Thứ Hai, 4 tháng 5, 2020

VẤN ĐỀ ĐỌC- HIỂU BÀI THƠ VỘI VÀNG CỦA XUÂN DIỆU tác giả PHẠM QUỐC CA - CHƯ YANG SIN số 332 tháng 4 năm 2020




Vội vàng là một trong những bài thơ tiêu biểu của Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám. Chúng tôi cho rằng việc chọn dạy và học bài thơ này là đúng đắn và tán đồng với PGS.TS Nguyễn Xuân Lạc: “Vội vàng” là bài thơ duy nhất của Xuân Diệu được học ở chương trình Ngữ văn 11. Sách giáo khoa chọn bài thơ này vừa tiêu biểu cho sự bùng nổ mãnh liệt của “cái tôi” trong Thơ mới nói chung, lại in dấu khá đậm hồn thơ Xuân Diệu (“tha thiết, rạo rực, băn khoăn”- Hoài Thanh) và cũng rất tiêu biểu cho sự cách tân táo bạo, độc đáo trong nghệ thuật thơ ông” [2; tr.32-33]. Nhưng đọc bài hướng dẫn dạy và học tác phẩm Vội vàng [2; tr.32-40] chúng tôi thấy có nhiều điều cần phải được trao đổi.
1. Trước hết, xin góp ý về văn bản bài thơ
Văn bản bài thơ đưa vào sách giáo khoa thí điểm Ngữ văn lớp 11, Ban Khoa học xã hội và nhân văn, bộ 2 như sau:

VỘI VÀNG

Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.

Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này nay lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi.
Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa;
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.

Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại!
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;
Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt…
Cơn gió xinh thì thào trong lá biếc
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?
Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…
Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
                                      (Theo Thơ thơ, Nxb Đời nay, Hà Nội, 1938) 
Có mấy điều chúng tôi thấy cần góp ý là:
- Nếu theo bản in của Nxb Đời nay, 1938 thì phải giữ lại lời đề tặng: Tặng Vũ Đình Liên ngay sau tên bài thơ Vội vàng, không được tự ý bỏ.
- Nguyên văn câu thơ của Xuân Diệu là: Con gió xinh thì thào trong lá biếc chứ không phải  Cơn gió xinh thì thào trong lá biếc như ở văn bản này.
Để đảm bảo tính khoa học, người biên soạn không được tự ý bỏ đi hay thay đổi một chữ nào so với văn bản gốc của tác giả.
2. Vấn đề đọc hiểu bài thơ “Vội vàng”
Lý thuyết tiếp nhận ra đời và phát triển từ nửa sau thế kỷ XX là một bước tiến quan trọng của lý luận văn học hiện đại. Theo đó, phải thừa nhận rằng một tác phẩm văn học có nhiều cách hiểu khác nhau do yếu tố chủ quan của người đọc. Công thức hoá thì đó là: tác phẩm văn học = văn bản + người đọc. Nhưng như thế không có nghĩa là muốn hiểu tác phẩm thế nào cũng được, mà phải bám sát vào văn bản để đưa ra cách cảm nhận có lý nhất.
Theo chúng tôi, bài Vội vàng có thể xem là một triết luận bằng thơ của Xuân Diệu về lối sống vội vàng. Đó là một quan niệm nhân sinh có nguốn gốc từ các nhà Nho tài tử trong văn chương trung đại phương Đông, từ Lý Bạch (đời Đường,Trung Quốc) đến các nhà thơ Việt Nam như Nguyễn Công Trứ, Tản Đà… Ý thức về thời gian đời người như bóng câu qua cửa sổ, phải đốt đuốc chơi đêm, tranh thủ hưởng lạc cũng đã trở thành ý thức dân gian và không phải không có phần minh triết ở đó. Với ảnh hưởng của văn hoá phương Tây, bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu không dừng lại ở triết lý hành lạc mà mang ý nghĩa tích cực của con người cá nhân thời đại Thơ mới (1932-1945). Để thuyết phục người đọc, Xuân Diệu đã trình bày bài thơ theo kiểu tam đoạn luận. Chúng tôi đọc hiểu bài thơ như sau:
Đoạn 1 (Từ đầu đến Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân): Cuộc sống là một vườn địa đàng đầy hạnh phúc khi đang độ xuân thì và khi người ta trẻ. Con người cảm nhận sự sống tươi non mà như cảm nhận hạnh phúc ái tình (Tháng giêng ngon như một cặp môi gần).
Đọan 2 (Xuân đang tới đến …chẳng bao giờ nữa):Tiếc thay, xuân thì của thiên nhiên và tuổi trẻ của con người không dài. Thời gian trôi chảy âm thầm mà khắc nghiệt theo quy luật vận động: Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua và cùng với nó là sự phôi pha của tuổi trẻ, của kiếp người.
Đoạn 3 (phần còn lại của bài thơ): Chính vì sự sống vận động theo quy luật phai tàn, sinh tử: “Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi” nên phải sống vội vàng, sống mãnh liệt: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”, “Sống toàn tâm, toàn trí, sống toàn hồn/Sống toàn thân và thức nhọn giác quan”. Sống là hưởng thụ hạnh phúc trần thế một cách đủ đầy: “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”
Triết luận bằng thơ về lối sống vội vàng như thế là hết sức thuyết phục, có ý nghĩa phổ quát nhân loại và không hạn chế trong một thời đại nào. Đó là triết luận về sự trôi chảy của thời gian tuyến tính, thời gian đời người một đi không trở lại và tuyên ngôn về lối sống tích cực chống lại sự hữu hạn của kiếp người- một vấn đề hiện sinh buốt nhói của nhân loại.
3. Những điều cần trao đổi
3.1. Về cảm nhận chung đối với bài thơ Vội vàng
Để giúp học sinh trả lời câu hỏi 1 trong phần đọc hiểu của sách giáo khoa [1; tr.46], trong Sách giáo viên, người biên soạn định hướng: bài thơ thể hiện “diễn biến tâm trạng của thi nhân qua ba giai đoạn: từ chỗ yêu cuộc sống say mê, tha thiết (đoạn 1) đến nỗi băn khoăn trước cuộc đời (đoạn 2) để rồi sau đó tình yêu cuộc sống lại bùng lên cuồng nhiệt, hối hả (đoạn 3) [2; tr.35]. Đây là một nhầm lẫn quan trọng dẫn đến sự lạc hướng và những sai lầm trong đọc hiểu bài thơ. Như chúng tôi đã phân tích, bài thơ trình bày một triết luận bằng thơ về lẽ sống vội vàng theo kiểu tam đoạn luận chứ không phải thể hiện diễn biến tâm trạng của thi nhân qua ba đoạn thơ như người biên soạn đã cảm nhận.
3.2. Về đọc hiểu đoạn 1 của bài thơ “Vội vàng”
Đoạn 1 của bài thơ được người biên soạn hiểu là nói lên Tình yêu cuộc sống của Xuân Diệu [2; tr.35]. Ông viết: “Yêu cầu cần đạt (đối với học sinh- P.Q.C) là thấy được nét riêng trong tình yêu cuộc sống của Xuân Diệu: yêu cuộc sống nào?. Đó là cuộc sống trần thế xung quanh nhà thơ: Những ong bướm, hoa lá, yến anh; những ánh sáng chớp hàng mi và “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”… Xuân Diệu đã yêu cuộc sống đó bằng một tình yêu thiết tha, say đắm và thể hiện nó trong những ý tưởng táo bạo (4 câu đầu), những bức tranh thiên nhiên và đời sống con người (9 câu tiếp) qua những cách tân nghệ thuật của Thơ mới.”… “Bức tranh thiên nhiên được nhà thơ gợi lên vừa gần gũi thân quen, vừa mượt mà, đầy sức sống. Những ong bướm, hoa lá, chim chóc của đời thường bỗng như sống dậy, ngây ngất si mê dưới ngòi bút của Xuân Diệu [2; tr.35-36]”. Cần khẳng định ngay rằng: ở đây có sự đọc nhầm. Không có những bức tranh thiên nhiên và cuộc sống con người như người biên soạn nói mà chỉ có những thi tiết mang ý (ý cảnh) phục vụ cho lập luận của nhà thơ. Hãy lưu ý điệp từ Này đây có tính chất liệt kê xuất hiện liên tiếp trong 5 câu, kết hợp với các sự vật, hiện tượng xuất hiện cặp đôi trong tương quan tình ái: tuần trăng mật của ong bướm, hoa của đồng nội, lá của cành tơ, khúc tình si của yến anh, bình minh của mỗi buổi sáng. Tất cả chỉ để nói lên quan niệm của nhà thơ: cuộc sống đang độ xuân thì tràn ngập hạnh phúc (như chúng tôi đã phân tích) chứ không nhằm tạo nên những bức tranh thiên nhiên và nói lên tình yêu cuộc sống của Xuân Diệu như người biên soạn đã cảm nhận. (Nếu nói lên tình yêu cuộc sống của Xuân Diệu thì  phải tìm ở đoạn cuối bài thơ). Nhầm lẫn ý cảnh thành bức tranh thiên nhiên còn xuất hiện một lần nữa ở đoạn sau khi người biên soạn cho rằng: “Nhà thơ còn dựng lên bức tranh thiên nhiên để nói nỗi lòng mình… (ở đây là gió “hờn vì nỗi phải bay đi” và chim “sợ độ phai tàn sắp sửa“) [2; tr.37]. Đoạn này Xuân Diệu cũng chỉ dùng các ý cảnh để diễn đạt cảm nhận: cuộc sống đang biến chuyển từng giây theo quy luật phai tàn, không phải là bức tranh thiên nhiên.
3.3. Về việc đọc hiểu đoạn 2 của bài thơ
Đoạn 2 của bài thơ (từ Xuân đương tới đến …chẳng bao giờ nữa) là đoạn thơ triết luận của Xuân Diệu về sự vận động của thời gian: “Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua”. Cùng với nó là sự phôi pha của xuân thì, của kiếp người: “Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất”. Người biên soạn đã đọc nhầm thành nỗi “băn khoăn của Xuân Diệu trước cuộc đời thực lúc bấy giờ” [2; tr.34]. Người biên soạn viết: “Xuân Diệu là một thi nhân rất yêu đời, ông đã mở lòng ra để đón cuộc sống mà ông yêu tha thiết, rạo rực. Nhưng cuộc đời lúc bấy giờ (cuộc sống mòn mỏi, tù túng của một thi nhân mất nước trước 1945) lại không bù đắp được cho ông (Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật), từ đó mà có nỗi băn khoăn trước cuộc đời”[2; tr. 35]. Người biên soạn đã đọc sai văn bản. Ông đã xén riêng ra dòng thơ “Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật”để phân tích. Dòng thơ này phải gắn kết với dòng sau đó thì mới trọn vẹn ý một câu thơ:
Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật
Không cho dài thời trẻ của nhân gian.
Lượng trời cứ chật ở chỗ không cho dài thời trẻ của nhân gian chứ không phải là ở chỗ “cuộc đời thực lúc bấy giờ không bù đắp được cho ông, vì thế mà băn khoăn buồn chán cho thân phận mình” [2; tr.35]. Vì hiểu sai văn bản, người biên soạn đã hạ thấp giá trị triết lý phổ quát mang tầm nhân loại của bài thơ xuống tầm xã hội học dung tục.
3.4. Về việc đọc hiểu đoạn 3 của bài thơ
Như chúng tôi đã phân tích, ở phần còn lại của bài thơ, Xuân Diệu đã tuyên ngôn và hình tượng hoá lối sống vội vàng. Cách hiểu của người biên soạn tỏ ra không ăn nhập gì với đoạn thơ này khi ông xác định: đó là “Tình yêu cuộc sống lại bùng lên cuồng nhiệt (đoạn 3)” [2; tr.35].  Người biên soạn diễn giải rằng: “Chính nỗi băn khoăn đó (băn khoăn trước cuộc đời thực- P.Q.C) lại làm bùng lên sự cuồng nhiệt, hối hả đến với cuộc sống khi ông sợ rằng cuộc sống ấy cũng sẽ không còn nữa (Mau lên thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm).[2; tr.35]. Thật khó tiếp nhận lập luận luẩn quẩn này.
Với tính chất là một tài liệu hướng dẫn giảng dạy cho giáo viên và học tập cho học sinh lớp 11 cả nước, những cái sai sẽ được nhân lên và truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Đó là lý do tôi thẳng thắn trình bày những băn khoăn của mình và chân thành mong được trao đổi lại.                                                                                                    




Tài liệu trích dẫn:
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngữ văn 11, tập 2, Giáo khoa thí điểm, bộ 2, Ban Khoa học xã hội và nhân văn, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngữ văn 11, tập 2, Giáo khoa thí điểm, bộ 2, Ban Khoa học xã hội và nhân văn, Sách giáo viên, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI