Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

MA RỪNG truyện ngắn của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 154 THÁNG 5 NĂM 2005






Con đường ngoằn ngèo đưa hai đứa hết lên dốc, xuống đèo, lại lên dốc xiên qua cánh đồng trồng điều xanh ngắt trãi dài đến tận chân núi cao. Ông mặt trời đỏ hồng như trái dâu da đất chín mọng, lười nhác leo lên đỉnh núi Krông Jin rãi những tia nắng vàng xuống mặt đất. Lũ bươm bướm đủ màu sắc bay lượn kín cả đường đi; chúng đông đến nỗi Quí cứ tưởng giơ tay ra có thể bắt được cả nắm.
          -Y Ví ơi! Bướm ở đâu ra nhiều thế?
- Bướm ở trong rừng già đấy. Cứ đến mùa hoa cà phê nở chúng kéo nhau bay kín cả trời đất. Chúng không bay thẳng như chim hay chuồn chuồn đâu nhé, mà bay theo đường gần giống hình sin ấy.
          Ừ đúng thật, đàn bướm rủ nhau bay như múa, cứ lên xuống, lên xuống hoài, tạo cho ta cảm giác vui vui khi nhìn chúng giống như những mảnh vải mới nhiều màu sắc được nhà ảo thuật tài ba biểu diễn.
- Loài bướm này lạ nhỉ? Nó bay giống y như đi theo con đường từ nhà cậu ra rẫy vậy. Cứ đỉnh đồi, xuống yên ngựa lại lên đỉnh đồi. Tại sao không đi men chân đồi cho đỡ dốc?
Y Ví ôm bụng cười ngặt nghẽo, thiếu chút xíu nữa té, mặt đỏ bừng. Quí nhìn bạn càng ngạc nhiên hơn, nói thêm:
Cậu cười cái gì? Nhìn xuống chân đồi xem, nếu ta đi theo ven đồi làm gì phải lên lên, xuống xuống hoài thế này.
-Ông cụ đồng bằng ơi! Đi men chân đồi không phải leo đèo, xuống dốc ư? Ai san đường, cuốc núi, lấp khe, xây cầu cho ta đi hở? Nhìn dễ vậy đó nhưng đi men theo chân đồi có khi xa gấp ba bốn lần đường đi thế này đấy. Không phải ngẫu nhiên người ta chọn đường qua yên ngựa, lên đỉnh đồi rồi lại xuống yên ngựa đâu. Đường này dốc nhiều nhưng không phải qua bất cứ con khe, ngọn suối nào cả nên mùa mưa, xe trâu, máy cày đều có thể chạy được, không cần làm đường. Còn đi dưới chân đồi thì...
-   Ừ nhỉ, thế mà mình không nghĩ ra. Thảo nào các con đường ở đây toàn đi qua đỉnh đồi, may mà đồi không cao. Rẫy nhà bạn ở đâu?
-   Gần đến rồi, chỗ xanh xanh sát chân núi kia kìa.
-                        Theo tay Y Ví chỉ về phía xa xa, sát chân núi cao có đám lá xanh non của đậu đang lung linh dưới ánh nắng ban mai. Lần đầu tiên được bố mẹ cho theo Y Ví lên rẫy thấy cái gì cũng lạ, cũng thích; bầu trời như rộng hơn, cao hơn và xanh hơn. Không khí có mùi thơm của các loài hoa lá quyện vào nhau tạo cho ta cảm giác sảng khoái và nhất là tầm mắt được vươn xa hơn, không bị vướng víu chật chội. Ở thành phố, nhìn đâu cũng nhà cao tầng, ngẩng mặt nhìn chỉ thấy một khoảng trời con con được quây bằng những lan can và nóc nhà. May mẹ chuyển công tác, theo ba lên Tây Nguyên Quí mới thoát cảnh tù túng suốt ngày nhốt mình trong căn phòng sau giờ đến trường. Lúc nào cũng học, người như chiếc cây cớm nắng, xanh dãi. Còn bây giờ được tắm mình trong không khí Tây Nguyên trong lành, chạy nhảy khắp nơi và nhất là được bạn bè cùng lớp ưu ái đặt cho biệt danh "Tướng thành phố" vì cái gì cũng lạ, cái gì cũng không biết, thậm chí đến hoa, lá, quả trong rừng nhầm lẫn lung tung không biết thứ nào ăn được, thứ nào không.
Sáng nay Quí dậy thật sớm, đạp xe đến nhà Y Ví, theo bạn lên rẫy. Ngôi nhà sàn có lẽ phải dài tới hơn ba phòng học ghép lại giành phần lớn làm phòng khách; còn lại được ngăn thành từng ngăn nhỏ theo gian, mỗi gian có một bếp riêng. Bữa sáng mọi người ngồi quây quần bên bếp ăn cơm, bữa ăn chính vì ăn xong đi làm đến chiều tối mới quay về; bữa trưa được ăn tại rẫy. Điều lạ đối với Quí qua bữa cơm sáng nay là mọi người không kể chủ khách tất cả thức ăn đều chia đều vào các chén cho mọi người; Thức ăn có bao nhiêu món là mỗi người đều có  từng ấy chén để trước mặt; Không ai ăn chung đĩa, chén với ai ngoài nồi cơm. Hay thật! Ăn xong lấy ống bầu đựng nước đổ ra rửa tay ngay bên cửa sổ, chứ không cần đi lại. Vừa ăn Y Ví vừa tranh thủ dặn: cầu thang đi vào phòng khách bắc ngay đầu hồi nhà, ai lên hoặc xuống cũng được, còn cầu thang cuối nhà khách không được đi, nếu lên hoặc xuống nhà bằng cầu thang này người già giận đấy! Những điều mới mẻ, lạ lẫm ấy khác xa nơi thành phố Quí ở.
-   Mỏi cái chân rồi à?
-   Chưa đâu mình còn dư sức leo lên đỉnh núi Krông Jin đấy.
-   Quí phải nhanh cái chân lên, A Xâu còn chờ kìa.
A Xâu - tiếng người Ê Đê gọi chó. Đôi chó nhà Y Ví đi theo hôm nay một con vện tua cau, một con đen tuyền, loài chó cỏ, nhìn không có gì khác lạ so với đồng bọn nuôi trong buôn, ấy là chưa kể so với những con Bẹc giê nuôi ở thành phố, chúng chỉ bé tí thôi; nhưng tuy nhỏ vậy, nó lại nổi tiếng vì tài săn đuổi thú rừng. Bầy chó năm con leo trèo cầu thang như làm xiếc, chủ gọi con nào con ấy đi, con nào không được gọi đứng trên sàn nhà nhìn theo kêu nho nhỏ trong cổ họng, có vẻ ấm ức lắm, mắt thèm thuồng ra vẻ ganh tị với những con được đi theo chủ đang đủng đỉnh rảo bước đi trước.
Đôi chó săn có lẽ được huấn luyện kỹ, cứ một mạch thẳng bước, không tạt ngang hay nô đùa đuổi bắt đàn bướm chập chờn trước mặt. Lâu lâu chúng lại quay đầu nhìn chủ như chế giễu: Sao chậm thế! Đám rẫy nhà Y Ví chắc phải rộng hơn héc ta trồng đậu đen xen bắp, xanh mơn mởn nhìn mát cả mắt.
-   Khu rẫy này nhà nước mới cấp thêm cho dân buôn mình đấy. Bên này của nhà mí H' Nhất, phía bên kia của nhà mí H' Bông, đám phía dưới của mí H'Jua.
-    Tại sao toàn rẫy nhà Amí cả thế này, thế buôn mình không có đàn ông à?
-   Ông ngốc ơi, người Ê Đê theo chế độ mẫu hệ, đàn bà làm chủ gia đình nên tài sản đều đứng tên họ chứ không như người kinh đâu.
-   Vậy à ?
-   Ừ, như mình đây cũng mang họ mẹ đấy.
            Nhìn dáng người vạm vỡ, rắn chắc, khuôn mặt rất đàn ông của Y Ví, Quí thấy thèm quá, giá mình được sức khoẻ như bạn .
-   Đi thăm rẫy sao không lội vào giữa rẫy xem mà lại đi xung quanh bờ thế này?
-   Cậu không biết vì sao thật à?
-   À, mình biết rồi, cậu sợ đi vào giữa rẫy giẫm gãy đậu chứ gì?
-   Sai bét! Rẫy nhà mình tiếp giáp với rừng, hay bị các loài thú xuống phá phách. Vì thế phải đi xung quanh mới biết được thú có đến phá không. Nếu có, chúng đi từ đâu tới biết mà đuổi đi chứ. Đây cậu nhìn này.
            Theo tay Y Ví chỉ, một vạt đậu bị ăn sạch lá còn trơ ra toàn cộng đứng run rẩy mỗi khi có gió lùa qua. Trên mặt đất dấu chân in rõ hình móng guốc như móng chân bê con.
-   Ai thả bê vào phá rẫy nhà mình thế này?
-   Không phải bê đâu, con mang đấy. Ngoài bắc gọi nó là con hoẵng, to chỉ bằng con bê con nhưng chạy nhanh lắm. Điểm khác  biệt lớn nhất của con mang với con bê chính là chiếc đuôi. Đuôi của nó chỉ ngắn chút xíu bằng nửa gang tay thôi, chứ không dài như đuôi bò. Con này mới ăn ở đây tối qua, có cả đôi đấy. Nhìn dấu chân đây này.
            Đúng thật, quan sát kỹ thấy hai dấu chân to nhỏ khác nhau, có con móng dài, con móng tròn. Hất mái tóc xoắn tít rủ xuống trán, Y Ví nói tiếp :
-   Quí đứng đây, chờ mình đi khoảng mười phút mới được xua chó theo dấu chân mang vào rừng. Sau đó cậu vừa đi vừa hô: Huầy, huầy! Men theo mép rẫy đến bên kia có đường xe ben chở gỗ, theo đó đi vòng lên sẽ gặp mình phục chỗ gốc cây đa to phía kia dọa cho nó sợ để lần sau không dám xuống nữa. Nhớ hô to để mang nó sợ chạy về phía mình nhé.
-   Yên tâm, việc hò hét chắc chắn tớ làm tốt. Cậu đi đi.
Nhìn Y Ví hăm hở khuất sau đường rẽ, Quí thấy vui vui. Lần đầu tiên đi làm nhiệm vụ đặc biệt, được chỉ huy hai chú lính cẩu, oai thật! Hai con chó ngồi xổm mắt chăm chăm nhìn như đợi lệnh. Cầm cây xà gạc Quí dứ dứ thử, nếu con mang nhìn thấy mình thế này chắc là sợ chết khiếp rồi. Chiếc đồng hồ điện tử đeo trên tay lười nhác, chậm chạp bước từng bước kéo kim giây như dính chặt vào một chỗ. Cuối cùng nó cũng lôi kim phút đến chỗ đã định.
-   Nào, tiến lên! Huầy! Huầy!
Hai con chó chỉ chờ có vậy theo nhau lau vút vào rừng bám theo vết chân con mang đã đi. Quí chạy men theo rìa rẫy đến con đường xe chở gỗ. Con đường rộng hơn ba mét thoáng đãng, dốc thoai thoải.
-Gâu! Gâu! Gâu! . . .
Tiếng chó sủa rộ lên làm Quí thêm phấn chấn, vừa hò hét vừa lăm lăm cây xà gạc phòng thủ. Chắc con mang chạy lẩn quẩn trong rừng nên tiếng chó lúc gần, lúc xa, rồi lại gần hơn.
-   Lộc cộc! Lộc côc! Lộc cộc!
Bỗng nhiên có tiếng động như tiếng vó ngựa chạy trên đường nhựa cứ đều đều gõ nhịp, mỗi lúc một rõ dần. Tại sao giữa rừng lại có tiếng xe ngựa chạy? Hè năm trước được ba mẹ cho lên Đà Lạt nghỉ mát, buổi tối thuê xe ngựa chạy xung quanh bờ hồ Xuân Hương ngắm cảnh. Tiếng chân ngựa gõ xuống đường nhựa giống y tiếng này. Chẳng lẽ có ma? Ngày nhỏ nghe bà ngoại kể chuyện trên rừng có nhiều loài ma lắm; ma cây đa, ma núi, ma suối và đặc biệt là ma lọ hay đi bắt hồn người, nhốt vào lọ... Mỗi lần di chuyển ma lọ lăn theo vết mòn tạo thành tiếng lộc cộc, lộc cộc. Thôi chết, ma thật rồi. Quí vội vàng bỏ chạy, phải chạy nhanh đến chỗ Y ví thôi. Nhưng càng chạy, tiếng lộc cộc càng gấp gáp đuổi sát phía sau, mỗi lúc một gần hơn.
-   Y Ví ơ . . .. i!
Thật may, khi tiếng lộc cộc đuổi gần sát đến người, Quí thấy Y Ví đứng giữa đường giơ tay múa may ra hiệu.
-   M . . . a! M. . .a!
-   Cậu nhìn lại đằng sau xem.
Quí ôm chầm lấy Y Ví, xuýt làm hai đứa ngã, thở không ra hơi; nghe lời bạn ngoái cổ nhìn lại phía sau lưng và chợt đỏ bừng mặt. Té ra tiếng lộc cộc phát ra đều đặn là do con nai đực nghe tiếng chó sủa giật mình bỏ chạy. Con nai to như con bò đực lớn màu xám đen, ức trắng, trên đầu có bộ sừng kềnh càng như hai cành  cây lớn cong vút về phía sau. Con nai chạy theo đường kéo gỗ sát đến chỗ hai đứa đứng mới giật mình đứng sững lại trước khi rẽ ngang lao vút vào rừng. Phía sau, đôi mang chạy nối đuôi nhau, mỗi bước nhảy phải cách xa đến bốn năm mét, khi Y Ví xô Quí ra, đôi mang cũng khuất vào rừng.
-   Con trai gì nhát như thỏ đế vậy; lỡ mất dịp dọa cho chúng sợ rồi.
-   M . . . ình, m . . . ình tưởng có ma lọ đuổi.
-   Ôi! Học lớp bảy rồi còn tin có ma à? Xấu quá!
Dừng một chút Y Ví nói thêm:
-   Đôi mang này chắc sợ khiếp vía không dám bén mảng về đây nữa đâu. Gọi chó về thôi.
Quí ngượng chín người, tự trách mình sao lại hèn thế.
- Thôi ta đi chặt cây lấp mấy chỗ mang vào ăn đi. Cây xà gạc đâu ?
-   Thôi chết, mình, mình...
-   Ta quay lại tìm đi, chắc cậu làm rơi khi nghe tiếng nai chạy chứ gì?
-    Ừ!
-    Trong rừng làm gì có ma, chỉ có thú thôi. Khi gặp, phải bình tĩnh ứng phó với chúng chứ cứ chạy như vậy có hôm té què giò đó.
-   Mình nhớ rồi. Nhưng bạn đừng kể chuyện hôm nay với lớp nhé.
-Tại sao sợ bạn bè biết nhỉ? Có thể qua chuyện của Quí hôm nay sẽ giúp  các bạn trong lớp cảm thông hơn với “Ông tướng thành phố” và không ai còn sợ “ma” thế nữa.
            Nghe Y Ví nói, hai tai Quí lại đỏ bừng, khi hiểu ra mình vẫn sợ người khác biết về tật xấu của mình làm sao có thể sửa được. Mình vấp ngã đứng dậy và bảo người đi sau chỗ mình ngã, để không có người bị vấp giống mình nữa mới phải chứ. Điều đơn giản vậy mà không hiểu!.
-   Thôi, chuyện qua rồi, xem đó là bài học đầu tiên của người lần đầu vào rừng, đừng băn khoăn nữa.
-   Mình biết rồi!.
-         Xa xa mấy đôi chim công gọi nhau: Tố hộ! Tố hộ! Lay động cả góc rừng. Cả không gian như đẹp hơn lên dưới bầu trời xanh thăm thẳm, đong đầy  tiếng chim.


Mùa đông năm 2002

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẬN XÉT MỚI