Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020

GIÓ THỔI LAO XAO truyện ngắn của NGUYỄN ANH ĐÀO - CHƯ YANG SIN SỐ 333 THÁNG 5 NĂM 2020


 

Ông già Sạn bị mù, ông bán vé số dọc quốc lộ từ khi nào không nhớ, với cây gậy và xấp vé trên tay, mỗi ngày ông đi qua bao nhiêu ngã tư, bao nhiêu con đường, mời người ta mua từng tờ vé số, mời nhã nhặn, mời hiền lành, “dạ thưa” với tất cả mọi người dù trước mặt ông là lớn hay bé. Ông trải qua nhiều chuyện: người ta lừa tiền, người ta giật vé, nhưng rồi nhiều người khác lại thương tình cho thêm, dư tiền thối cũng không lấy… Mọi thứ, ông Sạn để khách tính toán với mình, ông luôn tự nhủ trời thương mình, nên hổng sao đâu, mình ổn. Vậy nên ông hài lòng lắm, ông nói người ta cũng công bằng, sòng phẳng với mình ghê, bằng cớ là, hồi đó giờ, có bao giờ ông phải khốn đốn vì mất mát đâu.

Ở cùng ông già Sạn có bà Chín bán rau, lưng còng gấp như chữ L để ngược, họ ở với nhau trong cái chòi nhỏ ở bìa rừng, nơi có con suối róc rách chảy qua. Họ ở với nhau đâu cũng đôi ba chục năm, cũng từ cái này lưng bà Chín chưa có còng thành hình chữ L để ngược, từ ngày ông Sạn còn trẻ thiệt trẻ, cũng đẹp trai lắm dù có bị mù. Thương tình muốn làm đôi mắt cho người đàn ông đó mà rồi rỉ rả xin về ở chung, nấu cơm nấu cháo cho ông sau mỗi phiên chợ. Cuộc sống gì mà nhàn tênh hà, đó là ông Sạn nói vậy đó. Ờ, nhàn chớ sao hổng nhàn, bán một ngày, tối về ngồi đếm coi được mấy tiền, mà có mấy đồng đâu, không cần đếm cũng biết là trong túi mình có bao nhiêu mà, người ta giàu người ta mới bận chớ, nghèo thì nhàn tênh, thiệt mà! Vậy rồi, họ cứ cười mỗi ngày như vậy trong ngôi nhà có mái tole lủng lỗ chỗ, nắng xuyên qua tạo thành những hình tròn chồng chéo nhau từ trên tường xuống sàn đất bụi đỏ.

Ông già Sạn nói với vợ “dạo này chân tui đau quá, thôi chắc tui hổng đi nữa, tui ngồi ngay ngã tư nào đó được rồi!”. Bà Chín, người đàn bà về làm vợ ông già chưa một lần được mặc váy cưới hay cầm hoa trên tay, nhưng cái nghĩa vợ chồng nằm trong máu, trong tim của người đàn bà son sắt đó chắc tới suốt cuộc đời bà.

Vậy là ông già Sạn ngồi ở ngã tư chờ người ta dừng đèn đỏ thì mời mua vé số. Từ bữa ngồi ở đó, chân cứ mỗi ngày một đau hơn, bà Chín đi xin lá thuốc về đắp cho ông đỡ đau, chớ đi bệnh viện cái mất cả tiền trăm, tiền triệu thì tiền đâu mà đi. Lưng bà Chín còng hơn chút nữa khi cố đi sớm hơn để mua được rau ngon và rẻ hơn, rồi ở lại chợ trễ hơn để cố kiếm thêm đồng nữa cho ông đi chữa cái chân.

Đùng cái, người ta ngưng vé số 15 ngày để chống dịch, họ coi những người như ông già Sạn là những người có thể lây dịch bệnh cho cộng đồng nên cấm họ ra đường bằng cách không cho bán nữa. Chợ cũng vắng người, bà Chín cũng ế ẩm. Ngồi trong nhà hai ngày chịu không nổi ông lại ra ngã tư ngồi. Ông mua thêm bông ráy tai, bút bi rồi mấy thứ linh tinh nữa để chào mời, nhưng có lẽ vé số thì dễ bán hơn, chứ mấy thứ đó chẳng ai mua cho ông, thỉnh thoảng, có người cho ông dăm ba ngàn. Vậy rồi, vì bữa cơm mỗi ngày, ông vẫn ngồi đó và xin ăn.

Ông nghe mấy đứa nhỏ nó thủ thỉ, là tụi con đăng ông lên “phây búc” nha, ông mù, chân ông sưng chù vù, lại ngồi ăn xin nhìn thảm thiệt đó, tụi con đăng lên cái là có người giúp ông đi chữa cái chân liền hà. Ông già Sạn gật đầu, ừa, chớ cái chân nó đau quá mà, ngồi hoài một chỗ vầy cứ như ăn vạ người ta, hổng có muốn làm chút nào, ráng sao hết đau, khi người ta có vé số trở lại thì đi dạo bán như trước kia cho nó đàng hoàng, nghề gì cũng được, mình kiếm sống chân chính mà.

Chừng đâu một tuần thì có rất nhiều người tìm đến căn chòi của ông và bà Chín, họ nói họ là những nhóm từ thiện A, B, C… cho ông nào gạo, mì gói, trứng gà… Người ta biểu ông ngồi đó ôm mấy thùng quà để chụp hình, rồi họ quay phim, ồn ào cả mé rừng, tiếng cười vang qua tận bên kia con suối. Ông nghĩ, đó, ông trời cũng có lấy đi của ông cái gì đâu, lấy đi cái này thì lại bù đắp cái khác nhiều hơn. Chiều chạng vạng, hai ông bà hạnh phúc ngồi nghe chim về tổ ríu rít, nghĩ thôi ế ẩm quá, mai ở nhà nghỉ ngơi một hôm cũng được, bà nghe thấy trên loa phường người ta cũng hay khuyên ở nhà, ra đường khi cần thiết thôi. Giờ, cái ăn trong nhà có rồi, ở nhà một hôm chắc cũng không sao đâu. Nhưng mà, ông chờ có ai cho ông đi chữa cái chân, thì chưa thấy ai nhắc tới…

Chân đau, nó  đau lên tận trên đầu, nó làm ông sốt, ông rên hừ hự. Bà Chín tất tả đắp lá, chườm khăn lên trán rồi làm đủ cách mà ông vẫn sốt. Bà vét hết tiền trong túi ra nhà thuốc mua thuốc cho ông uống. Đêm đó, trời đổ cơn giông lớn, bà Chín vội đạp xe cho thiệt nhanh để đến tiệm thuốc. Tới nơi, bà đập cửa gần như van nài thì ông chủ nhà thuốc mới thức giấc. Khi bọc gói thuốc qua mấy lần nilon trong túi áo, bà vội chạy về nhà.

Chỗ ông nằm đã ướt sũng, tấm tole trên mái đã bung ra bay mất tự lúc nào. Ông Sạn lạnh ngắt, bà lay mãi mà ông không chịu tỉnh. Bà vội kê tấm phản tre lên cao hơn rồi kéo ông nằm lên đó, lôi củi đã bị mưa làm ướt ra đốt lên, bà tìm mọi ngóc ngách trong nhà có bất cứ thứ gì khô cũng đốt lên được. À, mì gói, có nhiều mì gói, mấy cái thùng carton đựng mì, chắc nó cứu được ông, chẳng nghĩ gì hết, bà xổ tung ra, lấy giấy mà đốt, vừa đốt lửa vừa khóc “trời ơi, ông ơi, cố đi, ông đừng bỏ tui, đừng bỏ tui đi trước, nghe ông!”.

Lửa cháy từ trong lòng bà Chín nó cháy ra, cháy từ bếp cháy thấu tận trời cao, nên những cây củi ướt cũng được hong khô, rồi nó bén lửa cháy lên, ấm bừng cả cái chòi nhỏ. Mưa cũng tạnh hạt. Ông già Sạn ấm lại rồi tỉnh, ổng thều thào xin miếng nước. Bà Chín gục mặt xuống ngực chồng khóc như mưa.

Sáng, ông già Sạn bảo “hay tui thấy người ta cho mì cho gạo nhiều quá, tui với bà để đây rồi vài trận mưa nữa tạt ướt nó mốc hết, không ấy bà mang ra chợ bán bớt đi, lấy ít tiền cho tui uống thuốc, sau đó tui đi bán vé số mua gạo lại, chắc hổng sao đâu!”. Nghe chồng nói có lý. Bà Chín sau khi cho ông uống thuốc hạ sốt, thì chở hai túm gạo sau baga xe đạp ra chợ.

Lúc bán gạo và cầm tiền trên tay, bà Chín gặp mấy người quen, mấy người ở hội từ thiện gì đó mà bà hổng nhớ hết, nhìn bà khó chịu lắm, bà cũng thấy ngại, ừa, tự nhiên người ta mua gạo tới cho, mình bán đi lấy tiền cũng kỳ ghê lắm, mà giờ ông già cần thuốc thì biết làm sao đây? Nghĩ thì nghĩ vậy chớ chưa kịp phân bua gì thì mấy người đó cũng đi đâu mất rồi.

Cái chân ông già Sạn đỡ sưng nhờ uống liên tục được bốn năm ngày thuốc, ông ra ngã tư ngồi xin tiếp, vì vẫn chưa tới ngày có vé số. Nhưng mà ngồi cả buổi cũng chẳng ai cho ông tiền như trước. Mấy đứa nhỏ còn giật cả cái ca nhựa trên tay ông, hét vào mặt ông “Ông già này lừa đảo tụi bây, nhà một đống gạo mang đi bán lấy tiền mà còn ra đây ngồi xin!”… Rồi cả đám lại cười hô hố, có đứa hét lên “có khi ổng giả mù cũng có!”, rồi, tụi nó giật luôn cây gậy ném ra xa, ông mò mẫm đi tìm mà tụi nó hổng cho tìm, nó bắt ông quỳ xin tụi nó thì tụi nó cho. Ông cảm thấy mệt, ông ngồi im đó, thất thần. Mấy đứa nhỏ bỏ đi, người ta thương tình nhặt cho ông cây gậy rồi ông dò dẫm đường mà đi về nhà.

Bà Chín ngồi ở mé sông, tức tưởi khóc.

- Tụi nó nói trên mạng gì đó, nói tụi mình lừa đảo, lấy gạo người ta cho đi bán, nay ra chợ không ai thèm mua gì của tui, họ nói, tui lừa đảo… mình nghèo, chớ mình lừa cái gì, ha ông?

Ông già Sạn thở dài:           

- Thôi kệ đi, rồi, ông trời ổng cũng bù cho mình thôi mà, có phải mình gặp chuyện khổ vầy lần đầu đâu!

Ừa thì mấy chục năm chẳng thoát được cảnh nghèo, cứ một công việc làm hoài, cứ chừng đó thu nhập là an yên sống, đau bệnh hay sự cố gì là thiếu trước hụt sau. Ông già Sạn thấy cuộc đời của mình cũng đã hạnh phúc rồi, có m?ït người luôn ở bên cạnh sớm hôm. Nhưng mà thi thoảng, ông nghĩ, nếu hồi đó bà Chín đừng có yêu ông, thì lưng bà chắc vẫn còn thẳng, có khi lại được mặc áo đẹp, đi xe máy… Ông đưa tay kéo bà ngồi lại gần, vòng tay ôm lấy tấm lưng đã cong xuống của bà, vuốt ve lên đó, hỏi nhỏ:

- Có hồi nào… bà thấy hối hận khi sống với tui hông?

Bà Chín vội quệt nước mắt, mắng:

- Ông khùng hả? Giờ này còn nói chuyện đó!

Ông già Sạn bỗng thấy yêu thương nhiều hơn bao giờ hết, yêu mà không thốt được thành lời, thấy trái tim mình lúc nào cũng mềm ra khi nghe tiếng của bà, mà ngay cả cái tiếng xe đạp lạch cạch của bà về ngoài đầu ngõ, đã thấy yêu rồi.

Nghĩ vậy thôi mà ông già Sạn lại cười, cười khùng khục. Bà Chín hỏi: “cười gì?”. Ông già Sạn bảo:

- Nhớ ngày bà nói hổng cho bà dìa ở chung, bà chết cho coi! Mà nghĩ coi, tui đui mù, coi sao được mà coi!

Bà Chín mắc cỡ đứng dậy đi vô nhà, miệng mắng yêu “ông già này điên rồi!”.

Ngủ một đêm họ lại quên hết chuyện đã qua, thức dậy là bắt đầu cho ngày mới, ông già Sạn vẫn ra ngồi ngã tư, bà Chín ra chợ. Nhưng mọi thứ không thể nào lắng xuống qua một đêm như họ nghĩ, vì cơn cuồng nộ đám đông dữ dội hơn những gì người ta có thể tượng tượng ra. Người ta ném tung tóe rau của bà đã thức dậy thật sớm để chọn, người ta nói bà lừa đảo, người ta nói không muốn thấy bà ở xứ này nữa…. Bà chẳng nhớ nữa, bà bỏ hết lại tất cả, lên xe đạp chạy thẳng ra ngã tư nơi ông già Sạn ngồi, bà cảm giác rằng bà cần phải đi cứu ông.

Họ lại ngồi với nhau ở trước cửa nhà mình, ông già Sạn một bên mặt sưng vù, còn rỉ máu, nắm lấy tay bà:

- Mình đi đi, đi nơi khác sống, bà đủ sức đèo tui hông, đèo được khúc nào thì đèo, hổng nổi thì mình đi bộ, chắc năm bữa nửa tháng gì đó cũng rời được nơi này, rồi mình sống tiếp.

Có lẽ, họ cũng không biết mạng là cái gì, họ không rõ hình ảnh bà Chín lưng còng đứng đếm mấy đồng tiền bán gạo từ thiện nó lan nhanh đến những đâu, họ chắc chỉ nghĩ là nó quanh cái ngã tư, hay quanh cái chợ nhỏ đó, rồi thôi…

- Tại tui, tại tui biểu bà bán gạo để lấy tiền mua thuốc, chứ không thì bà đâu có khổ, tại tui, tại tui hết, nay chân tui hết đau rồi, tui với bà đi, đi được mà…

Cách đó không xa, có nhóm trẻ đang bật máy livestream cảnh hai ông bà già đang khóc. Tụi nó đang lặng người đi, cả những cái đầu đang phừng phừng kết tội bỗng lặng người đi, cảm giác cả thế giới lặng ngắt. Trên những màn hình điện thoại đang có hình ảnh ông già mù ngồi lau từng giọt nước mắt trên gương mặt khắc khổ của người đàn bà lưng còng. Bữa đó, gió cũng thổi lao xao.

Tháng 4.2020

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI