Thứ Ba, 11 tháng 2, 2020

THỨC DẬY KÝ ỨC MỘT THỜI tác giả ĐẶNG BÁ TIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 329+330 tháng 1&2 năm 2020








(Nhân xem Triển lãm tranh “Ban Mê ngày cũ” của họa sĩ của Lê Vấn tại
Đường Sách - Cà phê, Tp. Buôn Ma Thuột, từ 12 - 15/12/2019)



Cách đây 5 năm (2014) họa sĩ Lê Vấn đã có triển lãm riêng mang tên “Hồi ức Buôn Ma Thuột”. Cái tên của triển lãm đã thể hiện khá rõ nội dung những bức tranh của anh. Lần này với triển lãm mi-ni “Ban Mê ngày cũ” Lê Vấn tiếp tục chèo con thuyền cảm xúc bơi ngược về ký ức, để lại sinh hạ tiếp 20 bức tranh màu nước (khổ 56cm x 76 cm), khiến người xem không thể không ngẫm ngợi và không thể không thích thú!
Điều khiến cho người xem phải ngẫm ngợi, ấy chính là ký ức về một thời của Ban Mê. Ký ức đó phải chăng như mạch ngầm luôn luôn tuôn chảy trong tâm thức của người họa sĩ này và đã cho anh những kỷ niệm êm đềm về Ban Mê một thời; đồng thời cũng đã khiến anh nhiều đêm day dứt buồn, nhớ, tiếc, thương về một thời đã và đang chìm dần sau bao lớp bụi thời gian... Riêng tôi, tôi như thấy nhiều đêm anh đã không thể ngon giấc, bởi sự buồn, nhớ, tiếc, thương ấy. Tóc anh bạc đi một phần bởi canh trường thao thức nghĩ suy và những thúc giục từ cõi vô hình: Phải làm gì để giữ lại cho chính mình, cho con cháu mình, cho mọi người về một thời của Ban Mê, một thời đầy khó khăn, gian khổ, đầy gió hú, bụi mù, một thời phá rừng dựng phố, một thời đào đất tìm hạt bắp, củ mì... Một thời, dù gian khổ, dù nhuốm lên cả không gian và thời gian biết bao mồ hôi, có khi cả máu, nhưng đó cũng chính là “hồi môn tinh thần” của ông cha cần giữ lại cho con cháu, giữ lại để con cháu hôm nay, ngày mai và những ngày xa hơn nữa được thấy, được biết về “một thời như thế”; từ đó, biết yêu thêm mảnh đất này, biết trân trọng mồ hôi và máu ông cha đã đổ xuống dựng xây, tô điểm cho Ban Mê bề thế, khang trang mà chúng đang được ân hưởng. Đó hẳn cũng là lý do, là nguồn cảm hứng thôi thúc anh cầm cọ làm sống lại một thời của xứ sở này, xứ sở mà anh đã chọn làm quê hương thứ hai và gắn bó trọn đời với nó.
Với những ai đã ở tuổi trung niên trở lên, đã có khoảng ba chục năm sống trên mảnh đất Ban Mê này, đến xem triển lãm, bước chầm chậm dọc lối bày tranh của Lê Vấn, được thấy lại những hình ảnh quen thuộc của một thời, tôi dám chắc trái tim sẽ bị “mắc bùa” bởi “hồn cốt” của những bức tranh ấy và rồi tâm hồn người xem sẽ bị dẫn lối bay về vùng trời ký ức với tràn ngập những liên tưởng miên man... Ấy là những Ngày đầu trên quê mới: Nơi có căn nhà gỗ xộc xệch vừa dựng tạm, đất mới vỡ còn tươi nguyên sắc đỏ, cây vừa trồng đang lấp ló màu xanh. Là Chiều về trên buôn: Có hình ảnh người đàn bà bước nghiêng nghiêng bởi gùi nặng trên lưng, là mấy con bò vàng như đang ngó nắng, đợi hoàng hôn buông, là đàn gà con chiếp chiếp quẩn chân mấy đứa bé áo mặc phong phanh lầm bụi đỏ. Là cảnh Đi giữa mùa khô: Cánh rừng trụi lá, màu đất đỏ biết trèo tới nửa thân cây, là người đàn bà như lọt thỏm giữa cánh rừng, hình như chị đang trên đường từ rẫy về nhà với chiếc xe đạp thồ mấy buồng chuối, những quả chín bói vàng hươm, xếp cạnh những quả xanh, hẳn là sản phẩm từ chính tay chị gieo trồng; dù có vất vả nhưng chắc lòng chị đang vui, vui vì chị biết đất đỏ ở đây màu mỡ, không phụ người tần tảo, siêng năng. Ấy là Xóm lau tím: Với mấy ngôi nhà gỗ, mái tranh xơ xác vì nắng gió, vách gỗ xẻ, lớp nọ chồng lớp kia cong vênh, không thấy bóng dáng con người đâu cả, nhưng bức tranh lại cho thấy con người mới nhập cư nơi đây đang “tranh chấp” với cỏ lau để khẳng định lãnh địa, khẳng định sự tồn tại của mình, con người ở đây đang vượt qua mọi trở lực của thiên nhiên khắc nghiệt để vươn lên xây dựng cuộc sống mới văn minh, hiện đại hơn. Hình ảnh đoạn dây điện vắt trên cái trụ làm bằng cây rừng nhỏ, xiêu xiêu, phải chăng là một tín hiệu của văn minh, của điện khí hóa bắt đầu tìm đến xóm lau?
Mỗi bức tranh của Lê Vấn đều như ẩn chứa một câu chuyện về một thời. Nếu ta xem tranh không vội vàng và chịu để cho hồn lắng lại giữa khuôn tranh, thì những đường nét run rẩy đầy cảm xúc, những gam màu nâu, đỏ, xám, những nhấn nhá, đậm nhạt của đầu cọ sẽ dần dà cất lời kể cho ta/ nhắc lại với ta những câu chuyện thực ra đã có sẵn trong tâm thức, trong máu thịt ta tự bao giờ mà bấy lâu ta không còn nhớ/ không còn để tâm!
Tôi vào định cư ở Ban Mê cuối năm 1987, thời điểm Ban Mê đang ngập tràn khó khăn, phố xá còn bộn bề, đường đi nhiều nơi còn đất đỏ nguyên sơ... và vì thế ngắm chùm tranh Nhìn về phố, Phố nhà gỗ, Chợ Km3, Hẻm Suối Đốc Học... lòng bao cảm xúc ùa về. Ôi, cái con hẻm Suối Đốc Học bé teo, ẩm ướt thời ấy, nhà gỗ, nhà xây cấp bốn, mái tôn cũ xộc xệch như muốn nhô ra, cài vào nhau để che cho con hẻm nghèo, che cho những người lao động ở đây sớm tối đi/về mà không thể nào “đủ sức”; những bức tường gỗ, hoặc xi măng xám đen, nâu đỏ lem nhem, như được quệt từ mồ hôi/ thấm đầy mồ hôi và cả nước mắt của bao người lao động đang trú trong con hẻm ấy. Trước bức tranh Nhìn về phố, tôi như thấy bóng dáng ông chú họ của tôi năm 1988 di cư từ xứ Nghệ vào Ban Mê, ông vỡ cả một vạt đồi ở Ea Kao để dựng nhà, làm vườn. Chiều chiều ông lại đứng chống cuốc nhìn về phố, nơi có những ngôi nhà xây cao, thấp, nhấp nhô, khá đầy đủ tiện nghi, nơi ấy có những đường phố đang đông đúc người qua lại, tiếng nhạc, tiếng xe huyên náo, rộn ràng... và tôi từng nghe ông nói: Rồi đây Ea Kao cũng sẽ là phố xá! Bức tranh của Lê Vấn như nói hộ ông chú tôi và bao người dân di cư tới Ban Mê thời ấy về niềm tin vào ngày mai, về sự thay đổi mà mảnh đất này sẽ mang lại cho họ, nếu họ biết tin, yêu và biết đổ mồ hôi, trí lực vì nó.
Là người “ngoại giới” mĩ thuật, nhưng xem bức tranh Cơn mưa đất đỏ, một bức tranh mà nội dung theo tôi không có nhiều điều nổi trội so với các bức tranh khác, nhưng tài hoa vẽ màu nước của Lê Vấn thì hình như được thể hiện tất cả ở đây. Cái màu xám của cơn giông sầm sập kéo tới trên bầu trời, những người dân lưng mang gùi mặc áo mưa không màu, mỏng mảnh, bình thản rảo bước trong mưa (bởi họ đã quá quen với những cơn mưa bất chợt của Tây Nguyên). Mưa chảy loang loáng ánh nước bạc trên đường, bắt đầu làm đất ba zan tan chảy, sắc đỏ lởn vởn lẫn vào dòng nước mưa màu bạc... Dưới bàn tay của họa sĩ, những gam màu nhòe mờ, nhấn nhá đậm nhạt như đã chạm tới giới hạn của sự tinh tế, bắt đầu chuyển sang trạng thái thăng hoa, để ta được thấy sự run rẩy, lung linh của bức tranh, thấy được cảm xúc và tài hoa của người họa sĩ này. Đấy là chỗ khiến tôi thích thú và như bị mê hoặc.
Có thể nói: Triển lãm “Ban Mê ngày cũ” là sự chuyển tải lịch sử, văn hóa của Buôn Ma Thuột một thời tới người xem hôm nay bằng những rung động thực sự của một trái tim đã thuộc về mảnh đất Ban Mê này và từ một bàn tay tuyệt vời mà bà mẹ nghệ thuật đã sủng ái ban tặng cho Lê Vấn...
Ban Mê 17.12.2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI