Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2020

TÌNH HUỐNG ĐỘC ĐÁO TRONG TRUYỆN NGẮN BẾN QUÊ CỦA NGUYỄN MINH CHÂU tác giả NGUYỄN PHƯƠNG HÀ - CHƯ YANG SIN SỐ: 329+330 tháng 1&2 năm 2020

                                                                                


 
                                                          


Từ sau năm 1975, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã sớm đổi mới mạnh mẽ trong ý thức nghệ thuật và thể hiện trực tiếp trong hàng loạt các sáng tác. Đó là sự đổi mới quan niệm về hiện thực, đổi mới cách nhìn và khám khá về con người và sự đổi mới về bút pháp tự sự. Đối với truyện ngắn, ông ngày càng có ý thức sâu sắc hơn về vai trò của tình huống truyện và đã xây dựng được nhiều tình huống truyện độc đáo, có hàm lượng thẩm mỹ cao. Một trong những biểu hiện đó là tình huống truyện trong truyện ngắn Bến quê (Ngữ văn 9), sáng tác năm 1985, in trong tập truyện cùng tên, đây là một tác phẩm tiêu biểu cho hướng tiếp cận đời sống từ góc độ thế sự ở giai đoạn sáng tác thứ hai của Nguyễn Minh Châu.
Trong truyện ngắn, tình huống truyện có vai trò hết sức quan trọng việc thể hiện nhân vật và chủ đề tác phẩm. “Tình huống truyện là những sự kiện đặc biệt của đời sống được nhà văn sáng tạo trong tác phẩm, chứa đựng một tương quan bất thường giữa người với người hoặc giữa người với ngoại cảnh. Tại sự kiện đó, tính cách con người được bộc lộ sắc nét và thông điệp của nhà văn gửi gắm được hiện hình trọn vẹn” (Dẫn theo bài giảng: Chuyên đề truyện ngắn của TS Chu Văn Sơn). Theo tính chất của tình huống truyện, người ta phân tình huống truyện thành các kiểu: tình huống hành động, tình huống tâm trạng, tình huống nhận thức.
Tình huống truyện trong truyện ngắn Bến quê được xác định là tình huống nhận thức và có thể gọi đó là “SỰ BỪNG NGỘ CỦA MỘT CON NGƯỜI”.
Truyện kể về nhân vật Nhĩ với một hoàn cảnh rất đáng thương: Trước đây, Nhĩ là người đã đi rất nhiều nơi trên thế giới nhưng trong những ngày cuối đời, anh bị buộc chặt vào giường bệnh, bị liệt nửa người, mọi sinh hoạt của anh đều dựa vào người thân. Nhĩ khao khát đến cái bãi bồi bên kia sông nhưng không thể đến được. Anh nhờ con trai là Tuấn thay anh đến đấy nhưng Tuấn đâu hiểu được khao khát ấy của cha. Trên đường đi, Tuấn lại mải mê vào ván cờ phá thế như cách người ta vướng phải những cám dỗ trong cuộc sống và lỡ mất chuyến đò sang bên kia sông. Trong tuyệt vọng, Nhĩ thu hết mọi sức tàn, bíu chặt mười đầu ngón tay vào cái bậu cửa sổ, đưa bàn tay vẫy vẫy về phía cái bãi bồi bên kia sông ấy như một nỗ lực cuối cùng trong cuộc đời.
Tình huống truyện đã tạo ra hai nghịch lý: Nghịch lý thứ nhất là “Suốt cuộc đời Nhĩ đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất, vậy mà gần một năm nay, căn bệnh quái ác đã cột chặt lấy anh vào giường bệnh. Liệt toàn thân, tự nhích người di chuyển vài chục phân trên tấm nệm khó bằng bay nửa vòng trái đất, sinh hoạt chủ yếu nhờ vào sự giúp đỡ của Liên”. Nghịch lý thứ hai đó là Nhĩ đã từng đi khắp năm châu mà chưa từng một lần đặt chân lên cái bãi bồi bên kia sông, ngay trước mắt mình. Như một định mệnh, miền đất ấy cuộc đời anh mãi mãi không thể đặt chân lên được, ngay cả khi Nhĩ nhờ con trai đến đấy thay anh.
Từ tình huống trên, tác giả đã đưa đến một thông điệp: Trong cuộc đời có những điều giản dị, bình thường nhưng không phải lúc nào cũng sớm nhận ra mà phải qua bao trải nghiệm, có khi đến cuối đời mới nhận ra được. Con người ta bước trên con đường đời khó tránh khỏi những vòng vèo, chùng chình mà cuộc sống giăng ra trước lối. Chỉ có những vẻ đẹp gần gũi, thiêng liêng là nơi có thể cho ta chỗ dựa, nâng bước cho ta trên cuộc đời. Với Nhĩ, đó là cái bãi bồi bên kia sông, là người vợ tần tảo, giàu đức hy sinh mà đến lúc này anh mới thấm thía.
Qua tình huống truyện, tác giả đã thể hiện sinh động diễn biến tâm trạng của nhân vật Nhĩ. Những ngày cuối đời, Nhĩ cảm thấy thiên nhiên như đẹp hơn với cái nhìn gần gũi và thân thiết hơn những gì anh đã biết. Sáng đầu thu hiện lên như một bức tranh trên cái nền của cảnh sắc. Đó là những bông hoa bằng lăng nở muộn, sắc đang phai giữa không gian vời vợi của bầu trời. Nắng soi dòng sông uốn lượn mềm mại, đỏ nhàn nhạt màu nước phù sa soi lên cái chiều rộng, chiều sâu của cái bãi bồi ngay trước cửa sổ. Anh thấy nó đẹp đến kỳ lạ bởi vì đó là lần đầu tiên anh say sưa chiêm ngưỡng nó, say sưa khám phá cái ẩn mình bên trong lớp vỏ hiền lành, gần gũi, đã quen thuộc bấy lâu nay. Anh cay đắng nhận ra cảnh vật kia mãi mãi là miền đất xa lắc, đến với nó chỉ là một giấc mơ xa rời tầm tay.
Hình ảnh người vợ hiện lên trong anh nỗi buồn xen lẫn những mặc cảm xót xa, tê tái: “Lần đầu tiên Nhĩ để ý thấy Liên đang mặc tấm áo vá” và đôi tay gầy gò. Anh thấu hiểu sự vất vả, hy sinh thầm lặng của người vợ hiền thảo: “Suốt đời anh chỉ làm em khổ tâm…mà em vẫn nính thinh”. Nhĩ xúc động, thương cảm với cuộc đời tần tảo, lặng lẽ của vợ. Đó là niềm xúc động khi anh tìm được cho mình nơi nương tựa là gia đình. Anh đã ân hận, xót xa vì là trụ cột của gia đình mà chưa bao giờ làm cho gia đình ấy được sung sướng.
Dường như bằng trực giác, Nhĩ đã nhận ra thời gian của đời mình chẳng còn bao lâu nữa. Cảm giác về cái chết treo lơ lửng dường như đã thôi thúc cái khát khao trong anh cháy bỏng hơn, trước khi những đốm tàn của sự sống tắt lịm hẳn. Đó là khát khao được đặt chân lên cái bãi bồi bên kia sông, một miền đất trù phú và mơ ước. Cái bờ bên kia không dừng lại ở ý nghĩa hiện thực nữa, nó mang những giá trị biểu tượng vô cùng thiêng liêng. Bờ đất ấy cũng là phần cuộc đời chưa đi tới, phần cuộc đời mà mỗi người đều muốn khám phá dù biết rằng nó là không giới hạn. Bến bờ ấy cũng có thể là bến đậu quê hương, bến đậu cuộc đời, bến đậu của những giá trị tinh thần gần gũi mà ý nghĩa. Hành động cuối cùng của Nhĩ “giơ một cánh tay gầy guộc ra phía ngoài cửa sổ, khoát khoát - y như đang khẩn thiết ra hiệu cho một người nào đó” như một cố gắng cuối cùng để gửi đến mọi người lời nhắn nhủ thức tỉnh, thoát khỏi sự vòng vèo, chùng chình, chung tay vào để hướng tới những giá trị đích thực mà gần gũi trong cuộc sống. Đó cũng là thông điệp đầy tính nhân văn của Nguyễn Minh Châu qua tình huống truyện và nhân vật ở tác phẩm này.
Dạy - học tác phẩm thuộc thể loại truyện ngắn nói chung cũng như truyện ngắn Bến quê của Nguyễn Minh Châu cần chú ý phân tích tình huống truyện, từ đó mà tìm hiểu tâm trạng và cốt cách của nhân vật thể hiện qua tình huống. Có như thế chúng ta mới thấy rõ được ý đồ nghệ thuật và thông điệp của nhà văn cũng như những giá trị thẩm mỹ của tác phẩm. Trên cơ sở đó mà giáo dục cho học sinh biết trân quý, mến yêu quê hương đất nước, những giá trị gần gũi, bình dị mà rất chân thật trong cuộc sống.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI