Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

CHUYỆN GHI Ở NÚI HOA - bút ký của Hồng Chiến




(Trích trong tập bút ký TRỞ LẠI BUÔN M'UM)


Chuẩn bị kỷ niệm 25 năm ngày thành lập huyện Cư M’gar (23/01/1984 – 23/01/2009), Huyện ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân huyện phối hợp với Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Dak  Lak mở trại sáng tác văn học tại địa phương nhằm tạo điều kiện cho các văn nghệ sỹ có dịp tận mắt trông thấy những danh lam thắng cảnh cũng như tiềm năng to lớn về du lịch nơi đây, đồng thời được chứng kiến cuộc sống mới của người dân đang ngày một đổi thay. Cách làm này của lãnh đạo Đảng – Chính quyền huyện Cư M’Gar ngay sau khi Bộ chính trị ban hành Nghị quyết 23 về Văn học – Nghệ thuật đã thể hiện sự nhanh nhạy của địa phương khi thực hiện nghị quyết, ghi dấu ấn quan trọng của văn nghệ đối với đời sống tinh thần xã hội. Trong những ngày dự trại, các nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ được nghe lãnh đạo chính quyền địa phương báo cáo vắn tắt tình hình kinh tế xã hội địa phương sau gần hai mươi lăm năm thành lập và đặc biệt là sự phát triển mọi mặt trong năm năm gần đây. Ông Lê Đức Thắng – Ủy viên thường vụ Huyện ủy, Phó chủ tịch Ủy ban nhân huyện, người cao lênh khênh nhưng hơi ốm, vui vẻ nói với các văn nghệ sỹ: Báo cáo xin chỉ ngắn gọn như vậy, còn thực tế như thế nào, xin mời các anh các chị đi thực tế sẽ rõ!
Cách làm việc khoa học và chân tình đã gây được thiện cảm của anh em văn nghệ sĩ đối với lãnh đạo dịa phương nói chung và đặc biệt vị Phó chủ tịch phụ trách khối Văn xã nói riêng. Trong những ngày dự trại, ông Lê Đức Thắng dẫn anh chị em Trại viên đi thực tế thăm thác Dray Dlông; dòng thác cao trên hai chục mét chia làm ba ngọn ầm ầm đổ xuống, tung bụi nước phủ mờ cả một đoạn suối dài. Dòng thác đẹp quá, nhưng tiếc chưa được khai thác. Đường vào thác còn ghập ghềnh khó đi, gai mắc cở che kín cả lối mòn xuống thác. Nếu được đầu tư đúng mức, chắc chắn đây sẽ là một khu du lịch được nhiều người ưa thích. Rời thác Dray Dlông chúng tôi tiếp tục đến thăm hồ chứa nước buôn Joong, xã Ea Kpan; một con đập hùng vĩ, mái đập dược lát bê tông, mặt đập rải thảm bê tông phẳng lỳ, trên bờ đập hai hàng cột đèn cao áp nối nhau chạy dài đến hút tầm mắt. Mặt hồ còn sót lại những cây cổ thụ chết khô dầm mình trong nước làm chỗ cho đàn cò trắng chen nhau đứng, tạo nên một bức tranh thủy mặc khá đẹp. Gần nơi xã lũ, đôi vạc màu nâu sẫm, cao lênh khênh lặng lẽ đứng suy tư, thỉnh thoảng mới lười nhác thọc chiếc mỏ dài xuống mặt nước gắp một chú cá lóng lánh ánh bạc giơ lên, lắc lắc rồi nuốt trửng. Trên trời xanh một con đại bàng sải cánh dài cả mét lặng lẽ bay lượn, thỉnh thoảng mới khẽ vẫy cánh chao nghiêng, bất chợt lao xuống mặt hồ chạm nhẹ vào mặt nước rồi bay lên; thật kì lạ, đôi chân nó đã tóm gọn một con cá khá lớn, màu hồng nhạt, đuôi còn cố tình khua khoắng trong không gian. Cảnh đẹp quá, mọi người mải mê nhìn, quên cả cơn dông đang sầm sập kéo đến. Gió, mưa ào ào trút nước xuống mặt hồ, mọi người mới vội vã chạy lại xe. Qua cửa kính, những hạt mưa bay xeo xéo lao xuống mặt hồ tạo thành một lớp vảy bạc  nhấp nhô trên mặt nước. Xa xa mấy chiếc thuyền của những người đánh cá đang hối hả vào bờ. Phía sau triền đập, những cánh rừng cà phê tươi tốt như mỡ màng hơn lên dưới những hạt mưa. Nhạc sĩ  Sỹ Hùng quay qua nói với tôi: Đây tổ chức du lịch sinh thái kết hợp câu cá thư giãn chắc đông khách phải biết! Anh Trần Ngọc Trí, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện góp chuyện: Huyện cũng biết vậy nhưng chưa kêu gọi được đối tác đầu tư. Giá như có kinh phí chắc chắn đây sẽ là khu công nghiệp không khói mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. Thế huyện nhà cứ phải chờ đợi mãi như thế này ư? Tôi hỏi lại. Anh Ngọc Trí tươi cười trả lời tôi: Huyện có cái khó của huyện, nhưng chúng tôi tin các văn nghệ sĩ đã đến thăm mảnh đất này, chắc chắn một thời gian ngắn sau sẽ có nhiều người biết đến và đó sẽ là sự bắt đầu trở mình cho cả một vùng đất đầy tiềm năng này đấy. Tôi giật mình trước câu nói của anh Trưởng phòng - một cán bộ còn khá trẻ, các anh đã có cách tính riêng khi mở trại sáng tác văn học này. Tôi thấy vui vui nhưng cũng hơi lo vì không biết có đáp ứng được kỳ vọng của các anh – những người lãnh đạo địa phương không!
Rời đập, đoàn chúng tôi ghé thăm một bản của người Thái mới vào định canh ở thôn III. Tôi ngạc nhiên khi thấy đội văn nghệ của thôn chiêu đãi đoàn bằng những làn điệu hát Then, đàn Tính… Những diễn viên tóc bạc trắng, ngôi xen kẽ với thiếu nữ tuổi độ trăng tròn, hai – ba thế hệ kế tiếp nhau cùng thể hiện làn điệu quê hương mang từ các tỉnh Cao Bắc Lạng vào, làm say lòng những văn nghệ sĩ đất Tây Nguyên. Trên vùng đất  mới lập quê hương thứ hai, chính quyền địa phương sở tại vẫn khuyến khích và tạo điều kiện phát triển các nét đẹp truyền thồng Văn hóa – Văn nghệ các dân tộc anh em, không kể đó là dân tộc nào, ở vùng đất nào chuyển đến vì tất cả có chung một cội nguồn – Người Việt. Tiếng đàn Tính, tiếng hát Then ngân vút cao trên Cao nguyên Dak Lak là một minh chứng cho hướng chỉ đạo sâu sát và đúng đắn của Đảng và chính quyền các cấp nơi đây. Cuộc sống mới không những đầy đủ về vật chất, con cái được học hành đến nơi đến chốn mà cả những truyền thống văn hóa của cha ông để lại cũng được giữ gìn và phát triển. Đây quả là nét đẹp của vùng đất “Núi Hoa” này. 
(Còn nữa)

4 nhận xét:

  1. Nghe tả dòng thác hùng vĩ quá, Sóc nâu thích nhất đoạn tả lũ chim bắt cá hay quá cơ ! Sao lũ vạc, đại bàng bắt cá tài thế nhỉ !chứng tỏ hồ rất nhiều cá !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn đã tới thăm!
      Hồ nhiều cá lắm, có dịp vào bạn sẽ được thấy ngay thôi.
      Chúc Socnau buổi tối âm pá!

      Xóa
  2. Nhà em nằm ngay dưới chân Núi Hoa đó anh, ( thị trấn Quảng Phú). Nhà văn các anh, các chị được đi khắp nơi, thích thật! Bài viết về Núi Hoa rất ấn tượng. Cám ơn nhà văn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tết cô giáo có mời H.C đến Núi Hoa uống cà phê không đấy!

      Xóa

NHẬN XÉT MỚI