một công trình khám phá và chinh phục thiên nhiên, là sự sáng tạo thăng hoa của con người M’nông trong lịch sử. Đó là một dân tộc anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, xây dựng, bảo vệ quê hương và cũng thật tuyệt vời trong sáng tạo nghệ thuật dân gian, truyền thống. Người M’nông dựa vào rừng để sinh sống và cũng khai thác các chất liệu từ rừng để chế tác ra các loại nhạc khí phục vụ chính mình. Trong đời sống dân tộc M’nông hiện còn bảo lưu một số  loại nhạc khí sau đây: Nhóm nhạc khí tự thân vang: Đàn đá (goong lú), đinh dơr (6 ống nứa), guốc (đàn môi); nhóm nhạc khí thổi hơi: Rlét (sáo có ống đụng nước), m’buắt (khèn bầu 6 ống), nung (tù và sừng trâu), n’hom (sáo thổi dọc); Nhóm nhạc khí dây: Goong rêng (đàn tre); nhóm nhạc khí màng rung: Gâr (trống); nhạc khí chế tác hoàn toàn bằng kim loại, gồm có: Bộ goong pel lơ (gồm 3 cồng có núm, loại nhỏ), bộ bossed goong (gồm 4 cồng có núm, loại lớn), bộ goong rung (gồm 5 cồng có núm, loại lớn, bộ ching  đồng la (gồm 6 chiêng bằng).
Âm nhạc đã gắn bó với người M’nông trong suốt tiến trình lịch sử. Xưa kia, tiếng goong, ching đã trở thành tín hiệu số một trong cuộc sống cộng đồng. Người M’nông dùng tiếng goong, ching thay cho ngôn ngữ của con người để giao tiếp với thế giới siêu nhiên. Tiếng goong, ching còn tham gia với con người vào công việc gieo trồng của các lễ nghi nông nghiệp, như lễ phát rẫy, lễ làm cỏ, lễ tuốt lúa, lễ mừng lúa mới… Ngoài ra goong, ching còn có mặt trong các lễ nghi khác của cộng đồng, như lễ cúng voi, lễ săn voi, lễ cắt ngà voi, lễ mừng nhà mới… Goong, ching đã “ăn, ở”với con người đời đời, kiếp kiếp, thể hiện đầy đủ tâm tư, tình cảm và khát vọng của cả cộng đồng dân tộc.
Nghệ thuật kiến trúc và trang trí dân gian: Các hình thức kiến trúc dân gian, nghệ thuật tạo hình truyền thống, hoa văn trang trí trên nền vải, trên đồ đan lát bằng tre, nứa… Nó là loại văn hóa vật thể, có mặt ở hầu hết trong các lĩnh vực đời sống của người M’nông. Có thể nói kiến trúc và trang trí dân gian luôn gắn bó mật thiết với đời sống người M’nông. Nghệ thuật kiến trúc và trang trí dân gian M’nông, gồm có: Cấu trúc bon (làng), kiến trúc nhà trệt,  kiến trúc nhà sàn, trang trí dân gian trên nền vải và trang phục, trang trí hoa văn trên đồ gia dụng, trang trí hoa văn trong kiến trúc và tín ngưỡng.
Cũng như các loại hình văn hóa dân gian khác, nghệ thuật trang trí dân gian của người M’nông đều có mặt trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống. Từ nhà cửa, cầu thang ngôi nhà đến các vật dụng sinh hoạt hằng ngày, trên cán dao, cán búa, trên nỏ, ná, cung tên, trên đồ đan lát như gùi, sọt… Đặc biệt là tạo ra văn hóa trên nền vải rất phong phú và giàu hình tượng. Từ chất liệu sợi bông người phụ nữ M’nông thể hiện được nhiều kiểu hoa văn trang trí tỉ mỉ, tinh tế, sắc sảo, có sức biểu cảm cao. Dân tộc M’nông có 9 loại đồ dùng bằng vải cho cá nhân: Váy nữ, khố nam, áo ngắn tay và dài tay của nam, áo ngắn tay và dài tay của nữ, khăn đội đầu của nữ (to bàn), khăn chít đầu của nam, mền đắp, tấm choàng, địu (địu con đi đường).
Hoa văn trang trí của người M’nông mang tính hiện thực sâu sắc vì nó phản ảnh một phần của thiên nhiên và sinh hoạt xã hội. Nghệ thuật thêu dệt của người phụ nữ M’nông đã thể hiện tình yêu của con người đối với thiên nhiên và cuộc sống lao động của họ.
Nghệ thuật múa dân gian của người M’nông có từ khởi nguyên của dân tộc M’nông. Nó rất phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức và phản ánh cuộc sống lao động, chiến đấu, sinh hoạt cộng đồng cùng những tín ngưỡng, phong tục, tập quán… Cuộc sống càng phát triển thì múa dân gian M’nông càng phong phú và được thể hiện sâu sắc nhất trong các lễ hội.
Ngoài ra, từ khi có những cuộc giao lưu tiếp xúc với các tộc người láng giềng (Khmer, Êđê, Raglai, K’ho, Mạ…) và cư dân mới đến, các nhóm người M’nông tiếp nhận, rồi biến đổi, bổ sung thêm những tư thế động tác múa phù hợp với thẩm mỹ của tộc người mình. Nội dung và hình thức múa dân gian M’nông gồm có múa lao động và chiến đấu: Tổ hợp múa có nguồn gốc từ các thao tác hái, lượm; tổ hợp múa từ các thao tác tuốt lúa; tổ hợp múa từ các thao tác đan, dệt; múa chọc lỗ và tỉa hạt; múa giã gạo và sàng gạo; múa nạo cỏ, cuốc cỏ; múa xúc cá; múa chà gạc, rìu, rựa; múa bắn ná; múa phóng, đâm lao; múa đi săn, chống trả và tấn công kẻ thù; múa mô phỏng chim muông, dã thú (điệu múa chim chìa vôi, điệu múa con khỉ...); múa dân gian các lễ thức của tín ngưỡng; múa từ các lễ thức của thầy cúng; tổ hợp múa xin phép, cầu khấn, tạ ơn; tổ hợp múa ngăn chặn, xua đuổi tà ma; múa dân gian sinh hoạt, vui chơi; tổ hợp múa diễn tấu nhạc khí goong, ching; tổ hợp múa diễn tấu khèn m’boắt; động tác múa gõ ống lồ ô; động tác múa mang gùi; động tác múa lắc vai, lắc tay, chân; động tác múa đôi nam nữ; các loại động tác múa hẩy mông...
Nghi lễ dân gian tương đồng với các dân tộc bản địa khác ở Tây Nguyên, dân tộc M’nông cũng có một hệ thống nghi lễ gắn bó với từng giai đoạn của cuộc sống con người, vòng đời người, vòng cây trồng. Trong kho tàng văn hóa dân gian M’nông, nghi lễ dân gian chiếm vị trí trung tâm, bao trùm lên toàn bộ đời sống cộng đồng. Bao quanh con người và cộng đồng là các nghi lễ dân gian, mà ở đó, theo quan niệm của đồng bào, có các đấng thần linh tối cao có khả năng mang lại hạnh phúc cho con người. Vì thế, con người gửi gắm vào đó tất cả niềm tin, hy vọng và những hoài bão lớn lao nhất. Mục đích tối thượng của nghi lễ là khấn cầu các thần linh, mong được các thần che chở, giúp đỡ bản thân, gia đình và cộng đồng vượt qua khó khăn, đạt được những điều mà con người mong muốn. Đây chính là dịp các thành viên trong cộng đồng hiểu nhau, gắn bó với nhau hơn, cùng đoàn kết vượt qua mọi thử thách gian nan.
Dân tộc M’nông có các hệ thống lễ nghi sau: Lễ nghi theo vòng đời người, lễ nghi theo vòng cây trồng và các nghi lễ khác của cộng đồng và gia đình.
Đề cập đến vòng đời người, từ khi cất tiếng khóc chào đời đến khi nhắm mắt xuôi tay, các loại nghi lễ vẫn luôn theo sát con người. Thậm chí khi chết nằm dưới mộ, các nghi lễ vẫn rộn rã, tưng bừng. Chỉ đến sau khi làm lễ bỏ mả cho người chết thì người đời mới thực sự lãng quên người đã mất. Quy tụ chung quanh các nghi lễ là các loại hình văn nghệ dân gian. Chúng ta có thể thấy ở đây sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật trang trí hoa văn, phương pháp tạo hình truyền thống, với các màu sắc, đường nét sống động của nghệ thuật tạo hình M’nông. Bên cạnh đó là nghệ thuật múa với những vòng xoay ngược chiều kim đồng hồ, uyển chuyển, trữ tình và tinh tế, lắng đọng. Văn học dân gian với những bài cúng, khấn có nội dung cầu xin các thần phù hộ, giúp đỡ con người. Đặc biệt là vai trò của âm nhạc goong, ching với lối đánh hòa âm, đối vị độc đáo và tiết tấu vui nhộn, dập dìu triền miên không ngớt.
Lễ vật cho các lễ hội thường là trâu, bò, heo, gà, cơm, rượu… Cũng như các dân tộc Tây Nguyên khác, người M’nông không quan niệm “con trâu là đầu cơ nghiệp” như người Kinh ở vùng đồng bằng. Tất cả trâu, bò và các loại gia súc khác nuôi được chỉ làm vật hiến sinh để cúng thần. Lúa gạo gieo, trồng vất vả quanh năm phần lớn để phục vụ cho mục đích làm nghi lễ cúng thần.
Đề cập đến các lễ nghi nông nghiệp, chung quanh vòng cây trồng, người M’nông luôn quan niệm đó là những việc trọng đại, có thể mang đến mùa màng bội thu, con người sống no đủ. Vì vậy người M’nông rất coi trọng các giai đoạn của quy trình sản xuất, luôn có các lễ nghi tương ứng với từng giai đoạn của công việc và thời gian phát triển của cây trồng  như một chu kỳ  khép kín.
Lễ vật cúng trong các lễ nghi nông nghiệp thường là heo, gà, cơm, rượu hoặc một số sản phẩm khác tùy theo mức độ kinh tế của mỗi gia đình. Các lễ nghi khác của cộng đồng và gia đình M’nông, như lễ đâm trâu, lễ cúng bến nước, lễ ăn mừng nhà mới… cũng đều gắn liền với những quan niệm về sản xuất nông nghiệp nương rẫy, về thế giới thần linh, về hồn ma… Nhìn chung các nghi lễ của dân tộc M’nông đều có các hình thức giống nhau, hướng tới những đấng siêu nhiên để mong được giúp đỡ, chở che cho con người  sống no đủ, yên vui.
Luật tục M’nông (phat ktuôi) hay còn gọi là tập quán pháp là một trong những hình thức quản lý xã hội của buôn làng cổ truyền. Nó bao gồm một số phong tục tập quán được quy định rất chặt chẽ, nhằm duy trì, củng cố các mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng, giữa con người với đấng thần linh. Người M’nông cho rằng: Luật tục là những lời thiêng liêng nhất của tổ tiên, ông bà truyền lại để giáo dục con cái.
Xã hội truyền thống M’nông vận hành theo luật tục. Luật tục M’nông là những quy định được “cố định hóa” và lưu truyền trong dân gian từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nội dung của luật tục chứa đựng các quan hệ về kinh tế, xã hội, phong tục tập quán, nghi lễ của cộng đồng… Nó còn quy định rõ những điều cấm kỵ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, nếu ai vi phạm sẽ bị xử lý bằng các hình thức “phạt” rất cụ thể. Người “cầm cân, nẩy mực” trong các vụ vi phạm luật tục thường là chủ bon, già làng và những người này thường nắm vững luật tục để đứng ra phân xử các tranh chấp trong bon. Nội dung cơ bản của luật tục M’nông tập trung vào các đối tượng sau:  Luật tục về phong tục tập quán và tín ngưỡng, luật tục về hôn nhân và gia đình, luật tục về xâm phạm cơ thể con người, luật tục về tranh chấp tài sản, luật tục về một số điều khác.
Ngoài những nội dung nói trên, luật tục M’nông còn có  đặc điểm về hình thức thể hiện dưới dạng văn vần (nao pring), với cấu trúc các câu 3 chữ, 4 chữ, có khi 6 chữ.  Dù ở bất cứ dạng nào nhưng  khi đọc lên nghe có vần điệu như thơ. Đặc biệt, sau khi xử xong, dù tội nặng đến mức bị giết hay phải đền voi hoặc lỗi nhẹ chỉ bị cảnh cáo, khuyên nhủ… thì sau đó đều có lễ vật để cúng thần và uống rượu hòa giải. Sự chứng giám của các thần linh là vô cùng quan trọng, vì theo họ chỉ có các thần linh mới có thể hòa giải và đi đến xóa bỏ được mọi hận thù, tránh dẫn đến những xung đột tiếp về sau.
***
Văn hóa của tộc người M’nông là một kho tàng Folklore gồm nhiều loại hình, cả về văn hóa vật thể và phi vật thể. Nó có giá trị đặc biệt, không chỉ trong đời sống hiện tồn của đồng bào mà còn có giá trị về lịch sử, dân tộc học, mỹ học, nghệ thuật,… Tính giá trị còn biểu hiện ở sự đa dạng, phong phú của nội dung, phản ánh nhiều mặt của xã hội trong suốt tiến trình lịch sử. Kho tàng văn hóa dân gian M’nông tuy bình dị nhưng sâu sắc và vô cùng nhân bản. Nó luôn hướng về những điều thiện, về những ước mơ bình thường như thiên nhiên và cuộc sống con người miền sơn cước. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của dân tộc, những sáng tạo văn hóa luôn luôn được sàng lọc và đào thải. Những gì còn lại đến ngày nay chắc chắn đã được thời gian thẩm định nên nó có sức sống lâu bền, sống mãi và gắn bó mật thiết với nhân dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI