Thứ Hai, 25 tháng 5, 2020

VĂN HỌC ĐẮK LẮK VỚI BẠN ĐỌC Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY tác giả LÊ THÀNH VĂN - CHƯ YANG SIN SỐ 333 THÁNG 5 NĂM 2020



 Tham luận của LÊ THÀNH VĂN


Văn học địa phương là tài sản tinh thần quý báu của mỗi tỉnh, thành phố trong sự tồn tại có tính độc lập của nó; mang những đặc trưng riêng của từng vùng miền với những dấu ấn không trộn lẫn, làm nên vẻ đẹp độc đáo, khu biệt. Văn học Đắk Lắk nằm trong tổng thể của nền văn học dân tộc, hình thành và phát triển qua nhiều thời kỳ khác nhau và đến nay cơ bản đã ổn định về nhiều mặt. Đó là khu vườn lộng lẫy sắc hương cần được nâng niu, chăm sóc mỗi ngày. Vì vậy, muốn khu vườn văn chương kia càng được mở rộng, đa dạng và khởi sắc hơn không thể thiếu bàn tay cần mẫn của người làm vườn và cả sự yêu quý của người thưởng ngoạn. Điều tôi muốn trình bày trong tham luận này là mối quan hệ giữa Văn học Đắk Lắk với bạn đọc ở nhà trường phổ thông trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay - lớp người đọc được xem là tiêu biểu và tinh túy nhất, có khả năng khám phá, phát hiện và đồng sáng tạo, từ đó góp phần giúp cho các tác giả văn học ở tỉnh Đắk Lắk có thêm những sáng tác hay hơn phục vụ bạn đọc được lâu dài và bền vững.
Chi hội Văn học Đắk Lắk hiện nay có trên 60 hội viên, chưa kể một số hội viên chuyên ngành văn học ở các Chi hội huyện Krông Năng, Krông Pắk. Trong số đó, nhiều tác giả đã thành danh và có tác phẩm để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc. Lớp nhà văn, nhà thơ sinh những năm 30, 40 của thế kỷ XX tuy tuổi đã cao, song sức sáng tạo vẫn khá dồi dào. Số còn lại được sinh ra từ sau cuộc kháng chiến chống Pháp 1954 vẫn còn rất sung sức, đang từng bước chiếm lĩnh văn đàn. Trong quá trình sinh hoạt và giao lưu văn học, các nhà văn, nhà thơ thật sự đồng cảm, biết chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để tạo nên tác phẩm mang dấu ấn cá nhân mình, góp phần làm nên thành tựu chung của nền văn học tỉnh Đắk Lắk. Hiện tại, Chi hội văn học Đắk Lắk có 8 tác giả là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tác phẩm của họ không những được bạn đọc trong tỉnh mà cả nước biết đến thông qua những giải thưởng chuyên ngành có giá trị.
Chúng ta đều biết, văn học địa phương Đắk Lắk có nhiệm vụ khai thác, bổ sung và phát huy vốn hiểu biết cho học sinh trên địa bàn tỉnh về các tác giả tiêu biểu, tác phẩm hấp dẫn, phản ánh cuộc sống lao động và văn hóa tinh thần của đồng bào bản địa. Bên cạnh đó, chức năng của nó cũng góp phần làm phong phú và sáng rõ hơn chương trình chính khóa, từ đó có cái nhìn đối sánh giữa cái cụ thể và toàn thể, giữa cái riêng và cái chung, giữa tính địa phương và tính dân tộc. Trên cơ sở những hiểu biết thấu đáo ấy, các tác phẩm văn học địa phương sẽ giúp học sinh biết sống hòa nhập và gắn bó nhiều hơn với môi trường, địa phương mà bản thân mình đang sống và thụ hưởng văn hóa. Bạn đọc là học sinh và giáo viên, thông qua các tác phẩm văn học địa phương được đưa vào chương trình giảng dạy hoặc đọc trên báo chí sẽ có điều kiện nâng cao kiến thức văn học, bồi dưỡng tâm hồn và tình yêu quê hương đất nước.
Tuy nhiên, theo thống kê và sự hiểu biết của người viết tham luận này, phần văn học địa phương Đắk Lắk chỉ có ở bậc trung học cơ sở được đưa vào chương trình giảng dạy còn rất khiêm tốn, tổng cộng 17 tiết cho bốn khối lớp 6, 7, 8, 9. Bên cạnh một số tiết về văn học dân gian, giới thiệu ngôn ngữ, văn hóa, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, các tác giả đương đại ở Đắk Lắk được đưa vào giảng dạy trong chương trình trung học cơ sở gồm: Ở nơi hoang dã (Trích Sống giữa bầy voi của Vũ Hùng - tác giả sống ở Kon Tum), Mùa xuân ơi, tới đi! của Linh Nga Niê K’dăm, Bác Hồ với Tây Nguyên của Y Ngông Niê K’dăm. Mảng thơ hầu như khuyết thiếu, trong khi đó tôi nhận thấy rằng thơ ca Đắk Lắk là thể loại có phần nổi trội với nhiều tác giả tên tuổi như Hữu Chỉnh, Phạm Doanh, Đặng Bá Tiến, Văn Thảnh, Bùi Minh Vũ,  Lê Vĩnh Tài… Đặc biệt, hai tác phẩm thơ phản ánh vẻ đẹp cuộc sống và con người Đắk Lắk đạt giải thưởng gần đây rất đáng lưu tâm, đó là Trường ca Rừng cổ tích của Đặng Bá Tiến và Màu thổ cẩm của Bùi Minh Vũ. Tới đây, trong quá trình đổi mới sách giáo khoa, đổi mới quá trình giảng dạy văn học ở nhà trường phổ thông, các nhà nghiên cứu văn học, biên soạn sách giáo khoa, chương trình dạy - học văn học địa phương Đắk Lắk cần bổ sung thêm các tác phẩm ưu tú khác, nhất là những tác phẩm thơ phản ánh vẻ đẹp về vùng đất Tây Nguyên cũng như những nét văn hóa mang đậm dấu ấn địa phương của tỉnh Đắk Lắk.
Ngoài chương trình dạy - học văn học địa phương Đắk Lắk với 17 tiết còn quá ít, nhịp cầu nối giữa các tác giả văn học tỉnh nhà và độc giả ở nhà trường phổ thông chủ yếu thông qua Tạp chí Cư Yang Sin - Tạp chí sáng tác, nghiên cứu phê bình văn học nghệ thuật của Hội Văn học – Nghệ thuật Đắk Lắk xuất bản hằng tháng. Phải nói rằng, Tạp chí Cư Yang Sin những năm gần đây là một trong không nhiều tạp chí có chất lượng về nội dung và nghệ thuật trình bày rất trang nhã, bắt mắt. Đều đặn hàng tháng, Cư Yang Sin ra mắt bạn đọc với số lượng 500 bản in. Tạp chí đã tập hợp đội ngũ các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình văn học nghệ thuật trên toàn tỉnh và khắp cả nước để có những trang viết sinh động, hấp dẫn nhất đến tay người đọc. Tạp chí trở thành “con mắt” của Hội Văn học - Nghệ thuật Đắk Lắk, góp phần làm cho khu vườn sáng tạo của tỉnh nhà ngày một thêm khởi sắc. Trong đó, mảng văn học chiếm số lượng lớn nhất, phản ảnh những tư tưởng, tình cảm của gần 70 hội viên chuyên ngành văn học hiện nay. Tuy nhiên, là một giáo viên đang giảng dạy môn Ngữ văn, tôi nhận thấy rằng, tác phẩm của đội ngũ sáng tác văn học trên địa bàn tỉnh vẫn còn quá xa lạ với bạn đọc ở nhà trường phổ thông. Hiện nay, ngoài hai tác giả được giới thiệu, giảng dạy bắt buộc trong chương trình, phần lớn số nhà văn, nhà thơ còn lại hầu như đội ngũ giáo viên và học sinh không biết đến. Riêng Tạp chí Cư Yang Sin lại chưa đến được với nhà trường phổ thông trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, khoảng cách giữa các tác giả, tác phẩm văn học Đắk Lắk với người đọc được xem là thành phần ưu tú nhất này ngày càng xa hơn, không dễ gì ngày một ngày hai được kết nối và đồng sáng tạo trong qua trình tiếp nhận văn học.
Tôi nghĩ, một nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu - phê bình văn học được bạn đọc biết đến phải bắt đầu từ chính tác phẩm của họ đăng trên một diễn đàn nhất định. Không biết rằng, các tác giả văn học Đắk Lắk có khi nào đặt câu hỏi rằng: Có độc giả nào là giáo viên, học sinh đã đọc tác phẩm của mình chưa? Họ đánh giá như thế nào về tác phẩm đó? Bởi lẽ, vị trí nhà văn là chỗ đứng của họ trong lòng bạn đọc. Cha ông ta có câu ca dao vui về sứ mệnh và vai trò của con trẻ: “Sinh con rồi mới sinh cha/ Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”. Nghe nghịch lý mà trúng và sâu sắc lắm. Không có đứa con ra đời, người đàn ông kia chẳng có ai gọi cha, theo đó cũng không có các chức ông, chức bà nếu không có cháu. Một nhà văn, nhà thơ cũng thế, nếu bạn đọc không “đếm xỉa” đến tác phẩm của anh, nghĩa là anh “mất trắng” độc giả, anh chỉ còn là nhà văn “tự phong”. Vì vậy, nói gì thì nói, vai trò của người đọc là cực kỳ quan trọng; không có họ, nhà văn viết ra chẳng để làm gì. Đối với người đọc tinh hoa, người đọc tri âm và ưu tú ở nhà trường phổ thống lại càng khó khăn gấp bội. Điều muốn nói ở đây, chính đội ngũ giáo viên và nhiều thế hệ học sinh ở nhà trường là bạn đọc có khả năng thâm nhập tác phẩm tốt nhất, họ có khả năng khám phá tác phẩm văn chương một cách khoa học dựa trên cơ sở lý luận, nhờ đó mà có khả năng tác động trở lại, đồng sáng tạo với tác giả trong quá trình sản sinh và tiếp nhận văn bản. Đó là mối quan hệ biện chứng sâu sắc mà các nhà lý luận cơ bản đều thống nhất như một nguyên tắc của mỹ học tiếp nhận.
Trước thực tiễn vẫn có một số bất cập trong mối quan hệ giữa Văn học Đắk Lắk với bạn đọc ở nhà trường phổ thông, tôi xin đề xuất một số giải pháp cần khắc phục sau đây:
Thứ nhất, Hội Văn học - Nghệ thuật Đắk Lắk nhiệm kỳ 2020 – 2025 cần tổ chức các cuộc thi sáng tác văn học nhân các ngày lễ lớn trong năm hoặc liên quan đến ngành giáo dục. Trên cơ sở đó, Hội có thư mời tham gia dự thi đến các trường học trên địa bàn toàn tỉnh để tìm ra những tác giả mới là giáo viên, học sinh có năng khiếu văn học. Đặc biệt, hằng năm có ngày 20 tháng 11, đây là dịp chúng ta tăng trang viết dành cho nhà trường, hoặc nếu có thể mở hẳn một chuyên mục “Thiếu nhi và nhà trường” (dù hiện nay chúng ta đã có mục “Văn học với nhà trường” nhưng dung lượng còn rất khiêm tốn), kêu gọi và khích lệ thầy cô giáo, học sinh gửi bài cộng tác. Đó chính là điều kiện để bạn đọc nhà trường phổ thông gắn bó tốt hơn với văn học địa phương, bổ sung nguồn lực hội viên, góp phần trẻ hóa đội ngũ văn học cho tỉnh nhà.
Thứ hai, Lãnh đạo Hội Văn học - Nghệ thuật Đắk Lắk cần chủ động phối hợp với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk phổ biến Tạp chí Cư Yang Sin đến tay bạn đọc ở nhà trường phổ thông. Với số lượng mạng lưới trường lớp khá đông trên địa bàn tỉnh, chỉ cần một trường đặt mua 1 đến 2 cuốn tạp chí/ tháng, chúng ta đã có thể phát hành một số lượng khá lớn tạp chí đến được tay bạn đọc ở nhà trường. Qua đó, vừa giúp cho đội ngũ giáo viên và học sinh những hiểu biết về các nhà văn, nhà thơ địa phương đương đại, đồng thời Hội cũng có thêm nguồn kinh phí để chúng ta lấy đó tổ chức giải thưởng cho các cuộc thi sáng tác văn học, đồng thời là điều kiện để hoạt động bề nổi hiệu quả hơn.
Thứ ba, trong những ngày lễ lớn, chúng ta cần có những buổi giao lưu văn học một cách luân phiên với các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh. Tùy theo mỗi cấp học, Hội cần tổ chức cho các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học nghệ thuật đến đặt vấn đề giao lưu, qua đó vừa tuyên truyền các ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước như Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30.4; Giỗ tổ Hùng Vương 10.3 âm lịch; Chiến thắng Điện Biên Phủ 7.5; Lễ quốc khánh 2.9; Sinh nhật Bác Hồ 19.5; Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22.12… Từ đó, các tác giả - tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại nói chung và văn học địa phương Đắk Lắk nói riêng có điều kiện lan tỏa trong đội ngũ giáo viên và học sinh, giúp họ dần nhận thức và tìm hiểu bước đầu, góp phần nhân lên lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cũng như hiểu biết về văn học trên địa bàn mình đang sống.

                                                                                  Buôn Hồ, tháng 04/2020



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI