Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2020

NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT TRONG “CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ” CỦA NGUYỄN TUÂN tác giả NGUYỄN VĂN THIỆN - CHƯ YANG SIN số 332 tháng 4 năm 2020

 


(NGỮ VĂN 11, TẬP 1)


Nhân vật là yếu tố được coi không thể thiếu trong quá trình thiết kế một tác phẩm tự sự, đặc biệt là truyện ngắn. Nói không ngoa, thành công của một truyện ngắn gắn liền với thành công xây dựng nhân vật. Thậm chí, rất nhiều trường hợp, bạn đọc chỉ nhớ tên nhân vật, không còn nhớ tên tác phẩm lẫn tác giả. Nhân vật có từ trong trang sách bước ra ngoài đời, sống giữa cõi nhân gian hay không, điều này phụ thuộc vào tài năng của nhà văn.
Nguyễn Tuân là nhà văn lớn, được bạn đọc nhắc nhiều bởi phong cách tài hoa uyên bác. Tập truyện ngắn “Vang bóng một thời” (1940) đã làm nên tên tuổi của ông khá sớm. Trong đó, tác phẩm Chữ người tử tù với nhân vật Huấn Cao đã đóng một dấu mốc quan trọng trong hành trình đi tìm cái đẹp của người nghệ sĩ tài hoa này. Nguyên mẫu để xây dựng nhân vật là Cao Bá Quát, một nhà nho với tài năng xuất chúng và cốt cách hiên ngang “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”. Khi đi vào tác phẩm, dĩ nhiên, Huấn Cao được chú trọng tô đậm những nét vẽ điển hình.
Trước khi Huấn Cao xuất hiện, bạn đọc đã phần nào hình dung được diện mạo của nhân vật qua những lời trầm trồ thán phục của viên Quản ngục với thầy thơ lại:
“Dạ bẩm, thế ra y văn võ đều có tài cả. Chà chà!”.
“Tôi thấy những người có tài thế mà đi làm giặc thì đáng buồn lắm. Dạ bẩm, giả thử tôi là đao phủ, phải chém những người như vậy, tôi nghĩ mà thấy tiêng tiếc”.
Nghệ thuật “vẽ mây nẩy trăng” được Nguyễn Tuân sử dụng khá tự nhiên, dẫn dắt người đọc đi vào câu chuyện một cách thoải mái.
Trong suốt tác phẩm, nhân vật Huấn Cao được đặt cạnh nhân vật Quản ngục, một người ở vị trí đối lập về địa vị xã hội nhưng đồng thời lại là một con chiên, một tín đồ trung thành với cái đẹp. Trong con mắt “biệt nhỡn liên tài” của Quản ngục, Huấn Cao không hề là một tội đồ cần phải trừng trị hay thu phục, mà là hiện thân của vẻ đẹp tài hoa, của dũng khí, của thiên lương trong sáng. Hành động của Quản ngục từ đầu đến cuối là khúm núm, rụt rè, run run, bái lạy… Và như vậy, hình tượng Huấn Cao được tôn lên, khinh bạc và lộng lẫy, cao hơn hẳn thế tục, vượt ra khỏi chốn giam cầm tối tăm bẩn thỉu. Cho đến dòng cuối cùng của tác phẩm, thì bạn đọc đã nhận rằng, cái đẹp, cái cao cả luôn luôn làm chủ, dẫn dắt con người đi tới: Ngục quan cảm động, vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: "Kẻ mê muội này xin bái lĩnh".
Quản ngục không phải là tên riêng nhân vật, đó là tên gọi một chức danh, một nghề nghiệp. Đó là một công việc không mấy thiện cảm, trong xã hội suy đồi thường được mặc định là hiện thân của cường quyền hung bạo. Và nếu không có sự xuất hiện của Huấn Cao, thì Quản ngục suốt đời là quản ngục, như bao nhiều kẻ “nách thước tay dao khác” trong xã hội phong kiến. Huấn Cao xuất hiện để Quản ngục chiêm ngưỡng, đồng thời, cũng nhờ sự soi sáng từ người tử tù sắp sửa nhận án chém mà Quản ngục hiện ra những phẩm chất rất “người” vốn bị che lấp sau bộ trang phục công quyền nghiêm cẩn mỗi ngày. Hóa ra, Quản ngục là kẻ biết người biết ta, biết đá biết vàng bị số phận chơi khăm. “Trong hoàn cảnh đề lao, người ta sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc; tính cách dịu dàng và lòng biết giá người, biết trọng người ngay của viên quan coi ngục này là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ. Ông Trời nhiều khi hay chơi ác đem đầy ải những cái thuần khiết vào giữa một đống cặn bã. Và những người có tâm điền tốt và thẳng thắn, lại phải ăn đời ở kiếp với lũ quay quắt”.
Hóa ra, viên quan coi ngục cũng là một con người có sở nguyện cao quý. Ông sẵn sàng liều mạng biệt đãi tử tù Huấn Cao chỉ vì khát khao cháy bỏng có được chữ đẹp để chiêm ngưỡng.
Để ý, với cả hai nhân vật, Nguyễn Tuân không bỏ công miêu tả ngoại hình, cũng không nhiều đối thoại. Nhân vật này là ngọn đèn soi chiếu vào nhân vật kia, để cả hai cũng bộc lộ hết vẻ đẹp bên trong. Với thủ pháp này, dung lượng của truyện ngắn được giảm xuống, nén lại trong một vài trang viết, nhưng hình tượng nhân vật lại có chiều kích mênh mông.
Không hề nói quá, “Chữ người tử tù” là tác phẩm thể hiện đầy đủ nhất cá tính, bút lực của Nguyễn Tuân. Không chỉ độc đáo ở bút pháp xây dựng nhân vật, truyện ngắn cũng là một ví dụ tham khảo cho người cầm bút đi sau về cách lựa chọn ngôn ngữ: cổ kính nhưng lại rất hiện đại, lạnh lùng nhưng cũng rất điệu đàng! Đó chính là phong cách của Nguyễn Tuân.
Sau cùng, có thể nói thêm, để có được một tác phẩm “gần đạt đến sự hoàn thiện, hoàn mỹ” (Vũ Ngọc Phan), thì ngoài những thủ pháp nghệ thuật như đã nói ở trên, vấn đề cốt tử, phải chăng, là quan niệm của nhà văn về cuộc đời? Cái hành trình xê dịch của Nguyễn Tuân để đi khám phá vẻ đẹp của con người cũng chính là hành trình của nhân loại, đi từ dã man đến văn minh, bỏ lại sau lưng nhưng dấu vết tàn dư của cái xấu, cái ác để làm Con Người đúng nghĩa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI