Thứ Năm, 14 tháng 5, 2020

BÔNG BÍ VÀNG truyện ngắn LỮ HỒNG - CHƯ YANG SIN SỐ 332 THÁNG 4 NĂM 2020





Mới ban chiều còn như đổ lửa ra đường, ấy mà chập tối đã nghe lộp độp trên ngói. Mé vườn sát cửa sổ, bông bí vàng ươm như thắp nến trong vạt lá đen thẫm giữa đêm, ướt rũ vì giọt của trời. Phía trong này, trên chiếc giường mây, có hai người. Nhân nằm lặng lẽ, tay bíu chặt vào một bên thành, đến thở mạnh cũng chẳng dám. Miệng khẽ mở, nửa muốn nửa không, buông một câu chỏn lỏn:
- Má…
Bà Năm Thành nghe vậy, liền quay lưng vào vách, nửa khuôn mặt còm cõi in vào gối, người ta đếm tuổi cây nhờ lớp vỏ, còn người già, chỉ cần đếm số nếp hằn trên da mặt. Hổm rày, hễ con Nhân cứ mở miệng gọi má là nước mắt bà lại ứa ra. Nên nó cũng chỉ dừng ở đó, cấm có nói thêm được tiếng nào. Nhà có tới bốn đứa con, đủ trai đủ gái. Hai thằng lớn đều vợ con đề huề, nhưng… có cũng bằng không. Vợ thằng Hai trước còn ở chung, giặt đồ chừa cái áo mỏng dính của bà ra, đem vắt lại trên dây, đặng bà thấy mà tự giặt. Vợ thằng ba lớn hơn chồng chục tuổi, lại có con riêng, lần đầu về thăm ba má chồng, leo lên phản ngồi chễm chệ, miệng nói sang sảng. Gia môn như bà mà kể thì quả đúng là bất hạnh. Người con gái lớn sống lởi thởi, biết điều thì lại lấy chồng tận huyện xa, suốt dạo cứ cắm mặt vào đất trồng đậu, rủi ông hay bà khó ở cũng chỉ biết điện về an ủi chứ đâu phải muốn là có thể về thăm. Giờ đến lượt út Nhân lại nằng nặc đòi lấy chồng xa, thân là mẹ, bà cầm lòng sao đặng. Giá mà nó chịu lấy thằng Vinh, con nhà ông Bảy Hạnh ở bên kia đồng, nhà chỉ cách đường ray xe lửa. Trái gió trở trời còn chạy đi chạy về. Thằng nhỏ lại học kĩ sư ở Sài Gòn thiệt ngon lành, nếu so với cái Nhân nhà này - một thạc sỹ ngành văn học - thì cũng gọi là có phần tương xứng…
Mưa vẫn lộp độp trên mái, Nhân trở dậy, mở cửa dắt con Kun vào cột ở chạn bếp, chắc nằm ngoài lạnh, cứ nghe kêu ư ử. Cạnh đó là cái mẹt úp dở dăm ba cái bát, mẻ đầu mẻ đuôi, đũa thì chiếc đực chiếc cái, tèm lem vì dột. Rõ thảm! Những cảnh tượng quen thuộc ấy, Nhân đều ngán đến tận cổ. Nhân là đứa con gái cứng cỏi. Tốt nghiệp xong cao học cũng vừa tròn hai mươi bảy. Không đẹp, không mướt nếu không muốn nói là hơi khô cằn. Xấu nhất vẫn là hàm răng. Nên Nhân ít cười, có khi vui quá cũng nhoẻn ra rồi giật mình khép miệng lại. Nói vậy chứ ở huyện miền núi này, chó kiếm đá, gà kiếm sỏi đã nhọc thì gái như Nhân là của hiếm. Cứ nhìn hai vách tường xiêu vẹo nhà nó mà xem, nào là giấy khen học sinh giỏi cấp huyện rồi ra cả tỉnh, nào là chứng nhận học bổng “ươm mầm ước mơ” của ba bốn ngân hàng, huy chương vàng Olympic văn toàn miền… Chẳng thế mà hôm nào trong lu cạn gạo, vợ chồng ông Năm Thành lại ngó lên đó, lấy làm no suốt buổi. Nhân cũng từng có người yêu, ấy là Nghị, anh chàng tốt nghiệp ngành Cảnh sát, ra trường về ngay huyện nhà công tác. Nhà Nghị không khá bao nhiêu, nhưng nếu về làm dâu thì hẳn cũng xuôi chèo mát mái. Ba mẹ Nghị vốn nhà nông, thương Nhân ra mặt, ấy là khi tận mắt nhìn thằng con nhà mình dắt về một đứa con gái đi đứng đường hoàng, nói năng phải phép, lại là dân có chữ. Nhưng nói cho cùng, trăm năm duyên nợ phu thê, không phải lòng người muốn là được, mà ắt phải do trời định đoạt.
Nói cấm có sai. Cách đây dăm bảy hôm, Nhân dẫn về một người đàn ông lạ mặt, ông Năm Thành mới ngó đã không hớp nổi miếng trà thường nhật. Chuyên coi tướng số cho khắp cái vùng này như ông, lẽ nào lại đi chấp thuận một người đàn ông ti hí mắt lươn làm rể nhà mình hay sao? Tính đến tuổi lại chẳng phải điềm lành, nếu kết làm đôi sẽ rơi vào chữ Tử, hoặc cắt lìa hoặc mất mạng. Trước đây, ông cản chuyện con bé Nhân với Nghị cũng bởi nhiều lý do khó nói. Còn người đàn ông lần này, thật lòng ông tin không nổi. Thế rồi cứ vài ngày lại lôi cả dòng họ về họp một lần. Chú Sáu hăng hái đi trước, thím Sáu hối hả nối gót phía sau. Cô Năm, cô Ba về xắn ống quần, ngồi túm tụm ở mép phản mà thở ra thở vào. Nhưng tuyệt nhiên không có ai dám mở miệng quở trách ra mặt. Ngày thường, trong nhà từ người lớn đến kẻ nhỏ đều ngó chừng khuôn mặt cương nghị của cái Nhân mà lên tiếng. Nên ngay cả với cương vị là cha, ông Năm cũng không tiện nặng lời. Thực ra Nhân không phải đứa nông nổi, lại càng không phải kẻ tội đồ. Chỉ là lần này, sự lựa chọn để trao thân gửi phận của nó quả có vấn đề. Giờ chỉ biết víu vào cái chuyện xung tên khắc tuổi. Chẳng ra mặt cản trở, cũng chẳng tỏ vẻ gì cam lòng. Thành ra cả cha và con đều im lặng. Ở trên đời này, im lặng cũng là một cách trì hoãn. Còn bà Năm Thành chỉ biết khóc. Quẩn quanh ở cái miền quê này, muôn đời đàn bà chỉ biết khóc cười với những điều tủn mủn. Xưa uất chuyện làm dâu cũng khóc, đến giờ mái đầu đã hoa râm, xót con cũng chỉ biết khóc. Làm như khóc là điều duy nhất bà có thể làm tròn lúc này vậy. Nói không chừng bà sẽ còn ngất lịm đi nếu biết con gái yêu dấu của bà tùy tiện gật đầu làm vợ một người đàn ông mà chưa nắm tay một lần.
Nhân và Nhật. Hai con người ở hai phương trời xa lạ. Ấy vậy mà quen. Nhân có vào Sài Gòn gặp Nhật đúng một lần, gặp gỡ đúng nghĩa. Rồi quay về. Không hồi âm, không hứa hẹn. Ấy là lúc cô còn quen Nghị. Nghị biết và chờ đợi, tự tin rằng dẫu có đi đâu thì Nhân cũng trở về với đồng ruộng quê hương mà thôi, nơi đó có anh, có người xách giùm túi đồ mỗi khi về thăm ngoại. Mẹ cha hiện tại dẫu có phật lòng đôi chút cũng không thành vấn đề. Rồi sẽ ổn. Không đời nào lại còn lối rẽ đẹp hơn. Nhưng Nghị đã sai. Đàn bà cũng như anh, cứ nghĩ hạnh phúc là bình yên. Mà chẳng biết rằng khắc nghiệt và bình yên, hai thứ đó chỉ cách nhau làn khói mỏng. Huống chi cuộc đời là một vùng xao động, ai dám đảm bảo sẽ giữ được bình yên. Nhân là vì thế, can đảm yêu lấy một người đàn ông như Nhật, đã qua nửa dốc bên kia cuộc đời, ngót 40 tuổi, lăn lộn cũng đã nhiều, thế mà vẫn trắng tay. Cô chờ mong và tin tưởng gì ở một người đàn ông như vậy? Thế kỉ này, đối với đàn ông mà nói, chẳng phải nghèo tức là hèn hay sao? Không thể lí giải nổi thứ tình cảm mà Nhân dành cho Nhật. Bỏ cả nơi chôn nhau cắt rốn, bỏ Nghị và rời cha mẹ, anh em. Cũng chỉ mình Nhân dám quyết. Cả quãng đời thanh xuân, kinh qua nhiều mối tình sâu đậm, cứ tưởng là Nhân dùng hết trái tim rồi. Cho đến bây giờ, để có một cái gật đầu đeo nhẫn, vẫn không có chỗ nào cho lý trí. Nếu chỉ dùng lí lẽ để chứng minh Nhân sai thì hẳn có quá nhiều. Nhân hát hay lại khéo, thêm tính cầu toàn. Từ cái xóm nghèo vùi đầu bám ruộng mà ra phố theo học trường chuyên rồi thi đậu Sư phạm theo ước nguyện của ba. Sách học cũng mua từ những đồng tiền ít ỏi của anh Hai, nhờ chụp ảnh dạo mà có. Nhân có thể thiếu nhiều thứ, nhưng thừa một thứ là nghị lực. Chỉ cần là cô gái nghị lực, đã xứng đáng được hạnh phúc rồi. Vậy mà…Nhật có đáng để Nhân phải đánh đổi chừng ấy điều quý giá không? Những điều này bà Năm thấu hết, thì cũng bởi đó, điều bà lo sợ nhất là về xứ mới, đâu ra cơ hội mà con bà còn được gõ đầu trẻ kiếm cơm, mấy chục năm âm thầm hi vọng của bà giờ cứ chực tan thành mây khói. Khóe mắt bà ngày một trũng xuống, đến thở cũng đau.
Trên cái nền xi măng ngổn ngang vết rạn. Ba người lẳng lặng cùng bưng bát cơm lên.Trong mâm có độc một đĩa đọt bí xào với mỡ và một chén nước mắm trơn. Chợ phiên hai hôm nữa mới tới, thôi thì tè tém đợi thêm chút đỉnh, đặng tới đó mua lấy ít thịt ba chỉ về kho ăn cả tuần luôn. Mà kể ra, giờ phút này, thịt có khác gì rau đâu. Ông Năm Thành lùa một phát rồi đứng dậy, bưng li trà ngồi ngây ra ở phản, nhìn vợ mình nuốt cơm như kiểu sợ nghẹn. Còn út Nhân thì như vừa nhai rơm vừa hình dung ra khuôn mặt bụi bặm của Nhật mà mới đêm qua cô vừa mơ thấy. Trong giấc mơ, có một người đàn ông đen nhẻm, đội sụp chiếc mũ lưỡi trai xuống nửa mặt, nắm tay Nhân đi bên vệ đường, hè vắt vào trời chiều những dải nắng mỏng tang, trên tay cô lại cầm một bông bí vàng ươm, hình như vừa hái trong vườn. Cứ thế mà đi… Là thương. Là thương. Chỉ có thể là thương mới làm cho cô gái vốn chín chắn như Nhân trở nên con người điên rồ trong mắt tất thảy mọi con người kia. Ba im lặng. Má Khóc. Bạn bè, họ hàng can ngăn. Mặc kệ! Nhân nhắm mắt. Không phải là nhắm mắt đưa chân, mà nhắm lại để không còn thấy giọt nước mắt của má nữa. Nhân coi má là ủy mị, chỉ biết an phận với cái không gian chật hẹp, tù túng này. Đến nỗi giận nhiều hơn thương...Tiếng bỏ đũa xuống mâm của bà Năm đánh một tiếng khô khốc, cắt luôn dòng suy nghĩ của Nhân. Cô út bưng mâm chén ra ngoài giếng, thả dây xuống kéo lên gàu nước trong veo tận đáy. Giá mà giếng cạn, giá mà có thể nhảy xuống để gội đi những bức bách trong lòng lúc này. Tròn một tuần im lặng, tròn một tuần không hồi âm với Nhật, đúng hơn là không có gì để hồi âm. Nhân tựa thành giếng, ngó ra mé vườn. Bông bí vàng hơn nắng mà Nhân ngỡ nó nhạt vô cùng…
Tối. Đợi ba xong cơm, Nhân mở miệng. Lần này hơn đinh đóng cột:
- Con sẽ làm theo ý ba má. Con không tính chuyện cưới xin nữa. Nhưng lần này lỡ duyên, con không hứa sẽ dẫn thêm một ai đó về nhà. Và từ mai, con dọn đồ xuống Quy Nhơn để tiện việc đi dạy.
Ông Năm Thành thở một điệu, dài hơn hơi thuốc lào ông rít bên hàng xóm ban chiều, rồi sấn đến cửa xỏ dép, đi một hơi ra ngõ. Bà Năm ngồi sượng trân, nước mắt lại rỉ ra, nói được đúng một câu:
- Con hờn ba má sao con?
Đúng ba ngày sau, chú của Nhật dẫn theo một đám người xuống tận nhà Nhân nạp lễ. Hai chỉ vàng đi cho Nhân là Nhật đi vay. Chị hai Nhật xuống ngồi mép phản, bĩu môi thầm:
- Tìm cho xa, tưởng là ngon. Ai dè… Được mỗi cái chữ.
Thím Sáu lọt tai, méc lại với bà Năm Thành. Bà giờ như người mất hồn, sự đã rồi, có nghe thì cũng ngậm bồ hòn làm ngọt.
Ngày đưa dâu, ông Năm bỏ qua nhà thằng Hai rít thuốc. Để phần chú Sáu thưa gửi, dặn dò. Bà Năm mang cả áo dài nằm ra giường, tay cứ một chập lại đưa lên chận chận khóe mắt. Nhân mặc áo dài trắng, vải đã sờn, cùng Nhật đi ra ngõ. Cái Trâm con đầu anh Hai chạy từ mé bếp ra, hét to:
- Cô Út ơi! Quên hoa cô dâu nè…
Nhân ngoảnh lại, đỡ bó bông bí trên tay con bé. Thêm một bước về phía Nhật là thêm một bước rời xa mái ngói thẫm, xa vườn bí đương hoa. Thêm một bước về phía chân trời lạ lẫm là thêm một bước rời đi những điều thân thuộc. Từ cái giây này, Nhân bỗng chốc trở thành một đứa trẻ bơ vơ, côi cút. Bão tố hay hoa hồng, phiêu dạt hay trở về, khắc nghiệt hay an lành? Tất thảy dựa vào người đàn ông đi bên cạnh. Ép bông bí vào ngực, Nhân giữ cho mình đôi chân không chao đảo. Là lựa chọn. Đã là lựa chọn thì không có đúng hoặc sai.
Đường về nhà chồng xa tít tắp…
Con đường trải hoa hồng, đi được đến đích cũng là chuyện quá đỗi bình thường. Nhân tuyệt nhiên chọn lối khác. Chỉ có điều: ngay lúc này, ở dưới một khoảng trời chưa ửng nắng, Nhân chẳng vội phân bua…


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI