Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

GHI CHÉP Ở BUÔN PUĂM A bút ký của HỒNG CHIẾN - CHƯ YANG SIN SỐ: 173+174 THÁNG 1&2 NĂM 2009




Tôi được cử về buôn Puăn A công tác. Đây là buôn kết nghĩa với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Có lẽ lần đầu một cán bộ toà soạn tạp chí được cử đi “nằm vùng” nên ai cũng quan tâm, lo lắng. Phó chủ tịch Hội, nghệ sỹ ưu tú Vũ Lân, yêu cầu bộ phận tài vụ chuẩn bị tiền bạc, các chế độ tốt nhất có thể ưu tiên cấp cho tôi và còn lưu ý thêm: phải cấp riêng tiền điện thoại di động để thường xuyên liên lạc về cơ quan. Anh Chính Hữu - Chánh văn phòng hội giao cho tôi một tập giấy tờ đã chuẩn bị sẵn và dặn: “Cố gắng hoàn thành nhiệm vụ nhé”. Còn chị Linh Nga - Chủ tịch Hội bắt tay thật chặt dặn thêm: “Về dưới đó có gì khó khăn tìm chị H’Ka - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea Phê nhờ chị ấy giúp đỡ. Ở buôn kết nghĩa có hai học trò cơ quan ta đỡ đầu, Hồng Chiến phải tìm gặp xem tình hình các em hiện nay thế nào!”.
Xe rời Buôn Ma Thuột rồi mà lòng tôi còn lâng lâng trước sự chu đáo của mọi người. Đường từ thành phố về xã Ea Phê, huyện Krông Pak chỉ độ 38 km. Ủy ban nhân dân xã đóng gần quốc lộ 26A có khuôn viên tương đối rộng rãi, thoáng mát, tọa lạc trên đó là căn nhà làm viêïc hai tầng được thiết kế khá đẹp. Tiếp tôi tại Ủy ban xã lại chính là chị H’Ka mà chị Linh Nga đã dặn. Thoáng nhìn bề ngoài, chị H’Ka có dáng giống một cầu thủ bóng chuyền: to, cao, mạnh mẽ, có lẽ là người trực tính và quyết đoán. Sau khi xem giấy tờ, chị H’Ka hỏi thăm sức khỏe chị Linh Nga và các anh chị trên văn phòng Hội vì lâu ngày chưa gặp. Biết tôi lần đầu đi công tác phong trào chị dặn dò khá chu đáo các công việc cần lưu ý khi về vận động quần chúng tại buôn. Ngoài cửa, mấy người thập thò chờ đến lượt được tiếp. Chị mời tôi uống nước và đợi buôn trưởng đưa về. Qua trao đổi, tôi thấy có cảm tình với người nữ cán bộ địa phương tận tình, chu đáo và dễ gần, khác với vẻ bề ngoài trông rất nghiêm khắc. Trước khi xuống đây công tác, tôi cứ tưởng người phụ nữ Êđê làm đội trưởng công tác nổi tiếng trong thời kỳ mới giải phóng là con người khô khan, sắt đá. Gặp và làm việc mới thấy chị là người rất chu đáo, cẩn thận trong công việc. Có những người cán bộ năng nổ như thế này thì địa phương không thể không xây dựng và giữ được danh hiệu điển hình tiên tiến nhiều năm liên tục của xã Ea Phê. 
Uống chưa xong ly nước đã có người đàn ông tuổi trên năm chục bước vào phòng. Chị H’Ka đứng dậy giới thiệu: “Đây là anh Y Tó - buôn trưởng buôn Puăn A, còn đây là anh Hồng Chiến ở chỗ chị Linh Nga được cử về buôn ta công tác. Anh đưa về buôn bố trí chỗ ở cho anh ấy nhé”. Sau cái bắt tay thân mật tạm biệt chị Phó Chủ tịch, tôi đi theo ông Y Tó.
Nếu tính từ quốc lộ 26A vào nhà buôn trưởng chỉ độ hơn một km, nhưng rất khó đi vì xe ô tô, máy cày chạy quá nhiều, mặt đường toàn “ổ trâu”. Căn nhà buôn trưởng gồm ba gian, mái lợp tôn, thưng ván xung quanh, nền láng xi măng bóng lộn. Giữa nhà kê bộ xa lông thẻ trang nhã, được chạm trổ tinh vi, góc nhà để chiếc ti vi màn hình phẳng màu đen. Buôn trưởng lấy phích pha trà, mùi trà Bắc Thái thơm ngào ngạt chứng tỏ chủ nhà là người sành uống trà. Vừa trò chuyện, vừa quan sát xung quanh, tôi bị bất ngờ trước những gì được thấy.
 Theo như cách trang trí trong nhà và cả cách quy hoạch vườn, ao, tôi đoán chắc kinh tế gia đình cũng phải khá lắm. Trước đây tôi chỉ nghe đến xã Ea Phê là một xã điển hình tiên tiến không chỉ của huyện, của tỉnh mà còn của cả nước mà vẫn không hình dung ra nó như thế nào. Nay được đếùn một buôn, quan sát xung quanh tôi giâït mình nhận ra nét rất quen của các làng quê miền Bắc. Những nhà xung quanh được thiết kế vườn khá giống nhau: bên nhà là vườn cây ăn trái xen cà phê, xa hơn một chút là ruộng rau xanh mượt mà. Trước đây khi chưa về công tác tại toà soạn, tôi cũng thường la cà xuống các buôn người dân tộc bản địa sinh sống, họ có nét chung: sống rất đoàn kết. Những ngôi nhà sàn dài hàng chục gian được làm sát gần nhau, nhà này cách nhà kia chỉ độ ba bốn mét là cùng, cây cối được dọn sạch sẽ, quang đãng, đứng dưới gầm nhà sàn có thể quan sát được hếât toàn bộ các nhà trong buôn; còn ở đây thật khác, nét khác của buôn là nhà cửa được bao bọc xung quanh bằng những mảnh vườn tươi tốt. Nhà sàn xen lẫn nhà trệt xây theo kiểu Thái Lan thấp thoáng sau những vườn cây. Ngồi trao đổi công việc với buôn trưởng một lúc, tôi xin được đến nhà H’Vêra, cô gái vừa học xong lớp 12 và có tham gia trại sáng tác văn học dành cho thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số hè vừa qua.
Ngôi nhà ngói hai gian, năm phòng xây theo kiểu Thái khá bắt mắt. Giữa phòng khách kê bộ xa lông nệm bọc da, trong tủ kê sát tường là một dàn karaôkê hiện đại. Tiếp chúng tôi, người đàn ông trung niên đậm người, tuy không cao lắm nhưng trông có vẻ lanh lợi, hoạt bát, khuôn mặt cương nghị và đặc biệt có cặp mắt rất thông minh. Nghe ông buôn trưởng giới thiệu, chủ nhà xiết tay tôi thật chặt và nói: “Anh ở chỗ chị Linh Nga à! Chị ấy có khỏe không? Nhân dân mong chị về thăm lắm đấy”. Quay ra cửa sổ, anh gọi cô con gái vào pha nước. Cô con gái đậm người rất giống bố, bước vào cửa, tôi nhận ngay ra cô bé H’Vêra. Có lẽ H’Vêra cũng bất ngờ khi thấy tôi xuất hiện trong nhà mình, nên tròn mắt nhìn trước khi cất tiếng chào. Amí H’Vêra người hơi gầy rất giống cô gái người Kinh, nếu không được giới thiệu trước ta có thể nhầm chị với một cô thôn nữ vùng quê miền Trung. Chị mang két bia Sài Gòn trắng đặt bên bộ xa lông và đĩa thịt heo nướng lên bàn nói: “Mấy khi anh về thăm, mời ba anh em lai rai cho vui”.
Tôi thật bất ngờ trước cách tiếp đón của gia đình. Về một buôn người Êđê được chứng kiến vườn, nhà, tiện nghi sinh hoạt và cả phong cách sống như người thành thị, không ngạc nhiên sao được. Cuộc sống mới mà Đảng và Nhà nước mang lại làm đổi thay vùng đất Tây Nguyên giàu đẹp này. Sự thay đổi ấy diễn ra trong từng ngôi nhà, từng con người, từng phong cách sống, giao tiếp. Ba anh em vừa lai rai vừa tâm sự. Qua câu chuyện, tôi biết anh chủ nhà tên Y Tâm, quê tận  thành phố Buôn Ma Thuột “bị” vợ bắt về đây. Cuộc sống khi hai người mới lấy nhau vô cùng cơ cực. Vùng đất trù phú ngày nay, xưa kia là những cánh rừng nối tiếp nhau chạy dài đến hết cả tầm mắt. Sau giải phóng đồng bào lập hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng cuộc sống mới, biến mảnh đất hoang vu thành mảnh đất thanh bình đầm ấm, cuộc sống ngày một ấm no, hạnh phúc. Thật khó tin một hộ gia đình người dân tộc bản địa, không những đủ ăn, có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt hiện đại, mà sáu đứa con đều được học hành tử tế. Cô gái đầu có cái tên rất đẹp H’HaNa đang học năm thứ ba tại trường đại học Đà Lạt, cô thứ hai H’Vêra học xong lớp mười hai dứt khoát ở nhà ôn thêm năm nữa để thi vào đại học, chứ nhất định không đi học trung cấp; cậu thứ ba Y Za Nai học lớp mười một và cô thứ tư - H’Biểu học lớp mười, tại Trường nội trú Ama Trang Lơng, cô thứ năm H’Nhai học lớp chín và cậu út Y Thiêu học lớp tám gần nhà. Đoán được sự băn khoăn của tôi trước cuộc sống có phần sung túc của gia đình, Y Tâm cho biết thêm: “Mình từng làm cán bộ Công ty Bông Đắk Lắk, vận động nhân dân trong vùng trồng bông, góp phần giúp nhiều hộ gia đình nâng cao thu nhập, phá thế độc canh trước đây chỉ trông chờ vào ba cây trồng chính là lúa, bắp và cà phê. Còn bây giờ cây nông nghiệp được trồng đa dạng, nhiều loại giống mới được nhân dân đưa vào trồng, có năng suất cao góp phần làm giàu cho người dân trong vùng. Sắp tới đập Krông Buk Hạ hoàn thành, nhiều cánh đồng lúa trước đây chỉ trồng một vụ sẽ được thâm canh tăng lên hai, ba vụ, thu nhập của nhân dân trong vùng được nâng cao hơn nữa. Do kinh tế phát triển, người dân giàu lên, nhu cầu mua sắm cũng tăng cao nên ngày nay nhiều hộ bung ra mở tiệm buôn bán, phục vụ nhu cầu bà con không chỉ ở trong buôn mà vươn ra cả các vùng lân cận”.
Trời về chiều, tiếng công nông nối nhau gầm rú chở bắp, chở cà phê vừa thu hoạch về buôn. Nhà nào vào thời điểm này cũng thấy để trước sân từng đống bắp cao như núi, mảnh sân trước nhà rải kín cà phê. Nhìn từng đoàn xe tấp nập chạy về, trên xe chất đầy các bao tải vừa thu hoạch; ngồi vắt vẻo trên đống bao bì đó là những người với khuôn mặt rạng rỡ, miệng nở nụ cười tươi, lòng tôi cảm thấy vui vui vì biết đó là dấu hiệu của một vụ mùa bội thu. Đời sống đã thực sự thay đổi trước ngưỡng cửa của một năm mới sắp về.
Giờ đây cuộc sống của đa số người dân buôn Puăn A không những đủ ăn, có của để dành, xây dựng được những ngôi nhà khang trang, mà nhiều hộ đã trở nên giàu có. Nhiều nhà không những sắm đầy đủ tiện nghi phục vụ sinh hoạt gia đình, còn mua được máy móc phục vụ sản xuất, tăng năng suất lao động. Theo Y Tâm, cái quan trọng nhất để nâng cao mức sống cho bà con dân tộc nơi đây là tạo điều kiện và chỉ cho người dân biết cách làm giàu, chứ không phải cầm tay dắt người ta theo đi làm giàu, cho người ta tiền để người ta giàu. Ý tưởng như một triết lý ngẫm ra lại đúng. Người dân áp dụng khoa học để phát triển nền sản xuất hàng hóa, xoá đi nền sản xuất tự cung, tự cấp. Cơ chế thị trường đã và đang trực tiếp tác động đến đời sống người dân nơi đây. Cái được lớn nhất là đời sống đa số hộ được cải thiện và nâng cao, con em được học hành, đời sống dân trí được mở mang; song bên cạnh đó cái mất cũng rất đáng quan tâm như nhiều thanh niên bây giờ chỉ thích uống rượu, hát kraôkê mà quên đi truyền thống dân tộc, thậm chí không biết cả cách đánh chiêng của dân tộc. Ông Y Tó buôn trưởng thở dài và nói thêm: “Anh về trên ấy đề nghị với chị Linh Nga cho người về dạy cho cánh thanh niên học đánh chiêng với, chiêng còn đấy nhưng bọn trẻ quên hết rồi”.
Nỗi trăn trở của buôn trưởng cũng đúng thôi, cồng chiêng Tây Nguyên cha ông bao đời để lại được cả thế giới công nhận là “Văn hoá phi vật thể, kiệt tác của nhân loại” vậy mà người dân bản địa lại quên, không biết đến thì quả là có lỗi. Nhưng khôi phục lại như thế nào thì một mình buôn trưởng với Hội Văn hóa nghệ thuật Đắk Lắk không thể làm nổi, mà phải có sự đồng bộ của các cấp chính quyền cũng như cơ quan chuyên môn mà trực tiếp phải là phòng Văn hóa thông tin huyện. Là người dân tộc Ê Đê, có trong tay cả bộ chiêng quý giá mà không biết sử dụng thì đáng tiếc lắm thay. Thiết tưởng các cơ quan lãnh đạo văn hoá địa phương cần suy nghĩ nghiêm túc vấn đề này.
Cái may cho phong trào ở đây, cán bộ địa phương còn muốn giữ lại truyền thống văn hoá dân tộc, còn trăn trở với bản sắc dân tộc đang ngày môït mai một mà tìm cách khôi phục lại. Với tấm lòng vì dân, vì phong trào như thế, tôi tin một ngày không xa các buôn người dân tộc bản địa Tây Nguyên nói chung và buôn Puăn A nói riêng không chỉ nhà cửa khang trang, tiện nghi sinh hoạt trong gia đình hiện đại, mà sẽ còn rộn rã tiếng chiêng trong những ngày lễ hội truyền thống.

Tháng 10 năm 2006

2 nhận xét:

  1. Ôi, bây giờ bài nào của HC cũng có ảnh minh họa, sinh động quá ! Mà ảnh đẹp đấy chứ, HC chụp hay là ai chụp thế ? blog ngày càng phong phú, hấp dẫn đấy ! :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Soc Nâu lại động viên H.C rồi.
      Anhcuar chủ nhà cũng có mà anh em phóng viên gửi tới cũng có, góp vào cho sinh động.
      Lâu không tháy bạn tưởng cả nhà Soc Nâu đi Ngủ đông rồi!

      Xóa

NHẬN XÉT MỚI