Nhà thơ Đặng Bá Tiến
Chỉ riêng em
Cúc Quỳ màu nắng
Chiều nay vẫn vàng đến
bỏng tim ai…
Hai
câu thơ da diết về hoa dã quỳ của Đặng Bá Tiến làm tôi cứ lan man nhớ những ngày
ở Buôn Ma Thuột cuối năm 2017. Nhớ những ngày uống rượu Ma-kông say cùng Đặng
Bá Tiến, Lê Vĩnh Tài, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Nguyên Quân , Võ Quê… Nhớ rồi
vui. Nhớ rồi buồn. Lần đầu tiên tôi được dự trại viết của Hội Nhà văn Huế ở Khu du lịch Đầu
Nguồn, Đăk Lắk thật đẹp, đến 20 ngày. Hai mươi ngày chỉ uống rượu, viết và đi .
Bảy mươi rồi vẫn thèm đi. Từ lâu, trong tâm khảm tôi, một đứa con của miệt biển
Quảng Bình, Tây Nguyên là rừng đại ngàn nguyên sinh, là hổ gầm, vượn hú, là từng
đàn voi rừng, là bè lao thác dữ; Tây Nguyên là cồng chiêng lửa múa, là nghiêng
ché rượu cần, là Bài ca Đam San kể đêm nhà dài dài năm tháng, Tây Nguyên là bí ẩn
cội nguồn….Và mấy chục ngày tôi quyết đi tìm hình ảnh Tây Nguyên mà tôi hằng ngưỡng vọng!
Thơ Đặng Bá Tiến như hoa dã quỳ Tây Nguyên gọi tôi đi…
Từ
Buôn Ma tôi đã đi cả trăm cây số đến bên sông Krông Năng, bên các bản làng người
Ê Đê, Gia Rai nhưng không hề thấy bóng dáng đại ngàn. Chỉ điệp trùng những đồi
đất đỏ ba zan cây cối lúp xúp cùng lau sậy và những nương cà phê bạt ngàn và
hoa quỳ vàng rói rói. Hoa quỳ như nụ cười thời gian động viên tôi. Tôi chỉ gặp chục cây cổ thụ rừng xưa còn sót lại
bên đường cái quan ở xã Phú Xuân, huyện Krông Năng, Nghe nói ngày xưa khu rừng
nhỏ này là nơi ở của nhà thơ Thái Ngọc San từ Huế đi “kinh tế mới” cùng dân vào
đây khai hoang dựng làng, nên không ai nỡ chặt. Tôi chăm chú ngắm mấy cây rừng
đứng cô đơn trong gió như một nỗi niềm.
Không tìm thấy rừng tôi về đọc thơ Đặng Bá Tiến. Và đây, mùi rừng
, sắc rừng thơ
vào trang sách : Còn đâu những tháng ba trời đất thơm lừng/ trăm thứ hoa rừng
đua nhau khoe sắc/ ong đập cánh cho ngợp trời phấn rắc/ mật ngọt như mưa dưới
tán biếc ròng ròng ( Tiếng tù và và Ma-Kông) . Cái anh chàng nhà báo dân Hà
Tĩnh này không biết thành Người Tây Nguyên từ bao giờ mà nghe được tiếng dòng
sông Se-rê-poc từ ngàn xưa âm vọng giấc mơ còn ấm: Sê-rê-pốk ơi, tôi nhớ những
cánh rừng xanh soi bóng trên dòng sông trôi/ những bầy công trong nắng mai xòe
xiêm y ngũ sắc lượn bay với bạn tình/ tôi nhớ những thảm cỏ xanh trưa vàng có
chú nai con nằm day vú mẹ/ nhớ tiếng ra
rừng chiều lung linh dập dờn trong
khóm lá/ ai hú gọi ai đến uống mật ong rừng….. Bài thơ lục bát Trở lại rừng xưa
của Đăng Bá Tiến viết về rừng Bản Đôn đọc nghẹn như một vết thương đang mưng mủ: Ngàn lau
xao xác u sầu/ Rừng xưa đã hóa nỗi đau nhân tình . Và tôi tìm được
rừng xưa trong thơ : Cái thời công múa cùng nai/ Lá xanh giăng tán thành hai từng trời/
Tôi như đứa trẻ trong nôi/ Nằm nghe cây hát những lời đung đưa / Thấy trong hoa
lá chuyển mùa/ hồn rừng xao xuyến như vừa viết yêu…
Hồn tôi bỗng vang lên tấu khúc. Trăm cây số không gặp đại ngàn,
chỉ gặp bạt ngàn cà phê và Hoa Quỳ vàng đang cười trong nắng. Âu đó cũng là niềm
an ủi!
Tây Nguyên ơi. Nỗi nhớ hóa vàng .. Nỗi đau hóa vàng. Nỗi nhớ hóa thơ. Hồn đại ngàn xưa thương người
hóa dã quỳ ngùn ngụt dâng vàng!
Chỉ riêng em Cúc Quỳ màu nắng
Chiều nay vẫn vàng đến bỏng
tim ai… ( Cúc Quỳ- ĐBT)
***
Dọc
dài Tây Nguyên ngút ngàn đồi lau như mộ rừng nhấp nhô trùng điệp. Tôi về Bản Đôn,
sông Sê-rê-póc cạn nước. Tôi về xã Phú Xuân, đứng bên sông Sông Krông Năng khô
mắt nhớ . Nước cạn, những hòn đá trọc đầu nhấp nhô như con của thủy thần ngoi
lên tìm nước. Những mùa khô Tây Nguyên và nạn khai thác rừng, khai thác mạch nước ngầm bừa bãi đã làm cho các dòng
sông lớn như sông Ba, sông Sê-rê-pốc, sông Sê San đều đang chết dần vì khô kiệt.
Rừng nguyên sinh liên tục bị tàn phá, các dòng sông khát
nước và vì thế, đương nhiên các hồ nước không còn nhận được nước từ
bất cứ nguồn nào. Tôi đã về ngồi thuyền chạy vòng quang Hồ Lắk. Bà
con dân làng kể rằng, mực nước hồ Lắk vào thời điểm này đã rút
xuống thấp hơn mấy năm trước. Một nhà báo đã viết: “Hồ Lắk
trông mỏng quẹt như một miếng gương”. Không ai còn dám khẳng
định, biển nước trời ban cho Tây Nguyên lớn thứ hai sau hồ Ba Bể tồn tại đến bao giờ. Một phụ nữ M’nông đang phơi lúa ở con đường
bên hồ cho biết : “Nói hồ Lắk cạn kiệt là nói thiệt đó! Vài năm trước,
xuống mép hồ là phải đi thuyền. Bây giờ, đáy hồ bị bùn bồi
lên, có nơi lội ra được”.
Chỉ còn sông, chỉ còn nước trời chảy trong câu
chuyện miên man cúa dân bản và trong thơ Đặng Bá Tiến thôi. Nhà thơ
như sinh ra đã là đứa trẻ Ê đê, M’Nông, Gia rai, Ba Na mẹ địu trên lưng . Nên dòng sông Sê-rê-póc
thức dậy sống động từng hơi thở trong
thơ Đặng Bá Tiến, Con sông trong cho chiều Bản Đôn em khỏa thân bơi giữa
dòng nước mát/ để đêm đến em ngồi bên tôi ngắm trăng cũng mát rượi cánh tay mềm/
con sông của mùa cá anh vũ, cá lăng, cá rô cờ/ nướng trui trên than hồng thơm
ba ngọn núi/ nấu canh chua lá me ăn thì nhớ suốt đời… (Sê-rê-pốk mơ và thực).
…Có giấc mơ, nụ cười của đứa con mỗi chiều ngồi trên cầu thang đợi mẹ /…/ có
giấc mơ về bến nước một thời con gái tắm truồng khoe vú cười ran như bồ chao vỡ
tổ / giấc mơ về một thời rừng xanh đầu ngõ làm bạn với công xanh làm
bạn với nai vàng…( Người đàn bà mang gùi).
Hồn tôi bỗng vang lên tấu khúc. Trăm cây số không gặp đại ngàn,
chỉ gặp bạt ngàn cà phê và Hoa Quỳ vàng đang cười trong nắng. Âu đó cũng là niềm
an ủi!
Tây Nguyên ơi. Nỗi nhớ hóa vàng .. Nỗi đau hóa vàng. Nỗi nhớ hóa thơ. Hồn đại ngàn xưa thương người
hóa dã quỳ ngùn ngụt dâng vàng!
Chỉ riêng em Cúc Quỳ màu nắng
Chiều nay vẫn vàng đến bỏng
tim ai… ( Cúc Quỳ- ĐBT)
***
Đăk Lăk, Tây Nguyên là xứ sở của voi. Voi là loài thú
lớn nhất của rừng đại ngàn. Chúng tôi đến Hồ Lak, đi thuyền, thưởng thức ẩm thức
và đợi xem voi. Đợi mãi đến
chiều mới có hai chú voi lội qua hồ. Anh em đua nhau chụp ảnh, vì sợ không thấy voi ở đâu
nữa!. Sao voi giờ hiếm vậy? Buôn Đôn là Buôn voi. Nơi nổi tiếng nhiều voi nhất nước
ta. Nhưng “buôn voi” còn là chuyện săn voi, mua bán voi từ bao đời nay rất kỳ
thú ở xứ Tây Nguyên huyền thoại này. Hơn 10 năm trước, tôi đã ngồi uống rượu với
cụ May Phăl, một người săn voi giỏi ở Buôn Đôn. Cụ May Phăl trong đời mình đã bắt
được 200 chú voi rừng, cho đến khi săn voi bị cấm. Nhưng cụ bảo cụ chưa phải
Kru. Thợ săn voi giỏi ở Buôn Đôn đều được xếp thứ hạng. Lừng danh như người anh
hùng, dũng sĩ gọi là Kru. Ở Buôn Đôn tới
nay, có khoảng 30 Kru lừng danh. Còn loại thợ săn bắt được từ 14 con voi rừng trở
xuống gọi là Păcsai thì ở Buôn Đôn nhiều lắm.
Kru nổi tiếng phải kể đến
Vua săn voi Khun-zu Nốp (N' Thu K'Nul) lừng danh, là một ông Vua không
ngai! Bây giờ còn có cả khu mộ vua săn voi Khun-zu Nốp bên dòng sông Sêrepốk.
Ama Kông tên thật là Y Prông Êban, là cháu ruột của vua săn voi Khun-zu Nốp,
ông sinh năm 1909. Ông đã săn được 298
con voi. Mùa xuân 1996, 90 tuổi ông vẫn đi săn được voi rừng. A Ma Công đã tìm
ra một thang thuốc rừng Tây Nguyên mang tên ông gọi là thang A Ma
Công. Thang thuốc
này giúp ông có sức khỏe để săn voi và để mang lại hạnh phúc cho mấy đời vợ….
Tôi hơi miên man về các Kru săn voi Buôn Đôn xưa, mà
quên mất câu nói của cụ May Phăl mười năm trước :” Bây giờ rừng bị chặt hết rồi,
voi không có chỗ sống, không có cái ăn, nó đi theo Giàng hết rồi! Voi rừng đi
theo Giàng còn voi nhà Buôn Đôn thì chết dần chết mòn do khai thác chúng quá sức. Nguy
cơ voi Tây
Nguyên chỉ còn trong phim ảnh là điều đã được báo động từ lâu! Thôi thì ta về với voi trong thơ
Đăng Bá Tiến . Ta là voi đã mất bạn tình/ Một mình đứng trong chiều nhai nắng/ mắt
hoen lệ nhớ thời xa vắng/ thời rừng già huyền bí thiêng liêng/ Thời đại ngàn là
xứ sở thần tiên/ Là xứ sở cho những cuộc tình động đất…/.../…Ôi cái thời rừng
trùng điệp vây quanh/ Ta là đế vương giữa đại ngàn giàu có/ Là lãnh chúa của
đàn đàn muông thú/ Là tất cả những gì ta muốn ta mê… (Lời con voi Bản Đôn).
Năm năm Bản Đôn vắng tiếng ông cười/ con voi già thường dẫm chân hỏi đất…(
Nhớ Ma-kông) . Bằng tài hoa của mình, thi sĩ đã giữ cho bây giờ, và
cho muôn đời sau những thi ảnh, những voi hình tượng Tây Nguyên đang dần mất. Rồi cuộc
sống sẽ làm nên những sắc màu Tây Nguyên khác. Giàu có hơn. Sang trọng hơn. Hiện
đại hơn! Nhưng những gì đã mất là vô cùng quý giá, những mùa săn voi, mùa cồng chiêng
nơi bản xưa, những bức tượng nhà mồ truyền thống, những trường ca Đan San, Xing Nhã
già làng kể bên bếp lửa nhà rông đêm đêm.v.v..sẽ không tìm thấy nếu không có những
bảo tàng, những trang thơ như thơ Hồn Cẩm Hương
của Đặng Bá Tiến ! Cám ơn nhà thơ!
Hồn tôi bỗng vang lên tấu
khúc. Trăm cây số không gặp đại ngàn, chỉ gặp bạt ngàn cà phê và Hoa Quỳ vàng
đang cười trong nắng. Âu đó cũng là niềm an ủi! Tây Nguyên ơi. Nỗi nhớ
hóa vàng .. Nỗi đau hóa vàng. Nỗi nhớ
hóa thơ. Hồn đại ngàn xưa thương người hóa dã quỳ ngùn ngụt dâng vàng!
Chỉ riêng em Cúc Quỳ màu nắng
Chiều nay vẫn vàng đến bỏng
tim ai… ( Cúc Quỳ- ĐBT)
Đăk Lak- Huế 2017 - 2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI