Vào một buổi sáng đẹp trời, chúng tôi
rời Buôn Ma Thuột xuôi theo quốc lộ 26A về phía thành phố Nha Trang – tỉnh Khánh
Hòa; không khí mát mẻ vì đêm qua trời đổ cơn mưa khá lớn. Mùa này Dak Lak có mưa
như trời cho nhà nông thêm vàng, cà phê không phải tưới, ruộng rẫy thoát khỏi
khô hạn. Tới km 61 thuộc địa phận huyện Ea Kar, xe rẽ phải vào con đường đất rất
khó đi, đầy “ổ voi ổ trâu” và một thứ mùi khó chịu ập vào xe. Nhà thơ Lê Vĩnh Tài
ngồi bên tôi vội nói: Đóng cửa xe lại
để bật máy lạnh. Nghệ sỹ nhiếp ảnh -
nhà thơ Đặng Bá Tiến cười buồn: Chúng ta đến
địa phận nhà máy Tinh bột mỳ Ea Kar rồi đấy. Ngày cắt băng khánh thành rất đông
quan khách về dự, sau buổi lễ ông Giám đốc Nghiêm Minh Tiến mời tất cả ở lại nhà
máy dùng bữa cơm thân mật, nhưng nhiều người vội vã ra xe về ngay vì cái mùi đặc
trưng này. Mọi người ồ lên ngạc nhiên.
Vượt cầu Krông Năng, nhà máy Tinh bột
mỳ xây khá bề thế hiện ra qua khung cửa kính. Nhờ có nhà máy này mà nhiều hộ nông
dân của các huyện Ea Kar, M’Đrăk, Krông Năng thoát khỏi đói nghèo; nhưng những
người dân xung quanh khu vực nhà máy đang phải gánh chịu sự ô nhiễm môi trường
khá nặng; không biết đến bao giờ mới cải thiện được. Qua nhà máy tinh bột mỳ,
nhà thơ Hoàng Thiên Nga thông báo: Chúng
ta sắp vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. Mọi người ồn ào cả lên vì địa
danh nổi tiếng qua vụ án săn động vật quý hiếm của ông Đại Hùng bị Hạt Kiểm lâm
khu bảo tồn Ea Sô bắt năm 2003. Vụ săn bắn hai con Min trong khu bảo tồn làm tốn
không ít giấy mực của cánh báo chí; vụ án kết thúc kẻ phạm pháp dù đương chức là
giám đốc một sở của thành phố lớn hay là đại gia cũng phải cùng nhau ra trước vành
móng ngựa. Luật pháp được thực thi.
Còn tôi vốn là dân gần như “bản địa” ở đây (vì
có hơn 20 năm sống và công tác tại huyện Ea Kar), trong những năm từ 1987 đến
1992 khi chờ Tòa án tối cao xét xử trả lại công bằng; vì mưu sinh, tôi đã lội
khắp các cánh rừng của huyện Ea Kar. Trong một lần vào đồi Cô Đơn, tôi gặp một
con vật: đầu trâu, chân bò, to như con voi; anh bạn cùng đi là sỹ quan Ban tuyến
huấn Sư 333 bảo: “Bò xám” đấy! Tôi về
viết một mẩu tin gửi báo Tiền Phong, không ngờ một mẩu tin ngắn hơn 100 từ đã làm
chấn động giới khoa học trong nước, mấy hôm sau Viện trưởng Viện tài nguyên và
Môi trường, Giáo sư - Tiến sỹ Phạm Huy Huỳnh lặn lội từ Hà Nội vào tận nhà hỏi
thăm và nhờ dẫn đường vào rừng Ea Sô tìm “bò xám”. Sau một tuần lang thang
trong rừng, vị Giáo sư khả kính tóc bạc trắng, tuổi gần bảy mươi nói với tôi: Căn cứ vào các dấu chân đo được trong rừng,
nhiều khả năng đây là dấu chân bò xám vì nó to hơn và tròn hơn so với dấu chân
min. Sau đó Giáo sư cóù bản báo cáo khá chi tiết gửi cho UBND huyện Ea Kar
và UBND tỉnh Dak Lak, đánh giá của mình về khu rừng này. Qua trao đổi với Giáo
sư - Tiến sỹ Phạm Huy Huỳnh, tôi mới biết vài nét về con vật mang tên “bò xám”:
con vật này đầu trâu, mình bò, thân hình to lớn, con trưởng thành có thể nặng từ
2,5 đến 3 tấn; nó được một nhà khoa học Pháp phát hiện và chụp ảnh lần cuối cùng
vào năm1930 trên đất CamPuChia và từ đó đến nay không ai còn nhìn thấy nó nữa;
giới khoa học nghi đã bị tuyệt chủng. Còn con min đầu trâu, mình trâu,
chân bò trọng lượng nhỏ hơn khoảng 1 đến 1,5 tấn có tên trong sách đỏ Việt Nam
thuộc nhóm A, đây là loại động vật quý hiếm. Khoảng hai tháng sau khi Giáo sư - Tiến sỹ Phạm Huy Huỳnh về Hà Nội;
một đoàn 7 nhà khoa học các nước: Vương quốc Anh, Vương quốc CamPuChia và Việt
Nam đã vào rừng Ea Sô điều tra; sau một tháng làm việc, đoàn kết luận không có bò xám nhưng đây là khu rừng đa
hệ sinh thái cần được bảo vệ nên đề nghị và được cấp trên chấp nhận, Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô đã ra đời
như vậy.
Xe chúng tôi vượt cầu sông Hai, chạy
qua khu nhà làm việc của Ban quản lý Khu bảo tồn được xây dựng khá khang trang.
Con đường tỉnh lộ nối hai tỉnh Phú Yên - Dak Lak chạy qua Khu bảo tồn thiên nhiên
Ea Sô, phần đường từ sau cầu sông Hai xuôi thành phố Tuy Hòa làm khá tốt. Phía
bắc đường được trồng khá nhiều cây keo tai tượng cao quá đầu người, phía nam
ngay sát đường là những đám rẫy gieo mè xanh mơn mởn. Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy
ngạc nhiên hỏi: Sao Khu bảo tồn thiên
nhiên lại gieo mè nhiều thế? Câu hỏi
của Thúy làm mọi người lặng đi vì thực tế đang được thấy và không biết phải trả
lời như thế nào. Cuối địa phận tỉnh Dak Lak, công trình thủy điện Krông H’Năng
có vị trí gần đường đang hối hả thi công, con đập chính ngăn nước sắp hòan thành,
xe tấp nập nối đuôi nhau xuôi ngược. Bức tranh công nghiệp khai thác “vàng trắng”
đang thực thi ở đây đã sắp hoàn chỉnh, nhưng một phần khu bảo tồn thiên nhiên
Ea Sô sẽ bị ngập nước, một diện tích không nhỏ đất đai sẽ chìm dưới lòng hồ; đây
cũng chính là nỗi băn khoăn của nhiều văn nghệ sỹ Dak Lak khi cho rằng: chúng
ta ồ ạt xây dựng các nhà máy thủy điện, liệu có tính đến một diện tích đất đai
rất lớn chìm dưới dòng nước, hiệu quả kinh tế về lâu dài như vậy có khả quan không?
Gần 12 giờ trưa chúng tôi đến thành
phố Tuy Hòa, nhà văn Huỳnh Thạch Thảo - Phó chủ tịch Hội VHNT Phú Yên, Tổng biên
tập tạp chí Văn Nghệ Phú Yên đón chúng tôi đưa về khách sạn Công Đoàn. Tôi không
ngờ nhà văn trẻ này lại có nét phong trần đến thế, tuổi còn kém tôi xa, nhưng tóc
đã bạc quá nửa. Anh khác hình ảnh mà tôi đã hình dung qua những lần trao đổi điện
thoại. Sau bữa cơm thân mật do Hội chiêu đãi, chúng tôi kéo nhau về văn phòng Hội.
Đoàn văn nghệ sỹ Dak Lak nhiều người ngạc nhiên như không thể tin ngôi nhà ba tầng
đồ sộ được xây ngay sát biển là trụ sở của Hội VHNT tỉnh. Căn nhà đẹp quá, vị
trí cũng thật lý tưởng: một bên là quảng trường, một bên là biển, gió lồng lộng
thổi… Văn phòng Hội tọa lạc trên tầng hai khá rộng, đoàn Dak Lak 11 người ngồi
chưa hết nửa chiếc bàn hình ô van, phần còn lại là các văn nghệ sỹ tỉnh bạn. Nhà
văn Đào Minh Hiệp – Chủ tịch hội VHNT Phú Yên báo cáo sơ qua vài nét về tỉnh: dân
số hơn 800 ngàn người, hội viên của Hội hơn 200, cơ sở như các bạn đã thấy, trên
tầng ba có 4 phòng khách vì đang sửa lại hệ thống nước nên không thể bố trí cho
đoàn ở lại được… Nghe Chủ tịch Hội báo cáo trụ sở hội có hẳn 4 phòng khách
trang bị đầy đủ tiện nghi, làm đoàn VNS Dak Lak càng thêm sửng sốt. Vâng! Thật
sự sửng sốt! Một tỉnh mới thành lập, dân số chỉ sem sém cỡ một nửa dân số tỉnh
Dak Lak thế mà có một cơ ngơi làm việc như trong mơ. Trông người lại ngẫm đến
ta...! Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo cho biết thêm về tạp chí Văn nghệ của Hội: tháng
rưỡi ra một số, mỗi số in 600 bản, trong đó một nửa được phát hành theo yêu cầu
của bạn đọc; kinh phí dành riêng cho tạp chí hơn 200 triệu, tạp chí có tài khoản
riêng, con dấu riêng.… Vốn là “dân” cùng làm tạp chí văn nghệ như nhau, các anh
có cái hơn đồng nghiệp Dak Lak là Tạp chí được tự chủ về kinh phí hoạt động, biên
chế nhân sự nhiều hơn, tuy số lượng phát hành cũng sàn sàn như nhau (Phú Yên 3
tháng hai số, còn Dak Lak mỗi tháng một số với 500 bản). Thư ký tòa soạn tạp chí Văn Nghệ Phú Yên – Huỳnh Văn Quốc cũng
có những trao đổi hết sức chân tình về hoạt động của tạp chí nói chung và công
tác cộng tác viên nói riêng. Hai tạp chí của hai hội Dak Lak và Phú Yên đều có
chung một điểm giống nhau: cộng tác viên các tỉnh bạn rất nhiều. Cuộc gặp mặt -
giao lưu giữa đoàn VNS Dak Lak và Hội VHNT Phú Yên đã đến lúc phải chia tay. Tôi
nhận lời chuyển đề nghị của các anh về lãnh đạo hội VHNT Dak Lak sẽ kết hợp cùng
tổ chức một trại sáng tác chung giữa hai tỉnh trong thời gian gần nhất.
Chiều, nhà văn Huỳnh Thạch Thảo dẫn đoàn
lên thăm tháp Nhạn – một di tích độc đáo của người Chăm ở tỉnh Phú Yên. Tháp Nhạn
tọa lạc ngay trên đỉnh núi Nhạn, cao khoảng trên chục mét, có cấu trúc gần với
tháp Bà - Nha Trang. Sân tháp được lát gạch vuông đỏ au khá rộng, là nơi hàng năm
được Hội VHNT tỉnh tổ chức Ngày Thơ Việt Nam tại đây. Xung quang gò, cây cối
xanh tốt, nhiều cây có đường kính khá lớn, xen kẽ là những chùm hoa lạ làm cho
người đến thăm thấy thêm phần linh thiêng. Đứng ở chân tháp nhìn về phương bắc
có thể thấy toàn bộ thành phố Tuy Hòa với những tòa nhà cao tầng rất đẹp vây
quanh cánh đồng lúa xanh mượt mà ở giữa; quay về phía đông nam là một cây cầu dài
đang thi công chạy sát mép biển, nối hai bờ sông. Thành phố giống như một bức
tranh đẹp nhưng chưa hoàn thiện. Muốn vào trong tháp để thắp hương, mọi người
phải lách mình qua một người phụ nữ đứng
tuổi với một quầy hàng nho nhỏ bán bánh trái và một con chó nhỡ án ngay cửa tháp.
Một danh thắng gần trung tâm thành phố, rất đông du khách đến thăm quan, trong đó
có cả người nước ngoài, vậy mà… tôi thấy man mác buồn. Không biết các cơ quan
quản lý khu di tích nghĩ gì khi để hình ảnh này cứ tiếp tục tái diễn trước du
khách đến đây.
(Còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
NHẬN XÉT MỚI