Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

CUỐI ĐÔNG tùy bút của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 221+222 THÁNG 1&2 NĂM 2011




Tôi nằm trong chăn, đầu trùm thêm chiếc mũ len mà vẫn thấy hơi lạnh phả vào mặt. Phòng ngoài nghe tiếng anh trai nói với chị dâu:
- Gọi chú nó dậy ăn sáng!
- Trời lạnh lắm, cứ để cho em nó ngủ một chút.
Giơ tay xem đồng hồ, đã hơn 7 giờ, vậy mà vẫn nằm trên giường, tệ thật. Tôi vội tung chăn ngồi dậy. Một cơn gió thoảng qua làm tôi rùng mình. Cái gió lạnh như cắt da làm tôi co rúm người lại. Lâu lắm rồi, hay nói chính xác hơn – 33 năm trôi qua, tôi mới trở lại quê nhà để đón tết. Hồi còn ở tuổi chăn trâu, cứ mỗi độ gió mùa đông bắc về, khi trời mới rạng, tôi lại theo bạn bè ra các ruộng đã bừa chuẩn bị cấy lúa để bắt cá rét. Những chú cá bị lạnh, nằm cứng đơ dưới làn nước trong veo; bọn trẻ chúng tôi chỉ cần thò tay xuống, nhặt lên bỏ vào giỏ giống như nhặt hòn sỏi vậy; khi mặt trời lên một lúc, nước bớt lạnh, chúng lại vẫy vùng và không thể bắt được nữa. Những hôm rét đậm có cả những con cá chuối – người miền Nam gọi là cá lóc (hoặc cá tràu), nặng khoảng nửa kg cũng nằm chết cóng trên mặt bùn. Bắt cá giá thích lắm, nhưng tay chân dầm nước cũng lạnh cóng, nhiều lúc thấy cá thò tay xuống nước thì… tay không nghe theo ý mình nữa… Cá được bắt về thả vào nước ấm một chốc là khỏe mạnh, bơi lội tung tăng như chưa có gì xảy ra. Ngày ấy cá nhiều lắm, bắt cá về làm thịt sạch sẽ, đem nướng chín, đặt trong chum muối hạt để ăn dần. Khoảng 8 giờ, mặt trời lên cao, cả bọn trở về cỡi trâu ra đồng thả cho gặm cỏ; bọn tôi lại chia nhau đánh trận giả, đánh đáo hay kiếm lá khô, cỏ về đốt để nướng dam (cua đồng), cà cuống… cùng ăn.  
Thoáng chốc, mái đầu nay điểm thêm nhiều sợi trắng, nắng gió Tây Nguyên có khắc nghiệt nhưng so với mùa đông miền Bắc thì còn dễ chịu hơn nhiều. Do điều kiện công việc và cũng vì mẹ vào ở với em gái dưới Bình Dương nên tôi không có dịp về quê trong mùa đông hay tết nữa; nay trở lại thì thấy… khắc nghiệt quá!
Anh chị đã chuẩn bị cơm từ lúc nào, đang định ăn trước; tôi mở cửa bước ra rồi lại thụt đầu lại vì cái lạnh thốc vào mặt giống như có ai mang nước đá chà lên da. Chị tôi cười bảo: “Chú đã nhớ lại mùa đông miền Bắc chưa!” Tôi cười nhưng răng lại khua vào nhau lộp cộp, thành ra… khó coi thì phải. Anh trai bảo: “Lâu không về, nay nếm lại cho nhớ, không lại quên mất quê.”  
Lâu ngày xa quê, nhưng làm sao có thể quên được quê hương, quên một thời niên thiếu chui rúc dưới bờ tre tránh bom đạn và… học. Trở về hôm nay đường làng đã đổ nhựa phẳng lỳ thay thế cho con đường lầy lội ngập ngụa phân trâu cứ mỗi độ mưa phùn gió bấc. Thời ấy, để tránh rét, bọn học trò chúng tôi có sáng kiến lấy báo dán lại như chiếc bao tải rồi khoét ba lỗ để mặc vào trong, tấm áo nâu mong manh được khoác ra ngoài cho đẹp. Ngày ấy đã xa lắm rồi, nhưng trong mỗi con người xa quê, nó như hằn sâu mãi mãi trong trái tim.
Buổi sáng làm tô phở tái và ly cà phê đen nóng trước khi lên xe đến cơ quan làm việc đã thành một thói quen như được lập trình sẵn; hôm nay về quê, buổi sáng chị dâu xới cho chén cơm thật đầy, giục: chú ăn đi cho nóng! Lòng chợt nhớ đến những ngày ở với bố mẹ, anh chị đi thoát ly: người vào Nam đánh giặc, người lên Hà Giang dạy học; ở nhà chỉ còn tôi và cô em gái út. Làng xóm không còn thanh niên và hình như lũ thiếu niên chúng tôi được xem như “trụ cột” của làng thì phải! Bữa ăn gia đình ngày hai bữa – khi ấy làm gì có chuyện được ăn sáng, nồi cơm nhà ai cũng chỉ lưa thưa vài hạt cơm bám quanh củ khoai, củ sắn…, mỗi bửa chỉ dám xới hai chén lưng lưng chứ xới đầy người sau hết phần. Tôi đi học cấp III xa nhà, chiều thứ 7 mới về; chiều chủ nhật lại khoác túi ra đi. Trước khi đi thế nào cô em út cũng dúi vào tay anh mấy hào bạc lẻ đã dành dụm cả tuần: “Cho anh đi dọc đường uống nước…”, em gái tôi ngày ấy là vậy! Có lần mẹ thấy em đưa tiền cho tôi đã bảo: “Bây giờ thương anh như vậy, mai mốt nó học hành đỗ đạt, lấy vợ, làm ăn khá giả có việc đến nhờ, hắn lại sai con ra chối từ đầu ngõ”!
Cuộc sống xoay vần tôi đi công tác xa, em tôi cũng theo nghề cha anh: dạy học. Vì cuộc mưu sinh, em lấy chồng, sinh con đẻ cái; kinh tế có phần dư giả, tiếc rằng số trời cho hưởng quá ngắn, đã ra đi, khi mẹ già gần 90 vẫn ngong ngóng đợi em về. Cả nhà không ai dám nói thật về em cho mẹ biết, vì thế gần hai tháng nay mẹ vẫn đợi…! Mẹ về Bắc rồi, nhưng lại thường nhắc đến miền Nam, nhắc con cháu trong ấy sao lâu không ra thăm và mấy cây mai trồng trước sân có nhiều bông không, đã nở hoa chưa!
Gió lại ùa vào qua các khe cửa, tôi hơi nhăn mặt. Chị dâu nhắc: Gần tết rồi, trời vẫn trở chứng làm cho khi hậu khắc nghiệt hơn thì phải, chú ráng ăn lấy sức mà chống rét! Tình cảm của chị tôi – cô giáo về hưu, vẫn mang đậm chất của người nhà quê đồng bằng Bắc bộ: mộc mạc, chân tình… Tóc của anh chị nay cũng đã trắng cả rồi, gió đông bắc thổi về, không lo cho mình lại cứ mải nghĩ cho em, nhắc em như mẹ chăm con. Nghĩ về anh chị, lòng tôi thấy ấm áp hơn. Hình như gió ngòai kia cũng bớt lạnh thì phải.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI