Thứ Năm, 28 tháng 5, 2020

THÁNG NĂM CÒN NHỚ truyện ngắn của BÍCH THIÊM - CHƯ YANG SIN SỐ 333 THÁNG 5 NĂM 2020


 

 

Đã bước xuống xe, đóng cửa rồi ông Nam lại lật đật quay lại lấy chiếc mũ rộng vành đội. Nắng. Nắng quá. Mới có 8 giờ sáng mà mặt trời đã lên ngang lưng trời. Ánh nắng xói trên gáy, trên trán người. Đôi mắt kiếng của ông nóng ran. Mặt đường rung rung làn hơi nóng bốc lên trong không khí. Làn gió trốn đâu mất tăm khiến trời càng oi bức hơn.

- Ông tới chưa?

Tiếng ông bạn vọng ra từ điện thoại khiến ông sực nhớ và lấy ra coi. Té ra khi nãy ông quên chưa thoát cuộc gọi zalo.

- Tôi đến rồi đây. Bắt đầu đi vào.

- Nhang, hoa...có chưa?

- Rồi, rồi. Yên tâm đi. Ông Nam vừa nói vừa giơ cho người bên kia thấy bịch đang xách ở tay. Bó hoa cúc vàng, thẻ nhang to, chai nước...

- Thuốc! Thuốc đâu?

- Đây đây. Gớm, ông cứ lo. Cứ yên tâm mà ở trong nhà chống dịch đi! Tôi sắm đủ hết rồi, nhá

-Ừ! Thôi mọi sự ông lo cho tôi. Nói với nó tôi vẫn ổn. Hết dịch tôi vào, nha!

-Ô văn kê! Yên tâm. 

Cất điện thoại vào túi áo, bước những bước nhanh nhẹn trên con đường bê tông rộng rãi, ông Nam tiến vào khuôn viên nghĩa trang. Vừa bước vào trong cánh cổng, ông bỗng sựng bước chân lại. Cả khoảng sân đầy nắng bỗng dậy lên mùi cà phê thơm nức. Ông nhìn quanh. Ngoài bức tường xây ngăn cách với khu dân cư ra thì có hàng quán cà phê nào đâu? Ông đi tiếp vào trong. Cả khu nghĩa trang rộng nằm im trong ánh nắng rung rinh, thấp  thoáng một số người đi viếng. Những cái bóng lấp lóa mơ hồ dịch chuyển từ ngôi mộ này sang ngôi khác chậm rãi, nhẹ nhàng.

- Chú ạ!

Ông nheo mắt gạt giọt mồ hôi lăn vào má xót mặn để khẽ gật đầu chào lại. Cô gái mặc áo xanh tình nguyện đang thắp nhang bên ngôi mộ có tấm bia ghi tên liệt sỹ đã bạc màu thời gian, chính là mộ của bạn ông. Cô ngẩng lên, nhìn ông lễ phép:

 -Chú đi viếng mộ ạ?

- Ừ! Ông vừa nói vừa xếp đĩa trái cây, bó hoa trước mộ. Cô gái cầm hai chiếc li nhỏ lên, rửa, tráng rồi rót đầy nước và đặt cạnh đĩa hoa quả trước bát nhang. Ông Nam thắp và đưa cho cô ba cây nhang, hai chú cháu chắp tay vái rồi cắm vào bát nhang đầy những chân nhang mới có, cũ có. Không một lời nào, hai người tự nhiên như đã quen lâu lắm rồi.

- Năm nay bạn chú không đến ạ?

Đang pập pập điếu thuốc rồi đặt ngang trên miệng ly trước bát nhang bạn, ông hơi ngạc nhiên nhìn cô gái.

- Chú gì mọi khi hay đi cùng chú ấy. Cháu thấy hai chú năm nào cũng đến đây nên cháu hỏi. Cô gái hơi lúng túng giải thích trước cái nhìn của ông.

- Ừ, đấy là Tiến, bạn chú. Tụi chú cùng quê ở Hà Nội, vốn là lính và cùng tham gia chiến dịch Buôn Ma Thuột. Trong trận đánh ấy, đơn vị chú có nhiệm vụ đánh vào khu tăng thiết giáp của địch tại thị xã. Bọn chú vào đến nơi tập kết vào lúc tờ mờ sáng. Địa điểm tập kết là khu nghĩa địa của dân, đất toàn sỏi đá nên không đào được công sự. Tụi chú nép sau những ngôi mộ của đồng bào để trú ẩn. Do hành quân cả đêm nên ai cũng thấm mệt và đói. Tụi chú chia nhau mấy phong lương khô và nằm nép cạnh ngôi mộ xây để ăn lót dạ. Chú vừa ăn xong, định tranh thủ chợp mắt bỗng “roẹt roẹt, chíu chíu” và lửa đạn lòe lên. Té ra trên chốt gác bọn giặc đã phát hiện ra. Ngay lập tức, chú lăn qua phía bên kia ngôi mộ, kê súng và bắn về phía chòi gác đó. Giặc bắn đạn như vãi trấu về phía đơn vị chú. Khu tăng thiết giáp của địch được rào bởi năm lớp dây thép gai. Hai hàng rào kép ở ngoài, hàng thứ ba là rào bùng nhùng, còn hai hàng rào trong là rào đơn. Theo sự phân công của đơn vị, nhóm đồng đội ôm bộc phá lên phá hai hàng rào ngoài đã xong, đến lượt tụi chú. Lợi dụng lúc ngừng nghỉ giữa hai loạt đạn, chú Tiến trườn lên gài bộc phá vào hàng rào dây thép gai, giật nụ xòe rồi trườn nhanh về phía sau để tránh đạn. Tiếng đạn nổ, tiếng bọn giặc la hét, lửa cháy khắp nơi, mùi khói súng khét lẹt. Chú Tâm, là tiểu đội trưởng, trườn đến chỗ tụi chú, ngoắt tay tỏ ý “Tốt lắm”. Chú vừa quay sang định hỏi  chú Tiến thì thấy đen sầm trước mặt. Một lúc lâu sau chú tỉnh dậy mới thấy chú Tâm đang nằm đè lên cả chú và Tiến. Té ra chú ấy đã hứng trọn mảnh đạn pháo của giặc, thay cho tụi chú… Tụi chú thành thương binh, còn chú ấy thì đi xa mãi mãi. Ông vừa khẽ nói vừa vuốt ve cạnh tấm bia trên mộ ông Tâm.

- Chú Tiến giờ ở đâu ạ?

- Sau khi hòa bình, Tiến ra Hà Nội, học tiếp Đại học, rồi lấy vợ và công tác ngoài đó. Còn chú…Ông cười, hóm hỉnh: Chú được bà xã bắt rể đất này nên giờ là công dân ở đây rồi. Năm nào chú Tiến cũng vào đây dịp này, tụi chú thăm lại chỗ trận đánh đó, thăm bạn mình, ân nhân của tụi chú. Còn cháu, cháu cũng đi viếng người thân à?

- Dạ, không ạ. Nhà cháu ở phía ngoài kia, năm nào Đoàn Thanh niên chúng cháu cũng vào đây viếng và thắp nhang cho những ngôi mộ, nhất là những ngôi không có người thân đến. Các bạn cháu vừa ra ngoài cổng đấy.

-À, ra thế. Các cháu đã làm một việc thật ý nghĩa.

- Dạ, cũng là việc nên làm, cần làm thôi. Nếu không có các chú đánh giặc thì làm sao chúng cháu được như ngày nay ạ.

- Reng…reng!

Điện thoại rung lên. Ông Nam lấy điện thoại và nghe. Màn hình sáng lên cho ông thấy bên kia, Tiến bạn ông mặc quân phục chỉnh tề, đang đứng trước bàn thờ nơi phòng khách. Trên bàn thờ, hình các cụ thân sinh của ông khuất sau lư hương đang cháy, một đĩa hoa quả, đôi ly nước.

-Sao rồi ông? Cho tôi ngắm ông ấy cái. Mà ai kia?

-À, đây là cháu…

-Hà ạ! Cô bé khẽ nhắc ông Nam.

-Cháu Hà nhà ở gần đây. Các cháu là đoàn viên, đến viếng các liệt sỹ vào dịp này hàng năm. Chú cháu tôi vừa mới gặp nhau ở đây. Đây, ông nhìn xem tôi thay ông thăm bạn được chưa nhé! Ông Nam vừa nói vừa lia điện thoại quanh ngôi mộ để cho ông Tiến quan sát. Sao, ông thấy sao?

-Ờ, được đấy. Ngoài này tôi cũng vừa lên hương cho các cụ nhà tôi, và có khấn thêm cho anh Tâm… Ông làm vậy là tôi yên tâm rồi.

-Chú ơi! Cho cháu chào chú Tiến một câu được không ạ?

Hà khẽ nói, ông Nam cầm máy và nói to: Ông này, cháu Hà muốn nói chuyện với ông. Ông hơi hạ giọng: cháu khi nãy đang hỏi tôi, chú mọi khi vẫn đi cùng chú đâu. Là năm nào tụi mình đến đây dịp này cháu nó cũng biết đấy. Này, cháu nói chuyện đi!

-Dạ, alô. Cháu chào chú! Cháu là Hà, nhà ở gần đây. Năm nào cháu và các bạn trong khu phố cũng đến viếng ở nghĩa trang dịp này. Vậy nên cháu mới biết là chú và chú Nam hay đến.

-Ừ, năm nay vì có dịch, chú không vào được. Chú đành nhờ chú Nam đến thăm đồng đội của chú. Nếu không có anh ấy…Ông Tiến nghẹn ngào không ra lời.

-Chú ơi! Khi nãy cháu đã được nghe chú Nam kể về sự hi sinh của chú ấy và tình bạn của các chú. Cháu rất xúc động. Nhất định hôm nay trong buổi họp chi đoàn cuối tháng, và trong các đợt sinh hoạt “Đền ơn đáp nghĩa” của chi đoàn, cháu sẽ kể lại câu chuyện cho các bạn và mọi người ở đây nghe. Cám ơn các chú thật nhiều ạ. Cháu chúc chú luôn nhiều sức khỏe chú nhé.

-Cám ơn cháu! Đợi hết dịch, hết cách ly, chắc cô chú sẽ bay vào thăm lại chiến trường xưa, thăm lại đồng đội, thăm đất và người Ban Mê kiên cường, phóng khoáng và ân tình. Khi đó, có gì cô chú sẽ đến gặp cháu và các bạn nữa nhé.

-Dạ, tụi cháu sẽ rất vui và mong được đón cô chú ngày gần nhất ạ.

 Hà mừng rỡ nói và đưa điện thoại lại cho ông Nam, màn hình còn hiển thị nụ cười của ông Tiến cùng một người phụ nữ- chắc là vợ ông- đang ghé vào cho bên này nhìn thấy. Đốt thêm một điếu thuốc nữa cho bạn, ông Nam khẽ lấy tay vuốt mép khung ảnh. Ánh nắng lấp loáng trên tấm bia, trên chân dung bạn ông. Một bóng mây bay lướt qua khiến ánh nắng dịu lại, dường như nét môi cười hóm hỉnh của người trong khung hình dành cho bạn mình, cho cô gái trẻ đứng trang nghiêm bên cạnh. Nắng lại bừng lên, tỏa sáng không gian. Dường như bóng nắng cũng nhảy nhót tung tăng theo bước chân thiếu nữ cùng tiếng cười trong veo đang tan trong làn gió thổi về từ phía chân trời bồng bềnh đôi áng mây trắng như bông.

Cư M’gar, tháng 4/2020


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI