Nhật
ký trong tù (nguyên tác Ngục trung nhật ký, 1942 - 1943) là một thi phẩm có giá trị đặc sắc của Hồ
Chí Minh. Công việc dịch tác phẩm này đã thu hút một tập thể các nhà thơ, các học
giả có uy tín về thơ cũng như về Hán học. Cho đến nay Viện Văn học đã có ba bản
dịch thơ Nhật ký trong tù (được gọi là
các bản 1960, 1983 và 1990). Việc tiếp nhận với một diện lan toả rộng của công
chúng độc giả và sự thuộc lòng nhiều bản dịch thơ cho thấy tài năng và tâm huyết
của các dịch giả. Đúng như GS Nguyễn Huệ Chi đã nhận định: “Nếu so sánh với các
tập thơ nổi tiếng cùng được dịch và công bố trong vòng mấy chục năm qua thì
chỉ trừ bản dịch Đường thi [2]… không một bản dịch nào sánh được với “Nhật ký
trong tù” về mặt này”[1; tr.266]. Và “nhiều bài thơ dịch đã thực sự trở thành
những tác phẩm nghệ thuật xứng đáng với nguyên tác, dành được chỗ đứng trong
tâm hồn và ký ức mọi người” [1; tr.243].
Mặc dù vậy cũng lại phải lưu ý một đặc điểm trong tâm
lý của người đọc đại chúng là “đến với bản dịch thơ Nhật ký trong tù mà chẳng
cần thông qua nguyên bản, chẳng có gì phải bận tâm rằng những vần thơ đó đã
chuyển đạt trung thành hay chưa thật trung thành cho lắm với lời và chữ của Bác
Hồ” [1, tr. 243]. Đọc kỹ các bản dịch thơ, đối chiếu với nguyên tác chữ Hán
(và đơn giản là đối chiếu với bản dịch nghĩa) có thể thấy con đường đi đến một
bản dịch trọn vẹn Nhật ký trong tù xứng với nguyên tác hãy còn khá xa.
Với những lý do như vậy, các bản dịch thơ Nhật ký
trong tù phải trở thành đối tượng nghiên cứu không kém phần quan trọng. Khảo
sát bản dịch trọn vẹn Nhật ký trong tù trong cuốn sách Suy nghĩ mới về Nhật
ký trong tù [1] chúng tôi thấy các bản dịch thơ chưa thành công nằm trong
các trường hợp:
-Xa với ý
nguyên tác.
-Chuyển được
ý của nguyên tác nhưng dùng từ chưa chính xác, vần điệu chưa hài hoà, nhuần nhị…
-Yếu về mọi
mặt ( có thể nói là phải dịch lại).
Trong khuôn khổ một bài viết chúng tôi xin đi vào một
bản dịch thơ xa với ý nguyên tác. Đó là bài Nghe tiếng giã gạo dịch thơ bài
Văn thung mễ thanh trong Ngục trung nhật ký. Sở
dĩ chúng tôi chọn bản dịch thơ này vì đó là một trong những bài có tính phổ cập rộng
rãi và được rất nhiều người thuộc.
Phiên âm:
Mễ bị thung thì, hẩn thống khổ
Ký thung chi hậu, bạch như miên
Nhân sinh tại thế dã giá dạng
Khốn nạn thị nhĩ ngọc thành thiên.
Dịch nghĩa:
Gạo đang lúc giã rất đau đớn
Lúc giã xong rồi trắng tựa bông
Người sống trên đời cũng như vậy
Gian nan là dịp rèn giũa mình thành ngọc.
Dịch thơ:
Gạo đem vào giã bao đau đớn
Gạo giã xong rồi
trắng tựa bông
Sống ở trên đời người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công.
Văn Trực – Văn Phụng dịch
Bài thơ nằm
trong mạch cảm hứng tự khuyên mình của Ngục trung nhật ký khi tác giả bị giam cầm
trong nhà tù Tưởng Giới Thạch với biết bao nỗi cực khổ. Cấu tứ của Văn thung mễ
thanh khá cổ điển và quen thuộc. Đó là so sánh trên cơ sở tương đồng: Gạo đang
lúc giã và con người bị giam cầm, đầy ải; gạo giã xong và phẩm chất con người
qua cơn họan nạn. Tư tưởng của bài thơ được kết tinh trong câu cuối: Khốn nạn
thị nhĩ ngọc thành thiên (Gian nan là dịp rèn giũa mình thành ngọc). Đây là
một trong những bài thơ triết lý rất hay. Nó kết tinh không chỉ “đại trí’
mà cả “đại dũng” của người tù cộng sản Hồ Chí Minh.
Cái khó của thơ triết lý ở chỗ tư tưởng nhà thơ nêu
lên phải là chân lý và chân lý ấy phải được thể hiện một cách có nghệ thuật. Ở
hai câu đầu Hồ Chí Minh đã sử dụng nghệ thuật nhân hóa: Gạo đang khi giã bao
đau đớn và đối lập là hình ảnh gạo giã xong rồi trắng tựa bông. Từ đó Hồ Chí
Minh liên tưởng dến tương quan giữa khổ nạn và việc rèn luyện phẩm chất con người.
Đó là tương quan giữa khổ nạn và thành nhân chứ không phải là tương quan giữa
khổ nạn và thành công như Văn Trực– Văn Phụng đã dịch: Gian nan rèn luỵên mới
thành công. Câu thơ dịch này sai với ý nguyên tác.
Vả lại câu Gian
nan rèn luyện mới thành công không phải là chân lý. Trong bài thơ Cảm hoài Đặng
Dung (?-1414) có câu Thời lai đồ điếu thành công dị (Gặp thời, anh đồ tể, kẻ
đi câu cũng thành công dễ dàng). Ở bài Học dịch kỳ (II) trong Ngục trung nhật
ký Hồ Chí Minh cũng đã viết:
Thác lộ song xa dã một dụng
Phùng thời nhất tốt khả thành công
(Lỡ bước hai xe đành bỏ phí
Gặp thời một tốt cũng thành công).
Sự thành công ở đời không mấy khi dễ dàng nhưng cũng
không nhất thiết cứ phải trải qua khốn nạn. Như đã phân tích, trong bài thơ Văn
thung mễ thanh Hồ Chí Minh đã không triết lý về sự thành công mà triết lý về sự
thành nhân: Khốn nạn thị nhĩ ngọc thành thiên (Khổ nạn là dịp rèn giũa mình
thành ngọc).
Dịch văn học trước tiên phải trung thành với ý của
nguyên tác. Ở bản dịch thơ Nghe tiếng giã gạo có lẽ do áp lực vần của chữ cuối
câu thứ hai (bông) nên dịch giả đã lái ý câu thứ tư để có sự hiệp vần mà
không nghĩ rằng ý câu thơ dịch quá xa so với nguyên tác.
Để trung thành với nguyên tác chúng tôi thấy không nên
dịch chữ khốn nạn trong câu thứ tư thành gian nan vì hai từ này nghĩa rất xa
nhau mà nên dịch là khổ nạn. Hai câu thơ đầu cũng đã được dịch chưa thật sát. Mễ bị thung thì dịch thành gạo
đem vào giã. Nên giữ cái ý gạo đang lúc giã gợi liên tưởng tinh tế: người tù
đang lúc phải chịu sự hành hạ tinh thần và thể xác. Bên cạnh đó việc đặt hai từ
gạo ở đầu hai câu thơ làm giảm sự tinh tế của nguyên tác.
Theo chúng tôi nên dịch lại bài Văn thung mễ thanh cho
hoàn thiện mà trước hết là tránh sự sai lạc về ý thơ. Xin được đưa ra một
phương án dịch bài thơ này như sau:
Gạo đang khi giã bao đau đớn
Lúc giã xong rồi trắng tựa bông
Sống ở trên đời người cũng vậy
Khổ nạn mài thành ngọc sáng trong.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI