Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

QUÀ TẶNG CỦA RỪNG truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 184 THÁNG 12 NĂM 2007




                                                                                              
 Trời Tây Nguyên trong xanh, không một gợn mây. Mới đầu mùa khô mà ông mặt trời đã nhăn nhó rải nắng xuống núi rừng, hong vàng nốt những chiếc lá mai cuối cùng trước khi lão thần gió đùng đùng nổi giận lao đến giật phăng tung hê lên trời. Cây mai chỉ còn trơ những cành khẳng khiu, khô cằn tưởng như sắp gãy đến nơi. Đó cũng là lúc mọi người chuẩn bị đón một năm mới, theo tục lệ của người phương đông tính năm theo vòng quay của mặt trăng. Tết đến! Người Việt ai cũng mong về nhà sum họp quây quần quanh nồi bánh chưng chiều ba mươi cuối năm. Cả năm đi làm ăn xa, chỉ có ba bữa ngày tết mới có dịp về gặp nhau, thăm hỏi và tặng nhau những lời chúc tốt đẹp nhất, mừng năm mới, mừng thêm một tuổi mới.
Miền Bắc chắc giờ này lạnh lắm. Không biết các anh chị công tác ở xa có kịp về ăn tết cùng ông bà già không! Nghĩ cũng tội, thời trai trẻ bố mãi bận việc đánh giặc, một tay mẹ nuôi dạy sáu anh em, tảo tần qua năm tháng để rồi người nối gót theo cha ra trận, người rời giảng đường theo tiếng gọi của tổ quốc đi đến nơi đất nước đang cần, để lại sau lưng người mẹ già với  quê hương yêu dấu. Chiến tranh qua đi, người lính trở về; đôi vợ chồng lấy nhau ba chục năm tròn, chưa một lần ở bên nhau được trọn vẹn chục ngày, nay hai mái đầu tóc thay màu bạc trắng mới có dịp đoàn tụ bên nhau như những cặp vợ chồng mới cưới, hàng ngày ngóng đợi tin con. Đám con như bầy chim đủ lông, đủ cánh bay đi khắp bốn phương trời; Trang là con chim nhỏ nhất của bầy chim ấy, giờ đây  đang chuẩn bị đón cái tết thứ ba ở Tây Nguyên xa quê. Hồi nhỏ ở nhà, công việc sáng ba mươi tết thường thường phải lau chùi bộ đồ cúng bằng gỗ sơn son thếp vàng, chạm trổ tinh vi; buổi chiều chặt lá chuối hột đem hơ lửa gói bánh. Bánh chưng phải gói bằng lá chuối hột khi bóc ra bánh mới xanh, các loại lá chuối khác gói bánh khi bóc ra bánh có màu vàng, nhìn không đẹp. Vùng hạ lưu sông Yên gần sát biển làm gì có lá dong rừng gói bánh như trong này. Giá như tết này về được, mang một ít lá dong Tây Nguyên về quê cho các cụ gói bánh chưng, chắc mọi người phải tròn mắt ngạc nhiên không thể tin lá dong rừng to dến thế. Không biết giờ này ai thay mình lau chùi đồ cúng cho ông bà già!
-Thầy nhìn kìa!
Y San dừng lại đưa tay chỉ về phía trước mặt, cả khoảnh rừng như bừng sáng hẳn lên trước những cây mai không biết được trồng từ bao giờ, cây nào, cây ấy gốc to độ vòng tay người lớn trên cành không một cọng lá vàng, nụ hoa xanh mượt mà, từng chùm nụ căng mẩy xúm xít bên nhau như được một bàn tay khéo léo gắn kết chúng lại; đầu cành điểm thêm một vài búp lá màu nâu tím, trông thật đẹp mắt .
-Rừng mai này chắc được trồng lâu lắm rồi nhỉ!
Cả đám học sinh cười ồ; Y Ghi nhanh nhảu trả lời:
-Nó tự mọc đấy, chứ không có ai trồng đâu thầy ạ!
-Sao cây nào cây ấy đều nhau, lại thẳng hàng như được đo đạc cẩn thận thế?
-Thầy ơi, rừng Tây Nguyên mà!
Ừ, rừng Tây Nguyên mà! Tạo hoá sinh ra ở nơi đây, những cánh rừng có vẻ đẹp huyền bí mà gần gủi, thân thương. Có những loài cây chỉ sống riêng cùng đồng loại, tạo nên cả một khu rừng chỉ thuần một loài cây như loài mai này. Nhìn cành nào cũng đẹp, cành nào cũng xinh, không biết nên chặt cành nào, bỏ càng nào.
-Thầy ơi, ta chặt mấy cành?
-Chặt một cành về trang trí hội trường là đủ.
-Chặt cành nào hở thầy?
-Cành nào cũng đẹp cả, thôi ta chặt cành này vậy.
Trang vừa trả lời Y Ghi, vừa đưa tay chỉ cành mai trước mặt. Những cành mai như có bàn tay nghệ nhân nào đó đã tạo giáng từ trước, trông giống cây đào Nhật Tân bày bán ở chợ tết thủ đô. Y Thanh bám thân cây đu lên chặt cành, mấy em đứng dưới hò hét vui vẻ. Nhìn học trò, lòng Trang ấm lại; các em những cô, cậu thanh niên mới lớn có may mắn được sống dưới mái trường Xã Hội Chủ Nghĩa khi đất nước sạch bóng ngoại xâm, non sông liền một giải. Cuộc sống vật chất còn bộn bề khó khăn, ở trường nội trú chỉ đủ cho các em được hai bữa ăn quá nửa độn bắp hoặc khoai lang mà vẫn chưa no, thức ăn đạm bạc. Khó khăn là thế, nhưng các em vẫn vui vẻ chấp nhận theo thầy cô lấy cái chứ của Bác, của Đảng mang về buôn làng, thắp lên ngọn lửa niềm tin. Sáng nay theo kế hoạch của ban giám hiệu phân công, Trang chỉ định mang một, hai em đi chặt mai về trang trí tết; nhưng em nào cũng muốn theo vào rừng, cân nhắc mãi mới chọn sáu em đi cùng. Thế là đã ngày ba mươi tết rồi!
Bỗng có tiếng chó sủa từ xa vọng lại, ngày một rõ dần. Trang thở dài nói:
-Hôm nay rồi mà vẫn có người vào rừng đi săn!
-Không phải đâu thầy ơi, chó sói đấy.
-Sao em biết chó sói?
-Thầy không phân biệt được à! Tiếng sủa chó sói khoan thai, đều đặn theo từng nhịp chạy, mỗi con sủa theo một nhịp nhất định, không nhanh, không chậm, buộc con mồi phải chạy liên tục đến kiệt sức; lúc đó chúng mới quây tròn lại cắn xé con mồi.
Y San giải thích tường tận như đã được tận mắt chứng kiến nhiều lần. Tiếng chó sủa ngày một gần hơn và nghe rõ tiếng cây gãy rào rào. Đám học trò bỗng nhiên im lặng nghe rõ cả tiếng mấy con muỗi vo ve bay qua.
-Chắc bầy sói đuổi theo nai thì phải.
Tiếng Y Thanh thì thào .
-Sao em biết chúng đuổi theo nai?
-Nai chạy theo đường thẳng, tông vào cây gây nên tiếng gãy, đổ ồn ào; nếu heo chạy thì không tạo ra tiếng gãy cây lớn như vậy.
-Đúng đấy thầy ạ!
Y Thanh khẳng định thêm và còn cho biết chuyện lũ sói săn mồi như thế này người đi rừng vẫn bắt gặp thường xuyên, có hôm còn được  thịt ăn nữa. Tiếng chó sủa bỗng nhiên rộ hẳn lên và hình như quây tròn một chỗ. Y San reo lên khe khẻ:
-Con nai bị xua xuống suối rồi, ta lại kiếm thịt ăn thôi! Đi nhè nhẹ không bầy sói thấy người bỏ chạy mà nai chưa chết, nó chạy mất thì uổng.
Bảy thầy trò rón rén tiến dần lại bờ suối, nơi bầy sói đang thi nhau gào lên inh ỏi. Trước mắt mọi người hiêïn ra một đoạn suối rộng khoảng năm mét, một con nai đang lóp ngóp bơi. Hai bên bờ chắc phải gần chục con chó màu xám bụng thon, chân cao kều, tai dựng đứng đang chúc đầu xuống suối sủa ông ổng. Một con từ trên bờ lao vút xuống suối, táp đúng tai con nai. Như được lệnh, cả đàn lao xuống suối nhè mặt con nai thi nhau cắn, xé; mặt nước suối thoáng chốc loang máu đỏ hồng.

-Chúng móc mắt con nai rồi!

Y San thì thào; mắt không rời quan sát cảnh hổn chiến của bầy sói. Khi còn nhỏ, Trang vẫn được nghe người lớn kể chuyện chó sói săn mồi bằng cách leo lên cây, chờ con thú không may mắn đi qua, chúng tè xuống, nước tiểu chó sói có chất đặc biệt làm mù mắt con vật; chúng chỉ còn việc chạy lại chén thịt. Nay được tận mắt chứng kiến cảnh săn mồi của bầy sói mới thấy khủng khiếp quá.
Con nai cố bơi vào bờ, nhưng bầy sói quá đông, con cắn tai, con cắn họng, giật nghiêng con nai trở lại dòng suối. Đôi mắt con nai bị bầy sói móc ăn, chỉ còn hai hố máu đỏ lòm, máu chảy lênh láng. Khi con nai bơi vào được chỗ cạn, con sói lớn nhất bầy, sỉa hàm răng nhọn hoắt cắn vào hậu môn, lôi ruột ra ngoài. Con nai bò được lên bờ thì ruột đã bị bầy sói kéo ra cả sải nổi lềnh bềnh trên dòng suối, chúng tranh nhau ăn.
-H…ú! H…ú ! H…ú!
Y San bất ngờ cất tiếng hú, bầy sói giật mình lao vút lên bờ, lẩn nhanh vào rừng. Cả mấy thầy trò ùa ra bờ suối, nơi con nai đang đạp đạp hai chân sau lần cuối cùng.
-Con nai to quá!
-Thầy trò mình hên rồi thầy ơi!
-Thế là thầy trò ta có quà tết rồi.
-Quà rừng tặng thầy trò mình ăn tết đây!
Đám học trò tiếu tít tranh nhau nói như sợ người ta nói mất phần. Y San mổ bụng con nai vứt bỏ bộ lòng, chặt làm ba phần chia nhau khênh. Trang vác cành mai bước đi, đầu còn ngoái nhìn lá gan bỏ lại bên bờ suối. Như hiểu được ý thầy, Y San nói:

-Gan nai ăn không ngon đâu, ta chia phần lại cho bầy sói thầy ạ!
Chó sói


Cả bọn cười vang rừng. Thầy trò vui vẻ dắt nhau về đến trường khi ông mặt trời mới lên đến đỉnh đầu. Tết ấy, cả trường được thưởng thức tài nghệ nội trợ của các cô giáo miền Bắc chế biến món ăn làm từ thịt nai. Không khí thật đầm ấm, vui vẻ không còn giọt nước mắt ngắn dài của các cô giáo xa nhà như mọi năm.

Đêm giao thừa cành mai trở mình bung nụ nở hoa vàng rực rỡ, không sót nụ nào.


4 nhận xét:

  1. Ui, thịt nai chắc ngon lắm nhỉ ! Tết năm ấy thật vui và đầm ấm !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Socnau nhé. Ngày đầu tiên của năm mới đi làm việc, chúc bạn luôn luôn vui, đầy ắp tiêng cười.

      Xóa
  2. "Ừ! Rừng Tây Nguyên mà! Tạo hoá sinh ra ở nơi đây, những cánh rừng có vẻ đẹp huyền bí mà gần gủi, thân thương..."
    Một bản tình ca về núi rừng, một tấm lòng gắn bó Tây Nguyên, Một tình cảm giữa người với người, giữa thiên nhiên và con người nơi đây...
    Hay lắm người viết truyên!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn cô giáo đã động viên chủ nhà.
      Ngày đầu năm mới đi dạy, H.C chúc cô giáo được đồng nghiệp yêu thương, học trò kính trọng, mọi việc như ý!

      Xóa

NHẬN XÉT MỚI