Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2020

CÂY ĐÀN VIKRAM tác giả H’LINH NIÊ - CHƯ YANG SIN SỐ: 329+330 tháng 1&2 năm 2020




Cái tên thật lạ, chưa từng thấy xuất hiện trong danh mục nhạc cụ giao hưởng quốc tế hay nhạc cụ dân gian Việt Nam, ấy vậy mà nó đang hiện diện ở Buôn Ma Thuột.
Nguyễn Trường nhất định mời chúng tôi ghé nhà uống ly café trước khi lên đường đi Phú Yên dự Liên hoan văn hóa Chăm. Đi một vòng quanh phòng khách của anh chỉ toàn thấy chất đống những ống nứa và các loại nhạc cụ cũng bằng tre nứa. Nghề chính sau khi tốt nghiệp tại Viện Âm nhạc Quốc gia Huế là violon, hơn chục năm làm Trưởng phòng đào tạo trường Cao đẳng VHNT Đắk Lắk, nhưng cái nghiệp mà “chàng” say mê lại là chế tác nhạc cụ dân gian từ hàng chục năm nay, nên chẳng ngạc nhiên gì với những bộ đàn đing pah, ching kram, những vỏ trái bầu khô gió đưa chạm nhau kêu lốc cốc trong thềm nhà anh.
Nhưng đó cũng chưa phải việc chính. Lụi hụi dọn ra bộ loa và tăng âm, lấy trên tường xuống một nhạc cụ nho nhỏ, nhìn hình dạng chưa đoán được cái gì. Cắm sợi dây tăng âm vào, dùng một vĩ kéo cũng bằng tre, âm thanh phát ra là tiếng nứa. Đàn vikram là thế. Nghĩa là cây đàn violon bằng tre (tre tiếng Êđê là kram), sản phẩm từ sau ngày rời bỏ cái chức Trưởng phòng Đào tạo của Trường Cao đẳng VHNT tỉnh Đắk Lắk.
Gượng lại sau vài năm người bạn đời yêu thương ra đi về cõi vĩnh hằng, Nguyễn Trường quay trở lại với “nghề” mà ngày còn tuổi lao động anh ít chăm lo tới. Mất vài tháng, hàng chục đoạn tre nứa mới hình thành cái hình dạng như một cây đàn gong reng được mắc dây và thiết kế một chỗ để tì cằm này. Có thể coi đó là sự kết hợp nguyên lý cấu tạo của đàn violon, và đàn gong reng chăng? Rất đơn giản, chỉ gồm một đoạn tre nhỏ, mắc những sợi cật nứa mảnh. Còn chiếc vĩ kéo thì sao? Đàn violon, vĩ là lông đuôi ngựa, vậy vikram bằng gì? Cứ loay hoay vừa nghĩ vừa làm. Để hôm nay âm thanh trong trẻo ấy cất lên rụt rè khoe với bạn bè. Biết đâu lại chẳng có người bảo là “rỗi hơi”. Nhưng thứ âm thanh tuyệt đẹp phát ra từ cây đàn khiến Nguyễn Trường càng đam mê. Anh mạnh dạn đăng ký với Chi hội Văn nghệ dân gian của Hội VHNT Đắk Lắk, hy vọng được hỗ trợ sáng tạo, ước mong hoàn chỉnh cây đàn, cả từ hình dạng, bộ ngựa lên dây, lẫn vĩ kéo, nhất là được sự công nhận của giới chuyên môn.
Đã có nhiều những nhạc cụ dân gian từ rẫy nương ra đi, kiêu hãnh đứng chung trong các dàn nhạc dân tộc, đem âm thanh của núi rừng hòa cùng bè bạn khắp thế giới, như đàn t’rưng, đing pah, ky pah… Hay những chiếc kèn túi da của Niu Delan… nhưng từ nhạc cụ giao hưởng của quốc tế mà quay lại gần với nhạc cụ cổ truyền của Tây Nguyên, thì có lẽ mới chỉ có vikram là đầu tiên.
Chợt nhớ những cây đàn t’rưng, klong put, ting ning cải tiến của cố nhạc sỹ Thảo Giang, cây đàn đing pah của cố nhạc sỹ Y Sơn Niê, sáo vỗ của Vũ Lân… chẳng dễ dàng gì khi trở thành nhạc cụ “đứng” được trong dàn nhạc dân tộc khắp cả nước. Nên chặng đường Nguyễn Trường đi tiếp với cây đàn vikram chắc cũng còn phải trải qua nhiều công đoạn gian lao mới được chính thức công nhận. Bởi sau khi hoàn chỉnh, còn phải có tác phẩm phát huy hết được tính năng, âm vực…
Nhưng trước hết cứ chúc mừng Nguyễn Trường, vì thêm một nhạc cụ mới từ những cây tre, nứa, lồ ô giản dị, thân quen của núi rừng Tây Nguyên, cất lên những âm thanh trong trẻo góp mặt với bạn bè. Hy vọng rồi sẽ có một nhạc sỹ nào đó không chỉ trân trọng với cái sự “lao tâm khổ tứ” của Nguyễn Trường, mà còn tràn đầy cảm xúc sáng tạo, để cho vikram được thật sự định danh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI