Thứ Năm, 2 tháng 4, 2020

GIAO LƯU VỚI THƠ THẾ GIỚI VÀ SỰ TÍCH HỢP CÁC GIÁ TRỊ THƠ tác giả PHẠM QUỐC CA - CHƯ YANG SIN SỐ 331 THÁNG 3 NĂM 2020




           




Điều oái oăm của lịch sử là với tiếng súng xâm lược và sự “cưỡng hôn văn hoá” thực dân Pháp đã góp phần mở toang cánh cửa phong bế ngàn năm. Trước đây ông cha ta chủ yếu giao lưu văn hóa với Trung Hoa và các nước “đồng văn”( cùng chịu ảnh hưởng văn hóa Hán) ở khu vực Đông Á. Bây giờ người Việt Nam thấy  “trời Âu, bể Á”, thấy “tân vận hội”, thấy khả năng tự cường dân tộc và giành độc lập tự do cho đất nước theo những con đường mới. Chủ nghĩa tư bản với thị trường thế giới đã làm cho tiên đoán của Karl Marx về sự hình thành nền văn học thế giới trở nên hiện thực. Giao lưu với thơ thế giới đã có vai trò quan trọng trong việc hiện đại hóa thơ Việt Nam. Nhìn lại quá trình giao lưu với thơ thế giới chúng tôi nhận thấy một số vấn đề sau:
1. Giao lưu  với thơ thế giới đã góp phần  thay  đổi quan niệm thơ, làm  giàu cho thơ Việt Nam những yếu tố mới và đưa thơ Việt Nam vào quỹ đạo thơ hiện đại.
Trước hết là thay đổi quan niệm thơ. Sẽ không thực tế và khiên cưỡng nếu như nói rằng toàn bộ thơ Việt Nam trung đại là thơ “tải đạo”, “ngôn chí”. Thơ là thể loại gắn trực tiếp với tâm tư, cảm xúc của chủ thể thẩm mỹ. Các nhà thơ tài năng bao giờ cũng là những hiện tượng vượt khung thời đại. Song sự ràng buộc, qui định của thi pháp thời trung đại cũng là một thực tế. Do nhu cầu khẳng định một nhà nước độc lập theo mô hình phong kiến Trung Hoa và nhu cầu cổ vũ những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, nhiều quan niệm thơ Trung đại Trung Hoa đã được ông cha ta tiếp nhận. Trong đó nổi bật là quan niệm “thi ngôn chí”.
Tiếp xúc với thơ phương Tây thi nhân Việt Nam ngộ ra rằng thơ còn có cuộc sống riêng với qui luật đặc trưng của cái đẹp. Bài thơ Cây đàn muôn điệu của Thế Lữ có thể xem là tuyên ngôn của Thơ mới (1932-1945)- một cuộc cách mạng thi ca. Quan niệm duy mỹ này có phần thoát ly cuộc đấu tranh chung của dân tộc lúc ấy .
 Nhưng về góc độ mỹ học thì đây là một bước tiến vô cùng quan trọng của thơ. Nó giải phóng cho thơ khỏi tính chất giáo huấn, tính chất chức năng, công cụ đạo lý của thơ rung đại.
Thơ truyền thống Việt Nam còn là thơ thiên về tình cảm. Trong xã hội Nho giáo đầy tính chất khuôn mẫu với “tam cương, ngũ thường” thì tình cảm trong thơ cũng khó mà đa dạng, mới mẻ. Với ảnh hưởng của thơ phương Tây, thơ hiện đại Việt Nam kể từ Thơ mới hướng về cảm xúc. Cảm xúc là tên một bài thơ có tính tuyên ngôn của Xuân Diệu cũng là tuyên ngôn của Thơ mới. Tình cảm thì không nhiều loại nhưng cảm xúc thì vô cùng đa dạng. Với ảnh hưởng của thơ Tượng trưng Pháp ,Thơ mới còn đề cao yếu tố cảm giác. Cảm xúc, cảm giác gắn với con người cá nhân, ý thức chủ thể làm nên sự tươi tắn, sống động của Thơ mới. Đặc điểm này được tiếp tục trong thơ Cách mạng 1945-1975 và đặc biệt là trong thơ đương đại.
Một đặc điểm nổi bật khác của thơ trung đại Việt Nam là tính chất duy lý giáo điều. Tiếp nhận ảnh hưởng của thơ phương Tây, thơ Việt Nam thế kỷ qua đã tăng cường yếu tố trí tuệ. Nghiên cứu Thơ mới các nhà văn học của chúng ta thường bỏ qua đặc điểm này. 
Với tư duy hiện đại Thơ mới ưa phát hiện và thể hiện sự thay đổi của cuộc sống, thể hiện sự phân vân, không rành mạch, nhiều đối cực, nghịch lý của con người. Mọi sự đều thay đổi kể cả lòng người ( Đi thuyền của Xuân Diệu là một bài thơ tiêu biểu). Thơ mới ở dạng duy lí có rất nhiều câu hay cô đúc như châm ngôn:
Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.
                                             (Xuân Diệu)
Thơ Chế Lan Viên là một thí dụ đầy sức thuyết phục về vai trò của lý trí, trí tuệ trong thơ hiện đại . Trí tuệ trong thơ hiện đại là trí tuệ đúc kết, chiêm nghiệm từ đời sống và cảm nhận máu thịt của nhà thơ :
         Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
         Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn.
Nó khác với tính chất duy lý, giáo điều của thơ trung đại:
Hay tám vạn ngàn tư mặc kệ
Không quân thần phụ tử đếch ra người.
                                             (Nguyễn Công Trứ)
Với ảnh hưởng của thơ thế giới, thơ Việt Nam thế kỷ qua cũng đã có một bước chuyển quan trọng: Từ chỗ thể hiện tư tưởng, tình cảm, quan niệm thẩm mỹ hoặc của tầng lớp Nho sĩ hoặc của con người làng quê nông nghiệp, thơ chuyển sang thể hiện tư tưởng, tình cảm, quan niệm thẩm mỹ của con người đô thị hiện đại. Bước chuyển này thể hiện rõ rệt từ Thơ mới  và thơ sau 1975. Đô thị hóa là một quá trình tất yếu của thế giới hiện đại. Công chúng của thơ hiện đại cũng chủ yếu là công chúng ở đô thị. Cái gu thẩm mỹ mang tính chất nông thôn, nông nghiệp ngày càng tỏ ra không ăn nhịp cùng thời đại. Nó đòi hỏi phải được biến đổi, hiện đại hoá. Thơ thế giới hiện đại chủ yếu là thơ của con người đô thị đang chuyển biến hết sức mau lẹ. Cho dù yêu mến làng quê cổ truyền đến đâu cũng không thể “Van em em hãy giữ nguyên quê mùa” như Nguyễn Bính ở thập kỷ ba mươi, bốn mươi của thế kỷ trước. Hướng đi của thơ hiện đại không phải là hạ thấp trình độ thẩm mỹ xuống cho vừa với trình độ của số đông công chúng mà là nâng cao trình độ thụ cảm thơ của họ. Quá trình này không đơn giản mà và vấp phải những quan niệm cực đoan như đã diễn ra trong thời kháng chiến chống Pháp. Thơ không vần của Nguyễn Đình Thi bị phản ứng quyết liệt vì không nói được tâm tình và quan niệm thẩm mỹ của quần chúng công nông binh. Tập thơ “Ánh sáng và phù sa” của Chế Lan Viên bị ngay một nhà thơ tài năng khác là Xuân Diệu  nhân danh sự trong sáng để phê bình là "rắc rối, rối rắm" [1; tr.349].
Công chúng nào văn học ấy. Thơ hiện đại Việt Nam hôm nay đang hướng về bạn đọc có văn hoá thơ hàng đầu. Nhà thơ phải vượt lên trước tầm đón nhận của công chúng, ít nhất là “nửa vành bánh xe”...

2. Giao lưu với thơ thế giới đã diễn ra theo quy luật đáp ứng nhu cầu của thơ Việt Nam từng bước hiện đại hóa.
Bàn về ảnh hưởng của thơ Pháp đối với phong trào Thơ mới 1932-1945, nhà nghiên cứu Phan Ngọc có nêu lên qui luật vế “tính đồng thời”. Thực tế đã không diễn ra như vậy. Vài thập niên đầu thế kỷ XX thơ phương Tây đã vào giai  đoạn tượng trưng, siêu thực, song các xu hướng thơ này hoàn toàn không có ảnh hưởng gì đến thế hệ các nhà thơ đương thời ở Việt Nam. Có nhiều nguyên nhân. Trước hết các nhà thơ ta chỉ tiếp xúc một cách gián tiếp văn chương Pháp qua dịch thuật. Song, nguyên nhân chính phải được xác định bởi nhu cầu tiếp nhận. Độc lập quốc gia và tiến bộ xã hội là hai vấn đề cơ bản được đặt ra lúc bấy giờ khiến các nhà Nho hướng đến việc tiếp nhận tư tưởng cách mạng Dân chủ Tư sản, tiếp nhận văn chương triết lý xã hội của những Lư Thoa, Mạnh Đức Tư Cưu.. ở thế kỷ Ánh sáng, nghĩa là trước đó đến hai trăm năm. Không chỉ Phan Bội Châu mà Tản Đà cũng xác nhận ảnh hưởng văn chương triết lý của Pháp đến với ông trong khoảng thời gian trước 1920 qua sách dịch từ tiếng Pháp và đã viết trong Giấc mộng con: “ Phương Thái Tây được có pháp luật công chính là nhờ thiên lương ông Mạnh Đức Tư Cưu”. Lý do tầm đón nhận hạn chế đã đành, song bên cạnh đó còn là quan niệm thơ. Thơ đối với các cụ luôn gắn với trách nhiệm xã hội, gắn với con người. Ý thức mới về văn chương đã được Tản Đà phát biểu : “Có văn, có ích, có văn chơi”. Nhưng cho đến thời điểm này thơ chưa có đời sống độc lập của nó để có thể tính chuyện tiếp nhận những cái đương thời ở thơ Pháp.
Phong trào Thơ mới (1932-1945) đã “diễn ra trong mười năm lịch sử trăm năm của thơ Pháp”. Thơ Pháp lúc này đã vào giai đoạn siêu thực, hiện sinh nhưng do nhu cầu khẳng định cái tôi cá nhân các nhà Thơ mới chỉ tiếp nhận các trào lưu lãng mạn, Thi sơn, tượng trưng và một ít siêu thực. Các trào lưu về sau này của thơ phương Tây tương ứng với thời đại khủng hoảng sâu sắc về nhân cách, về tư tưởng thẩm mỹ. Nó phản ánh sự bất ổn, tan rã, vỡ mộng của cái tôi cá nhân. Xã hội và con người thành thị Việt Nam lúc bấy giờ chưa gặp những vấn đề như vậy của xã hội phương Tây.
Qui luật này cũng thể hiện trong thơ cách mạng 1945-1975 ở chỗ nó hướng đến những nền thơ Xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là thơ Xô viết vì tìm thấy ở đó những yếu tố có thể phát triển bằng kinh nghiệm của nền thơ đồng dạng đi trước và thực tế đã có những ảnh hưởng tích cực. Các thi hào của các dân tộc trên thế giới cũng đã đến với Việt Nam không phải như những vì sao giá lạnh mà như những nguồn năng lượng cổ vũ sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Trong khi đó hầu như  toàn bộ thơ phương Tây hiện đại không được giới thiệu ở miền Bắc trong thời gian này.
Đặc điểm có tính qui luật này đặt ra vấn đề tiếp nhận những gì ở thơ thế giới đương đại trong thời kỳ Đổi mới? Giờ đây chúng ta đã có điều kiện hội nhập từng bước với thế giới trên tất cả các lĩnh vực. Với định hướng “xây dựng một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” công việc đầu tiên là phải xác định trong những giá trị thơ ca thế giới hiện đại đâu là những cái cần cho chúng ta. Nền thơ Việt Nam thế kỷ XXI theo hình dung của chúng tôi sẽ phải là một nền thơ đa dạng như một vườn hoa nhiều màu sắc, có chỗ cho mọi xu hướng thơ phát triển. Sẽ tự làm nghèo nền thơ Việt Nan đương đại nếu nghĩ thơ chỉ có thể phát triển theo hướng tượng trưng, siêu thực và các xu hướng hậu hiện đại khác của phương Tây. Nền thơ Việt Nam tương lai sẽ là nền thơ tích hợp tất cả các giá trị thơ ca kim cổ, đông tây. Do nhiều nguyên nhân trong đó có qui luật phát triển không đều, mấy thế kỷ qua có một thực tế : trên nhiều lĩnh vực “ánh sáng là từ phương Tây tới”. Song văn học nói chung và thơ nói riêng có tính chất đặc thù dân tộc. Nền thơ Việt Nam đương đại phải tự trả lời được những câu hỏi “ta là ai?”, “ta muốn trở thành gì ?” thì mới chủ động trong giao lưu thơ được.
Giao lưu thơ do nhiều nguyên nhân còn phiến diện và chưa cập nhật với thơ hiện đại thế giới.
Giai đoạn đầu thế kỷ XX thơ Việt Nam chủ yếu tiếp nhận ảnh hưởng của tư tưởng, triết lý xã hội “Thái Tây”. Hệ quả là chỉ mới làm rạn nứt quan niệm thơ trung đại và đổi mới về nội dung thơ. Thơ vẫn ở tình trạng “bình cũ rượu mới”. Các nhà Thơ mới cũng chịu ảnh hưởng của thơ Pháp từ thế kỷ XVII  đến thế kỷ XIX là chủ yếu. Trong hoàn cảnh đất nước không có tự do, Thơ mới 1932-1945 tự khuôn vào thể tài đời tư, vào trữ tình cá nhân, tìm đến những trào lưu thơ tương ứng với nhu cầu tinh thần, nhu cầu thẩm mỹ trong thơ Pháp. Những tiếng thơ vang vọng các sự kiện long trời lở đất như Cách mạng Tư sản Pháp và Công xã Paris còn ít ảnh hưởng đến thơ họ. Giọng thơ hùng tráng của Huy Thông, “Cây đàn ngàn phiếm” của thơ Thế Lữ có làm ta liên tưởng đến  Victo Hugo nhưng còn những thi hào, thi bá khác của phương Tây như Byron (Anh), Goethe (Đức) đã như không được biết đến. Ngẫu nhiên qua Baudelaire mà các nhà thơ ta biết đến Edgar Poe (Mỹ). Tầm đón nhận có vai trò quan trọng trong việc hiện đại hóa thơ. Hoài Thanh đã chỉ ra một trường hợp tiêu biểu trong Thơ mới: “Trong thơ Thế Lữ ta chỉ thấy ẩn hiện đôi nhà thơ Pháp về thời lãng mạn. Với Thế Lữ thi nhân ta còn nuôi giấc mộng lên tiên. Xuân Diệu đốt cảnh bồng lai và xua ai nấy về hạ giới. Với một nghệ thuật tinh vi đã học được của Baudelaire Xuân Diệu đã diễn tả lòng ham sống bồng bột trong thơ de Noailles, trong văn Gide. Lúc bấy giờ Thế Lữ  mới tìm đến Baudelaire nhưng nguồn thơ Thế Lữ đã cạn không sao đi kịp thời đại” [2; tr.35] .
Đến lượt mình Xuân Diệu dừng lại ở những quan điểm thẩm mỹ của thơ tượng trưng. Đối với những hiện tượng tiếp tục hiện đại hoá như Hàn Mặc Tử ông gần như bỉ báng. Trên báo “ Ngày nay” (7/8/38) trong bài Thơ của người ông viết : “Điên cũng không dễ làm như người ta tưởng đâu. Nếu không biết điên thì tốt hơn là cứ tỉnh táo như thường mà yên lặng sống”.
Tính chất phiến diện trong việc tiếp nhận và tích hợp các giá trị thơ ca thế giới cũng đã thể hiện ngay trong nền thơ cách mạng 1945-1975. Với tính chất một nền thơ cách mạng, nó hướng sự quan tâm chủ yếu đến thơ các nước xã hội chủ nghĩa. Thơ hiện đại phương Tây nhìn chung là ngoài tầm mắt các nhà thơ cách mạng. Không những thế còn bị nhận định chung là “tư sản suy đồi”, “điên loạn”. Trong nhiều trường hợp đó là những nhận xét hàm hồ. Ngay đối với thơ Xô viết chúng ta cũng chỉ tiếp nhận những hiện tượng thơ “chính thống”. Bạn đọc Việt Nam đương thời không biết đến thơ B. Pasternak, A. Akhmatova, O.Mandelxtam… Thậm chí có xu hướng đối lập một cách phi lý và giả tạo thơ V. Mayacovsky với thơ S. Esenin
Trong lòng các đô thị miền Nam các nhà thơ và công chúng yêu thơ lại chỉ biết chủ yếu đến thơ hiện đại phương Tây. Chủ nghĩa hiện sinh có lúc trở thành một thứ mod trí thức. Thế giới chia làm hai phe hòng tiêu diệt lẫn nhau. Ranh giới chính trị một thời đã trở thành ranh giới nghệ thuật. Chính vì vậy thơ cách mạng Việt Nam chưa phải là đã tiếp nhận được những thành tựu nghệ thuật đa dạng và hiện đại nhất của thơ ca thế giới. Ngoài thơ Xô viết chúng ta chỉ say mê thơ A. Pushkin, M. Lermontov, H. Heine, S. Petofi, W. Whitman… là những nhà thơ thế kỷ XIX. Cũng như vậy trên lĩnh vực văn xuôi ta quen với H. Balzac, V. Hugo, G. Maupassant, W. Thakeray,Ch. Dickens mà ít biết về văn học hiện sinh, Tiểu thuyết mới… Tính chất phiến diện và thiếu cập nhật phần nào đã được khắc phục ở lĩnh vực văn xuôi bằng các ấn phẩm dịch từ cuối thập niên tám mươi đến nay. Những cách tân khá mạnh mẽ trong văn xuôi là hệ quả của giao lưu văn học thời kỳ Đổi mới. Các thủ pháp nghệ  thuật như đồng hiện, dòng ý thức, khai thác cõi vô thức, tiềm thức, bản năng… được áp dụng khá nhuần nhuyễn đã đem lại những giá trị mới lạ trong văn Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà…Riêng trên lĩnh vực thơ tình hình có khác. Khó có thể nói đến ảnh hưởng của thơ qua các bản dịch. Thơ dịch khó mà chuyển tải được cái hay của nguyên bản nhất là về mặt hình thức. Đó là chưa kể đa số trường hợp là dịch xổi, dịch người nào “giết” người ấy như Chế Lan Viên đã cay đắng viết trong trong bài thơ “Bị lừa” (Di cảo III).
Trước mắt chúng ta cần nhanh chóng có kế hoạch dịch tác phẩm và phân tích, giới thiệu một cách bài bản các tác giả thơ lớn của thế giới, lấp đầy các khoảng trống trên “bản đồ thơ thế giới” đương đại. “Khởi thủy là dịch”. Đó là khẩu hiệu của thời kỳ văn học Phục hưng ở Châu Âu. Tầm quan trọng của dịch thuật đã được thể hiện bằng việc mô phỏng một câu trong Kinh Thánh: “Khởi thủy là Lời”. Một khi chưa làm được điều này, việc tiếp nhận các giá trị thơ ca thế giới sẽ vẫn còn diễn ra một cách ngẫu nhiên, không tránh khỏi phiến diện và thiếu cập nhật.
3. Nâng cao hiểu biết, mở rộng tầm đón nhận là yêu cầu đối với thơ Việt Nam hôm nay
“Làm thơ  chỉ biết có thơ thôi không được. Làm thơ với trái tim, với chất sống không đủ. Phải có văn hoá nữa” (Chế Lan Viên, Bước đầu của tôi) [09;tr.710]. Thời hiện đại đang cấu trúc lại xã hội và đã làm đảo lộn vai trò nhiều lĩnh vực đời sống của loài người nói chung và ở Việt Nam ta nói riêng. Thơ không ở ngoài hoàn cảnh chung này. Một mặt thơ đang thu hẹp ảnh hưởng của mình đối với đời sống xã hội, mặt khác đang dần dần chuyển sang chuyên nghiệp hóa cao độ. Thơ tất yếu sẽ phân hóa thành thơ đại chúng và thơ cho lớp người đặc tuyển. Vai trò cách tân chủ yếu thuộc về loại thơ thứ hai. Để cách tân thì yếu tố chủ thể là quyết định nhưng vai trò của tiếp nhận các giá trị thơ thế giới vô cùng quan trọng. Ở đây tính dân tộc của thơ phải được hiểu thật khoa học trong thế vận động biến đổi theo hướng hiện đại hóa. Không thể nhân danh sự giản dị trong sáng được hiểu một cách giản đơn là gắn với truyền thống để kìm hãm sự phát triển của thơ . Bởi vì “có trong sáng động và trong sáng tĩnh, có trong sáng giàu và trong sáng nghèo”[1; tr.339]. Những lời bàn sau đây của Chế Lan Viên về ngôn ngữ cũng có thể xem như phương pháp luận khi nghĩ về giao lưu văn học và tích hợp các giá trị thơ ca: “Biết làm sao được khi dòng sông ngôn ngữ tiếp xúc với cái mới, cái lạ thì nó hãy tạm thời bị vẩn đục. Vấn đề là nó phải nhanh chóng chủ động giải quyết sự đục ấy để không những lặp lại sự trong sáng cũ mà tiến đến một sự trong sáng mới cao hơn, giàu hơn vì bấy giờ đã thêm yếu tố mới nhập vào” (Làm cho ngôn ngữ trong sáng, giàu và phát triển ) (1;tr.339).
Nền thơ Việt Nam trong thế kỷ mới sẽ là một nền thơ có điều kiện tiếp thu mọi giá trị tinh hoa của thơ thế giới. Từ thực tiễn sáng tác của nhà thơ tài năng Chế Lan Viên ta có thể thấy sự phủ nhận triệt để các xu hướng thơ hiện đại phương Tây là cực đoan. Bàn về thơ hiện đại, ông viết: “Trái tim và khối óc, cái cá nhân và cái xã hội, ý thức và vô thức. Đấy chỉ là hồng cầu, bạch cầu của một sức khỏe chung. Ngay một nhà thơ siêu thực cũng đã mơ một nền thơ siêu thực cộng với cực lý trí. Cực mê đòi cực tỉnh” [109; tr.678]. Thơ tượng trưng, siêu thực vẫn có nhiều điểm khả thủ. Nó chỉ hỏng khi được xem là mục đích, là chủ nghĩa, lấy phương pháp sáng tác thay cho giá trị thực chất của lao động sáng tạo. Có những nhà thơ đang đánh mất mình khi ngộ nhận qui luật phát triển của thơ nhân loại nói chung sẽ sớm muộn đi theo hình mẫu phương Tây. Kinh nghiệm của quá trình hiện đại thơ thế kỷ XX cho thấy vai trò quyết định của chủ thể sáng tạo, của nội lực văn hoá Việt Nam. Và về điều này thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết từ 1946: “Gốc của văn hoá mới là dân tộc . Nếu dân tộc mà phát triển đến cực điểm thì tức là tới chỗ thế giới hóa đó ,vì lúc bấy giờ văn hoá thế giới sẽ phải chú ý tới văn hoá của mình và văn hoá của mình sẽ chiếm một địa vị ngang với văn hoá thế giới. Mình có thể bắt chước những cái hay của bất kỳ nước nào nhưng điều cốt yếu là sáng tác. Mình đã hưởng cái hay của người thì cũng phải có cái hay cho người ta hưởng. Mình đừng chịu vay mà không trả” (dẫn theo Hoài Thanh trong Có một nền văn hoá Việt Nam) [3;tr.3].
 Chính vì vậy mà nhà thơ Nga Malđenxtam đã nhận xét về Người khi còn là chàng thanh niên yêu nước ngoài ba mươi tuổi: “Ở Nguyễn Ai Quốc toát lên ánh sáng của văn hoá, không phải là văn hoá của phương Tây mà là văn hoá của tương lai”.





Tài liệu trích dẫn
1. Nhiều tác giả,  Chế Lan Viên giữa chúng ta, Nxb Văn học - Trung tâm Quốc học, H. 2000.
2. Hoài Thanh - Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam (tái bản), Nxb Văn học, H.1998.
3.     Tạp chí Sông Hương, số 147, Huế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI